Thứ Sáu, 19 tháng 1, 2018

Đi theo tiếng gọi

Kết quả hình ảnh cho Lời tự thuật của tu sĩ Ananda

LỜI TỰ THUẬT CỦA TU SĨ ANANDA


Tôi là một trong những tu sĩ Phật giáo kỳ cựu trong nước thuộc ngành Phật Sinhala. Tôi còn là thành viên của Hội đồng tu sĩ Phật Giáo. Một cách vắn tắt có thể nói tôi là một trong những tu sĩ được những Phật tử ngoan đạo sống trong những vùng chung quanh "kính thờ."
Nhưng một điều đáng buồn là tôi không nhận được sự an bình thật sự qua cách sống và lề lối tổ chức của tu viện. Đôi khi cảm thấy như mình là một người bị nhốt tù trong bốn bức tường chật hẹp. Đó là lý do giải thích tại sao tôi ghi tên học tại Đại học, tiếp tục chương trình học vấn dang dở. 

Khoảng thời gian đó, với một tâm trạng như thế, tôi vẫn luôn dõi tìm một lối thoát, dĩ nhiên một lối thoát hiểu theo nghĩa giải thoát thiêng liêng. Tôi không muốn từ bỏ chiếc áo cà sa, nhất là tôi rất yêu chuộng giáo huấn Dhamma của Đức Phật Tổ, nhưng một hạnh phúc trong an bình thật sự tôi vẫn chưa nhận được. Tôi biết rằng niềm hạnh phúc này hiện hữu và con người có thể đạt được nó, nếu chịu khó tìm tòi. Nhưng coi sự tịch diệt như là cứu cánh tối hậu, hay tiêu diệt đi mọi ước muốn trần thế trong con người đều không phải là những điều có thể tạo cho tôi sự an bình thiêng liêng. 

Như là một việc đã được sắp xếp từ bao giờ. Vào khoảng năm 1961, tôi gặp một Linh mục Công giáo, không phải vì chiếc áo dòng ông đang mặc hấp dẫn tôi, nhưng có lẽ vì cái nhân cách đặc biệt thoát ra từ con người ông, và tấm lòng nhân ái vị tha của ông đối với mọi người. Tôi không ngần ngại làm quen với ông. Theo tôi nhận xét, ông có thể là người đã tìm thấy hạnh phúc thật thể hiện rõ ràng qua cách sống. 

Ông bạn mới này của tôi dường như hiểu biết rất nhiều về giáo thuyết nhà Phật. Thế mà trái lại, kiến thức của tôi về Công giáo gần như không có. Những gì tôi biết chỉ là những điều tôi đã được nghe do những người Phật tử phán đoán, giải thích, phê bình chủ quan về Công giáo. Tôi biết rằng đó chỉ là những thành kiến sai lầm về Giáo hội này. 

Do sự chủ quan khi nhìn vào những ngôi nhà thờ xây cất theo Tây phương và lối sống Âu hóa của các Linh mục, tôi vẫn còn ngần ngại trong việc tìm hiểu thêm về Kitô giáo. Tôi cho rằng một tôn giáo không hoà mình được với phong hoá và lề thói địa phương thì làm sao có thể loan truyền được chân lý cho dân tộc đó, và vì vậy làm sao có thể đáp ứng được sự giải thoát thật sự tôi đang kiếm tìm. 
           Tuy nhiên, tôi vẫn không bỏ qua những cơ hội để có thể bàn luận và chất vấn Cha X trong tình thân hữu tôi đã có được với Cha, nhất là để thử nghiệm những điểm đối kháng chống lại các Thày tu Công giáo. Đối với tôi, các Linh mục Công giáo chỉ là những người đánh cá ra khơi với chiếc bụng lép xẹp, dụ dỗ những con cá ngây thơ bằng miếng mồi giả tạo. 
           Nhưng chỉ ngay sau đó thôi, tôi thấy rằng mình sai lầm, vì tôi khám phá ra rằng ông Linh mục này không hề mảy may có ý định khuyến dụ tôi về với tôn giáo ông đang theo. Trái lại, trong sự ngạc nhiên của tôi, ông Linh mục này lại còn bày tỏ ao ước được thử sống lối sống của các tu sĩ Phật giáo nữa. Ông cho biết, ông chấp nhận một số những nguyên tắc của Phật giáo và ông đã từng áp dụng phương thế Dhammapada để tĩnh tâm. Ông lại còn là người theo chủ trương ahimsa (không dùng bạo lực) với các sinh vật thụ tạo nữa. 
          Khi đã thân hơn với ông, tôi cho ông biết về những điều tôi đã nghe phê bình về Giáo hội Kitô giáo. Tôi tưởng ông sẽ nổi giận, lên tiếng bênh vực cho giáo hội. Nhưng trái lại, với một thái độ hết sức bình thản ông nói rằng ông không hề trách oán những người đã phê bình Giáo Hội Công giáo. Có thể có những sai quấy trong Giáo hội, nhưng tất cả nhờ vào sự soi sáng thiêng liêng của Chúa, Giáo hội đã không đi lạc lối và tan rã...
      ...Ông bạn Linh mục của tôi không phải chỉ sửa đổi lại những nhận thức sai lầm của tôi về Giáo hội Công giáo, nhưng dần dần đã giúp tôi hiểu biết nhiều hơn về giáo huấn của Giáo hội và cách sống đạo. Ông không nói bằng lời, nhưng nói bằng chính đời sống của ông. Ông biểu tỏ một hạnh phúc thật sự khi được sống trong đời sống nhiệm nhặt của tu viện. Ông cho biết rằng chính đời sống khổ hạnh của nhà Chúa là yếu tố rất cần thiết cho Giáo Hội Công giáo tại Sri Lanka. Ông muốn Kitô giáo hòa nhập vào lối sống địa phương để Tin Mừng của Chúa Kitô có thể được thể hiện và chấp nhận dễ dàng hơn cho những người đã sẵn có một lề lối sống đạo, biết tôn trọng luân lý. Tôi nghĩ rằng đây có thể được coi là một cách thế thật tốt thể hiện vai trò chứng nhân của Chúa Kitô trong một xã hội Phật giáo. 
        Một ngày nọ, tôi có dịp hỏi ông về "niềm hạnh phúc thật." Ông cho rằng đây là do Ơn Chúa. Chợt nhận thấy tôi không hiểu danh từ "Ơn Chúa", ông vội giải thích thêm: "Để hiểu về nguồn ơn thiêng liêng này, người ta cần cảm nhận được nó trước đã". 
       "Cảm nhận và nhận chân được chân lý một sự vật" là một cứu cánh của con người. Từ thuở thiếu thời, tôi đã được Phật Tổ khích lệ để kiếm tìm, nhưng hôm nay đây sự khích lệ đó đã đổi chiều khiến tôi hướng về Kitô giáo...

... Một Phật tử không ưa những mầu nhiệm, hơn nữa "mầu nhiệm" tiếng Sinhala là "abirahasa" không có nghĩa giống chữ "mầu nhiệm" của Giáo hội Công giáo, nó chỉ có nghĩa là "một bí mật tuyệt đối". 
Tuy nhiên, với sự giải thích rõ ràng của ông bạn Công giáo, tôi dần dần vượt qua được những khó khăn này. Ông giải thích rằng cho đến bây giờ, đối với các nhà khoa học với kỹ thuật tân kỳ hiện đại, cơ thể con người vẫn còn là một bí nhiệm. Đó là nói về phần thân xác, vậy thì phần tinh thần của con người còn phải vượt xa trí óc của nhân loại đến như thế nào?
         Con đường tôi tìm hiểu về Đức Tin Kitô giáo như thế đó. Không phải là một Đức Tin mù quáng, mà là một Đức Tin với tất cả sự hiểu biết, lý luận. Hơn nữa, nó còn giải đáp thỏa đáng trong quan niệm tự nhiên về con người. Nhờ đó, tôi nhận biết được bản tính nhân loại trong con người của Đấng Cứu Thế. Điều làm tôi khâm phục nhất trong Giáo Hội đó là sự lo lắng của những người Kitô hữu đối với tha nhân: Những người ốm đau, những kẻ bần cùng, những người tội lỗi... Tôi quyết định đi theo Chúa để thực hiện giới răn "yêu người như yêu chính bản thân mình." 
Rồi tôi nhận thấy đời sống tôi thay đổi, không còn bị giam trong bốn bức tường chật hẹp nữa, tôi hít thở bầu không khí tự do. Tôi nhìn thấy một ngôi sao từ trên cao đang chờ dẫn đường cho tôi đến một chân trời hạnh phúc vĩnh cửu. Tôi suy niệm mỗi ngày bằng Sách Phúc Âm và cuốn "Gương Chúa Giêsu." 
          Năm 1963, tôi đậu kỳ thi nhập học và theo học tại Đại học. Anh văn của tôi khá hơn khiến tôi đã có thể đọc được Sách Phúc Âm và các sách khác về Kitô giáo bằng Anh ngữ. 
         Một cuốn sách giá trị tôi được đọc trong khoảng thời gian này đó là cuốn sách ghi lại Công Đồng Vaticanô thứ Hai. Cho đến lúc đó tôi mới thật sự thấy rằng việc tôn giáo phải thay đổi hợp với thời đại là quan trọng, đặc biệt cho các thế hệ trẻ ngày nay. 
Công việc học dù bận rộn, nhưng cũng không khiến tôi chấm dứt việc tìm hiểu thêm về Giáo Hội. Tôi học rất chăm và được các giáo sư khen ngợi. Tôi thấy đời sống sao ý vị quá, đặc biệt khi trong đời sống đó ta biết phục vụ mọi người qua việc hy sinh chính con người mình. 

Sau khi tốt nghiệp, tôi không còn ý định trở lại tu viện nữa. Không phải vì tôi có thể tìm được một công việc tốt hay lý do nào khác, nhưng lý do chính để tôi cởi bỏ chiếc áo cà-sa, đó là tôi đã tìm ra Chúa Kitô. Người là Thiên Chúa và là Thày tôi. Người đã đến tìm tôi, chỉ cho tôi con đường cứu rỗi với hạnh phúc vĩnh cửu... Tôi biết, quyết định của tôi sẽ đưa đến việc tôi phải đối diện với những khó khăn khi đi tìm việc làm. 
      Tôi không có khả năng để diễn đạt hết những cảm xúc của tôi trong quá trình trở lại với Chúa. Bao nhiêu những khó khăn vất vả, nhưng tôi không thể chờ đợi được nữa rồi. Ý Chúa là như thế. Tôi học hỏi về Giáo lý, về cách sống đạo và sẵn sàng. 
       Tìm được sự bình an là kết quả đầu tiên của con đường tôn giáo. Chắc chắn tôi sẽ có được sự bình an này khi tôi được nhận vào Giáo Hội. Nếu tôi phải tóm tắt lại một cách ngắn gọn những gì Giáo hội có thể đã cho tôi khi tôi trở thành con cái Chúa thì tôi chỉ nói được đó là "Đời Sống". Tôi muốn nói một đời sống mới, được soi sáng và hướng dẫn do ân sủng thiêng liêng. 
Tác giả bài viết: Ananda. 

Ngày xưa, Chúa Giê su đã cầu nguyện để chọn những người mà Ngài muốn chọn làm tông đồ. Đủ mọi hạng người, không phân biệt kẻ hay người dở. Ngày nay Chúa Giê su vẫn tiếp tục kêu gọi mọi người trở thành môn đệ của Người. Xin mời Bạn cùng đọc đoạn Lời Chúa sau đây :

Thứ sáu 19/01/2018 - Tuần 2 TN
Lời Chúa : Mc 3: 13-19

13 Đức Giêsu lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người. 14 Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng, 15 với quyền trừ quỷ. 16 Người lập Nhóm Mười Hai và đặt tên cho ông Simon là Phêrô, 17 rồi có ông Giacôbê con ông Zê bê đê, và ông Gioan em ông Giacôbê -Người đặt tên cho hai ông là Bôanêghê, nghĩa là con của thiên lôi-, 18 rồi đến các ông Anrê, Philípphê, Bartôlômêô, Mátthêu, Tôma, Giacôbê con ông Anphê, Tađêô, Simon thuộc nhóm Quá Khích, 19 và Giuđa Iscariot là chính kẻ nộp Người.


Dẫu cho Chúa chọn nhóm Mười Hai từ đủ mọi loại thành phần trong xã hội, nhưng đó không phải là trở ngại lớn cho việc thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu. Và điều này làm nổi bật một điều là ơn gọi trước tiên xuất phát từ sáng kiến và ơn ban của Thiên Chúa, chứ không phải do công đức của con người. Và khi con người bước theo chính là việc con người đang đáp lại lời mời gọi của Chúa.

Đã hơn hai ngàn năm từ lúc Giáo hội được thành lập tới nay, Chúa cũng đang tiếp tục kêu gọi đủ mọi hạng người, trong đó có cả chúng ta. Người gọi cả người nam lẫn người nữ; gọi người già, người trẻ và có cả em bé sơ sinh; gọi người thành đạt cũng như người gặp nhiều trở ngại trong cuộc sống; gọi người tràn đầy vui tươi và nhiệt huyết cũng như người đang sống trong thất vọng lo âu; gọi người nhẹ bề lo toan cũng như người đang vất vả mang gánh nặng nề; gọi người mạnh khỏe cũng như kẻ liệt lào đau yếu. Chúa cũng không phân biệt sắc tộc màu da hay người giàu kẻ nghèo khi chọn gọi. Vì thế mà cho đến nay, đã có nhiều nơi trên hành tinh này có sự hiện diện của các Kitô hữu.

Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã dựng nên chúng con và cho chúng con được làm con cái Chúa. Không những thế, Chúa còn tin tưởng trao cho chúng con sứ vụ đem Tin mừng của Chúa cho người khác. Tuy nhiên, lạy Chúa, chúng con chỉ là những con người hữu hạn với biết bao hạn chế. Chúng con sẽ chẳng bao giờ hoàn thành được sứ vụ Ngài trao nếu không được Ngài nâng đỡ. Xin cho mọi lời nói và việc làm của chúng con luôn phản ánh được tình yêu của Ngài, để từ đó, Tin mừng của Chúa ngày càng lan rộng ra nơi môi trường chúng con đang sống và làm việc. Amen.

Không có nhận xét nào: