Chính nếp sống khiêm nhường, đơn sơ của chị Têrêsa đã đánh động được rất nhiều tâm hồn. Vì vậy khi nhắc đến tên Têrêsa chẳng còn ai thấy lạ gì nữa. Điều làm tôi yêu mến ở nơi chị chính là những việc làm hy sinh đơn sơ, nhỏ bé và chân thành. Những hy sinh nhỏ bé đó có thể dễ với một Têrêsa nhưng lại khó với chính bản thân tôi. Tôi thiết nghĩ, có lẽ chị làm được những việc phi thường như vậy bởi vì chị có một tình yêu đặc biệt dành cho Chúa và tha nhân. Tôi học được cách cầu nguyện cũng là nhờ chị thánh Têrêsa. Tôi thấy chị cầu nguyện có vẻ không bị nhàm chán, khô khan. Bởi vì chị cầu nguyện ở mọi lúc mọi nơi, trong khi nói chuyện với người khác cũng như lúc làm việc với chị em, cả khi bị người khác hiểu lầm… Nếu như một người bình thường thì đang khi tức giận làm sao lại có thể cầu nguyện được, vậy mà một Têrêsa bé nhỏ lại có thể làm được điều phi thường như vậy đó. Thậm chí cả khi chị làm sai điều gì hoặc thấy mình có lỗi với Chúa và tha nhân là chị nhanh chóng, thành thật đi xin lỗi và sửa lỗi ngay. Chính vì vậy mà đời sống ơn gọi của chị luôn bộc lộ được sự bình an. Lúc chưabiết về chị tôi cảm thấy khó khăn vì không biết phải dùng lời lẽ câu văn như thế nào cho hay để tâm sự cho Chúa dễ nghe, dễ hiểu về tâm tình và nhu cầu của tôi, cũng như nhu cầu của người khác nữa. Nhưng khi thấy cách cầu nguyện của chị vừa đơn sơ, thực tế,và cũng là cách làm vui lòng Chúa nhất. Nên vì thế mà tôi thấy yêu mến chị và yêu mến ơn gọi của mình hơn.
Tôi có thể nói rằng tôi học được ở nơi chị Têrêsa về đời sống cầu nguyện, nhưng chắc chắn tôi không phải là Têrêsa thứ hai, vì bản thân tôi còn nhiều giới hạn, không thể lúc nào cũng đơn sơ với mọi người như chị Têrêsa được. Cũng chính nhờ đời sống của chị đã nhiều lần đánh động và nhắc nhở tôi, chính chị đã tiếp thêm nguồn động lực giúp tôi trong hành trình ơn gọi.
Qua gương sống của chị, tôi mới nhận ra rằng, trước đây tôi cứ than mình không có thời gian cầu nguyện, không biết cầu nguyện như thế nào. Nhưng nếu dùng đời sống của chị Têrêsa để soi vào đời sống của tôi thì tôi thấy thời gian của tôi và của chị cũng chẳng có gì hơn nhau, có điều khác là chị biết tận dụng thời gian dù là nhỏ nhất để chia sẻ với Chúa, gặp gỡ Chúa. Còn tôi, tôi lại bỏ phí những thời gian và muôn ngàn cơ hội mà tôi cho là nhỏ bé. Và tôi nhận ra thêm một điều nữa nếu như ơn gọi của tôi mà không có đời sống cầu nguyện thì chắc chắn rằng tôi sẽ luôn cảm thấy u buồn và nhàm chán trong đời sống ơn gọi của mình.
Cám ơn chị Têrêsa đã luôn là mẫu gương, là động lực nhắc tôi trong đời sống cầu nguyện. Cámơn chủ nhân của cuốn sách đã cho tôi mượn để đọc để suy. Có thể nội dung và hình ảnh trong cuốn truyện là những gì mà người ấy muốn nói với tôi, người ấy muốn dùng nhân vật trong truyện để nhắc nhở tôi sống đơn sơ, phó thác và nhờ vậy tôi sẽ được bình an trong ơn gọi.
Xin mời Bạn cùng dọc Lời Chúa :
Thứ năm 21/6/2018 - Tuần 11 TN
Lời Chúa : Mt 6, 7-15
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Khi cầu nguyện, các con đừng nhiều lời như dân ngoại: họ nghĩ là phải nói nhiều mới được chấp nhận. Ðừng làm như họ, vì Cha các con biết rõ điều các con cần, ngay cả trước khi các con xin. Vậy các con hãy cầu nguyện như thế này:
"Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày, và tha nợ chúng con, như chúng tôi cũng tha kẻ có nợ chúng con, xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen.
"Vì nếu các con có tha thứ cho người ta những lầm lỗi của họ, thì Cha các con, Ðấng ngự trên trời, mới tha thứ cho các con. Nếu các con không tha thứ cho người ta, thì Cha các con cũng chẳng tha thứ lỗi lầm cho các con".
Suy niệm :
Kinh Lạy Cha là một kinh quan trọng đối với đời sống người Kitô hữu, vì đó là kinh do chính Chúa Giêsu đặt ra, là kinh được Giáo Hội đọc nhiều hơn cả trong các cử hành phụng vụ và các cử hành khác, là kinh tóm gọn tất cả những gì phải làm trong khi cầu nguyện.
Chúng ta cần cầu nguyện với Chúa Cha để sống và hoạt động tông đồ đắc lực, khi cầu nguyện như thế, chúng ta cậy nhờ Chúa Giêsu và nhờ chính lời cầu nguyện của Ngài. Có một điểm Chúa Giêsu căn dặn là trong khi cầu nguyện đừng có thái độ thuyết phục Thiên Chúa theo ý muốn của mình bằng những lời khéo léo dài dòng như những người ngoại giáo đối với các thần minh của họ. Chúa Giêsu dạy chúng ta đừng làm như thế, bởi vì "Cha các con đã biết rõ các con cần gì, trước khi các con cầu xin". Nói khác đi, khi cầu nguyện, chúng ta chỉ cần đơn sơ khiêm tốn nhìn nhận mình hèn mọn thiếu thốn, vạch rõ con người của chúng ta trước mặt Thiên Chúa, rồi vững dạ cậy trông tin tưởng. Thiên Chúa chẳng những sẽ lấp đầy cái trống rỗng của chúng ta, mà còn dằn lắc, còn ban cho chúng ta nhiều ơn hơn chúng ta khấn xin.
Chính Chúa nói cần phải cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ. Chúa đã đề ra những cách thức phải cầu nguyện làm sao: cầu nguyện nơi kín đáo, cầu nguyện khiêm nhường, cầu nguyện với lòng tin, cầu nguyện chung nhau hai ba người họp lại. Bài Tin Mừng hôm nay còn cho chúng ta một điểm nữa khi cầu nguyện là “chớ có lải nhải nhiều lời như dân ngoại.” Sở dĩ Chúa đưa ví dụ này ra là vì các thầy Biệt phái đã làm sai mục đích việc cầu nguyện, và họ gán cho việc cầu nguyện có một giá trị như cái máy, hễ đọc lên là được ơn, không kể gì đến nội tâm cõi lòng. Nhưng Chúa nhấn mạnh đến tâm hồn.
Cho nên, đọc kinh mà thôi chưa đủ, phải khẩu tụng tâm suy và sống nữa. Chúa Giêsu đã mấy lần cảnh cáo con người chỉ có bên ngoài môi miệng: miệng đọc “Lạy Chúa” mà lòng cách xa. Vì thế, Chúa nói khi cầu nguyện thì đừng có nhiều lời lải nhải như một con vẹt hay một chiếc máy ghi âm. Chúng ta nên nhớ một điều là đừng hiểu lầm “cầu nguyện lải nhải lắm lời” với kiểu cầu nguyện kiên nhẫn của Chúa đề ra. Xin nhớ rằng không bao giờ Chúa cấm hay lên án cầu nguyện dài hay lâu giờ. Trái lại, Chúa còn dạy cầu nguyện luôn luôn nữa là khác. Nhưng Chúa nói là cầu nguyện phải có miệng lưỡi và tấm lòng đi với nhau. Vì thế, Chúa không muốn chúng ta cầu nguyện mà lòng rỗng tuếch mà nhiều lời vô ích.
Lạy Chúa, xin cho mỗi lần đọc lên lời kinh Lạy Cha nhắc nhở cho chúng con về lòng nhân từ của Thiên Chúa, đồng thời nhắc nhở cho chúng con đều kiện để hưởng sự tha thứ: càng tha thứ cho người khác, chúng con càng được Chúa thứ tha.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét