Thứ Hai, 21 tháng 9, 2020

Bỏ mọi sự đi theo Chúa







Ngày 21 tháng 9 năm 2007 vừa qua, một trong những người “con” đỡ đầu của tôi khấn lần đầu trong dòng “Sister of Mercy” ở North Carolina. Đây là một người con rất đặc biệt của tôi. Đặc biệt ở những điểm sau:
Lớn hơn “bố” 20 tuổi
Là người Mỹ da trắng trong khi “bố” da màu
Là người “con” duy nhất không phải là người Việt
Học cao hơn “bố” (vừa có bằng Tiến Sĩ, vừa là Bác Sĩ – has both Phd. and MD)
      Con đường của P.B. đến với đời tận hiến không phải dễ như tôi và các bạn. Cô sinh ra và lớn lên trong một gia đình Công Giáo ở Canada. Sau khi lấy được một hai mảnh bằng Tiến Sĩ và Bác Sĩ (MD and Phd) cô làm việc ở Canađa một thời gian và sau đó xin về dạy học và làm việc tại Medical College of Georgia (đại Học Y Khoa ở Georgia). Và thế là “bố – con” chúng tôi đã gặp nhau. Tuy sinh ra trong gia đình công giáo nhưng lần cuối cùng cô đến với nhà thờ (theo lời cô kể) là khi cô chịu phép Thêm Sức. Cứ thế thời gian trôi qua, tôn giáo cũng đi vào dĩ vãng. Bên cạnh đó, người cha công giáo của cô bắt đầu lên án giáo hội và các Linh Mục khi giáo hội Canada bắt đầu bị “tục hóa” vào những thập niên 70. Hôm đó cô đi tham dự Thánh Lễ an táng của một giáo sư về ung thư rất nổi tiếng của Đại Học Y Khoa Georgia (Vị giáp sư này chết vì ung thư) tại giáo xứ của tôi, mà tôi vinh dự là người chủ tế. Sau đó, không biết vì nghe tôi nói gì trong thánh lễ hay vì thấy tôi là người không phải da trắng duy nhất trong ngôi thánh đường hơn 1000 người mà cô đã gọi điện thoại cho tôi. Dù sao chúng ta vẫn tin là Chúa Thánh Thần hoạt động trong mọi hoàn cảnh Sau lần nói chuyện đó, chúng tôi tiếp tục liên lạc với nhau và chỉ vài tháng sau cô bắt đầu đi lễ mỗi ngày, và chỉ ít lâu sau cô nói cho tôi biết cô muốn đi… tu! Thế là chúng tôi bắt đầu tìm hiểu về nhiều Dòng Tu nữ, và cô bắt đầu đi “tu thử” với nhiều Dòng, mỗi dòng một tuần.
       Đọc tới đây bạn sẽ nói, thế mà co gì … “gai góc” đâu. Cái làm cho cô và tôi nhức đầu là gia đình và bố mẹ cô cực lực phản đối việc cô đi tu. Bên cạnh đó họ còn “lên án” Giáo Hội rất nhiều. Đi tu thì cần tâm hồn phải bình an. Nhiều lần cô ngẹn lời trong nước mắt “Chẳng lẽ con chọn Chúa là phải mất gia đình?”
     Nhưng rồi tiếng gọi của tình dâng hiến càng ngày càng rõ hơn và cô quyết định… vào dòng tu! Mặc cho gia đình và bố mẹ phản đối. Thời gian rồi cũng làm cho những phản đối nhẹ đi, nhưng nó chỉ nằm yên đó, chờ ngày dậy song. Và ngày đó đã tới – Ngày cô khấn lần đầu.
5 ngày trước ngày trọng đại tôi nhận được email của cô:

Cha mến,
Cầu mong rằng cha vẫn bình an và khoẻ mặnh, vì con cần cha trong lúc này. Con cần phải nói ra để giải toả những nặng nề trong thể xác và tâm hồn. Và xin cha hãy cho con vài lời an ủi!
      Ba mẹ con đã đến Dòng hôm nay. Đó là điều hạnh phúc to lớn với con là họ đã đến. Con cứ tưởng là họ sẽ không đến, nhưng Chúa vẫn làm việc! Tuy vậy con đang có cảm nhận những ngày kế tiếp sẽ… dài vô tận. Ba của con đã bắt đầu nói lên những “nhận xét” không tốt của mình về 4 nữ tu mà ba con chỉ mới gặp có… 30 giây. Bên cạnh đó con và ba con cũng đã có những tranh luận về thần học và đặc biệt là những Linh Mục mà khi còn nhỏ ba con đã không ưa thích. Tuy nhiên ba con cũng đồn ý là có nhiều Linh Mục và Nữ Tu thánh thiện. Còn nhiều điều lắm cha ơi, nhiều điều mà ba con không thích về Giáo Hội. Cha ơi, đây không phải là lúc con muốn nghe những điều này. Con đang hạnh phúc trong tình yêu của Chúa kia mà!!! Tất cả những điều này diễn ra trong vòng… 3 tiếng đồng hồ. Đầu con thì quay cuồng, thân xác thì mỏi mệt. Con đã cố gắng để không nóng giận hay nói những điều không hay với ba con. Cha ơi, một điều chắc chắc con biết con cần là con cần một Linh Mục để con xưng tội trước khi con khấn cuối tuần này. Bên cạnh đó con cũng bắt đầu “lo lắng” về nghi lễ khấn thứ 6 này. Con đã cố gắng tránh khỏi mọi người (ba mẹ con và các sơ nữa), một mình yên lặng trong nhà chầu, khoảng hơn một tiếng để người yêu của con – Giêsu Thánh Thể dịu ngọt – yên ủi và vỗ về con.Con đang vận dụng hết khả năng và lời cầu nguyện của con, nhưng con biết sức mình có hạn. Cầu nguyện cho con cha nhé! Trong tình yêu Giêsu,

Con P.B.

PS: Còn một điều nữa con muốn nói cho cha biết là con RẤT hạnh phúc. Đây chắc chắn là chỗ Chúa muốn con ở lại!

Thứ hai 21/9/2020 
Lễ Thánh Matthêô,Tông đồ
Lời Chúa : Mt 9, 9-13

Khi ấy, Chúa Giêsu đi ngang qua, thấy một người ngồi ở bàn thu thuế, tên là Matthêu. Người phán bảo ông: "Hãy theo Ta". Ông ấy đứng dậy đi theo Người. Và xảy ra là khi Người ngồi dùng bữa trong nhà, thì có nhiều người thu thuế và tội lỗi đến ngồi đồng bàn cùng Chúa Giêsu và các môn đệ của Người. Những người biệt phái thấy vậy, liền nói với các môn đệ Người rằng: "Tại sao Thầy các ông lại ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi như thế?" Nghe vậy, Chúa Giêsu bảo rằng: "Người lành mạnh không cần đến thầy thuốc, nhưng là người đau yếu! Các ông hãy đi học xem lời này có ý nghĩa gì: "Ta muốn lòng nhân từ, chứ không phải là hy lễ". Vì Ta không đến để kêu gọi người công chính, nhưng kêu gọi người tội lỗi"

Lời Chúa hôm nay cho thấy được ý nghĩa nổi bật của bữa ăn trong cuộc đời Chúa Giêsu. Phúc Âm thường ghi lại những lần Chúa Giêsu ngồi đồng bàn với những người thu thuế tội lỗi, những người bị đẩy ra bên lề xã hội. Ngồi đồng bàn với người nào là muốn chia sẻ, muốn nói lên tình thân thiện của người đó. Qua những lần ngồi đồng bàn với tất cả mọi hạng người, Chúa Giêsu bày tỏ cho chúng ta bộ mặt của một Thiên Chúa nhân hậu luôn hiện diện trong mọi sinh hoạt của con người, một Thiên Chúa chia sẻ cuộc sống của con người và muốn đi vào kết hiệp thâm sâu với con người.
       Chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy Chúa Giêsu thường mượn hình ảnh bữa tiệc để nói về Nước Trời: "Nước Trời giống như vua kia làm tiệc cưới". Nước Trời giống như một tiệc vui. Tôn giáo mà Chúa Giêsu loan báo không phải là những nghi lễ hay những luật lệ cứng nhắc, mà là tôn giáo của tình yêu. Trích dẫn lời Tiên Tri Ôsê: "Ta muốn lòng nhân từ, chứ không phải lễ tế", Chúa Giêsu đả phá những tôn giáo chỉ xây dựng trên những nghi lễ trống rỗng, mà quên đi cái lõi của tôn giáo là tình thương.
      Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại cách sống đạo của chúng ta. Bí tích Thánh Thể mà Chúa Giêsu để lại cho chúng ta là bữa tiệc dấu chứng tình yêu của Ngài. Tham dự vào bữa tiệc ấy là tham dự vào tinh thần yêu thương chia sẻ với Ngài. Nếu không có tinh thần yêu thương, thì tất cả những kinh kệ, những hành động phụng vụ chỉ là trống rỗng vô ích. Của lễ đẹp lòng Chúa nhất phải chăng không là những hành động yêu thương, chia sẻ, tha thứ đó sao? Lúc đó bàn thờ của chúng ta không chỉ nằm trong bốn bức tường nhà thờ, mà còn phải là gia đình, công sở, phố chợ. Nơi nào có hành động yêu thương, tha thứ, chia sẻ, thì nơi đó có Chúa hiện diện, có bình an, có Nước Trời.

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con một quả tim rộng lớn, một tấm lòng quảng đại, để chúng con luôn biết noi gương Chúa, luôn biết tha thứ và cảm thông với những người chung quanh chúng con và nỗ lực trở về với Chúa mỗi ngày. Amen.

Không có nhận xét nào: