Thứ Hai, 14 tháng 9, 2020

Hãy vác thập giá đời mình mà theo...


Ga 3,13-17: Chính Nơi Thập Giá, Thiên Chúa Nói Với Chúng Ta Mọi Sự | Học  viện Đa Minh


Phụng vụ Giáo hội hàng năm, lấy ngày 14 tháng 9 để mời gọi con cái mình cử hành lễ Suy Tôn Thánh Giá Chúa Giêsu với niềm vui vì được ơn cứu độ. Ngày này, Thánh Giá được trình bày không phải dưới khía cạnh khổ đau, hay nặng nề thiết yếu của cuộc sống cần phải vác theo Đức Kitô, nhưng dưới khía cạnh vinh quang, như cái cớ để những người tin vào Chúa Giêsu tự hào và không có khóc lóc.

Giáo Hội luôn coi việc suy tôn Thánh Giá và cử hành Thánh Thể là trung tâm điểm của đời Ki-tô hữu; và điều đó thật là chí lý. Nhưng luôn có nguy cơ là tôi có khuynh hướng hạ thấp việc suy tôn đó xuống tầm một việc đạo đức mà thôi. Suy tôn Thánh Giá là một tuyên xưng niềm tin – cậy – mến thâm sâu nhất, và cần được biểu lộ hữu hình dưới hinh thức bí tích của cử hành Thánh Thể, rồi sau đó bằng chính đời sống hiện sinh của tôi trong cuộc sống thường nhật.

Chúa Giêsu đã không chỉ tự hạ mình để đến với nhân loại trong thân phận con người. Nhưng hơn thế nữa, Ngài đã tự hiến thân mình trên cây thập giá để tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa được tuôn đổ trên con người.

Lễ Suy tôn Thánh giá mời gọi chúng ta chiêm ngắm tình yêu vô tận của Thiên Chúa. Một tình yêu tự hạ để đến và sẻ chia với thân phận con người. Một tình yêu tự nguyện để đồng hành và thấu hiểu nỗi thống khổ của phận người. Một tình yêu tự hiến để hàn gắn tình nghĩa phụ tử của Thiên Chúa với con người.Người Do Thái đã kết án Chúa Giêsu khổ hình thập giá. Người đã chịu chết trên thập giá để biểu lộ tình yêu thương của Chúa đối với nhân loại. Trải qua hơn 20 thế kỷ, con người vẫn không ngừng ghen ghét sát hại những người tin Chúa. Thập giá ngày hôm nay vẫn đang hiện diện nơi cuộc đời, khi con người đối xử tệ bạc với nhau. Thập giá hiện diện nơi gia đình khi sự chung thủy và tình yêu bị phản bội. Thập giá hiện diện nơi cộng đoàn giáo xứ khi mọi người chia rẽ và thù ghét nhau. Thập giá hiện diện nơi cuộc đời, khi con người đối xử với nhau bằng mưu mô tính toán và ích kỷ hẹp hòi. Thập giá vẫn còn đó và chúng ta được mời gọi hãy mang thập giá cho nhau bằng cách hãy sống với nhau cách trung thực, nhân hậu. Đừng tăng thêm gánh nặng cuộc đời cho anh chị em mình, vì cuộc đời đã là một gánh nặng khó vác.
Thập giá là nhịp cầu để cho ta tiến lên và chắc chắn sẽ trưởng thành hơn khi vượt qua thập giá. Hơn nữa, thập giá còn cho ta được thông phần vào sự thương khó của Chúa để cứu độ bản thân và anh em. Khi chúng ta đón nhận thập giá trong đời là dịp để chúng ta dâng đau khổ hầu xin Chúa tha thứ những hình phạt cho bản thân chúng ta. Và dâng hy sinh đau khổ để xin Chúa nguôi cơn thịnh nộ giáng xuống địa cầu vì tội lỗi nhân loại. Như vậy, chúng ta đón nhận thập giá là vì Chúa và vì nhân loại. Và phải có cái nhìn như vậy chúng ta mới có thể vui vẻ lạc quan ngay cả khi khốn khó tư bề.

Suy tôn Thánh giá không chỉ dừng lại ở việc nhận ra tình yêu hải hà của Thiên Chúa trên cuộc đời mình, mà còn mời gọi mỗi người chúng ta sống tình yêu đó một cách triệt để và cụ thể nơi cuộc sống hằng ngày. Để ngang qua đời sống chứng nhân đó, hình ảnh một Thiên Chúa đầy tình yêu thương và giàu lòng thương xót đến được với nhân loại đang quặn mình trong đau khổ và tội lỗi.

Thứ hai 14/9/2020
Lễ Suy tôn Thánh Giá
Lời Chúa : Ga 3,13-17

Khi ấy, Đức Giêsu nói với ông Ni-cô-đê-mô rằng: Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống. Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời. Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.

Điều Chúa Giêsu mặc khải thật rõ ràng: “Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời”.
      Có lẽ đây là nét độc đáo nhất chỉ gặp thấy nơi Tin Mừng thứ IV, con đường linh đạo này có một mức độ quyết liệt hơn, vì trong khi ba Tin Mừng Nhất Lãm nói đến việc muốn đạt đến Ơn Cứu Độ phải vác lấy thập giá, còn đối với Tin Mừng thứ IV đòi phải được “giương cao lên” nghĩa là không chỉ vác mà còn phải bị treo lên, chịu đóng đinh vào khổ giá.
      Khác với ba lần nơi các Tin Mừng Nhất Lãm tiên báo cái chết một cách rõ ràng là Chúa Giêsu sẽ lên Giêrusalem chịu khổ nạn, thì Tin Mừng Thứ IV cũng tiên báo ba lần với cách nói: “Con Người được giương cao lên” Con Người được giương cao lên, nghĩa là Chúa Giêsu sẽ phải bị treo lên trên thập giá, để nhờ công ơn Cứu Chuộc qua khổ giá, mà Người nâng mọi người lên cao khỏi thế gian, nâng cao lên cõi Trời với Người.
      Theo chiều ngang, với cách nói nơi Tin Mừng Nhất Lãm rằng ai muốn theo Chúa thì hãy bỏ mình, vác thập giá mà theo. Còn theo chiều dọc, Tin Mừng Thứ IV lại nói theo chiều đi lên, không chỉ vác mà còn phải được treo lên, nghĩa là phải cùng đóng đinh chính mình vào thập giá như Chúa Giêsu. Như vậy, dù “đi theo” hay “treo lên”, thì Kitô hữu cũng chung một phương thế duy nhất là phải qua thập giá mới đạt đến Ơn Cứu Độ.
     Con đường cứu độ của Con Thiên Chúa là thập giá, nên ai muốn được cứu độ thì cũng phải chấp nhận “được treo lên” trên thập giá với Chúa Giêsu. Thế nhưng, giống như hai người con, một người lo làm việc vì yêu thương bố, một người bất đắc dĩ phải làm cho bố vì sợ bố đánh, kết quả là một người đạt được niềm vui nhẹ nhàng, còn người kia cảm thấy nặng nề chán nản. Cũng thế, khi đón nhận thánh giá Chúa vì niềm tin vào Ơn Cứu Độ thì thánh giá sẽ trở nên nhẹ nhàng và con người vui vẻ vác đi theo Chúa; ngược lại, nếu ai vác thánh giá vì sợ luận phạt thì thánh giá sẽ nên nặng nề và tuyệt vọng.

Tâm tình :
Lạy Chúa Giê su, dẫu biết rằng dòng đời vẫn còn đó lắm vất vả gian truân, nhưng sẽ đẹp biết mấy nếu mỗi người chúng con biết dành tình thương cho nhau. Xã hội sẽ trở nên giá trị và bình yên hơn nếu mỗi chúng con biết tôn trọng phẩm giá con người bằng tình liên đới và sẻ chia cho nhau trong cuộc sống. Xin cho chúng con biết nhìn lên Thập giá Chúa, chiêm niệm tình yêu tự hủy của Chúa để những đau khổ của chúng con được nhẹ nhàng vì tin rằng phải qua đau khổ mới đến vinh quang cùng Chúa mai sau trên nước Trời. Amen

Không có nhận xét nào: