Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi hôm ấy đó chính là một đôi vợ chồng trẻ đang ngồi ăn chung một miếng bánh tráng không có thịt, không có tôm, không có một gia vị gì kèm theo. Họ chỉ ăn một miếng bánh “ba không” như thế để hy vọng có sức bán hết một đôi gánh bánh tráng cuốn khi cơn mưa vừa tạnh. Tôi cảm nhận nơi Anh Chị xa lạ này một sự chắt chiu, tiết kiệm, để có tiền nuôi sống gia đình. Khi cơn mưa vừa tạnh thì nhịp sống Sài Gòn trở nên sôi động, nhộn nhịp, dập dìu xe cộ, và dòng người tấp nập lưu thông. Thế nhưng, hình ảnh của đôi vợ chồng trẻ nghèo khổ này thử hỏi có mấy ai để ý tới?
Chưa hết, hình ảnh thứ hai mà tôi bắt gặp hôm ấy đó chính là một anh thanh niên đẩy xe đi bán bắp xào khu vực công viên 30-4. Cơn mưa vừa dứt hạt, anh đẩy xe ra khu vực công viên. Anh tranh thủ lót dạ với một tí bắp xào, để có sức bán tới khuya. Tôi thấy người thanh niên này to con, mập mạp và chân chất thật thà. Công việc kiếm kế sinh nhai của anh bình thường như thế đó. Anh đi bán bắp xào giữa biết bao dòng người qua lại. Chẳng mấy ai quan tâm đến nhau và chẳng mấy ai quan tâm đến anh thanh niên này. Chuyện gì xảy ra sau đó? Khi anh vừa bán được hai hộp bắp xào cho hai cô sinh viên thì mấy người công an trật tự đường phố bất ngờ xuất hiện. Anh đang vi phạm trật tự đường phố. Thế là, họ bắt anh phải dẫn xe nạp cho đội trật tự. Vậy đó, hôm nay anh chỉ bán được có hai hộp bắp xào. Tôi chạy xe ngang qua anh và lòng thầm nghĩ: Thật tội nghiệp cho anh… Rồi tôi cũng nghĩ tới cảnh đôi vợ chồng kia phải chạy vô tận sâu trong công viên để núp, vì sợ số phận cũng giống như người thanh niên đáng thương này.
Chúng ta rút ra được những bài học gì từ những hình ảnh và biến cố của đời thường?
Bạn thân mến, khi trở về nhà lòng tôi cứ luôn khắc khoải về những hình ảnh của những con người đáng thương ấy. Tôi cầu nguyện cho họ. Lúc này, động lực làm linh mục để giúp người nghèo khổ bỗng trở nên rất mạnh mẽ trong tôi. Không biết hôm ấy có mấy người để ý và cảm thông cho những số phận nghèo khổ vất vả như thế? Bởi vậy, một tác giả đã viết như sau: “Người ta thường để ý tới những ngày lễ hội, những ngày kỉ niệm, những biến cố quan trọng. Ít ai quan tâm đến đời thường. Thế nhưng đời thường mới làm nên cuộc sống. Đời thường mới quan trọng cho cuộc sống con người. Chẳng hạn như chúng ta ít quan tâm tới không khí. Nhưng không khí thật là quan trọng cho đời sống chúng ta… Chúng ta coi thường cơm tẻ. Nhưng thiếu cơm tẻ vài ngày, chúng ta không chịu nổi. Chúng ta ít chú ý tới các cha giáo dạy dỗ chúng ta. Nhưng thiếu các cha giáo, chủng viện này không tồn tại được. Chúng ta ít chú ý đến các chị bếp. Nhưng không có các chị, sinh hoạt chủng viện không trôi chảy được. Chúng ta ít ý thức sự quan phòng của Chúa. Nhưng một giây thôi nếu bàn tay Chúa không nâng đỡ, chúng ta sẽ trở thành tro bụi ngay”. Thật vậy, cuộc sống Sài Gòn đô thị hôm nay làm cho phần đông người ta ít để ý và quan tâm đến nhau. Họ sống sát vách nhau nhưng hoàn toàn như người xa lạ. Vậy thì, đó có phải là cung cách sống phù hợp với Tin Mừng Chúa dạy chúng ta?
Thứ ba 29 /09/ 2020
Các Tổng Lãnh Thiên Thần :
Michaen, Grabrien, Raphael
Lời Chúa : Ga 1,47-51
Đức Giê-su thấy ông Na-tha-na-en tiến về phía mình, liền nói về ông rằng: “Đây đích thật là một người Ít-ra-en, lòng dạ không có gì gian dối.” Ông Na-tha-na-en hỏi Người: “Làm sao Ngài lại biết tôi? ” Đức Giê-su trả lời: “Trước khi Phi-líp-phê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi.” Ông Na-tha-na-en nói: “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Ít-ra-en! ” Đức Giê-su đáp: “Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa.” Người lại nói: “Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người.”
Các tên gọi dành cho các vị Tổng Lãnh Thiên Thần chỉ là phẩm tính và sứ vụ được danh hoá mà thôi: Michael theo tiếng Hípri nghĩa là “Ai bằng Thiên Chúa”, Raphael có nghĩa là “Linh dược của Thiên Chúa” và Gabriel dịch là “Quyền năng của Thiên Chúa”; tương đương với ba sứ vụ của ba vị đại thần trong triều đình nhà vua là: Tổng thần, Y thần và Sứ thần.
*Nơi vị tổng thần Michael, chúng ta ghi nhận được sự khiêm tốn suy phục Thiên Chúa qua lời tuyên xưng “Ai bằng Thiên Chúa”, cùng với sự can đảm chống lại thế lực của Satan và sự dữ;
*Nơi Y thần Raphael, chúng ta tìm thấy sự săn sóc, phục vụ và an ủi tha nhân;
*Nơi Sứ thần Gabriel, chúng ta cùng mang trên mình sứ điệp đem Chúa đến cho mọi người.
Trước khi gặp Chúa, Nathanael vẫn mang trong mình cái biết và cái thành kiến của một xã hội đã nắn đúc lên trong tư tưởng ngài và không thể thoát ra được. Ngồi dưới gốc cây vả, ông vẫn tìm kiếm trong vô vọng về những gì dân Do-thái dựng nên trong đầu ông về một Đức Giêsu quyền lực và phải xuất thân ở một nơi danh giá, chứ không phải nơi một bác thợ mộc và quê nghèo Nazareth. Chính vì thế mà vừa nghe giới thiệu, ông phản kháng ngay: “Ở Nazareth nào có cái chi hay?” Tuy nhiên, ông vẫn dám bước ra khỏi cái thành kiến kia để đến gặp Chúa, và khi đã gặp Chúa rồi, ông đã tuyên xưng và được biến đổi trở nên người môn đệ. Chúng ta cũng thế, khi chưa gặp Chúa, chúng ta vẫn mang trong mình những thành kiến, những tư tưởng không tốt. Chúng ta chắc chắn sẽ hành động sai khi chúng ta thiếu đi sự cầu nguyện gặp gỡ xin Chúa soi sáng…
Tâm tình :
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết đến với Ngài để được gặp Ngài, nhờ đó chúng con được biến đổi nên trong sạch, xứng đáng được luôn ở bên Chúa và phụng sự Ngài như các thiên thần ngày đêm ca tụng Chúa trên trời. Amen
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét