“Tôi là vậy sao? Tôi đang dần không nhận ra chính bản thân tôi nữa, tôi luôn khép mình và an phận. Nếu Giê-su không thúc bách tôi, làm sao tôi có thể nhận ra những khiếm khuyết của mình, làm sao tôi có thể nhận ra xung quanh tôi có nhiều người cần tình thương đến thế? Tôi tự nhủ tôi phải đi nhiều hơn nữa để mang thứ tình yêu từ người bạn Giê-su của tôi đến cho nhiều người hơn nữa.”
Tôi cũng giống như bao người khác, thậm chí tôi còn may mắn hơn biết bao người nữa. Tôi được bố mẹ yêu thương đã sinh ra tôi trên cõi đời này, đó là thứ tình yêu đầu tiên tôi được nhận. Tôi được bố mẹ nâng niu, chăm sóc, dạy dỗ, cho tôi một mái ấm hạnh phúc và tôi được lớn lên, trưởng thành lên từng ngày. Đó là tình yêu thứ hai tôi được nhận. Còn một thứ tình yêu khác là khi mẹ dạy tôi làm dấu, dạy tôi biết đến Giê-su qua những câu kinh, là khi bố dạy tôi cầu nguyện và tham dự Thánh Lễ. Đó là tình yêu thứ ba mà tôi nhận được. Nhưng hơn hết là thứ tình yêu nhiệm mầu nhất luôn bên tôi. Đó là tình yêu Giê-Su. Vậy mà cho tới khi lớn lên tôi mới nhận ra. Ngài yêu tôi lắm lắm, Ngài đã theo tôi từ khi tôi còn chưa thành hình hài trong bụng mẹ. Xuyên suốt cuộc sống của tôi, Ngài chưa một lần bỏ rơi tôi. Còn nhiều lắm những gì mà cuộc sống đã dành tặng cho tôi. Đếm mãi, và tôi bỗng ngỡ ngàng nhận ra: cuối cùng tôi đã không thể đếm được hết có bao nhiêu thứ tình yêu mà tôi được đón nhận! Vậy mà tôi có thể đếm rành rọt những thứ tình yêu mà tôi đã trao đi. Lúc đó lòng tôi thốt lên: “Tình yêu mà tôi trao đi chưa bằng một phần nghìn thứ tình yêu mà tôi nhận lại!” Phải chẳng tôi quá ích kỉ? Quá nhỏ nhen?
Hình bóng của Giê-su đang đâu đó trước mắt tôi. Tôi biết, Người có một trái tim bé nhỏ y như tôi vậy. Trái tim của Người cũng chỉ có bốn ngăn và cùng nhịp đập như trái tim tôi. Nhưng người khác tôi lắm, trái tim của người nhỏ bé nhưng tình yêu chất chứa trong đó lại vô cùng lớn. Hơn nữa, biên độ yêu thương của nó cứ mãi là dương vô cùng, luôn lớn dần lên. Tôi không thể đếm nổi những thứ tình yêu mà người đã trao đi. Sức chứa đựng của trái tim ấy thật đáng sợ. Nếu tôi đem lên bàn cân, nếu có một cái cân có thể cân đo được tình yêu, chắc chắn không có chiếc cân nào chịu được sức nặng của nó. Tại sao Người cao cả đến thế? Người thiệt thòi hơn tôi đến vậy? Còn tôi chẳng cho đi được nhiều mà nhận được lại nhiều gấp bội. Phải chăng tôi đang tính toán, so đo với Chúa tôi?
Tôi thích được Người xưng mình là Giê-su, một cái tên thân thiện và rất đỗi gần gũi, quen thuộc với bất kì ai và tôi cũng không ngoại lệ. Tôi luôn cảm nhận được Giê-su là một người bạn của tôi, một người bạn chưa bao giờ bỏ rơi tôi. Những lúc tôi cần thì Người có bên cạnh tôi, còn những lúc người cần thì tôi vắng mặt, tôi chạy trốn và tôi khước từ Người.
Tôi là một người bạn đáng trách phải không? Tôi luôn không hiểu tại sao Người có một tình thương vô bờ bến và vô lợi lộc, không tính toán điều gì đến như vậy? Và điều đó đã làm tôi tò mò, tôi muốn tìm hiểu về người bạn Giê-su của tôi. Và thế là tôi bắt đầ quay mặt, quay lòng mình lại với Người.
Tình thương của người đã “thúc bách” tôi làm cho tim tôi bỗng trở nên rạo rực và muốn làm một điều gì đó. Người bắt đầu dạy tôi hãy “đi” và “tìm”.
“ Đi!”Tôi đã đi theo tiếng trái tim tôi mách bảo, tôi muốn biết Giê-su, Người Bạn của tôi đang làm gì? Đang ở đâu ? Tôi đến với “Trung tâm Nuôi dưỡng Trẻ em Khuyết tật và Người già Neo đơn.” Nơi đây có các trẻ sơ sinh, các em thiếu nhi, các bạn bằng tuổi tôi, hơn tuổi tôi, và cả các cụ già.
Nơi đây có những hình hài tôi chưa bao giờ thấy, chưa bắt gặp ở bất cứ nơi đâu, những căn bệnh mà tôi chưa một lần biết đến . Tôi ngỡ ngàng trước sự hồn nhiên, sự tươi mới của nơi đây. Nhưng rồi tim tôi bỗng chựng lại, khi nhận ra sân chơi của các em, các bạn nơi đây là bãi rác hoặc có thể là bất cứ chỗ nào quanh trung tâm, thậm chí chỉ một khoảng không gian be bé sau xong sắt. Tại sao các bạn ấy lại chọn vui chơi ở những nơi như thế? Chỉ vì các em ấy, các bạn ấy không thể ý thức được những gì đang diễn ra xung quanh, không thể phân biệt nổi sân nhà hay bãi rác! Vậy là tôi đã tìm thấy người bạn Giê-su, Người đang ở đây. Người gọi tôi đến những gian phòng dành cho trẻ sơ sinh, các bé nơi đây như thiên thần vậy, ẵm các bé trên tay mà chạnh lòng. Nhìn lại bản thân, tôi thấy mình sao may mắn quá. Bố mẹ tôi chưa một lần để tôi một mình, mẹ chưa bao giờ để tôi khát sữa, phải chịu đói hay rét. Sao bỗng nhiên tôi nhớ bố mẹ tôi quá, tôi chỉ muốn chạy đến bên bố mẹ tôi ngay lúc này mà nói: “Con cám ơn bố mẹ đã sinh ra con và nuôi nấng con, luôn dành cho con những những điều tốt đẹp nhất!”
Còn nhiều lắm những số phận nơi đây phải sống chung với bệnh tật và mãi mãi gắn bó với một môi trường sống thiếu trước hụt sau này. Vậy đấy, những số phận, những con người nơi đây khác tôi nhiều lắm, những bàn chân quay ngược ra sau chăm chỉ hơn tôi, đi nhiều hơn tôi. Những đôi bàn tay không trọn vẹn, khiếm khuyết. Những cách đứng, dáng đi khác tôi lắm, nhưng họ có giọng hát mê hồn và đi vào lòng người đến khó tả, họ hồn nhiên hơn tôi và cần tình thương sự đồng cảm hơn tôi nhiều lắm.
Vậy mà khi gặp họ lần đầu tiên, tôi run sợ, tôi không dám tới gần họ thậm chí đôi khi tôi không dám nhìn họ nữa. Tôi là vậy sao? Tôi phải xa lánh họ đến thế sao? Tôi nhỏ nhen quá, trái tim tôi khô khan nguội lạnh quá. Giê-Su đã cho tôi thời gian để tự nghĩ về những việc làm, những hành động, những suy nghĩ của bản thân tôi. Và rồi, như không muốn tôi dừng lại, người đã “thúc bách” tôi, thế là tôi tiếp tục “đi” thêm một chuyến đi nữa. Lần này tôi đến với Trại phong Ba Sao. Nơi đó có những cụ già, có những người trung niên. Nhưng họ khác tôi lắm, họ vui vẻ, lạc quan dến kỳ lạ. Đôi bàn tay của họ không có ngón như tôi, những bàn chân, những đôi mắt, mái tóc, dáng đi không được trọn vẹn như tôi; họ cũng chẳng được khỏe mạnh như tôi. Nhưng họ có niềm tin tưởng mạnh mẽ vào người bạn Giê-su của tôi hơn tôi rất nhiều. Họ hát rất nhiều, họ quý, họ yêu và nhớ tên tất cả những người mà họ từng gặp, những người không coi trại phong là một ốc đảo chỉ dành riêng cho những bệnh tật.
Tai tôi như đang có tiếng thì thầm đến từ người bạn Giê-su của tôi: “Cậu à, có phải chúng ta may mắn hơn họ, phải chăng chúng ta hạnh phúc hơn họ. Cậu có biết họ thiếu gì không? Họ thiếu tình yêu, là thứ tình yêu chia sẻ, cảm thông, không xa lánh, không kì thị và không bỏ rơi họ như một hòn đảo xa đất liền, thiếu thốn đủ mọi thứ yêu thương. Chỉ thế thôi cậu hiểu không?”. Chỉ thế thôi, ít vậy sao? Trong khi tôi đầy đủ hơn họ, không phải chịu nỗi đau đớn như họ, mà tôi còn cần nhiều thứ hơn họ, tôi còn trách móc than thở nhiều hơn họ.
Tôi là vậy sao? Tôi đang dần không nhận ra chính bản thân tôi nữa, tôi luôn khép mình và an phận. Nếu Giê-su không thúc bách tôi, làm sao tôi có thể nhận ra những khiếm khuyết của mình, làm sao tôi có thể nhận ra xung quanh tôi có nhiều người cần tình thương đến thế. Tôi tự nhủ tôi phải đi nhiều hơn nữa để mang thứ tình yêu từ người bạn Giê-Su của tôi đến cho nhiều người hơn nữa.
“ Tìm!” Giê-su của tôi với tôi rằng “Có phải cậu cũng cần tình thương, cần chút hơi ấm khi tiết trời lạnh giá, cần chút đồ ăn khi đói, cần sự an ủi khi cô đơn,…. Vậy cậu hãy tiếp tục và đừng dừng lại nhé”. Thế đấy Giê-su của tôi có mặt ở mọi nơi, yêu thương hết thảy mọi người, chẳng bao giờ tôi thấy Giê-su lo lắng cho bản thân điều gì đó mà chỉ thấy Người “đi” và “tìm”. Đi tới và có mặt ở bất cứ nơi đâu đang cần đến Người. Tìm những người cần tình thương.
Và thế là tôi và Giê-su của tôi đi “tìm”. Nói là “tìm” nhưng tôi chưa hề mất một chút sức lực nào cho việc tìm kiếm. Ở cái nơi gọi là thủ đô này có cậu bé ấy đang đi đánh giầy. Chiếc quần đùi cũ, chiếc áo khoác không đủ ấm đã phai màu qua năm tháng. Trời đang mưa và cậu bé rất lạnh và đói. Có cô bé ấy đang cầm chiếc mũ trên tay và xin từng đồng bạc lẻ của người qua đường. Ở kia, nơi gầm cầu là ngôi nhà trú ngụ của hai mẹ con đang chia nhau ổ bánh mỳ ăn qua bữa … Xa hơn một chút, tôi tìm đến những nơi khí hậu lạnh ngắt, để thấy chiếc váy xòe và đôi chân trần của những em nhỏ dân tộc Mông … Mong manh như thế đấy, thế mà họ đi qua từng mùa động khắc nghiệt!
Rộng hơn một chút tôi tìm thấy ở nơi đâu đó không phải đất nước tôi, là nơi người dân lành đang phải chịu cảnh chiến tranh và bạo lực leo thang từng ngày; cuộc sống của họ chênh vênh vắt trên một khát khao tìm hạnh phúc …
Tất cả những con người đó, những số phận những nơi đó cần lắm tình thương. Một mình Giê-su của tôi không thể một tay, cùng một giờ, cùng một nơi có thể mang tình thương đến hết cho tất cả những người đấy. Vậy bạn và tôi hãy cùng lắng nghe tiếng mời gọi của Giê-su nhé! Và hãy đáp lời của Người như năm xưa ngôn sứ I-sai-a đã đáp lời: “Này con đây xin hãy sai con!” (Is. 6, 8)
Riêng tôi sẽ tiếp tục “đi” và “tìm,” để ở đâu bất kì nơi nào tôi đến, những người tôi gặp, những lời tôi nói, những việc tôi làm đều xuất phát từ trái tim tôi, trái tim của người Sinh Viên Công Giáo nhiều lần được tắm gội trong tình yêu Giê-su, Người Bạn rất thân mến của tôi.
Hường Quách, Magis Công Nghiệp
Chia sẻ
Thứ ba 29/5/2018- -Tuần 8 TN
Lời Chúa : Mc 10,28-31
28 Khi ấy, ông Phê-rô lên tiếng thưa Đức Giê-su rằng : "Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy !" 29 Đức Giê-su đáp : "Thầy bảo thật anh em : Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, 30 mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau. 31 Quả thật, nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, còn những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu."
Như hai mặt của cuộc sống, Chúa Giê-su thẳng thắn không úp mở, và rõ ràng khẳng định cho các môn đệ hay những người đi theo Chúa là họ sẽ đương đầu với một thực tế của sự từ bỏ và bước theo Chúa là: sự bách bớ, chống đối, ngược đãi, vác thập giá…đồng thời những người dám từ bỏ theo Chúa sẽ có cảm nghiệm thực thế sự từ bỏ của họ không thể sánh bằng những gì họ được lại: “gấp trăm” ngay ở đời này. Chắc chắn đây không phải là số lượng đếm được…mà là một cảm nhận của sự được trao ban, sự cảm nhận của việc được bù đắp và tình thương an bài lo liệu của Cha trong mọi sự. Sự sắp xếp và lo liệu của Cha nhiều khi còn quá sự suy nghĩ và mong ước hay cầu xin của mỗi người.
Có lẽ những người bước theo Chúa đều có cảm nghiệm sâu sắc về chân lý mà Chúa Giê-su đã kinh qua này. Một khi họ từ bỏ gia đình bé nhỏ, và môi trường hạn hẹp của họ…để theo Chúa Giê-su, họ có gia một gia đình lớn hơn, đông anh chị em hơn trong cùng một đức tin là cùng một Cha. Bất cứ nơi đâu họ phục vụ, nơi đó là nhà và là những anh chị em của họ. Cảm nhận về thế giới quan được mở ra, không hạn hẹp trong “cái tôi” mà là cái của “chúng ta”.
Tâm tình :
Lạy Chúa Giêsu, vì Chúa đã yêu con và gọi con ban cho niềm tin và hạnh phúc là con Chúa
Hôm nay con xin theo Chúa, dẫu đời theo Ngài là ngục tù mở cửa dẫu đường theo Ngài là chông gai sỏi đá, dẫu phương tiện theo Ngài là cây thập tự, dẫu đỉnh cao theo Ngài là Canvê đẫm máu
Nhưng con vẫn dốc quyết theo Chúa vì Chúa đã yêu con, vì Chúa đã chết cho con
Nên con phải dâng cuộc sống này cho Chúa
Nhưng lạy Chúa
Tinh thần nhanh nhẹn nhưng xác thịt nặng nề. Thánh Phaolô cũng phải thú nhận:
Những điều tôi muốn làm thì tôi đã không làm, còn những điều không muốn thì tôi lại làm
Tâm hồn con bao lần vùng chạy về nhan Chúa ước mong là người tôi tớ phục vụ Ngài
Nhưng thực tế nhiều lần xô con vấp ngã
Một bên là trần gian với nhiều nỗi vui say. Một bên là cơ cực chồng chất!
Một bên là cửa ngõ giàu sang phú quý. Một bên là nghèo hèn với sầu tủi!
Và còn nhiều mâu thuẫn đè nặng
Xin Chúa hãy giúp con kiên vững niềm tin, vẫn nhìn thấy ánh sáng Phục sinh qua Thập giá
Khi hiến thân là khi được nhận lãnh chính lúc chết đi là khi được sống muôn đời...
Lạy Chúa, chúng con cũng muốn đi lại con đường Chúa đã đi. Con đường tuân phục thánh ý Chúa Cha. Con đường từ bỏ mình để vác thập giá hằng ngày theo Chúa. Con đường của hy sinh. Con đường dấn thân vì lợi ích tha nhân. Nhưng chúng con lại so đo tính toán. Chúng con cũng như thánh Phêrô, muốn làm một bài toán thật chắc chắn. Chúng con theo Chúa sẽ được gì? Chúng con sợ thiệt thòi. Chúng con sợ hy sinh. Xin Chúa hãy tha thứ những tính toán ích kỷ tầm thường nơi chúng con. Xin giúp chúng con biết trở nên giống Chúa trong yêu thương phục vụ mọi người một cách quảng đại bao dung. Xin cho chúng con dám đóng đinh cuộc đời mình trong hy sinh, bác ái, trong từ bỏ những thói hư tật xấu để chúng con trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa.
Lạy Chúa, xin cho chúng con tìm được niềm vui khi có Chúa đang ngự trong tâm hồn chúng con, và an tâm vững bước trong cuộc đời hôm nay. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét