Thứ Ba, 17 tháng 1, 2017

Tình yêu vượt lên trên tất cả



Tô bún của "mẹ" - Câu chuyện về bà giáo về hưu và anh bán vé số không tay ở Sài Gòn

Tô bún của "mẹ" - Câu chuyện về bà giáo về hưu và anh bán vé số không tay ở Sài Gòn


Anh Thanh và cô Tuyết chẳng phải là họ hàng ruột thịt gì với nhau, cũng chẳng phải hàng xóm láng giềng thân thiết. Thế nhưng đã hơn 1 năm nay, cứ khi nào đói lòng anh Thanh lại đến chỗ cô Tuyết để được cô đút cho từng miếng ăn. Và cũng không biết từ lúc nào anh đã quen gọi cô là mẹ.

Vài ngày trước trên mạng xã hội xuất hiện một bức ảnh ghi lại khoảnh khắc cô chủ quán tận tình đút từng miếng bún cho anh chàng bán vé số bị cụt 2 tay ở Sài Gòn.Bức ảnh đầy cảm xúc nhanh chóng nhận được sự đồng cảm của cộng đồng mạng và sự quan tâm của xã hội.Qua lời kể của nhiều người dân, chúng tôi biết được thông tin là hằng ngày anh bán vé số cụt tay thường đi bán tại các khu chợ ở Sài Gòn. Và thi thoảng lại ghé đến quán của cô Tuyết bún bò ở chợ Bàn Cờ (quận 3) để được cô chăm cho từng miếng ăn.
Tô bún của mẹ - Câu chuyện về bà giáo về hưu và anh bán vé số không tay ở Sài Gòn - Ảnh 1.
Bức ảnh cảm động nhận được nhiều sự chú ý trong thời gian qua trên mạng xã hội.
Tô bún của "mẹ"




Chúng tôi ghé chợ Bàn Cờ khi mọi người đã bắt đầu dọn dẹp cửa hàng để về nhà sau một ngày dài buôn bán.Qua hỏi thăm tôi tìm đến quán bún bò cô Tuyết. Đón chúng tôi là một người phụ nữ phúc hậu với mái tóc đã bạc đi nhiều và nụ cười thật hật niềm nở.Cô Tuyết bún bò là cái tên thân thương mà người trong chợ Bàn Cờ vẫn thường gọi cô Lê Thị Cúc (60 tuổi, TP.HCM). Năm 1975, sau khi đất nước giải phóng, cô Tuyết về khu vực Nhà Bè để làm giáo viên cho một trường tiểu học trên địa bàn.Một thời gian sau, vì nhiều lý do cô không làm nghề giáo nữa mà chuyển sang kinh doanh đồ ăn trong chợ Bàn Cờ. 

        Thấm thoát thế mà cũng đã gần 20 năm kể từ ngày cô rời xa bục giảng. Khi được hỏi về anh bán vé số, cô Tuyết kể về anh một cách say sưa, cứ như đang nói về một điều gì đó rất đỗi thân thương. Anh bán vé số tên là Nguyễn Đức Thanh (SN 1986) quê ở Bình Định, cô Tuyết gặp anh lần đầu cách đây hơn 1 năm trước."Lúc gặp Thanh cô thấy thương quá nên đến hỏi thăm. Rồi nó mới kể là bị tai nạn lao động nên mất đi hai cánh tay. Cô hỏi vậy rồi ăn uống làm sao? Thì em nó mới trả lời là nhờ mọi người đút, ai hiểu người ta thương thì đút, còn không thì chịu khó nhịn đói. Nên từ đó cô dặn Thanh nếu đói thì cứ đến hàng của cô" - cô Tuyết thật tình kể lại. Kể từ đó cứ mỗi khi ghé qua chợ Bàn Cờ để bán vé số thì anh Thanh lại đến quán bún bò của cô Tuyết để được cô đút cho ăn.Ban đầu anh Thanh trả tiền bún cô Tuyết không nhận, nhưng về sau sợ anh ngại không đến nữa, nên cô nhận của anh 1 tờ vé số để anh vui.

Cô Tuyết cười tươi tâm sự: "Cô thì không dám hỏi nhiều về hoàn cảnh của Thanh vì sự nó buồn. Nhưng thằng nhỏ lại được cái là rất lạc quan.Đến chợ là hay ghẹo người này, ghẹo người kia cho họ cười. Cô thấy vậy cũng vui lây. Thế mà cũng hơn 1 năm rồi, giờ Thanh gọi cô là mẹ đó, thấy thương ghê không!".
            Chúng tôi đang trò chuyện với cô Tuyết một lát sau thì thấy anh Thanh ghé đến. Anh chàng hơi bỡ ngỡ nhưng lại nhanh chóng nở một nụ cười thật tươi chào mọi người.Kể về hoàn cảnh của mình, anh Thanh cho biết: "Cách đây 10 năm, lúc tôi còn làm thợ hồ ở Bình Định, trong một lần kéo những thanh sắt lên tầng cao thì bị chạm mạch điện dẫn đến tai nạn nghiêm trọng.Sau khi được mọi người đưa vào bệnh viện Quy Nhơn thì bác sĩ cho biết không thể giữ lại hai cánh tay..."
          Thời điểm đó anh Thanh dường như rơi vào tuyệt vọng, thế mà người con gái anh yêu từ thời thanh mai trúc mã cũng rời xa anh vì không muốn phải chịu khổ.Anh cười nhẹ: "Thật ra anh chưa bao giờ oán trách cô ấy. Bởi vì nếu ở bên anh thì cô ấy sẽ không có tương lai".Mất đi hai cánh tay, anh Thanh cảm giác như mình đã mất đi tất cả, cũng nhiều lần anh muốn tìm đến cái chết nhưng gia đình luôn ở bên động viên giúp anh bình tĩnh hơn.Sau một thời gian nằm ở nhà không làm được gì ra tiền, anh Thanh cảm nhận rằng mình đang trở thành gánh nặng cho cha mẹ."Đàn ông con trai mà không tự nuôi sống được mình , lớn rồi mà còn làm khổ cha mẹ thì còn ra gì nữa. Anh cảm thấy rất khó chịu nên quyết định lên Sài Gòn tìm kế mưu sinh".

         Hai năm trước anh Thanh rời quê nhà lên Sài Gòn bán vé số. Anh mướn một căn nhà trọ ở quận Bình Thạnh, rồi mỗi ngày bắt xe bus đi bán ở những khu chợ trong thành phố.Bất cứ nơi đâu, xa hay gần anh cũng đều cố gắng bởi hơn ai hết anh biết rằng nếu mình không nỗ lực thì sẽ lại làm khổ gia đình.Sống một mình giữa đất thành thị, lại không có đôi bàn tay, làm việc gì cũng khó. Thế nhưng anh Thanh may mắn gặp được nhiều người tốt sẵn sàng giúp đỡ anh trong một số sinh hoạt hằng ngày.
         Nói về cô Tuyết, anh trìu mến nói: "Không biết từ khi nào anh luôn xem cô như là mẹ của mình. Có thể là vì có rất nhiều người đối tốt với anh nhưng cô là người tận tâm nhất. Cũng có thể là vì sống xa mẹ lâu nên anh luôn muốn được gọi cô là mẹ để vơi đi nỗi nhớ"."Cũng nhiều lúc cô đơn, buồn tủi muốn trở về quê, nhưng nghĩ lại nếu trở về lại làm gánh nặng cho cha mẹ, thế nên anh vẫn phải cố gắng từng ngày ở nơi đây" - giọng anh Thanh buồn hẳn.
       Tương lai phía trước là vô định, đi được đến đâu thì cố gắng đến đó. Ở ngoài kia, Sài Gòn xô bồ và bon chen lắm! Thôi thì khi nào chùn gối mỏi chân thì anh cứ quay về đây, vì nơi này luôn có "mẹ".

Theo Kenh14/TTVN
Tình yêu chân thật thì không nhiều lời cũng không vụ lợi, tình yêu bao la như biển khơi, không trách móc cũng không so bì hay lên án. Tình yêu chính đáng vượt lên những luật lệ, những rào cản mà người khác dùng để bắt bẻ đối phương. Tình yêu Chúa Giê su đã dạy là thế đó. Muốn hiểu sâu xa hơn xin mời Bạn cùng đọc đoạn Tin Mừng sau đây :

Thứ ba 17/1/2017 - Tuần 2 TN
PHÚC ÂM: Mc 2, 23-28

"Ngày Sabbat làm ra vì loài người, chứ không phải loài người vì ngày Sabbat".

Vào một ngày Sabbat, Chúa Giêsu đi qua đồng lúa, môn đệ Người vừa đi vừa bứt lúa. Tức thì những người biệt phái thưa Người rằng: "Kìa Thầy xem. Tại sao ngày Sabbat người ta làm điều không được phép như vậy?" Người trả lời rằng: "Các ông chưa bao giờ đọc thấy điều mà Đavít đã làm khi ngài và các cận vệ phải túng cực và bị đói ư? Người đã vào nhà Chúa thời thượng tế Abiata thế nào, và đã ăn bánh dâng trên bàn thờ mà chỉ mình thượng tế được ăn, và đã cho cả các cận vệ cùng ăn thế nào?" Và Người bảo họ rằng: "Ngày Sabbat làm ra vì loài người, chứ không phải loài người vì ngày Sabbat; cho nên Con Người cũng làm chủ cả ngày Sabbat". 


Suy niệm :
Lại một lần nữa Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài vấp phải luật ngày Sabat. Nếu như các môn đệ bứt lúa vào ngày thường thì không có chuyện gì xảy ra. Theo luật Do Thái, người ta có thể tự do bứt bông lúa ngoài đồng, miễn là đừng đem lưỡi hái theo gặt là được. Nhưng khốn nỗi, các môn đệ Thầy Giêsu lại bứt bông lúa vào ngày Sabat. Theo luật của người Do Thái, việc làm được phân chia thành 39 đề mục khác nhau, trong đó 4 việc đầu là: Gặt, rê, sàng và nấu. Các môn đệ bứt lúa là hành động gặt, vò nát trong tay là hành động rê, thổi cho vỏ trấu bay là sàng, bỏ vào miệng nhai là nấu… Chúng ta cho là quá đáng, nhưng thực sự người Do Thái giải thích luật theo kiểu như vậy. Cho nên các môn đệ của Chúa Giêsu đã vi phạm tất cả các luật lệ đứng đầu. Ngày nay chúng ta thấy có vẻ kỳ cục, nhưng vào thời Chúa Giêsu, đây là vấn đề sinh tử, có thê bị kết án tử hình.

Chúa Giê su đã dùng kinh thánh để chứng mình rằng con người phải được đặt lên trên lề luật. Hay nói cách khác: lề luật được lập ra là vì con người.
Từ câu chuyện hôm nay tôi nhận thấy mình hãy có được thái độ tự do nội tâm. Dĩ nhiên tự do không phải là muốn làm gì thì làm, mà tự do là hành động theo chân lý của Chúa. Nghĩa là sống hoàn toàn thoải mái, vượt lên trên lề luật, miễn là đừng có gì nghịch lại với chân lý Chúa dạy.



Tâm tình :
Lạy Chúa không lề luật nào có thể ràng buộc con ngoài giới luật yêu thương của Chúa. Vì vậy khi con đã yêu mến Chúa hết lòng và yêu mến anh chị em hết sức thì con không còn phải lo sợ gì nữa.
Xin cho con đừng để cho lề luật quá đè nặng mình, nhưng biết sử dụng lề luật như phương thế giúp con nên trọn lành.
Xin cho con biết thông cảm với người khác khi thấy họ đi ra ngoài khuôn khổ của lề luật.
Xin cho con biết suy nghĩ chín chắn trước khi kết luận về một vấn đề gì, vì nhiều khi con chỉ thấy bên ngoài, còn sự việc bên trong con không được rõ.

Không có nhận xét nào: