Thứ Hai, 16 tháng 1, 2017

Sống tinh thần ăn chay thế nào ?


Kết quả hình ảnh cho tin mừng Mc 2, 18-22

 Chiếc Áo Rách

Một linh sư ấn giáo nọ rất hài lòng về sự tiến bộ của người đệ tử. Nhận thấy rằng người đệ tử không cần đến sự dìu dắt của ông nữa, cho nên ông mới bỏ mặc anh trong túp lều tranh rách nát bên cạnh một bờ sông. Một buổi sáng, khi thức dậy, người đệ tử xuống dòng sông thanh tẩy theo đúng nghi thức, rồi giặt chiếc áo rách rưới của mình. Ðây là tài sản duy nhất của anh ta.
          Ngày nọ, anh đau đớn vô cùng khi nhận ra chiếc áo phơi ở bờ sông đã bị chuột cắn tả tơi. Không còn cách nào nữa, người đệ tử đành phải vào làng gõ cửa để xin một chiếc áo khác. Cái áo lần nữa cũng bị chuột gặm nát. Anh mới xin được một con mèo. Lần này anh khỏi phải lo lắng về mấy con chuột nữa. Nhưng không xin áo mặc, thì người đệ tử cũng phải xin cơm, bánh mà thôi.
           Ngày ngày phải vác bị đi khất thực, người đệ tử cảm thấy mình như một thứ gánh nặng đối với dân làng. Nghĩ thế, cho nên anh mới tìm cách tậu cho bằng được một con bò để lấy vốn làm ăn. Nhưng có bò thì cũng phải có cỏ cho bò ăn. Những ngày đầu, anh còn tự mình cắt cỏ cho bò ăn. Về lâu về dài, nhận thấy không còn thì giờ cho sự cầu nguyện nữa, cho nên anh đành phải thuê người cắt cỏ cho bò. Bò càng ngày càng sinh sản ra nhiều, người cắt cỏ cũng phải gia tăng. Không mấy chốc, mảnh đất xung quanh túp lều của anh đã biến thành một nông trại. Con người đã một thời muốn bỏ đi tất cả mọi sự để trở thành một tu sĩ nay nghiễm nhiên trở thành một chủ nông trại giàu có. Có tiền, có mọi sự, cho nên anh cũng muốn có người chia sẻ công việc của anh. Anh đành phải cưới vợ. Và không mấy chốc, anh đã trở thành một trong những chủ nông trại giàu có nhất trong làng.
         Vài năm sau, khi có dịp trở lại thăm ngôi làng cũ, vị linh sư đã một thời dẫn dắt anh, ngạc nhiên vô cùng vì thay cho túp lều nghèo nàn bên bờ sông, nay là cả một cơ nghiệp đồ sộ. Dò hỏi được tung tích của người chủ nông trại, vị linh sư mới lên tiếng hỏi người đệ tử của mình: "Thế này nghĩa là gì hả con?". Người đệ tử mới trả lời: "Có lẽ thầy không tin. Nhưng tất cả cơ nghiệp này hiện hữu là cũng chỉ vì con đã không làm cách nào để giữ được chiếc áo rách".
        Vì chén cơm manh áo, người ta có thể đánh mất lý tưởng của mình. Vì chén cơm manh áo, người ta có thể chà đạp phẩm giá của mình cũng như của người khác. Vì chén cơm manh áo, người ta có thể chối bỏ niềm tin của mình. Ðó là mối hiểm nguy mà bất cứ ai cũng có thể rơi vào..
Câu chuyện trên đây nói đến việc ăn chay tu thân tích đức. Nếu không đi đúng đường sẽ lạc xa ngàn dặm. An chay đúng tinh thần của Chúa Giê su là ăn chay không chỉ bên ngoài cứ theo luật là đủ mà phải xét theo tinh thần tương thân tương ái. Xin mời Bạn cùng hiểu thêm qua đoạn Tin Mừng sau :
Thứ hai 16/01/2017 - Tuần 2 TN
PHÚC ÂM: Mc 2, 18-22
"Tân lang còn ở với họ".

Khi ấy, môn đồ của Gioan và các người biệt phái ăn chay, họ đến nói với Chúa Giêsu rằng: "Tại sao môn đồ của Gioan và các người biệt phái ăn chay, còn môn đồ Ngài lại không ăn chay?" Chúa Giêsu nói với họ: "Các khách dự tiệc cưới có thể ăn chay khi tân lang còn ở với họ không? Bao lâu tân lang còn ở với họ, thì họ không thể ăn chay được. Nhưng sẽ đến ngày tân lang bị đem đi, bấy giờ họ sẽ ăn chay. Không ai lấy vải mới mà vá áo cũ, chẳng vậy, miếng vải vá sẽ rút lại mà kéo áo cũ, và chỗ rách lại tệ hơn. Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, chẳng vậy, rượu sẽ làm vỡ bầu da, và rượu đổ, bầu da hư. Nhưng rượu mới phải để trong bầu da mới". 


Suy niệm :
Ăn chay là một trong những truyền thống đạo đức tốt đẹp của người Do Thái. Mỗi năm họ chỉ bắt buộc giữ chay vào ngày lễ Xá Tội, ngày toàn dân xưng tội để được Chúa thứ tha, ngày này thích hợp cho việc giữ chay. Nhưng có một số người đạo đức hơn, họ sẽ giữ chay hai ngày trong tuần, thứ Hai và thứ Năm.
           Người ta có thể ăn chay để từ chối những điều mình ưa thích, cho tâm hồn thanh thản hơn. Hoặc là để tự kiềm chế, để biết mình có thể làm chủ lấy mình chứ không để những thứ ưa thích làm chủ mình. Để chắc chăc rằng không gì mình yêu thích đến độ mình không thể từ bỏ chúng… Chúa Giêsu không chống đối việc ăn chay theo tinh thần đạo đức, ngược lại Ngài còn khuyên các môn đệ của mình phải ăn chay để có thể trừ quỷ.
         Điều rắc rối là có một số người ăn chay nhằm mục đích khoe khoang lối sống lập dị, khắc khổ. Họ muốn người ta chú ý về đời sống đạo đức của mình. Họ muốn người ta khâm phục ý chí mạnh mẽ của họ. Hơn thế nữa họ muốn cả Thiên Chúa phải nhìn đến “sự tan nát bên ngoài” của họ. Họ ăn chay mà mặt mày nhăn nhó, quần áo xốc xếch, vẻ mặt khổ não… Họ tưởng rằng chính những hành động phụ thêm đó sẽ làm cho Thiên Chúa động lòng...

         Rượu mới phải được đổ vào bầu da mới. Rượu mới trong Tin Mừng chính là Chúa Giêsu và Tin Mừng Người mang đến. Không ai có thể đón nhận Chúa Giêsu và sứ điệp của Người nếu người đó không có một tâm trí mới. Nói cách khác, Chúa Giêsu và Tin Mừng của Người chỉ có thể được đón nhận trong đức tin. Chúng ta không thể hiểu Chúa Giêsu trước rồi sau đó mới tin vào Chúa và Tin Mừng của Người. Chúng ta phải tin vào Chúa Giêsu trước để qua đó chúng ta có thể hiểu Chúa và Tin Mừng của Người.

          Làm sao chúng ta có thể hiểu được việc Chúa Giêsu nhấn mạnh sự phục vụ như là con đường đạt đến sự cao qúy đích thực, và chấp nhận lời mời gọi của Người là từ bỏ chính mình, vác thập giá mỗi ngày mà đi theo Người, nếu như chúng ta không tin tưởng vào Người? Như thánh Phao lô nói: điều con người xem là khờ dại lại là điều khôn ngoan đối với Thiên Chúa.


Tâm tình :
Lạy Chúa, những thực hành đạo đức chỉ có giá trị khi con thực sự tìm đến Chúa. Khi tìm đến Chúa con sẽ vui mừng vì được gặp gỡ Chúa, có mối tương quan thân tình với Chúa.
Xin cho con khi tìm đến Chúa đừng bắt người khác cũng đi theo con đường của mình, mỗi người một con đường, nhưng gặp gỡ nhau trong niềm vui huynh đệ. Amen

Không có nhận xét nào: