Thứ Năm, 8 tháng 11, 2018

Giá trị con người thật sự là gì ?

Kết quả hình ảnh cho câu chuyện giá trị của một người

“Vợ tôi chẳng làm gì cả” hay câu chuyện về giá trị của người vợ 

Một người đàn ông có vợ đến gặp bác sỹ tâm lý để giải toả những căng thẳng và áp lực trong cuộc sống của một ông chồng. Và đây là cuộc trò chuyện giữa họ:
Bác sỹ tâm lý: Anh làm gì để kiếm sống hả anh B?
Người chồng: Tôi làm kế toán ở một ngân hàng.

Bác sỹ tâm lý: Thế còn vợ anh?
Người chồng: Cô ấy chẳng làm gì cả. Cô ấy chỉ ở nhà nội trợ thôi. 

Bác sỹ tâm lý: Vậy ai làm bữa sáng cho cả nhà?
Người chồng: Vợ tôi, vì cô ấy chẳng có gì làm cả mà.

Bác sỹ tâm lý: Vợ anh dậy lúc mấy giờ để làm bữa sáng cho cả nhà vậy?
Người chồng: Cô ấy dậy vào khoảng 5 giờ sáng, dọn dẹp nhà cửa trước khi làm bữa sáng.

Bác sỹ tâm lý: Con anh đến trường bằng cách nào?
Người chồng: Vợ tôi đưa chúng đến trường, vì cô ấy chẳng làm gì cả mà.

Bác sỹ tâm lý: Sau khi đưa bọn trẻ đi học, vợ anh làm gì nữa?
Người chồng: Cô ấy đi chợ, rồi về nhà nấu ăn và giặt giũ. Bác sỹ biết rồi đấy, cô ấy đâu có phải làm việc.

Bác sỹ tâm lý: Chiều tối, sau khi đi làm về thì anh làm gì?
Người chồng: Nghỉ ngơi, tôi quá mệt với công việc cả ngày rồi còn gì?

Bác sỹ tâm lý: Thế còn vợ anh làm gì sau đó?
Người chồng: Cô ấy nấu bữa tối, cho con ăn, dọn bữa cho tôi, rửa bát, lau dọn nhà cửa, cho con đi tắm rồi cho chúng đi ngủ.

Từ câu chuyện trên, bạn thấy ai là người làm việc nhiều hơn ở đây?
Tất cả những gì mà một người vợ làm để phục vụ gia đình từ sáng sớm tinh mơ đến tối mịt được gọi là “chẳng làm gì cả”.
Phải, nội trợ không phải là công việc yêu cầu trình độ học vấn, bằng cấp và cũng chẳng có chút tiền đồ thăng tiến, nhưng vai trò của người nội trợ là cực kỳ quan trọng.
Hãy trân trọng vợ của bạn, bởi những gì cô ấy hy sinh cho bạn, cho con bạn, cho gia đình bạn là không thể đong đếm được. Hãy xem câu chuyện trên là lời nhắc nhở về việc hãy trân trọng vai trò của nhau trong quan hệ vợ chồng, vợ bạn có thể không làm công việc như bạn nhưng cô ấy cũng vất vả chẳng kém gì bạn cả...

Giá trị của một người không phải do người đó tài giỏi làm ra nhiều tiền, hoặc ở trên đỉnh quyền lực và danh vọng...mà dù là người nghèo nàn, thấp cổ bé miệng... cũng có giá trị riêng của họ. Chúng ta không thể đánh giá một người dựa theo cảm tính cá nhân. Chúa Giê su dạy ta nhận biết giá trị đó như thế nào. Xin mời Bạn cùng đọc :

Thứ năm 08/11/2018 - Tuần 31 TN
Lời Chúa : Lc 15,1-10

(1) Tất cả những người Thu thuế và những người tội lỗi thường đến gần Đức Giê-su mà nghe Người. (2) Còn những người thuộc phái Pha-ri-sêu và các kinh sư thì lẩm bẩm: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng”. (3) Đức Giê-su mới kể cho họ dụ ngôn này: (4) Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất ? (5) Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. (6) Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại và nói: “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó”. (7) Vậy, tôi nói cho các ông hay: “Trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn”. (8) Hoặc người phụ nữ nào có mười đồng quan, mà chẳng may đánh mất một đồng, lại không thắp đèn, rồi quét nhà, moi móc tìm cho kỳ được ? (9) Tìm được rồi, bà ấy mời bạn bè, hàng xóm lại và nói: “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được đồng quan tôi đã đánh mất”. (10) Cũng thế, tôi bảo cho các ông hay: “Giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối”.

Qua hai dụ ngôn, chúng ta nhận thấy: một con chiên dù không có giá trị là bao so với cả đàn chiên, nhưng người chăn chiên cũng cất công tìm kiếm; cũng thế, một đồng bạc chẳng đáng là gì nhưng người phụ nữ đã vất vả kiếm tìm. Cho nên, khi kể dụ ngôn, Chúa Giêsu không có ý nói về tải sản vật chất nhưng nói về các tội nhân được Ngài tìm kiếm và đưa về. Đối với Chúa, mỗi một con người -dù tội lỗi - đều có giá trị.
           Sứ mệnh của Chúa Giêsu đến trần gian là để tìm kiếm những tâm hồn đã hư mất vì tội lỗi. Ngài không quản ngại đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng và mời gọi người ta sám hối. Ngài len lỏi vào mọi ngóc nghách của cuộc sống, giao du tiếp đón mọi hạng người.
           Thật vậy, Chúa Giêsu kể những dụ ngôn này trong một hoàn cảnh đặc biệt. Các luật sĩ và biệt phái lấy làm vấp phạm khi thấy Ngài giao du với những kẻ mà họ gọi là tội nhân.
         Trong xã hội Do-thái, có một hàng rào ngăn cách giữa những người được xem là đạo đức và những người bị coi là tội lỗi. Các luật sĩ và biệt phái - những người tự nhận mình là đạo đức - hết sức khó chịu khi thấy Đức Giêsu làm bạn với những người tội lỗi.
        Tuy nhiên, đối với Đức Giêsu, hạng người tội lỗi mới là đối tượng khiến Chúa phải cất công kiếm tìm: “Con Người đến để tìm kiếm và cứu chữa những gì đã mất”.
         Con chiên lạc, đồng bạc mất là hình ảnh của mỗi người chúng ta, vì mỗi người chúng ta trước mặt Chúa đều là tội nhân. Chỉ những ai - như biệt phái và luật sĩ kiêu ngạo - tự nhận mình là công chính mới tự loại mình ra khỏi tình thương và ơn cứu độ của Chúa. 


Lạy Chúa, xin cho chúng con nhận ra thân phận tội lỗi của mình để sám hối trở về với Chúa; để được sống trong sự yêu thương che chở của Chúa; đồng thời xin cho chúng con có được trái tim nhân ái, yêu thương, cảm thông với những người tội lỗi lỡ lầm và giúp đỡ họ trở về với Chúa; ngõ hầu tất cả chúng con được hưởng hồng ân Chúa cứu độ. Như thế, chúng con sẽ vui mừng; và cả triều thần thiên quốc cũng vui mừng hân hoan nữa. Amen.

Không có nhận xét nào: