Thứ Năm, 11 tháng 1, 2018

Nỗi buổn tủi vì bị xa lánh


Kết quả hình ảnh cho câu chuyện về xa lánh, ghê tởm người bênh phong

Câu chuyện của Bác Sĩ Mạc Văn Hòa 


Có một câu chuyện cảm động về con của một người cùi tại Xóm Nhỏ, Núi Sạn, Nha Trang. Trên trang web nguoicui.org, Bác Sĩ Mạc Văn Hòa kể lại câu chuyện đời mình ngắt quãng qua những tiếng nấc nghẹn ngào bởi cái quá khứ đau thương. 
“Tôi xuất thân từ gia đình mà ông nội, bà ngoại và cha đều mang bệnh phong cùi. Tôi là một người con, người cháu của những người mắc bệnh cùi.” Anh bắt đầu câu chuyện như thế, và cái mặc cảm ấy luôn đeo đẳng anh bởi sự ky nghị, khinh bỉ của xã hội. Nhà anh nghèo, nghèo như bao người trong cái xóm nhỏ gần bãi rác dưới chân núi. Cha anh đạp xích lô từ sáng đến khuya mới kiếm đủ tiền nuôi gia đình. 
“Khi có trí khôn, tôi cảm nhận được sự khó khăn của gia đình. Tôi nghĩ mình có sức lao động, phải làm gì phụ giúp gia đình, cha mẹ.” Những đứa trẻ 11, 12 tuổi như anh hồi đó (1987) đứa nào cũng có suy nghĩ như thế, và bãi rác dưới chân núi là nơi dung nạp những đứa trẻ nghèo. 
Bác Sĩ Hòa kể tiếp: “Chúng tôi đào bới những mảnh chai, cọng sắt vụn... và những gì có thể bán được. Khi đào rác như thế, chúng tôi phải tiếp xúc trực tiếp với rất nhiều chất độc, vi trùng. Lăn lộn trong bãi rác kiếm tiền ngoài giờ học, đứa nào cũng bị ít nhất một lần bị những vật nhọn, sắc cạnh làm bị thương.” 
Một vết thương nơi chân làm anh nhớ mãi đến bây giờ. Do vô tình, cái móc sắt dùng đào rác đâm trúng làm chân chảy máu. Không có tiền đi bệnh viện hay mua thuốc, anh sống trong lo sợ mình sẽ bị uốn ván, nhiễm trùng một thời gian dài cho đến khi vết thương lên da non. Từ đấy anh hiểu rằng những vết thương đó quá nhỏ so với cuộc mưu sinh khắc nghiệt tại bãi rác. 
“Có những đứa bạn học chung lớp thỉnh thoảng đi ngang qua chỗ tôi đang bươi rác, tôi phải trốn dưới hầm hoặc hố rác để bạn bè không nhìn thấy. Lúc đó rất tủi thân, và trong hoàn cảnh đó, tôi nghĩ có còn một cách duy nhất để thoát khỏi cuộc sống dưới đáy xã hội là học thật giỏi.” 
Thế nhưng không phải muốn học yên là được. Hòa đến lớp với mặc cảm, tự ti vì mình là con người cùi. Mặc cảm ấy càng lớn hơn khi bạn bè chẳng ai dám lại gần. 
“Khi tôi bị những vết thương trên tay, trên mặt mà phải bôi thuốc màu xanh, bạn bè cứ nghĩ tôi đã mắc bệnh cùi nên tìm mọi cách xa lánh, thậm chí còn đề nghị cô giáo cho tôi nghỉ để không bị lây bệnh. Tôi tủi thân lắm, có lần xin bố mẹ cho nghỉ học luôn vì không chịu được những ánh mắt khinh bỉ của bạn học. May mắn cho tôi là có một cô giáo tới tận nhà khuyên nhủ vì biết tôi có khả năng học, cô nói hãy ráng vượt qua mặc cảm. Tôi nhớ mãi ơn cô giáo ấy, nếu không có cô, có lẽ tôi đã buông xuôi cuộc đời từ lúc đó.” 
Khó có đứa trẻ con người bệnh phong cùi thoát khỏi cái “vòng kim cô” mà cha mẹ chúng phải mang trên đầu. Lớn lên trong mặc cảm, chán nản bởi sự khinh khi của bạn bè, xã hội, chúng lại ngụp lặn trong vũng lầy mà đời cha mẹ chúng đã không thể nào thoát ra được. 
Nhưng đã có một phép lạ xảy ra khi Hòa gặp Linh Mục Huy. Anh được linh mục giới thiệu với hội Bạn Người Cùi ở California để được giúp đỡ. 
Anh nhớ lại: “Hội Bạn Người Cùi đồng ý giúp tôi toàn bộ học phí từ các lớp trung học cho đến Ðại Học Y Khoa tại Sài Gòn. Tôi thật lòng biết ơn cha Huy và hội. Nếu không có quý vị ân nhân đó, tôi sẽ không bao giờ vươn lên được trong cuộc sống để trở thành bác sĩ như ngày nay. Có thể giờ này tôi vẫn cặm cụi ở bãi rác quê nhà, hay đạp xích lô như bố tôi, hay làm công nhân vệ sinh, quét đường. Ðó là một phép lạ đối với tôi, và đó cũng là ước mong của những đứa trẻ là con, cháu của người phong cùi, muốn được vươn lên từ đáy xã hội để trở thành người hữu dụng. Muốn như thế, ngoài sự cố gắng của bản thân phải có sự giúp đỡ, yêu thương của quý vị ân nhân, những người bạn người cùi.” 
Câu chuyện của Bác Sĩ Hòa không phải là câu chuyện cổ tích duy nhất kết thúc có hậu trong thời hiện đại. Rất nhiều lá thư gởi về hội bày tỏ lòng cảm kích, và điều này càng làm cho những người hảo tâm tin tưởng vào việc làm của Hội Bạn Người Cùi. 
Nếu có điều kiện, chúng ta có thể theo các anh chị trong Hội Bạn Người Cùi về thăm những người tàn tật này. Ðây là một trong những chuyến công tác thường xuyên của hội. Ðiểm đáng chú ý một cách đặc biệt, theo truyền thống của hội, là tất cả mọi thành viên, thiện nguyện viên tháp tùng phái đoàn đều phải tự túc phương tiện máy bay và di chuyển, nơi ăn, chỗ ở tại Việt Nam. Toàn bộ số tiền quyên góp từ những mạnh thường quân và đồng bào hải ngoại được dành hết cho người tàn tật. Tùy theo thời gian cho phép, những thành viên của hội, cùng với những thiện nguyện viên gồm nhiều giới như nha sĩ, y sĩ, dược sĩ, kỹ sư, nghệ sĩ, sinh viên... lấy ngày nghỉ phép mỗi năm, đi theo phái đoàn về Việt Nam, âm thầm đến thăm viếng, ủy lạo, chữa trị và giúp đỡ từ tinh thần đến vật chất cho những người bị chứng bệnh phong cùi trong những trại nơi sơn lâm cùng cốc, cũng như, những người sống rải rác trong dân chúng. Ði để thấy những nỗ lực của Hội Bạn Người Cùi suốt 14 năm qua thật đáng trân trọng, và đi để cho mình một cơ hội được gần hơn những mảnh đời khốn khó, để thấy rằng cuộc sống mà ta nhận được ngày hôm nay thật đáng yêu, đáng quý như thế nào. (V.Ð.T.) 

Thứ năm 11/01/2018 - Tuần 1 TN
Lời Chúa : Mc 1,40-45


40Và một người phong hủi đến với Người (Đức Giê-su), van xin Người, [quỳ xuống] và nói với Người rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi sạch.”
41Người chạnh lòng thương, giơ tay đụng vào anh ta và nói với anh ta: “Tôi muốn, anh hãy được sạch.”42Ngay lập tức, bệnh phong hủi biến khỏi anh ta và anh ta được sạch.
43Rồi nghiêm giọng với anh ta, Người đuổi anh ta đi ngay44và nói với anh ta: “Coi chừng, đừng nói gì với ai, nhưng anh hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được sạch, anh hãy tiến dâng những gì Mô-sê đã truyền, để làm chứng trước mặt họ.”
45Nhưng vừa đi khỏi, anh ta đã bắt đầu rao giảng nhiều nơi và loan truyền lời ấy, đến nỗi Người không thể công khai đi vào thành, Người đành ở những nơi hoang vắng bên ngoài và người ta từ khắp nơi đến với Người.

Thời xưa, bệnh phong là một bệnh nan y, bị mọi người kinh tởm xa lánh. Trong đạo Do thái, người mắc bệnh phong bị gạt ra ngoài lề xã hội. Họ không được sống chung với thân nhân trong xóm làng, nhưng bị xua đuổi ra ngoài đồng ruộng, vào trong rừng núi hay trong sa mạc. Họ phải ăn mặc rách rưới. Đi đến đâu cũng phải kêu to lên: “Ô uế, ô uế”, cho mọi người biết mà xa tránh. Ai tiếp xúc với người bệnh phong đều bị coi là ô uế. Ai đụng chạm vào người bệnh phong bị con như mắc tội rất nặng. Chẳng ai dám đến gần người bệnh phong. Người bệnh như thế, không những bị những vết thương trên thân xác hành hạ đau đớn mà còn bị những nỗi đau, nỗi nhục trong tâm hồn dằn vặt khổ sở. Họ bị xã hội khinh khi loại trừ. Họ bị một mặc cảm chua chát dày vò. Nhân phẩm không được tôn trọng, họ sống mà bị con như đã chết. Nhưng chưa chết được, họ vẫn phải tiếp tục sống để chịu những nỗi đau đớn còn hơn cả cái chết gặm nhấm, thiêu đốt.

Một lần nữa, Đức Giêsu lại vượt qua những biên giới cấm kỵ khi dám đến gần người bệnh phong. Không những Người đến gần mà còn đưa tay chạm vào thân mình bệnh nhân. Lòng thương yêu đã khiến Đức Giêsu dám làm tất cả. Vì thương người bệnh, Đức Giêsu đã bất chấp nguy hiểm bị lây nhiễm, đã bất chấp những điều bị coi là cấm kỵ của đạo Do Thái.

Khi chữa khỏi bệnh phong, Người đã giải thoát người bệnh khỏi những đau đớn phần xác. Từ nay anh không còn bị những vết thương hành hạ. Thân thể anh trở nên lành lặn. Da dẻ anh trở lại hồng hào tươi tắn. Khuôn mặt anh rạng rỡ. Giọng nói anh thanh tao. Anh cũng là một người như bao người khác.

Nhưng điều quan trọng hơn, đó là khi chữa anh khỏi chứng bệnh nan y, Đức Giêsu đồng thời cũng giải phóng anh khỏi những mặc cảm đè nặng tâm hồn anh bao năm tháng qua. Khi Đức Giêsu vuốt ve thân thể bệnh tật của anh. Người đã vuốt ve tâm hồn anh. Trước kia anh cảm thấy bị mọi người xa lánh. Nay anh cảm thấy qua Đức Giêsu mọi người gần gũi anh hơn bao giờ. Trước kia anh cảm thấy bị khinh miệt. Nay anh cảm thấy được trân trọng. Trước kia anh cảm thấy bị bỏ rơi. Nay, dưới bàn tay dịu hiền của Đức Giêsu, anh cảm thấy được yêu thương vỗ về. Những vết thương sâu thẳm trong trái tim anh đã liền da lành lặn. Đức Giêsu đã hồi sinh tâm hồn lạnh giá của anh.

Muốn cho mọi người chấp nhận anh tái hội nhập vào đời sống xã hội. Đức Giêsu bảo anh đi trình diện với thày cả theo như luật định. Trước kia anh bị loại trừ, bị gạt ra ngoài lề xã hội. Nay anh được bàn tay âu yếm ân cần của Đức Giêsu đón nhận anh trở lại xã hội loài người. Qua vị thượng tế, anh được công khai đón nhận. Nhân phẩm anh được phục hồi. Danh dự anh được tôn cao. Giờ đây anh có thể tự tin, vui sống giữa mọi người, như mọi người.

Chúng ta ai cũng có những mặc cảm đè nặng tâm hồn, những vết thương sâu kín, những niềm đau khôn nguôi, những nỗi buồn hầu như không ai thông cảm được. Hãy noi gương người bệnh phong chạy đến với Đức Giêsu. Người sẽ xóa đi những mặc cảm đè nặng hồn ta. Người sẽ chữa lành những vết thương bao năm gặm nhấm trái tim ta. Người sẽ xoa dịu những nỗi đau vò xé tâm tư. Người sẽ an ủi những nỗi buồn phủ kín hồn ta.

Phần ta, hãy biết noi gương bắt chước Đức Giêsu, đừng loại trừ anh em mình ra khỏi đời sống xã hội. Hãy biết đến với những anh em bị bỏ rơi. Hãy biết an ủi những anh em đang buồn khổ. Hãy biết tránh cho anh em những mặc cảm nặng nề. Hãy hàn gắn những vết thương trong tâm hồn anh em. Hãy tôn trọng danh dự và nhân phẩm của anh em. Hãy giúp cho anh em mình được hòa nhập vào đời sống cộng đoàn, đời sống xã hội. Nước ta đang quyết tâm thanh toán bệnh phong vào cuối năm nay. Xứ đạo ta cũng hãy quyết tâm thanh toán bệnh phong trong tâm hồn. Hãy diệt trừ bệnh phong chia rẽ. Hãy tẩy chay bệnh phong loại trừ. Hãy xóa đi bệnh phong phân biệt. Hãy phá tan bệnh phong nghi kỵ. Hãy bài trừ bệnh phong kết án. Nếu ta thanh toán được bệnh phong tâm hồn, thân thể xứ đạo ta sẽ liền da liền thịt, khuôn mặt xứ đạo ta sẽ hồng hào, rạng rỡ vui tươi phản ảnh được khuôn mặt đích thực của Đức Kitô.


Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chữa lành mọi căn bệnh và ban ơn cho những kẻ bất hạnh, thì xin Chúa cũng chữa lành tội lỗi của chúng con, và dạy chúng con sống nhân ái với những ai đang chịu đau khổ, bị ruồng bỏ. Amen.

Không có nhận xét nào: