VÌ SAO KHỔNG TỬ DẠY HỌC TRÒ 3X8 = 23 ?
Nhan Uyên ham học hỏi, tính tình tốt bụng, là một đệ tử đắc ý của Khổng Tử.
Nhan Uyên ham học hỏi, tính tình tốt bụng, là một đệ tử đắc ý của Khổng Tử.
Một ngày nọ, trên đường đi làm việc, Nhan Uyên thấy một đám đông ồn ào trước cửa tiệm vải. Anh bước đến hỏi mới biết là đang có tranh chấp giữa người mua và người bán vải.
Chỉ nghe người mua hét lớn: “Ba nhân tám là 23, sao ông cứ đòi ta 24 đồng?”
Nhan Uyên đến trước mặt người mua, lễ phép nói: “Vị đại ca này, ba nhân tám là 24, sao có thể là 23 được? Anh tính sai rồi, không nên cãi lộn ầm ĩ nữa”.
Người mua không phục, chỉ thẳng mặt Nhan Uyên nói: “Ai cần ngươi phân xử hay sao? Ngươi biết tính toán sao? Muốn phân xử chỉ có cách tìm Khổng phu tử, đúng hay sai hãy để ông ấy định đoạt! Đi, ta hãy tìm ông ấy để phân xử!”
Nhan Uyên đáp: “Được. Nếu Khổng phu tử nói anh sai, vậy xử lý sao?”
Người mua nói: “Nếu ta sai, hãy lấy đầu ta. Nhà ngươi sai thì sao?”
Nhan Uyên trả lời: “Nếu tôi sai, tôi sẽ từ quan”. Hai người đánh cuộc với nhau như thế, cũng đã tìm gặp được Khổng Tử.
Khổng Tử và Nhan Uyên.
Sau khi hỏi rõ đầu đuôi, Khổng Tử quay sang Nhan Uyên cười nói: “Ba nhân tám là 23 đó! Nhan Uyên, con thua rồi, lấy mũ quan xuống đem cho người ta đi!”
Nhan Uyên từ trước giờ chưa bao giờ cãi lại sư phụ. Nghe Khổng Tử nói mình sai, anh đành tháo mũ xuống giao cho người mua kia nhưng trong lòng không phục. Người mua nhận mũ, đắc ý rời đi.
Nhan Uyên cho rằng Khổng Tử già rồi đâm ra hồ đồ, liền không muốn ở lại học tập Khổng Tử nữa. Ngày hôm sau, Nhan Uyên quay lại lấy cớ nhà có việc muốn xin nghỉ học… Khổng Tử rất rõ tâm tư Nhan Uyên, nhưng không nói gì, chỉ gật đầu đồng ý.
Trước khi đi, Nhan Uyên quay lại cáo biệt Khổng Tử. Khổng Tử muốn Nhan Uyên trở về nhà bình an, cũng dặn dò hai câu:
“Ngàn năm cổ thụ không náu thân, sát nhân không rõ chớ động thủ”.
Nhan Uyên đáp lại một câu: “Con xin ghi nhớ”, rồi rời đi.
Trên đường về, gió thổi mây dâng, sấm rung chớp giật, trời muốn đổ mưa to. Nhan Uyên tiến đến một cây đại thụ, muốn tránh mưa. Anh đột nhiên nhớ lại lời Khổng Tử đã nói: “Ngàn năm cổ thụ không náu thân”…
Nghĩ thầm, sư đồ nhất tràng, anh nghe theo lời sư phụ, tránh xa khỏi cái cây mục rỗng. Vừa rời đi không xa thì nghe một tiếng sấm, sét đã đánh tan cây cổ thụ kia. Nhan Uyên kinh ngạc: “Câu đầu sư phụ nói đã ứng nghiệm sao! Chẳng lẽ ta còn có thể sát nhân ư?”
Khi về tới nhà thì trời cũng đã khuya. Không muốn kinh động người nhà, Nhan Uyên dùng bảo kiếm mang theo bên người để đẩy chốt cửa phòng nơi thê tử của anh đang ngủ.
Đến bên giường, sờ lại thấy hai người nằm hai bên giường. Nhan Uyên vô cùng tức giận, giơ kiếm định chém, lại nghĩ đến câu nói thứ hai của Khổng Tử: “Sát nhân không rõ chớ động thủ”, bèn đốt đèn lên xem, hóa ra một người là vợ, người kia là em gái của anh.
Ngày hôm sau, Nhan Uyên quay trở lại, thấy Khổng Tử liền quỳ xuống nói: “Sư phụ, hai câu người nói đã cứu ba người là con, vợ con và muội muội của con đó! Sao người lại biết trước chuyện sẽ xảy ra vậy?”
Nhan Uyên cảm thấy kính phục thầy sâu sắc, cũng đã biết được ẩn ý của Khổng Tử. Khổng Tử đỡ Nhan Uyên dậy và nói: “Ngày hôm qua thời tiết khô nóng, đoán chừng sẽ có cơn dông, nên ta nhắc nhở con: “ngàn năm cổ thụ không ai náu thân”, con lại mang khí bực trong người, trên thân đeo bảo kiếm, cho nên ta khuyên con “sát nhân không rõ chớ động thủ”!”
Nhan Uyên vừa vái lạy vừa nói: “Sư phụ liệu sự như thần, đệ tử mười phần kính nể!”
Khổng Tử lại nói tiếp: “Ta biết rõ con xin phép về nhà nghỉ là mượn cớ, thật ra cho rằng ta đã già nên hồ đồ rồi, không muốn học ta nữa. Con nghĩ xem, ta nói 3 nhân 8 bằng 23 là đúng, con thua, bất quá là thua cái mũ quan kia, nếu ta nói 3 nhân 8 bằng 24 mới đúng, người mua bán kia thua, đây là một mạng người đó! Vậy con nói xem, chức vị quan trọng hay mạng người quan trọng hơn?”
Nhan Uyên bỗng giật mình tỉnh ngộ, quỳ gối trước mặt Khổng Tử mà thưa: “Sư phụ trọng đại nghĩa coi nhẹ tiểu tiết, đệ tử còn tưởng rằng Sư phụ vì lớn tuổi mà thiếu minh mẫn, đệ tử hổ thẹn vạn phần!”
Từ đó về sau, bất luận Khổng Tử đi đến đâu, Nhan Uyên theo đến đó không rời sư phụ...
Câu chuyện này gợi cho chúng ta nhớ đến một lời dạy của người xưa: “Lùi một bước biển rộng trời trong”, đúng như vậy, đôi khi bạn tranh đấu giành được điều bạn cho là lẽ phải, nhưng điều mất đi có lẽ còn quan trọng hơn. Và nếu bạn biết nhường nhịn và lắng nghe thì có lẽ bạn sẽ học hỏi được nhiều điều hơn. Hãy luôn luôn phân rõ sự tình nặng nhẹ. Đừng gắng sức tranh giành, rồi sau hối hận cũng không kịp!
Trong thực tế, khi chúng ta hơn thua với khách hàng, thì thắng ấy cũng là thua (khi sản phẩm mới cần đổi mẫu, bạn sẽ biết); khi hơn thua với ông chủ, thì thắng ấy cũng là thua (cuối năm lúc đánh giá thành tích, bạn sẽ biết); khi hơn thua với người già, thì thắng ấy cũng là thua (người ta không để ý tới bạn đâu, bạn vẫn phải tự mình làm thôi); khi hơn thua với bằng hữu, thắng ấy cũng là thua (làm không tốt sẽ mất đi một người bạn).
Trong tất cả vấn đề thì chữ nhẫn rất là trọng yếu, bất luận điều gì chưa rõ, thì không nên tức giận hay lỗ mãng, hãy tìm hiểu kỹ sự việc, rất có thể nguyên nhân đó ở chính bản thân bạn, khi hiểu được vấn đề thì hãy cùng nhau bàn bạc để giải quyết. Nếu không, sai một niệm có thể sẽ hỏng một đời…
Câu chuyện trên đây cho ta biết phải sống khiêm tốn, nhẫn nhịn, biết người biết ta để giúp nhau mà sống. Chúa Giê su trong đoạn Lời Chúa sau đây cũng biết rõ lòng ông Na tha na ên, Ngài thấu suốt từ trong tư tưởng cũng như hành động của ông. Điều quan trọng là ông đã tin lời giới thiệu của người bạn mà tìm đến với Chúa Giê su và không ngần ngại bước theo Ngài. Trong cuộc sống hiện tại mà chúng ta đang sống. Một xã hội giả dối từ đầu đến cuối, từ gia đình đến nhà trường, từ nơi linh thiêng đến phố chợ...Có khi nào Bạn và tôi làm chứng cho sự thật chưa ? Xin mời Bạn cùng đọc đoạn Lời Chúa sau đây :
Thứ sáu 05/01/2018
Lời Chúa : Ga 1,43-51
43 Khi ấy, Đức Giê-su quyết định đi tới miền Ga-li-lê. Người gặp ông Phi-líp-phê và nói : "Anh hãy theo tôi." 44 Ông Phi-líp-phê là người Bết-xai-đa, cùng quê với các ông An-rê và Phê-rô.
45 Ông Phi-líp-phê gặp ông Na-tha-na-en và nói : "Đấng mà sách Luật Mô-sê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp : đó là ông Giê-su, con ông Giu-se, người Na-da-rét." 46 Ông Na-tha-na-en liền bảo : "Từ Na-da-rét, làm sao có cái gì hay được ?" Ông Phi-líp-phê trả lời : "Cứ đến mà xem !" 47 Đức Giê-su thấy ông Na-tha-na-en tiến về phía mình, liền nói về ông rằng : "Đây đích thật là một người Ít-ra-en, lòng dạ không có gì gian dối." 48 Ông Na-tha-na-en hỏi Người : "Làm sao Ngài lại biết tôi ?" Đức Giê-su trả lời : "Trước khi Phi-líp-phê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi." 49 Ông Na-tha-na-en nói : "Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Ít-ra-en !" 50 Đức Giê-su đáp : "Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin ! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa." 51 Người lại nói : "Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người."
Suy niệm :
Đến mà xem. Chúng ta không biết nhiều về thánh Anrê, anh của Simon Phê-rô, nhưng chúng ta nhận thấy điều ngài làm thật là vĩ đại. Ngài dẫn em ngài là Simon đến với Chúa Giê-su.(Ga 1,42)
Ở Galilê, Chúa Giê-su nhận ra và kêu gọi ông philipphê theo Ngài. Sau đó, ông philiphê lại mời gọi Nathanael đến và gặp gỡ Chúa Giê-su. Thánh Anrê và philiphê mang đến cho Chúa Giê-su những môn đệ tương lai, những người sẽ tạo nên lịch sử của Ki-tô giáo. Hai ngài đã mang các em của mình đến với Chúa Giê-su vì các ngài đã trải nghiệm một ngày bên Chúa Giê-su.
Khi nào bạn thật sự đến gặp gỡ Chúa Giê-su và trải nghiệm những gì khi sống bên Ngài, bạn cũng sẽ hăng hái mang người khác đến với Chúa. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI viết trong tông huấn loan báo Tin mừng như sau: “không thể hiểu được một người đã tiếp nhận Lời và đã tự hiến cho vương quốc mà lại không trở nên chứng nhân và người rao giảng”.
Giới thiệu người ta đến với Chúa Giê-su hoặc là lôi cuốn họ vào trong ân nghĩa thâm sâu cùng Ngài.
Tâm tình :
Lạy Chúa Giê su, trong cuộc sống hiện nay, chúng con được nghe rất nhiều tiếng gọi, nhiều lời mời hấp dẫn êm tai...với những chiêu khuyến mãi, tặng quà, trúng thưởng...những lời rao này đầy ma lực có khi làm tan nát cả một gia đình, hủy hoại cả đời người, làm tâm trí đờ đẫn, gây mê muội tâm hồn. Ít có ai trong chúng con tỉnh tao để nghe được tiếng Chúa kêu gọi ; "Anh hãy theo tôi" hay Ông, bà, chị em hãy theo tôi như xưa Chúa đã gọi Philiphê ! Xin cho mỗi người trong chúng con đừng chỉ chạy theo những lời gọi hấp dẫn của thế gian, vì những gì thuộc về thế gian thì mau qua, chỉ những gì Chúa hứa cho những ai theo Chúa mới tồn tại vĩnh viễn muôn đời.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét