Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2018

Bước theo Ngài


Kết quả hình ảnh cho theo Chúa


Có một chàng thanh niên quyết tâm theo Chúa, biết được ý định tốt lành này, Chúa tới rủ anh, ''Hãy theo Ta!'' Mừng quá, anh nói như reo: ''Vâng! Vâng! Con đi ngay! Nhưng... xin Chúa cho con chuẩn bị hành trang một chút.”
        Chàng trai trẻ tính toán thật nhanh: ‘‘Trời lạnh, phải mang hai cái chăn cho mình và cho Chúa, cộng thêm lều bạt để ngủ qua đêm... Xiên, thìa, bát, đĩa, mỗi thứ hai cái . Gạo, nước, rồi cả xoong nồi để nấu nướng; nhưng cũng phải mang lương khô và đồ hộp để đỡ mất thời giờ bếp núc nhiều... Giầy phải hai đôi sợ đường xa mau mài mòn... Còn thuốc men, dầu gió phòng khi đau ốm... Rồi lại áo quần, nước uống, trà gói, cà phê, bình thủy v.v." Ba lô trên vai, thêm đồ đạc tay xách nách mang, chàng hớn hở theo Chúa lên đường.
         Đêm đầu tiên, anh thấm mệt và nghĩ ngợi trước khi ngủ: ‘‘Chúa và mình ngủ trong chăn túi cũng được, ngày mai sẽ vứt lều bạt cho bớt nặng. Trời cũng không lạnh lắm nên chắc cũng bỏ luôn áo ấm''. Đêm ấy, anh ngủ thật ngon; Trong giấc mơ, anh thấy Chúa mỉm cười.

Đường xa cùng Chúa đồng hành, sau những ngày đầu hăng hái, bước chân nhẹ tênh tênh đã biến mất, thay vào đó là sự nặng nề, mệt nhọc. Chàng trai quyết định vất cả xoong nồi và ít quần áo, vừa khỏi cồng kềnh, vừa bớt nặng. Anh lại thấy Chúa nhìn anh, mỉm cười.
          ''Lóc ta lóc tóc'', anh bước theo Chúa. Ngày lại ngày, bụi bặm đường dài như chất thêm sức nặng trên vai chàng trai trẻ. Rồi không cầm lòng được, lâu lâu anh lại hỏi: ‘‘Chúa ơi, đường còn xa không hả Chúa?'' Chúa hiền hòa trả lời: ‘‘Đường còn xa con ạ''. Chàng lại âm thầm tính toán, quẳng dần những thứ mang theo: ‘‘Giày cũng lâu mòn, thôi thì một đôi cũng đủ, quần áo cũng bỏ bớt lần lần; ăn bánh mì đồ hộp cho mau thì bỏ đi gạo nước; Bát đũa đi, còn đĩa muỗng ở lại... ''. Có điều lạ là càng quẳng đồ đi, anh thấy nhẹ người mà cả lòng cũng nhẹ. Những lắng lo tính toán dần dần tan biến; Thay vì hay hỏi ''Đường còn xa không?'' thì anh lại chuyện trò với Chúa nhiều hơn. Và mỗi lần loại bớt đồ trên vai, anh lại thấy Chúa nhìn anh và... mỉm cười.

Môt ngày kia, khi tới bên một triền núi. Chàng trai chợt tỉnh ngộ: ‘‘Tại sao mình còn vướng bận nhiều thứ vậy? Sao không bỏ hết để chỉ bận tâm tới Chúa và bước theo Ngài thôi?''Nghĩ sao làm vậy, chàng dừng lại, vứt bỏ hết mọi thứ xuống lũng sâu. Khi quay lại để tiếp tục đi; thì kìa, Chúa mỉm cười trìu mến bảo anh: ''Con ạ, chúng ta đã đến nơi rồi!''.

Thứ sáu 30/11/2018
Lễ Thánh An rê, tông đồ
Lời Chúa: Mt 4, 18-22


Khi ấy, nhân lúc Chúa Giêsu đi dọc theo bờ biển Galilêa, Người thấy hai anh em là Simon, cũng gọi là Phêrô, và Anrê, em ông, cả hai đang thả lưới dưới biển, vì hai ông là ngư phủ. Người bảo hai ông rằng: “Các ngươi hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những ngư phủ lưới người ta”. Lập tức hai ông bỏ lưới đó mà theo Người. Ði xa hơn một đỗi, Người lại thấy hai anh em khác là Giacôbê con ông Giêbêđê, và Gioan em ông đang vá lưới trong thuyền với cha là Giêbêđê. Người cũng gọi hai ông. Lập tức hai ông bỏ lưới và cha mình mà đi theo Người.


Nếu xưa Chúa đã đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê để kêu gọi các môn đệ thì nay Chúa cũng đang đi dọc theo biển đời để mời gọi con người tiếp nối việc rao giảng Tin Mừng. Xưa Chúa đã hiện diện cách thể lý và gọi đích danh người được chọn thì nay Chúa vẫn đang hiện diện nơi Giáo Hội qua các vị đại diện của Ngài và cất tiếng gọi đối với những người Chúa muốn. Giữa một thế giới nhiều tiếng vẫy gọi như ngày hôm nay, tiếng Chúa gọi dường như xa lạ với nhiều người. Số bạn trẻ nghe và đáp lại tiếng Chúa đang ít dần. Chúa muốn mỗi người chúng ta đáp lại lời Ngài cách dứt khoát và trọn vẹn, không phải một ngày nhưng là mọi ngày trong đời ơn gọi của ta. Chúa muốn ta chu toàn ơn gọi của mình qua từng công việc và từng biến cố trong mỗi ngày sống. Nếu ta ví ơn gọi của ta như một đường thẳng thì những ngày sống vâng theo thánh ý Chúa nơi ta sẽ là những dấu chấm liên tục tạo nên đường thẳng đó. Dấu chấm đậm thì đường thẳng rõ, dấu chấm nhạt thì đường thẳng mờ. Khi có một đường thẳng rõ thì ta dễ dẫn mọi người đến với Chúa hơn.


Lạy Chúa Giêsu, Giáo Hội của Chúa luôn cần những vị tông đồ thiện toàn để mở rộng Nước Chúa. Xin cho chúng con và nhiều bạn trẻ hôm nay biết noi gương các môn đệ của Chúa biết quảng đại đáp lại tiếng Chúa gọi cách dứt khoát và trọn vẹn. Xin cho chúng con dám buông mình cho Chúa đào luyện để mai này trở thành những môn đệ như lòng Chúa ước mong.

Thứ Năm, 29 tháng 11, 2018

Cuối đời không cô đơn nữa




Những phút cuối cuộc đời bà cụ không hề cô đơn

Anh Graeme và đội cứu hộ được giao nhiệm vụ dùng xe cấp cứu đưa một cụ già đang hấp hối đến trung tâm chăm sóc. Khi gặp bà cụ, anh Graeme và đồng nghiệp nhận ra rằng thời gian của cụ có lẽ không còn nhiều nữa.

Trước khi ra khỏi nhà, dường như cụ bà cũng linh tính rằng mình có thể sẽ không còn cơ hội quay trở lại nơi đây nên đã không quên nói lời chia tay ngôi nhà nhỏ thân thương của mình.
Khi ngồi trên xe, Graeme chứng kiến vẻ mặt mệt mỏi của bà cụ, dấu hiệu của sự ra đi vĩnh viễn mỗi lúc một gần hơn. Trong tâm anh rất muốn làm một điều gì đó có ý nghĩa cho bà chứ không chỉ đơn giản là đưa bà về nơi cứu hộ. Anh chân thành hỏi:
“Thưa bà, bà có còn nguyện vọng nào chưa hoàn thành hay không ạ? Chúng cháu hy vọng có thể giúp bà thực hiện”.
Thật không ngờ đó lại là câu nói mà bà cụ đang mong chờ nhất, ánh mắt bà ngời lên tia sáng hy vọng và hạnh phúc dâng trào, bà nói: “Ta muốn đi ngắm biển một lần”.
Ngay tức khắc, nguyện vọng của bà được đáp ứng và thật tuyệt vời khi Queensland lại rất gần biển, xe cấp cứu quay hướng trở về bãi biển Hervey Bay.
Anh và đồng nghiệp hiểu rằng đây có lẽ sẽ là lần cuối cùng bà được ngắm biển, nên hy vọng có thể giúp bà hoàn thành nguyện ước, anh nói: “Chúng cháu đã hoàn thành mong muốn cuối cùng của bà”.
Anh Graeme và cô Daenielle đẩy chiếc giường của bà cụ đến bên bờ, tĩnh lặng ngắm nhìn biển lớn. Khuôn mặt của cụ bà ánh lên niềm vui. Anh Graeme chia sẻ: “Khoảnh khắc nhìn thấy biển, bà trở nên phấn chấn và vui vẻ hơn”.
Rồi bất ngờ hơn khi bà cụ trải lòng mình với câu chuyện cuộc đời từ khi bà bắt đầu đặt chân đến nơi đây. Bà kể lại: “Cậu biết không, năm đó vì tôi và chồng thích biển, nên đã chuyển đến Hervey Bay với niềm yêu thích ấy và sống cả đời.
Ông ấy đi trước rồi, còn tôi cũng chưa hề quay lại ngắm biển, nay tôi cũng phải đi rồi nên muốn quay lại đây ngắm nhìn, ở đây có ký ức tuổi trẻ và tình yêu của tôi”.Đến lúc này câu chuyện của bà cụ đã khiến anh Graeme và đồng nghiệp vô cùng xúc động, không ngờ bà cụ lại có một câu chuyện buồn đến vậy. Bà chia sẻ có lúc đã run lên vì hạnh phúc và phấn khích khi ước mơ cuối cùng được thực hiện.
Vì muốn bà thấy biển gần hơn, Graeme đã chạy về xe lấy một cái túi rồi cho nước biển vào để cụ bà một lần nữa cảm nhận được nhiệt độ của nước biển.
Anh chia sẻ khi điều đó xảy ra: “Khi bà để tay vào trong nước, tôi có thể nhìn thấy lồng ngực bà phập phồng, nhịp tim của bà tăng nhanh. Tiếp đó bà nằm ngay ngắn lại, nhắm mắt, tay bà cũng không còn run rẩy nữa.
Trong lúc đó anh đã kịp thời chụp lại bức ảnh và chia sẻ lên trang Facebook của tổ chức cứu hộ. Chỉ sau 1 đêm đăng lên, bức ảnh đã nhận về 5.000 tin nhắn chia sẻ, lan tỏa yêu thương trên khắp nước Úc.Khi tôi hỏi bà cảm thấy thế nào, bà nhìn biển và nói: “Tôi cảm thấy rất thanh thản, không có gì đẹp hơn thế này nữa”.
Cùng với khoảng thời gian ngắn ngủi khi ở bên bà cụ, NH Graeme đã làm được một điều tuyệt vời nhất cho bệnh nhân của mình. Đó cũng chính là những giá trị đích thực của lòng tốt, nó không chỉ là hành động. Nó là thái độ, biểu cảm, cái nhìn, sự tiếp xúc. Nó là tất cả mọi thứ đã làm người khác cảm thấy ấm lòng. Bà cụ ra đi khi đã hoàn thành được tâm nguyện cuối cùng bên những nhân viên cứu hộ có lòng nhân ái tuyệt vời. Trong thời khắc ấy, bà không cô đơn, bà được chứng kiến và có niềm tin rằng vẫn có nhiều người tốt trên thế gian. Quyết định của Graeme đã để lại một khoảnh khắc đẹp đẽ và sâu lắng trong lòng những người dân nước Úc. Đúng như những gì bà cụ nói: “Không có gì đẹp hơn thế này nữa!”

Thứ năm 29/11/2018 - Tuần 34 TN
Lời Chúa: Lc 21, 20-28


Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Khi các con thấy Giêrusalem bị các đạo binh bao vây, các con hãy biết rằng đã gần đến lúc thành ấy bị tàn phá. Bấy giờ những ai ở trong đất Giuđa, hãy chạy trốn lên núi, những ai ở trong thành, hãy rời xa, và những ai ở vùng quê, chớ có vào thành; vì những ngày ấy là những ngày báo oán, để ứng nghiệm mọi lời đã ghi chép. “Khốn cho những đàn bà đang mang thai và nuôi con thơ trong những ngày ấy: vì chưng sẽ có sự khốn cực cả thể trong xứ và cơn thịnh nộ trút xuống dân này. Chúng sẽ ngã gục dưới lưỡi gươm, sẽ phải bắt đi làm tôi trong các dân, và Giêrusalem sẽ bị các dân ngoại chà đạp, cho đến thời kỳ dành cho dân ngoại chấm dứt. “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao; dưới đất, các dân tộc buồn sầu lo lắng, vì biển gầm sóng vỗ. Người ta sợ hãi kinh hồn, chờ đợi những gì sẽ xảy đến trong vũ trụ, vì các tầng trời sẽ rung chuyển. Lúc đó, người ta sẽ thấy trên đám mây, Con Người hiện đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả. Khi những điều đó bắt đầu xảy đến, các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến”.


Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhìn vào các biến cố cuộc sống với một nhãn quan và tâm thức hy vọng như các tín hữu tiên khởi đã cảm nghiệm nơi biến cố Giêrusalem năm 70. Sự đổ vỡ và mất mát nào cũng mang lại sự buồn phiền đau đớn, nhưng chúng ta cần vượt trên bình diện sự kiện để khám phá thánh ý Chúa và sống niềm hy vọng trước các biến cố cuộc đời. Thiên Chúa không khuất mặt trước những khổ đau của con người. Trái lại, Ngài luôn hiện diện, nâng đỡ và mang lại tia sáng hy vọng từ trong những thất vọng họ đang nếm trải. Một niềm tin đích thực là niềm tin luôn nhận biết sự hiện diện của Chúa trong những éo le cuộc đời. Vì thế, như Lời Chúa soi rọi, đừng chán nản, thất vọng, buông xuôi mà “hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên vì giờ cứu rỗi đã gần đến”.


Lạy Chúa, trong mọi nơi và mọi lúc, xin cho chúng con luôn nhận ra sự hiện diện của Chúa. Xin Chúa giúp chúng con luôn sống lạc quan và tin tưởng trong tình yêu quan phòng của Chúa khi phải đối diện và trải qua những đau thương của cuộc đời. Amen.

Thứ Tư, 28 tháng 11, 2018

Vì tin Thầy anh em sẽ bị ngược đãi

Kết quả hình ảnh cho suy niệm tin mừng Lc 21,12-19


Một hôm thần dữ Satan triệu tập tất cả các sứ giả của mình lại để sai đến trần gian với sứ mạng duy nhất này là giải thích cho con người biết Thiên Chúa đã chết rồi.
      Các sứ giả ra đi, nhưng không bao lâu sau tất cả đều trở về. Thần dữ Satan ngạc nhiên hỏi: -Tại sao các ngươi thực hiện công tác nhanh như thế? Hay là có chuyện gì trục trặc?
     Các sứ giả đồng thanh đáp: -Thưa ngài, chúng tôi không còn việc gì để làm nữa. Bởi vì tất cả những nơi chúng tôi đi quanh trên trần gian, nơi nào con nguời cũng sống như thê Thiên Chúa đã chết. Họ hận thù, chém giết nhau, gian tham, trộm cắp. Không có gì xấu mà con người không làm. Dù nhiều người vẫn còn xưng mình là kẻ tin Thiên Chúa, nhưng cách sống của họ không hề biểu lộ niềm tin này mà ngược lại, như là loan báo Thiên Chúa đã chết rồi. Như vậy chúng tôi đâu cần tốn công thuyết phục con người nữa...Điều này sẽ xảy ra như Lời Chúa Giê su đã nói trước trong đoạn Lời Chúa sau đây. Xin mời Bạn cùng đọc

Thứ tư 28/11/2018 - Tuần 34 TN
Lời Chúa: Lc 21,12- 19

(12) "Nhưng trước khi tất cả các sự ấy xảy ra, thì người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp cho các hội đường và nhà tù, và điệu đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy. (13) Ðó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy. (14) Vậy anh em hãy ghi lòng tạc dạ điều này, là anh em đừng lo nghĩ phải bào chữa cách nào. (15) Vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan, khiến tất cả địch thủ của anh em không tài nào chống chọi hay cãi lại được. (16) Anh em sẽ bị chính cha mẹ, anh chị em, bà con và bạn hữu bắt nộp. Họ sẽ giết một số người trong anh em. (17) Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. (18) Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu. (19) Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình.


Suy niệm :
Trước khi đền thờ và thành Giêrusalem bị tàn phá, thì các tín hữu thời đó đã bị bách hại. Cũng vậy, trước khi đến ngày cánh chung, mặc dù chúng ta không biết rõ ngày nào, thì Hội Thánh ở trần gian cũng bị đau khổ, thử thách và bách hại. Vì thế, đoạn Tin Mừng hôm nay Thánh Sử Luca đưa ra một giáo lý về sự đau khổ và bách hại có liên quan đến ngày cánh chung: “nhưng trước khi những tất cả sự ấy xảy ra...” Chúa Kitô đã qua khổ nạn mà tới vinh quang, thì nhiệm thể của người là Hội Thánh cũng phải qua thử thách mới phát triển và hoàn thành, như Tertulien nói: “ máu tử đạo sinh ra người có đạo”. Chúa Giêsu cũng báo trước cho các môn đệ. “ Người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp cho các hội đường và nhà tù và điệu đến trước mặt vua Chúa quan quyền vì danh Thầy”. Như vậy, những đau khổ, thử thách, bách hại, là những cơ hội để các môn đệ của Chúa Giêsu làm chứng cho Người, đó là chức năng thuần túy của nhóm 12, họ làm chứng cho người giữa những bách hại, làm chứng Người đã sống lại và Người là Thiên Chúa. Việc làm chứng đồng nghĩa với việc “tử đạo” cho các thế hệ về sau. Bị bách hại là số phận thường tình của người tông đồ, và chỉ có thế, Nước Trời mới đến được trần gian này. Nhưng giữa cơn bách hại người tông đồ vẫn cảm thấy được an ủi vui sướng, hạnh phúc và hãnh diện, vì được tỏ lòng yêu mến Chúa Giêsu, và được có cơ hội để là chứng cho Chúa Giêsu bằng những lời lẽ hùng hồn, bằng những cực hình đau khổ, và cả cái chết Chúa Giêsu còn nói: “vì danh Thầy anh em sẽ bị mọi người ghen ghét”, như vậy, cuộc bách hại có thể xãy ra ở mọi nơi mọi lúc, vì thế gian từ chối sứ điệp của Tin Mừng Chúa Kitô, cuộc bách hại còn xãy ra trong bầu khí thân thương là gia đình, đó là trường hợp người thân cản trở, chống đối nhau trong việc đón nhận và sống theo giá trị Tin Mừng mà Chúa muốn

Lạy Chúa Giêsu, Đấng cứu chuộc chúng con bằng con đường thập giá, xin giúp chúng con biết noi gương Chúa, sẳn sàng đi con đường Chúa đã đi để đền đáp tình yêu Chúa, làm chứng cho Chúa trước mặt mọi người, để con được xứng đáng làm môn đệ Chúa và hưởng hạnh phúc với Chúa trong vương quốc của Ngài.

Thứ Ba, 27 tháng 11, 2018

Không có gì tồn tại...

Kết quả hình ảnh cho Động đất, sóng thần

Làng Bờ Kênh có một cây đa rất to, nhánh của nó vươn rộng phủ cả một gốc đường. Nó là niềm tự hào đối với bà con cô bác khu vực này. Những chiếc rễ cái và rễ con bám chật và trồi lên mặt đất là thành những chiếc ghế ngồi thật thú vị. Nhiều người đến ngồi trò chuyện, vui chơi và ngay cả tiệc tùng dưới bóng mát che chở của nó….Nó hiện diện ở đó từ rất lâu, lâu lắm rồi và không ai nhớ rõ từ bao giờ, và có lẽ vì nó quá to lớn và xum xê nên chẳng mấy ai nghĩ tới việc một ngày nào đó nó sẽ rời mãnh đất mà nó bám trọ quá lâu để chết đi. Thế rồi một hôm cơn mưa thế kỷ ập đến, cây đa đã không còn…Vạn vật đều tuân thủ định luật biến đổi của vũ trụ. Nói như kinh nghiệm của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vạn vật phải trọ, phải sống nhờ một bàn cân khác trong cuộc trần này: “Con chim ở đậu cành tre, con cá ở trọ trong khe nước nguồn, đám mây ở trọ tầng không…”; cũng vậy cây đa sống trọ đất trồng, đền thành sống trọ móng nền thế thôi… Cây cối sông núi cũng đều có cái già cái trẻ. Đất cát cũng có khi lở khi bồi. Đó là cảnh "bãi biển nương dâu", cảnh biển cả biến thành ruộng dâu, ruộng dâu biến thành biển cả. Tục ngữ ta có nhiều câu nói lên được sự vô thường của sự vật một cách rất thâm thúy như: “Vật đổi, sao dời”.


Thứ ba 27/11/2018 - Tuần 34 TN
Lời Chúa : Lc 21,5-11

5 Nhân có mấy người nói về Đền Thờ được trang hoàng bằng những viên đá đẹp và những đồ dâng cúng, Đức Giê-su bảo: 6"Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào." 7 Họ hỏi Người: "Thưa Thầy, vậy bao giờ các sự việc đó sẽ xảy ra, và khi sắp xảy ra, thì có điềm gì báo trước? " 8 Đức Giê-su đáp: "Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt, vì sẽ có nhiều người mạo danh Thầy đến nói rằng: "Chính ta đây", và: "Thời kỳ đã đến gần"; anh em chớ có theo họ. 9 Khi anh em nghe có chiến tranh, loạn lạc, thì đừng sợ hãi. Vì những việc đó phải xảy ra trước, nhưng chưa phải là chung cục ngay đâu". 10 Rồi Người nói tiếp: "Dân này sẽ nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ. 11 Sẽ có những trận động đất lớn, và nhiều nơi sẽ có ôn dịch và đói kém; sẽ có những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ lớn lao từ trời xuất hiện.


Chúa Giê-su hiểu thấu xu hướng biến động và bản chất không thật của mọi vật thể và biến cố, nên Chúa muốn hướng con người ta đến cái vĩnh cửu hơn, cái cốt lõi của vạn vật, chứ không phải là cái hiện hữu- cái ta giả của con người hay của vạn vật. Nhìn những vạn vật luôn đổi thay chuyển dời xem ra như là lời nhắc nhớ cho mọi người biết rằng, trái đất này không phải là nơi cư ngụ vĩnh viễn của vạn vật. Nó chỉ là chốn trọ của con người trong cuộc lữ hành trần thế, cuộc lữ hành đức tin. Mỗi người sống “trọ” trong chốn trần gian này tạm đến, tạm ghé, tạm dừng trên hành trình tiến hóa. Tất cả hiện tại này thật bấp bênh và thật mỏng manh.

Mong sao Lời Chúa hôm nay thêm một lần nữa giúp mỗi người thêm kinh nghiệm sâu sắc hơn rằng: mỗi người chỉ ở trọ trong cõi trần gian này duy nhất một lần, và thời gian trọ mỗi người dài ngắn khác nhau. Vì thế, khi đối diện với những vô thường và “ảo” của vạn vật, có lẽ mỗi người sẽ hóa giải được tất cả lo âu để có được tâm sáng suốt, nhẹ nhành, thanh thản, an bình và từ tâm trong cuộc lữ hành.

Lạy Chúa Giê su, rồi ra sẽ còn lại gì trong cuộc sống hôm nay, nếu mỗi ngày chúng con chỉ nhìn thấy những đau thương do chính con người tạo nên, và nhìn thấy thiên nhiên mỗi ngày như đang chống lại con người, gây nên biết bao tai họa, thảm cảnh.
Chỉ nơi Chúa, chúng con mới tìm thấy thông điệp của mọi biến cố xảy đến trong cuộc đời, trong những thảm họa bi thương, tìm được câu giải đáp thật trọn vẹn mà Chúa muốn nói với chúng con.
Xin hãy dạy chúng con biết sống thật có ý nghĩa, sống trong yêu thương, trong bình an với anh chị em mình, biết xây dựng một thế giới hạnh phúc, tràn đầy tình thương giữa con người với nhau, và chỉ tìm kiếm Chúa, môt mình Chúa mà thôi. Có như thế, chúng con mới có thể chuẩn bị cho một ngày huy hoàng trong tương lai, ở nơi đó, Thiên Chúa là tất cả, là bến bờ của hạnh phúc, bình an, là tất cả yêu thương chúng con được nhận lãnh.

Thứ Hai, 26 tháng 11, 2018

Lòng quảng đại thật sự

Kết quả hình ảnh cho suy niệm tin mừng Lc 21,1-4


Chàng bác sĩ trẻ sẵn sàng hiến toàn bộ tạng sau khi ra đi và câu chuyện người mẹ đã lên 'thiên đường'

Từ cuối tháng 8/2016, thông tin về sự ra đi của bác sĩ, đại tá Vũ Thị Thoa khiến bạn bè, đồng nghiệp tại bệnh viện 19/8- Bộ Công an không khỏi đau xót. Bà đã ra đi, để lại bao nỗi tiếc thương vô hạn cho những người ở lại nhưng với nghĩa cử cao đẹp: hiến tạng giác mạc, mô duy nhất còn lại chưa bị căn bệnh ung thư xâm chiếm, bà đã cứu giúp những mảnh đời bất hạnh có cơ hội tìm lại được ánh sáng.
Ngày qua đời, nữ bác sĩ, đại tá Vũ Thị Thoa nằm đó với khuôn mặt phúc hậu, mái tóc thưa đi nhiều vì những lần xạ trị. Đứng bên cạnh bà, những người thân gia đình, những bạn bè, đồng nghiệp dâng lên niềm xúc động khó tả thành lời. Trong thời khắc thiêng liêng đó, tất cả đều nghiêng mình trước người bác sĩ, chiến sĩ công an – Trưởng khoa Mắt bệnh viện 19/8 – Bộ Công an.
Sau hơn một năm ngày mất của bác sĩ, đại tá Vũ Thị Thoa, con trai của bà là anh Hoàng Thanh Tùng quyết định theo bước mẹ đăng ký hiến mô tạng với suy nghĩ: “Sinh ra lành lặn không bị bệnh tật đã là một cái sự ưu ái của tạo hóa, việc hiến mô tạng như một cách Tùng cảm tạ với cuộc đời…”Đôi mắt buồn, nhưng miệng luôn mỉm cười, Tùng chia sẻ về lý do quyết định hiến toàn bộ tạng của mình (sau khi chết): “Dự định Tùng đã có lâu rồi, nhưng bây giờ mới là thời điểm thích hợp để Tùng đăng ký hiến mô tạng. Tùng làm vì lý do đơn giản thôi, mỗi con người được sinh ra được lành lặn đã là một may mắn rồi, Tùng muốn làm điều gì đó có ích để cảm tạ cuộc đời. Cũng còn lý do nữa, đó là nối tiếp di nguyện của mẹ, mẹ đã hiến giác mạc và giúp được các bệnh nhân tìm lại được ánh sáng.

Không có nghĩa cử cao đẹp hơn là trao ban những gì quý giá nhất của mình cho người đang cần như trong câu chuyện trên đây. Chúa Giê su đã khen ngợi điều đó trong đoạn Lời Chúa sau đây. Xin mời Bạn cùng đọc :

Thứ hai 26/11/2018 - Tuần 34 TN
Lời Chúa : Lc 21, 1-4

1 Ngước mắt lên nhìn, Đức Giê-su thấy những người giàu đang bỏ tiền dâng cúng của họ vào thùng tiền. 2 Người cũng thấy một bà goá túng thiếu kia bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm. 3 Người liền nói: "Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào nhiều hơn ai hết. 4 Quả vậy, tất cả những người kia đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ, mà bỏ vào dâng cúng; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình, mà bỏ vào đó tất cả những gì bà có để nuôi sống mình."


Hai hình ảnh như đối nghịch từng đôi một. Một bên là người giàu, những người giàu. Còn bên kia là bà góa, mà chỉ có một bà góa. Một bên là bỏ nhiều tiền, bên kia chỉ có hai đồng xu nhỏ. Giàu thì có bạn cùng đi, một nhóm... Còn nghèo và cô đơn thì chỉ đi lẻ loi một mình. Hình ảnh bà góa xuất hiện như một nét chấm phá cho bức tranh bỏ tiền dâng cúng mà họa sĩ muốn bộc lộ tâm trạng. Nét chấm phá ấy lên đến cao độ, khi bà thò tay vào túi, lần mò mãi và cuối cùng rụt rè bỏ vào thùng 2 đồng xu kẽm. Hai đồng kẽm ấy như lọt thỏm và bị mất hút giữa muôn tờ giấy bạc của đám người giàu, chỉ như hạt muối bỏ biển.

Chúng ta thấy tâm trạng của Đức Giêsu thế nào? Một vị Thầy luôn nhìn thấy những sâu thẳm của lòng người. Ngài quay lại nói với các môn đệ. Thầy bảo thật anh em: bà góa nghèo này đã bỏ vào nhiều hơn ai hết. ( c.3). Vì sao Ngài quả quyết như vậy? Chắc chắn là bà không thể giải bày hoàn cảnh của mình cho vị Thầy này, và ngay cả phong cách bề ngoài càng không nói lên điều ấy.

Nhưng Chúa Giêsu đã thấu suốt lòng bà. Người hiểu rõ gia cảnh túng thiếu và góa bụa của bà. Thánh Luca tả rất rõ : một bà – góa – túng thiếu. Là phụ nữ trong thời đó được coi là hàng thứ yếu. Bà lại góa chồng, đơn phương độc mã, không chỗ tựa nương, bám víu nên gia cảnh bà trở nên túng thiếu, nghèo nàn... Nhưng bà vẫn đến dâng cúng cái nghèo nàn túng thiếu ấy.


Lạy Chúa Giê su, xin Chúa giúp chúng con luôn biết định hướng cuộc đời mình một cách đúng đắn, là quy hướng lòng trí về Chúa trong mọi việc mình làm. Để trong tình yêu Chúa, chúng con hạnh phúc và bình an trong cuộc sống hôm nay và vĩnh cửu mai này. Amen.

Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2018

Vua Tình yêu

Kết quả hình ảnh cho cross


Truyện cổ nước Nga thuật lại rằng: Vào thời Trung cổ, Hoàng tử Alexis cũng như bao vua chúa khác sống trong cung điện nguy nga tráng lệ, trong khi dân chúng chung quanh phải sống trong những khu xóm nghèo nàn tồi tệ. Thế nhưng Alexis rất hiểu nổi cơ cực của thần dân và cảm thương họ. Ông bỏ ra mỗi ngày một số giờ để thăm họ. Nhưng dù cố gắng đến đâu, Alexis vẫn không thu phục được lòng yêu mến của thần dân. Vì thế, sau mỗi lần thăm họ trở về, ông thấy lòng mình buồn rười rượi.

Ngày kia, có một người lạ mặt đi vào khu xóm, ăn mặc đơn sơ, anh tự xưng là bác sĩ, anh săn sóc những người già cả, bệnh tật. Đặc biệt, bác sĩ không lấy tiền thù lao, và còn phát thuốc miễn phí cho bệnh nhân. Bác sĩ ấy trở thành người của xóm nghèo, được mọi người yêu mến kính phục. Bác sĩ trẻ ấy chính là Hoàng tử Alexis, người thừa kế ngai vàng để làm vua nước Nga, và cũng là người đã bỏ cung điện giàu sang đến sống với thần dân nghèo khổ và trở nên bạn bè của họ, để yêu thương săn sóc và phục vụ họ.

Bạn thân mến! Bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cũng nhắc đến chữ “vua”. Đó là lời tra hỏi của Philatô dành cho Chúa Giêsu:“Ông là vua sao ?” (Ga.18:36). Để trả lời, Chúa Giêsu đã không phủ nhận, Ngài chỉ nói: “Chính quan nói rằng tôi là vua” (Ga.18:36). Ngài cũng nói với Philatô về nhiệm vụ và mục đích của Ngài nơi trần gian này là: ”Tôi đã sinh ra và đã đến trong thế gian là để làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi”.(Ga.18:37). 

Chúa nhật 25/11/2018
Lễ Chúa Giê su Ki Tô, Vua vũ trụ
Lời Chúa: Ga 18, 33b-37


Khi ấy, Philatô hỏi Chúa Giêsu rằng: “Ông có phải là Vua dân Do-thái không?” Chúa Giêsu đáp: “Quan tự ý nói thế, hay là có người khác nói với quan về tôi?”. Philatô đáp: “Ta đâu phải là người Do-thái. Nhân dân ông cùng các thượng tế đã trao nộp ông cho ta. Ông đã làm gì?” Chúa Giêsu đáp: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu nước tôi thuộc về thế gian này, thì những người của tôi đã chiến đấu để tôi không bị nộp cho người Do-thái, nhưng mà nước tôi không thuộc chốn này”. Philatô hỏi lại: “Vậy ông là Vua ư?”. Chúa Giêsu đáp: “Quan nói đúng. Tôi là Vua. Tôi sinh ra và đến trong thế gian này là chỉ để làm chứng về Chân lý. Ai thuộc về Chân lý thì nghe tiếng Tôi”.


Nói đến vua, chúng ta thường nghĩ đến con người uy quyền, đầu đội vương miện, mình mặc cẩm bào, ngồi trên ngai vàng xét xử trăm họ.Ngày nay, người ta còn nói đến vua xe hơi, vua bóng đá, vua dầu lửa, vua vi tính… Đó là những thần tượng giàu có, sang trọng của con người thời đại. Chúa Giêsu là vua không phải theo kiểu trần thế, vương quyền của Ngài không theo kiểu chính trị. Chúa Giêsu là vua sự thật, vua tình yêu, vua niềm tin.Vương quyền Chúa Giêsu là vương quyền yêu thương, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần.

Bài Tin Mừng đưa chúng ta về với Chúa Giêsu trên Thập giá.Vị Vua bị lăng nhục, các thủ lãnh thế gian cười nhạo, lính tráng chế diễu, một trong hai kẻ gian phi cũng tranh thủ nhục mạ. Những lời chế diễu cũng là những thách thức và cám dỗ gay gắt. Chẳng lúc nào Chúa làm Vua rõ ràng bằng lúc này. Tấm bảng trên Thập giá ghi bằng tiếng Hípri, Latinh và Hylạp chữ INRI – Jesus Nazarenus Rex Judaeorum – Giêsu Nadarét là Vua dân Do Thái. 
Nhưng kiểu làm Vua của Ngài thật khác thường : không có vương miện mà chỉ có vòng gai, không có cẩm bào mà chỉ có trần trụi nhơ nhuốc, không có câu tán tụng mà chỉ có lời nhạo báng khinh chê. 
Mừng Lễ Chúa Giêsu Kitô, Vua vũ trụ, người Kitô hữu muốn khước từ những thần tượng trần thế, muốn để Ngài làm vua của lòng mình.Người Kitô hữu muốn đưa Ngài đi vào mọi lãnh vực của cuộc sống: văn chương, khoa học nghệ thuật, kinh tế, chính trị, xã hội …để xây đắp hoà bình và tình thương cho trần thế.

Vương quốc Chúa Giêsu không có sức mạnh của vũ khí và quân đội mà chỉ có sức mạnh của yêu thương và tha thứ, vương quốc ấy không có tên trên bản đồ thế giới, nhưng lại ở trong trái tim con người. Chỉ những ai tin và sống trong tình thương Thiên Chúa mới thuộc vương quốc của Ngài.

Lạy Chúa Giêsu, Vua Tình yêu, Chúa đã yêu thế giới đến nỗi đã ban chính sự sống mình, xin Chúa chiếm trọn con người chúng con từ tư tưởng, lời nói đến việc làm, để chúng con không còn thuộc về thế giới của bóng tối, của tội lỗi, nhưng thuộc về vương quyền của Chúa, là vương quyền của sự sống và chân lý, của ân sủng và thánh thiện, của công lý và hoà bình. Amen.

Thứ Bảy, 24 tháng 11, 2018

Máu đổ đầu rơi


Kết quả hình ảnh cho Suy niệm tin mừng Lc 21,5-19



Trong số 117 vị Tử Ðạo Việt Nam, được phong thánh năm 1988,có một phụ nữ duy nhất, mẹ của 6 người con.Ðó là bà Anê Lê Thị Thành, còn gọi là bà Ðê.Trước khi là một anh hùng tử đạo,bà đã là một người mẹ hiền gương mẫu.“Thân mẫu chúng tôi rất chăm lo việc giáo dục các con.Chính người dạy chúng tôi đọc chữ và học giáo lý,sau lại dạy cách dự thánh lễ và xưng tội rước lễ.”Ðó là lời khai của cô con gái út trước giáo quyền.

Nhà bà Ðê là nơi các linh mục trú ẩn.Buổi sáng lễ Phục Sinh năm 1861,quan Tổng Ðốc Nam Ðịnh cho quân bao vây làng của bà. Bà Ðê bị bắt lúc đã 60 tuổi. Bà bị đánh đập tra tấn, bị ép phải chối đạo,bị lôi qua Thánh Giá, bị bỏ rắn độc vào người. Khi con gái đến thăm bà trong nhà giam,đau đớn vì thấy quần áo mẹ loang đầy vết máu, bà đã an ủi con với một niềm lạc quan lạ lùng:“Con đừng khóc, mẹ mặc áo hoa hồng đấy, mẹ vui lòng chịu khổ vì Chúa Giêsu, sao con lại khóc?” Sau ba tháng chịu đủ mọi cực hình, người phụ nữ ấy đã hiến đời mình cho Chúa.

Cuộc đời của vị thánh nữ tiên khởi của Việt Nam là một sức nâng đỡ lớn cho chúng ta.Thiên Chúa đã làm điều phi thường nơi một người phụ nữ già nua, yếu đuối.Quan “Hùm Xám” tỉnh Nam Ðịnh cũng phải bó tay trước sự yếu đuối kiên vững của bà. Khôn ngoan và đơn sơ, can đảm chịu đau khổ,bà thánh Ðê đã phó mặc cho Chúa đời mình. Bà chẳng lo phải nói gì, phải làm gì trước tòa án,vì sức mạnh của Thánh Thần ở với bà.

Thứ bảy 24/11/2018
Mừng kính các Thánh tử đạo VN
Lời Chúa : Lc 21, 5-19

Nhân có mấy người nói về Ðền Thờ được trang hoàng bằng những viên đá đẹp và những đồ dâng cúng, Ðức Giêsu bảo: “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào.” Họ hỏi Người: “Thưa Thầy, vậy bao giờ các sự việc đó sẽ xảy ra, và khi sắp xảy ra, thì có điềm gì báo trước?” Ðức Giêsu đáp: “Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt, vì sẽ có nhiều người mạo danh Thầy đến nói rằng: “Chính ta đây”, và “Thời kỳ đã đến gần”; anh em chớ có theo họ. Khi anh em nghe có chiến tranh, loạn lạc, thì đừng sợ hãi. Vì những việc đó phải xảy ra trước, nhưng chưa phải là chung cục đâu.” Rồi Người nói tiếp: “Dân này sẽ nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ. Sẽ có những trận động đất lớn, và nhiều nơi sẽ có ôn dịch và đói kém; sẽ có những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ lớn lao từ trời xuất hiện. Nhưng trước khi tất cả các sự ấy xảy ra, thì người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp cho các hội đường và nhà tù, và điệu đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy. Ðó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy. Vậy anh em hãy ghi lòng tạc dạ điều này, là anh em đừng lo nghĩ phải bào chữa cách nào. Vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan khiến tất cả địch thủ của anh em không tài nào chống chọi hay cãi lại được. Anh em sẽ bị chính cha mẹ, anh chị em, bà con và bạn hữu bắt nộp. Họ sẽ giết một số người trong anh em. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu. Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình.”


Hội Thánh thời nào cũng cần những người dám sống vì đức tin,dám làm chứng cho Chúa trước mặt người đời.Sống đức tin là một loại tử đạo không đổ máu,không đòi hy sinh mạng sống,nhưng lại đòi hy sinh cả tương lai vững vàng ổn định.

Mỗi ngày, chúng ta thường bị đặt trước những chọn lựa,trước thập giá của Ðức Giêsu,y hệt như các vị tử đạo ngày xưa.Có khi chúng ta đã bước qua thập giá, khi chọn mình,đã chối Chúa bằng chính cuộc sống.Càng có tự do, ta lại càng dễ sa sút đức tin.Tiền bạc, tiện nghi, khoái lạc vẫn là những thụ tạo gây ra những cuộc bách hại êm ả và khủng khiếp mà cuối cùng chúng ta cũng phải đối diện.Ước gì chúng ta không để mất đức tin được mua bằng giá máu của bao vị tử đạo, và ước gì chúng ta không ngừng chuyển giao đức tin ấy cho hơn 80 triệu đồng bào trên quê hương.


Lạy các thánh tử đạo Việt Nam,các ngài đã dám sống đến cùng ơn gọi kitô hữu trong một hoàn cảnh khó khăn nguy hiểm.Sự hy sinh của các ngài cho thấy tình yêu mạnh hơn sự chết và chết là cửa mở vào cõi sống bất diệt.Dù mang phận người yếu đuối,nhưng nhờ ơn Chúa đỡ nâng, các ngài đã chiến thắng khải hoàn.
Xin cầu cho chúng con là con cháu các ngài biết can trường sống đức tin của bậc cha anh trong một thế giới vắng bóng Thiên Chúa,biết nhiệt thành làm chứng về tình yêu bằng một đời hiến thân phục vụ.Ước gì ngọn lửa đức tin mà các ngài đã thắp lên bằng cuộc sống và cái chết, được bừng tỏa trên Tổ quốc Việt Nam.Ước gì máu thắm của các ngài thấm vào mảnh đất quê hương để công cuộc truyền giáo sinh nhiều hoa trái.

Thứ Sáu, 23 tháng 11, 2018

Đền thờ là chính tâm hồn mỗi người


Kết quả hình ảnh cho cầu nguyện trong đền thờ

Đến nhận một giáo phận trong đó hàng giáo sĩ thì rời rạc, giáo dân lại quá khô khan, Đức Cha Hẹc-vát (Hervas) rất đỗi lo âu. Ngài cầu nguyện, nghiên cứu, đối thoại và cuối cùng đi đến một phương thức tĩnh tâm với một kỹ thuật rất độc đáo, hấp dẫn, nhằm thánh hoá giáo dân, đào tạo cán bộ tông đồ trong giáo phận: đó là "Học Hội Kitô hữu"' (Cursillos de Christiandad). Công việc đang tiến hành tốt đẹp thì đùng một cái: một số người trong giáo phận hiểu lầm ngài và ra sức chống đối kịch liệt. Họ còn làm đơn kiện đến Toà Thánh và bày tỏ thái độ bất hợp tác với ngài về mọi mặt. 
Để tránh sự đổ vỡ lớn hơn, Toà Thánh đã thuyên chuyển Đức Cha Hervas sang một giáo phận nhỏ nhất nước Tây Ban Nha. Tuy thế vẫn chưa yên. Vị Giám mục kế vị ngài lại còn ra một bức thư luân lưu kết án "Học Hội Kitô hữu" là một tổ chức lạc đạo, sai lầm về tín lý lẫn luân lý. 
Phần Đức Cha Hervas, ngài vẫn kiên trì bền chí. Dần dần nhiều người cảm phục, hàng giáo phẩm và giáo sĩ nhận ra cái hay của phương pháp ngài và ra sức hưởng ứng. Phong trào "Học Hội Kitô hữu" bành trướng khắp nơi, được các Đức Cha chúc lành và khuyến khích.
Gương khiêm nhường và sự bền chí của Đức Cha Hervas thật đáng cho mọi người khâm phục. Hiện nay ngài vẫn còn sống và đang hướng dẫn phong trào lớn mạnh khắp nơi trên thế giới. 

Thứ sáu 23/11/2018 - Tuần 33 TN
Lời Chúa : Lc 19, 45-48

Khi ấy, Chúa Giêsu vào đền thờ, Người liền xua đuổi các người buôn bán tại đó và phán bảo họ rằng: “Có lời chép rằng: Nhà Ta là nhà cầu nguyện, các ngươi đã biến thành sào huyệt trộm cướp”. Và hằng ngày Người giảng dạy trong Đền thờ. Các thượng tế, luật sĩ và kỳ lão trong dân tìm cách hại Người, nhưng họ không biết phải làm cách nào, vì dân chúng hết thảy đều chăm chú nghe Người.


Những hành động phán đoán trong đền thờ của Chúa Giêsu đã được hiểu rẳng đó là một dấu hiệu tiên đóan và cảnh báo cho mọi người biết rằng Thiên Chúa coi việc thờ phượng của chúng ta một cách rất nghiêm túc. Trong sự việc này, chúng ta thấy Chúa Giêsu đã thấy việc Chúa Giêsu thanh tẩy(làm sạch) đền thờ một cách cương quyết và Nhanh chóng, Ngài đánh đuổi những người đã sử dụng đền thờ của Thiên Chúa để lam nơi buôn bán, bóc luột những người đến để thờ Phượng Thiên Chúa.
Chúa Giêsu muốn dạy cho chúng ta biết cách của Ngài để giúp chúng ta có thể phát triển trong sự thánh thiện hơn. Cả hai việc chỉ thị và sự huớng dẫn của Chúa đã giúp chúng ta trong tình yêu của Ngài để dẫn dắt chúng ta biết từ bỏ những thói hư tật xấu của đường tội lỗi mà dẫn đưa chúng ta về sống trong sự thât (công chính) và trong nền công lý của Ngài. Chúng ta hay để cho Lời Chúa biến đổi chúng ta theo đường lối hứơng dẫn của Thiên Chúa để biết sống trong tình yêu và sự thánh thiện của Thiên Chúa


Lạy Chúa Giê su, bài học Chúa thanh tẩy Đền thờ Giê-ru-sa-lem vẫn luôn có tính thời sự cho chúng con. Xin Chúa giúp chúng con biết luôn dành cho Chúa sự thờ phượng đúng đắn nhất trong tâm hồn, với tất cả tâm tình và con người của chúng con. Amen.

Thứ Năm, 22 tháng 11, 2018

Giọt nước mắt xót thương


Kết quả hình ảnh cho nước mắt


Một cậu bé trạc khoảng 15 tuổi muốn có tiền tiêu, thay vì chìa tay ra xin mẹ, cậu ta bèn nghĩ ra cách viết một tờ giấy gởi đến mẹ như sau:
- Sáng phụ Mẹ dọn dẹp giường ngủ : 1 đôla
- Phụ Mẹ dọn dẹp bữa ăn sáng : 2 đôla
- Sau khi đi học về coi em : 3 đôla
- Phụ Mẹ dọn bữa ăn tối, sau đó dọn dẹp : 4 đôla
+ Tổng cộng : 10 đôla
+ Thời hạn thanh toán: Sáng sớm mai trước khi con đi học.

Sáng sớm ngày mai bà mẹ đặt tờ giấy bạc 10 đôla trên bàn cho cậu bé và trả lời trên mặt sau của tờ giấy như sau:
- Mẹ mang bầu con 9 tháng 10 ngày : Miễn phí
- Tiền tã lót, bệnh viện, sữa khi sinh con : Miễn phí
- Tiền nuôi con từ lúc sinh ra đến nay : Miễn phí
- Chi phí ăn học, chữa trị cho con khi ốm đau : Miễn phí
- Lo đám cưới cho con hoặc phải nuôi con trọn đời nếu con tật nguyền hoặc bị bệnh nan y : Miễn phí
- Các khoản không thể liệt kê hết đều miễn phí cho con trai của Mẹ.
+ Thời hạn chi trả cho con: Trọn đời Mẹ

Cũng như cậu bé trên, chúng ta thường tính toán với Chúa và quên đi mọi ơn lành Chúa ban cho chúng ta từng ngày, từng phút giây.

Thứ năm 22/11/2018  
Lễ Thánh Cecilia, trinh nữ tử đạo
Lời Chúa : Lc 19,41-44

41 Khi đến gần Giêrusalem và trông thấy thành, Chúa Giêsu khóc thương 42 mà nói : "Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi ! Nhưng hiện giờ, điều ấy còn bị che khuất, mắt ngươi không thấy được.43 Thật vậy, sẽ tới những ngày quân thù đắp luỹ chung quanh, bao vây và công hãm ngươi tư bề.44 Chúng sẽ đè bẹp ngươi và con cái đang ở giữa ngươi, và sẽ không để hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm."


Hôm đó là ngày lễ Vượt qua. Dân chúng hân hoan tiến về Giêrusalem để mừng kỷ niệm ngày dân tộc được giải phóng khỏi kiếp sống lưu đày. Họ hồi tưởng lại thời gian đã qua với biết bao hồng ân Thiên Chúa đã ban cho Dân Người.
       Trong khi đó, bài Tin Mừng lại cho chúng ta thấy Chúa Giêsu có một tâm trạng khác hẳn với những người chung quanh. Khi đối diện với thành thánh, Chúa Giêsu đã tỏ ra bồi hồi xúc động. Ngài xúc động bởi vì tất cả những gì đang hiện diện ra trước mắt Ngài lúc này: sự uy nghi đồ sộ và huy hoàng của đền thờ, biểu tượng cho sức sống của cả một dân tộc, thế mà rồi sẽ đến một ngày không còn hòn đá nào chồng lên hòn đá nào.
          Thực ra Chúa Giêsu khóc thương thành thánh không phải vì Ngài tiếc nuối một công trình kiến trúc bị tàn phá, nhưng Ngài khóc vì thấy cả một dân tộc ưu tuyển đã bị cái vẻ hào nhoáng của đền thờ Giêrusalem che khuất, nên họ đã không nhận ra được một đền thờ sống động và đích thực đang hiện diện ở giữa họ: đó chính là sự hiện diện của Ngài.
       Và còn bi thảm hơn nữa ở chỗ chẳng những dân thành Giêrusalem đã tỏ ra đối kháng với sứ điệp bình an, không muốn đón nhận ơn cứu rỗi, mà họ còn quyết tâm tìm cách triệt hạ chính bản thân Chúa nữa.
Từ những xúc động nghẹn ngào của Chúa Giêsu trước sự chối từ của dân thành Giêrusalem, chúng ta hãy suy nghĩ về chính thái độ sống của ta đối với Chúa.

Ngày hôm nay Chúa Kitô vẫn còn đang tiếp tục gõ cửa tâm hồn chúng ta. Ngài muốn ấp ủ che chở chúng ta như gà mẹ ấp ủ đàn con dưới cánh. Ngài đang tha thiết nói với chúng ta qua tiếng nói âm thầm của Ngài, qua các bí tích, qua sự hiện diện của mọi người, và nhất là qua những tiếng kêu than của những anh em đau khổ.
Chúng ta chỉ có thể nhận ra được tiếng gọi âm thầm của Ngài bằng một đời sống gắn bó mật thiết với Chúa mà thôi.



Lạy Chúa Giêsu, đã biết bao lần tâm hồn chúng con đã hóa chai đá không còn biết khóc than cho những tội lỗi của chính mình và của nhân loại này đã xúc phạm đến Chúa. Bao lần chúng con không nhận ra sự hiện diện của Chúa giữa thế giới hôm nay. Xin Chúa tha thứ cho chúng con. Xin ban cho con một quả tim mới, quả tim của người biết sợ hãi, khóc than trước những tội lỗi, quả tim của người biết nhạy bén trước những dấu chỉ linh thánh. Nhờ đó chúng con mới có khả năng đón nhận Chúa đến trong cuộc đời của mình, bởi Ngài vẫn luôn chờ đợi để bước vào tận sâu trong tâm hồn của mỗi người chúng con. Amen

Thứ Tư, 21 tháng 11, 2018

"Ai là Mẹ tôi ?"



                  Kết quả hình ảnh cho Mẹ Maria



Sau khi Mẹ Têrêsa được giải thưởng Hoà Bình, một ký giả người Mỹ đến Ấn độ để phỏng vấn Mẹ. Người ký giả đã tìm gặp được Mẹ Têrêsa ở đường phố Calcutta, đang phục vụ những người nghèo đói tật bệnh. Người ký giả ngỡ ngàng vì con số kẻ khó và người bệnh tật quá đông, ông ta hỏi Mẹ Têrêsa:
– Làm thế nào Mẹ có thể thành công trong vấn đề giúp đỡ người nghèo khó đông như thế này?
Sau một ít phút, Mẹ Têrêsa nhìn người ký giả trả lời:
– Chúng tôi không phục vụ để trông đòi thành công, chúng tôi phục vụ để làm chứng cho công việc của Chúa.
Qua mẫu gương Mẹ Thánh Têrêsa cho chúng ta nhìn thấy Mẹ Thánh đã thực thi lời Chúa Giêsu dạy: “ Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi” qua những người nghèo khó, người bệnh tật cơ hàn.
Diễm phúc thay! Thiên Chúa ban cho con người sinh ra ai ai cũng có mẹ có cha, không có gì gần gũi khắng khít cho bằng tình mẹ tình cha, không một ai có thể thay thế cho con cái, anh chị em ruột thịt, “ lung linh lunh linh hai tiếng gia đình”. Nhưng qua bài Tin Mừng hôm nay những người cùng đi với Đức Mẹ, đây là những họ hàng, bà con của Chúa. Chúa Giêsu không lãnh đạm với thân mẫu Người, cũng không coi nhẹ những mối dây liên kết gia đình tự nhiên, nhưng Chúa nhấn mạnh những ai thi hành ý muốn của Cha là rao giảng và thiết lập nước Trời ở trần gian. Qua đó Chúa muốn khai mở gia đình thiêng liêng của mọi Kitô hữu. Với Thiên Chúa, mối dây liên kết đại gia đình chỉ cần một điều kiện duy nhất là “thi hành thánh ý Chúa Cha”. Đó là cơ sở của đại gia đình Giáo hội có nền tảng vững chắc.

Thứ rư 21/11/2018 - Lễ Đức Mẹ dâng mình
Lời Chúa : Mt 12, 46-50

Khi ấy, Chúa Giêsu còn đang nói với dân chúng, thì mẹ Người và anh em Người đứng ngoài tìm cách nói chuyện với Người. Có kẻ thưa rằng: “Kìa, mẹ Ngài và anh em Ngài đang đứng tìm Ngài ngoài kia”. Nhưng Người trả lời kẻ ấy rằng: “Ai là mẹ Ta, ai là anh em Ta?” Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ mà nói: “Đây là mẹ Ta và là anh em Ta, vì hễ ai làm theo ý Cha Ta trên trời, thì người ấy là anh em, chị em và là mẹ Ta vậy”.


Có một gia đình máu mủ đậm đà đứng ở ngoài kia, và một gia đình mới rất thân thương đứng ở trong này. Đức Giêsu không coi thường tình mẫu tử hay tình họ hàng ruột thịt. Điều Ngài muốn nhấn mạnh ở đây là chuyện Ngài có một gia đình mới. Các môn đệ của Ngài thuộc về gia đình này. Họ là mẹ, là anh chị em của Ngài, vì họ thi hành Ý muốn của Cha Ngài. Chính Đức Giêsu là người Con luôn thi hành ý muốn của Cha. Ai thi hành Ý Cha trên trời cũng trở nên gần gũi với Con. Chúng ta có họ với Chúa Giêsu và làm nên một gia đình bao la rộng lớn. Bỗng nhiên chúng ta thấy mình gần Cha, gần Chúa Giêsu và gần nhau hơn.

Chúa Giêsu không coi thường tình mẫu tử hay họ hàng ruột thịt. Trái lại, Ngài đã đề cao thái độ của Mẹ Maria, để từ đó nói lên mối giây liên kết đích thực trong gia đình Giáo Hội mà Ngài sẽ thiết lập. Hơn ai hết, Đức Mẹ là gương mẫu lắng nghe và thi hành ý Chúa, cho nên Đức Mẹ vừa thuộc gia đình tự nhiên vừa thuộc gia đình thiêng liêng của Chúa.

Hầu hết các tôn giáo đều dựa trên gia đình như là cộng đoàn nền tảng nhất. Truyền thống khôn ngoan và luật Do Thái luôn đề cao tầm quan trọng của gia đình. Chúa Giêsu xem ra đã làm một cuộc cách mạng táo bạo khi xây dựng tôn giáo của Ngài, không dựa trên mạng lưới những quan hệ gia đình, mà trên nền tảng của sự tự do. Trong gia đình Giáo Hội, con người trở nên thân thiết với nhau, không nhất thiết nhờ máu mủ ruột thịt, mà do chính niềm tin.

Tâm tình :

Thứ Ba, 20 tháng 11, 2018

Người có trái tim thương cảm


Kết quả hình ảnh cho suy niệm tin mừng Lc 19,1--10



Trong cuộc sống em đã được chứng kiến rất nhiều câu chuyện cảm động. Đó là những chuyện gợi lên tình thương yêu và sự đùm bọc của con người. Nhưng có lẽ chuyện làm em cảm động nhất lại đến từ một lần em được chứng kiến tình thương yêu của mẹ con bầy chim sẻ.

Ngày xưa, lúc em còn học lớp ba, em ham chơi lắm. Trò gì của lũ trẻ ở nông thôn em cùng đều biết cả nhưng trò mà em và anh Tùng (anh trai của em) thích nhất là trò bắt những đàn chim sẻ về nuôi. Nuôi để làm gì ư? Chẳng để làm gì, chỉ nuôi cho thích. Thú thực đã không ít lần mải vui em đã bỏ đói khiến những con chim sẽ chết thật là tội nghiệp.

Hôm ấy không biết thế nào mà chỉ sau mỗi buổi trưa anh Tùng đã mang về cho em hai chú chim non vừa mọc xong lông cánh. Hai chú chim non rìa mỏ còn vàng rộm, đúng đến lúc tập chuyền trông đến là thích mắt. Em bắt hai chú chim non đem thả vào lồng nhưng chúng cứ bay loạn xạ và kêu nháo nhác. Hơn một ngày chúng chẳng chịu ăn gì, cứ vỗ cánh phành phạch và tìm đường trốn chạy trong tuyệt vọng. Hình như một chú chim đã bắt đầu mệt mỏi, nằm im ở góc lồng, mắt lim dim. Dỗ chúng ăn mãi không được, em tức quá bỏ đi chơi. Buổi tối đi chơi về muộn em cũng chẳng để ý . : Ăn cơm xong em leo lên giường ngủ sớm. Sáng hôm sau tỉnh dậy em thấy ngại vô cùng. Hình như hai chú chim non đang hấp hối, nhưng biết làm sao bây giờ, chỉ còn mười lăm phút nữa là vào giờ học.

Buổi học hôm ấy thật dài. Trên đường về, em tin chắc hai chú chim non đã chết. Nhưng không ở trong lồng kia hai chú chim non đang nhảy nhót, ở trong lồng em còn thấy có con cào cào bị ăn dở dang. Chưa kịp hiểu tại sao thì em lại thấy một chú sẻ già cứ chao đi chao lại trên đầu, miệng kêu ríu rít. Em chợt nghĩ ra chắc đó là chim sẻ mẹ.

Buổi chiều em cho hai chú chim ăn nhưng chúng lại không ăn và chỉ vỗ cánh bay phành phạch. Sáng bôm sau em lại đến trường và lại thấy hai chú chim non đang chờ chết. Nhưng kỳ lạ! Buổi trưa về hai con chim sẻ lại khoẻ mạnh rất giống hôm qua và ở trên kia chim sẻ mẹ vẫn kêu rối rít như giận dỗi như van lơn. Em bắt đầu hiểu chuyện. Lũ chim non quyết định không ăn bởi nếu không được tự do, chúng thà chịu chết còn hơn. Còn chim sẻ mẹ, một mặt dỗ dành an ủi các con, mặt khác cứ ríu rít kêu cầu mong em thả bầy con của nó. Khi đã hiểu ra, em quyết định mở cánh cửa lồng. Ba mẹ con đàn chim sẻ bay tung nhưng còn lộn qua lộn lại ba vòng trước khi bay mất không bao giờ trở lại.

Từ ngày ấy không bao giờ em chơi chim sẻ nữa. Không ngờ mẹ con loài vật bé nhỏ kia đã dạy cho em rất nhiều điều. Trong đó điều quan trọng nhất là sự thương yêu đùm bọc

Người có trái tim biết cảm thông với những nỗi khốn khổ của người khác, của chính nỗi cơ cực mà Bạn và tôi đang chịu không ai khác chỉ có một người . Đó là Đức Giê su. Xin mời Bạn cùng đọc :

Thứ ba 20/11/2018 -  Tuần 33 TN
Lời Chúa : Lc 19,1 – 10

1 Sau khi vào Giê-ri-khô, Đức Giê-su đi ngang qua thành phố ấy.2 Ở đó có một người tên là Da-kêu; ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có.3 Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giê-su là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn.4 Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giê-su, vì Người sắp đi qua đó.5 Khi Đức Giê-su tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông: “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông! “6 Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người.7 Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ! “8Ông Da-kêu đứng đó thưa với Chúa rằng: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.”9 Đức Giê-su mới nói về ông ta rằng: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham.10 Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.”


Tình yêu luôn có sáng kiến và đi bước trước: Trong trình thuật Tin mừng, chúng ta thấy lòng mộ mến một Rabbi Giê-su lý tưởng đã khiến Ông Gia-kêu, một quan chức đứng đầu thuế vụ, giàu có, chạy lên trước đám đông và trèo lên cây sung để được thấy Người. Ông trèo lên cây, nấp trong đám lá, không biết ông đang đắc ý về diệu kế cho vóc người thấp bé của ông hay đang hồi hộp sợ có ai phát hiện, nhưng có lẽ là cả hai. Ông ngồi trên cao và nhìn xuống. Về hình thức, tưởng chừng như Ông là người đi bước trước, nhưng nội dung câu chuyện đã cho thấy người đi bước trước là Đức Giê-su - Người đã biết Gia-kêu từ trước. Người đã biết những mặc cảm cũng như những khát khao trong lòng Gia-kêu. Tình yêu và lòng thương xót đã khiến Đức Giê-su ngước lên nhìn Ông đang trốn mình trong tán lá – Hai thái độ - hai nội dung trái ngược: Gia-kêu tìm Chúa: thay vì ngước mắt lên trời, Ông lại ở ‘vị trí của mình trên cao’ nhìn xuống. Đức Giê-su tìm Gia-kêu: Ngài ở dưới ngước nhìn lên; Thực ra, tình yêu và lòng thương xót của Người đã cúi xuống, chiếu cố đến Gia-kêu – con người thấp bé về hình vóc, nghèo nàn về phẩm hạnh trong mắt người Do-thái. Tuy nhiên, xuyên suốt qua cái gì là bề ngoài giới hạn ấy, Đức Giê-su đã nhìn thấy giá trị đích thực với những phẩm chất cao quí của con người – một con người mang hình ảnh của Đấng Tạo hóa. Đức Giê-su đã đi bước trước trong việc cởi bỏ những mặc cảm tự tôn, tự ti trong lòng Gia-kêu để Ông mở rộng lòng mình đón nhận Chúa trong tình yêu chân chất. Ngài gọi Ông xuống, trở lại vị trị để sẵn sàng làm một cuộc hoán cải.

Tình yêu luôn cảm thông, bất chấp dư luận: Gia-kêu có thể bất chấp dư luận chê cười, khi ông - một quan chức có thế giá – lại leo lên một cây sung để nhìn trộm như một đứa trẻ. Có lẽ Đức Giê-su cũng rất thú vị với chất trẻ thơ nơi ông (Chúa đã chẳng hứa nước trời cho những ai nên giống trẻ thơ là gì!). Tuy nhiên, cao cả hơn thế, Đức Giê-su đã bất chấp dư luận, không kể gì đến thân phận cao quí của một Rabbi nổi tiếng để kết giao với Gia-kêu – một kẻ tội lỗi, bị gạt ra bên lề trong xã hội Do-thái. Người đến trọ trong nhà Gia-kêu, ngôi nhà mà người Do-thái không dám bước vào vì sợ ‘ô uế’, để viếng thăm, đồng bàn và ăn uống với ông. Bởi vì mục đích của Ngài đến không phải để kiếm tìm người công chính mà là kẻ tội lỗi. Ngài là thầy thuốc không phải tìm chữa những kẻ khỏe mạnh mà là những người đau yếu. (x.Mt 2,17)

Tâm tình :
Lạy Chúa, cuộc hoán cải của ông Da kêu cho con hiểu được phần nào trái tim giàu lòng thương xót của Chúa. Chúa đã đến để tìm cứu vớt con là kẻ tội lỗi. Ai cũng nghĩ rằng kẻ có tội thì đáng lên án, đáng trừng phạt và khai trừ. Nhưng khi con phạm tội, Chúa đã tha thứ thay vì kết án, Chúa đi tìm thay vì xua đuổi, Chúa không ngần ngại lại gần con thay vì làm ngơ hoặc xa tránh, Chúa đến để nâng con dậy thay vì tiếp tục nhận chìm cuộc đời con. Chính Chúa lên tiếng gọi tên con trước khi con thốt ra được một lời tạ tội. Xin cho con cảm nhận được lòng thương xót Chúa dành cho con như ông Da kêu. Xin cho đôi mắt con nhận ra ánh mắt trìu mến Chúa đang nhìn đến con. Xin cho bước chân con vội vàng chạy đến cùng Chúa. Xin cho lòng con mở ra và vui mừng đón rước Chúa. Xin cho ý chí con được quyết tâm đứng lên làm lại cuộc đời. Và nhất là xin cho con dám đi bước trước để thi thố tình yêu cho anh chị em sống chung quanh con bất chấp những thiệt thòi, mất mát mà con sẽ gặp phải trong cuộc sống hôm nay.

Thứ Hai, 19 tháng 11, 2018

Niềm cậy trông duy nhất



Kết quả hình ảnh cho suy niệm tin mừng Lc 18,35-43


Những giả tưởng về những cuộc đời bất hạnh này, Tạ Khôn Sơn, một họa sỹ huyền thoại người Đài Loan đều đã gặp phải. Năm 16 tuổi anh bị điện cao thế giật nên đã mất đi hai cánh tay và một cẳng chân, sau đó lại một tai nạn bất ngờ khiến anh mất đi một con mắt...
        Lúc Tạ Khôn Sơn tỉnh dậy trong bệnh viện, anh thấy mẹ đang kìm nén những dòng nước mắt. Mẹ anh biết rõ, nhiễm trùng tứ chi của con trai đang lan rộng, tính mệnh khó giữ. Tất cả những người xung quanh đều khuyên mẹ anh với thiện ý rằng: “Đừng cứu nữa, hãy để anh ấy ra đi yên lành”.
Bất luận thế nào cũng phải giữ được sinh mệnh nó!” – mẹ anh nói với các bác sỹ. “Chỉ cần Khôn Sơn còn có thể gọi tôi một tiếng mẹ, thì cũng đủ rồi”.
        Các bác sỹ đã tiến hành một loạt phẫu thuật, cắt tay trái anh từ khớp vai, cắt tay phải anh ở chỗ dưới vai 20cm, chân phải cắt từ gối xuống. Tạ Khôn Sơn cuối cùng cũng ngoan cường sống tiếp, mẹ anh đã đem lại cho anh sinh mệnh lần thứ hai. Anh nói với mẹ: “Con không có quyền quyên sinh, và con cũng không buông xuôi”.
        Sau khi ra viện, Tạ Khôn Sơn lại một lần nữa trở thành “em bé mới sinh” của mẹ. Rất nhiều đêm, mẹ anh vì giúp cho anh ăn nên cơm của chính bản thân bà đã nguội lạnh. Vô số buổi sáng sớm, mẹ không kịp ăn sáng đã phải vội vội vàng vàng giúp anh tắm, thay quần áo. Để giảm bớt nỗi lo toan của mẹ, Tạ Khôn Sơn quyết định tự mình làm nuôi mình.
         Trải qua nhiều lần suy nghĩ tìm tòi vất vả, anh đã phát minh ra một dụng cụ để giúp anh có thể tự ăn được. Ở đầu cuối một vòng thép hình xoáy ốc treo trên không, chụp lên một cái chụp, chụp ra ngoài phần cánh tay phải còn lại, lại hàn các chuôi thìa thành hình chữ L, cắm vào trong cái chụp vòng thép. Cuối cùng Tạ Khôn Sơn đã có thể tự ăn được rồi. Khi diễn giảng ở trường học, anh thường xuyên dí dỏm đem đồ dùng tự chế này đặt tên là bộ đồ ăn nhãn hiệu “Khôn Sơn”.Tiếp theo, Tạ Khôn Sơn cũng dần dần không cần mẹ hoặc em gái giúp mình chải răng nữa. Đầu tiên anh dùng miệng vặn nắp tuýp kem đánh răng ra, dùng phần cánh tay còn lại ấn bàn chải đánh răng vào một vị trí cố định ở chậu rửa mặt, đưa vào miệng, bằng cách lắc đầu hai bên, anh đã hoàn thành việc chải răng.
          Tạ Khôn Sơn lại tự chế tạo ra vòi nước dùng chân điều khiển, tự mình rửa mặt. Anh phát minh ra rất nhiều dụng cụ loại này, đã giải quyết được vấn đề ăn uống, vệ sinh cá nhân. Cuối cùng, hầu như tất cả các sinh hoạt trong cuộc sống thường nhật, anh đều hoàn toàn tự lo liệu được. Anh còn thường dùng đoạn cánh tay còn lại kẹp chổi giúp gia đình quét dọn nhà cửa.Sau khi Tạ Khôn Sơn gặp tai nạn, hàng xóm đều khuyên mẹ anh: “Khôn Sơn chỉ cần đến chợ đêm ngồi, hoặc nằm trước chùa, nhất định kiếm được không ít tiền đâu”. Người tàn tật nặng trong gia đình nghèo, dường như chỉ có mỗi con đường ăn xin là có thể đi được thôi. Tạ Khôn Sơn lại hoàn toàn không hề muốn nghe theo những lời này, anh nói: “Tứ chi thì tôi đã mất đến 3, nên không muốn mất sự tôn nghiêm làm người”.
           Tạ Khôn Sơn bắt đầu nghiêm túc suy nghĩ con đường nhân sinh của mình. Anh quyết định tiếp tục học hội họa, nghề mà anh hứng thú từ khi sinh ra. Nhưng, đối với con em trong các gia đình nghèo khổ mà nói, hội họa thực sự là một sở thích quá xa vời. Cha mẹ không biết chữ, tất nhiên càng không thể hiểu nổi, hơn nữa gia đình vì chạy chữa cho anh mà đã nợ món tiền khá lớn. Tạ Khôn Sơn đành phải tích cóp lại từng đồng tiền lẻ anh trai làm công ở xa thỉnh thoảng cho anh mua nước uống, mua được bút chì và giấy, nghiêm túc học vẽ tranh.Không có tay, cầm bút là vấn đề lớn nhất. Tạ Khôn Sơn thấy em gái làm bài tập về nhà, bỗng nghĩ, mình có thể dùng miệng ngậm chặt bút để viết chữ, vẽ tranh. Ban đầu, bút ngậm giữa răng và lưỡi cứ như cái kìm bị lỏng ốc vít, miệng làm thế nào cũng không kẹp chặt bút được, còn làm cho nước dãi chảy hết ra. Sau khi răng đã quen, do thời gian luyện quá lâu, trong miệng lại bị bút chì đâm thành các vết phồng rớm máu, khoang miệng bị viêm liên tiếp. Nhưng Tạ Khôn Sơn chưa bao giờ bỏ dở giữa chừng, anh cứ cắm đầu, từng nét, từng nét học vẽ. Anh đã luyện miệng trở thành bàn tay đắc lực nhất, mà cái bút trong miệng đã trở thành tri kỷ thân mật nhất của anh.
             Bút chì gãy thì làm thế nào? Tạ Khôn Sơn lại nghĩ đến biện pháp: anh kiếm một con dao nhỏ, dùng răng hàm lớn cắn chặt chuôi dao. Để cắn chặt, anh đã cắn cái chuôi dao biến dạng. Tiếp đến, anh đẩy bút chì ra mép bàn, rồi dùng phần cánh tay còn lại ấn chặt, rồi dùng con dao ngậm ở miệng, từng lát từng lát gọt bút chì. Trong lòng anh vang lên: “Mạt bút mỗi nhát dao một lát, mỗi lát đều là lòng tin. Tạ Khôn Sơn, hôm nay cậu không chỉ gọt bút chì, mà là đang gọt ra con đường tương lai của chính mình”.
“Tàn tật” xưa nay chưa từng ngăn cản chúng ta trở thành người tự do tự tại. Có thể tay áo chúng ta trống rỗng, nhưng chúng ta vẫn có thể nắm giữ được cuộc sống hạnh phúc. Nếu không có hai tay, chúng ta sẽ làm gì? Nếu mất đi một chân, chúng ta có thể đi được bao xa? Nếu chúng ta chỉ còn một con mắt, thế giới của chúng ta sẽ như thế nào? 
Tàn tật thể xác còn có thể kiên nhẫn tập luyện, hoăc chế tạo những cách thức để tự làm cho mình mà khỏi phiền đến người thân. Nhưng nếu tàn tật tâm hồn thì sao đây ? Mù tâm linh thì phải cậy vào ai đây ? Mời Bạn cùng đọc Lời Chúa :

Thứ hai 19/11/2018 - Tuần 33 TN
Lời Chúa : Lc 18,35-43

Khi Đức Giê-su gần đến Giê-ri-khô, có một người mù đang ngồi ăn xin ở vệ đường. Nghe thấy đám đông đi qua, anh ta hỏi xem có chuyện gì. Họ báo cho anh biết là Đức Giê-su Na-da-rét đang đi qua đó. Anh liền kêu lên rằng : “ Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!” Những người đi đầu quát nạt, bảo anh im đi; nhưng anh càng kêu lớn tiếng: “ Lạy Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!” Đức Giê-su dừng lại, truyền dẫn anh ta đến. Khi anh đã đến gần, Người hỏi : “ Anh muốn tôi làm gì cho anh?” Anh ta đáp: “ Lạy Ngài, xin cho tôi được thấy.” Đức Giê-su nói : “ Anh hãy thấy đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh”. Lập tức, anh ta nhìn thấy được và theo Người. vừa đi vừa tôn vinh Thiên Chúa. Thấy vậy, toàn dân cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa.



Anh mù: Anh bị mù về thể xác nhưng con mắt tâm hồn rất sáng. Anh nhạy bén và khao khát đi tiềm chân lý. Nghe tiếng ồn ào lạ thường của đám đông hôm nay, anh đoán có chuyện lạ xảy ra. Lòng ước muốn của anh được đáp trả bằng lời của một người nào đó về con người Giê-su, một vị Thầy mà có lẽ anh đã nghe nói tới hơn một lần. Khi vừa nghe tin đó, anh liền kêu lên : “ Lạy Ông Giê-su, con Vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi” ( 38). Một lời cầu xin hòa trong lời tuyên xưng về danh phận Mê-si-a của Chúa Giê-su “ Con Vua Đa-vít”. Mặc dầu bị quát nạt, bị che lấp bởi tiếng ồn của quần chúng, anh cố kêu to hơn. Tiếng kêu của anh nói lên lòng xác tín và đụng chạm tới lòng thương xót của Thiên Chúa. Cuối cùng, lòng tin của anh đã được tưởng thưởng, được sáng con mắt thân xác, nhờ ánh sáng của con mắt đức tin. Anh bị xã hội con người loại bỏ, nhưng Thiên Chúa đã giơ tay cứu vớt anh và đưa anh trở về với xã hội của con Thiên Chúa “ Anh nhìn thấy, theo Người, vừa đi vừa tôn vinh Thiên Chúa đã thực hiện cho chính mình chỉ vì Tình Yêu, chứ không do công trạng. Lòng tin của anh đã khiến cho toàn dân cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa và Thiên Chúa được tôn vinh ( 43). Anh là chứng nhân của Tình Yêu Thiên Chúa và sẵn sàng làm chứng cho Tình Yêu ấy bằng chính đời sống của mình. Có lẽ trong đời sống Ky-tô hữu, chúng ta cần học đòi gương này nơi anh, nhất là trong Năm Mừng các Thánh tử đạo VN, niềm tin kéo theo niềm tin. Anh đã khao khát, thao thức chạy kiếm Thiên Chúa trong đức tin, là hình ảnh mà ngày nay con người đang chối từ, loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi đời sống của họ. Còn tôi, thì sao?

Lạy Chúa Giê-su, trước mặt Chúa chúng con là những người nghèo nhất, khốn khổ nhất, mặc dầu không bị khiếm khuyết về thân xác, nhưng tâm hồn chúng con đã bị hoen úa, hoặc chai lì, cứng cỏi. Ngọn đèn đức tin của chúng con còn yếu ớt như chợt tắt giữa bao phong ba giông tố cuộc đời. Chúng con chỉ biết giơ đôi tay cầu khẩn lòng nhân từ của Chúa như anh mù xưa kia : “ Lạy Chúa Giê-su, xin thương xót chúng con”. Amen.