Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2018

Gương sáng đức tin

Kết quả hình ảnh cho suy niệm tin mừng Mc 13,24-32

DỌN MÌNH CHẾT LÀNH:

Khi Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII ngã bệnh nặng, các bác sĩ không nói gì về bệnh tình của ngài, nhưng ngài biết mình khó sống thêm nên thường nói với những người chung quanh: "Tôi đã sắp sẵn hành trang". Đến ngày cuối cùng khi giờ chết sắp đến, thư ký riêng tới bên giường hôn tay Đức Giáo Hoàng và hỏi thăm xem ngài cảm thấy trong mình thế nào. Đức Gioan trả lời: - Cha thấy dễ chịu và an bình trong tay Chúa, nhưng cũng hơi lo.
Vị thư ký nói: - Cha không phải lo. Nhưng chúng con đang lo đây. Chúng con mới nói chuyện với các bác sĩ...
Đức Giáo Hoàng ngắt lời hỏi: - Họ nói với con thế nào?
Vị linh mục nghẹn ngào nói: - Thưa Đức Thánh Cha, con phải nói sự thật: Hôm nay là ngày của Chúa. Hôm nay Cha về Thiên đàng.
Nói xong, vị thư ký quỳ xuống bên giường ôm mặt khóc. Đức Giáo Hoàng âu yếm xoa đầu vị thư ký và ôn tồn nói:
- Mọi khi con can đảm lắm, sao giờ mềm yếu vậy? Con vừa cho ta nghe những lời hay đẹp nhất mà một vị linh mục có thể nói: Hôm nay Cha sẽ về Thiên đàng.
Phải có một niềm tin vững mạnh, người ta mới có thể bình thản như vậy lúc từ giã cõi đời.

Chúa nhật 18/11/2018 - Mừng Kính các Thánh tử đạo VN
Lời Chúa: Mc 13,24-32

(24) Trong những ngày đó, sau cơn gian nan ấy, thì mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, (25) Các ngôi sao từ trời sa xuống, và quyền lực trên trời bị lay chuyển. (26) Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. (27) Lúc đó, Người sẽ sai các thiên sứ đi, và Người sẽ tập hợp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương về, từ đầu mặt đất cho đến cuối chân trời. (28) Anh em cứ lấy thí dụ cây vả mà tìm hiểu. khi cành nó mềm ra và trổ lá, thì anh em biết là mùa hè đã đến gần. (29) Cũng vậy, khi thấy những điều đó xảy ra, anh em hãy biết là Người đã đến gần, ở ngay ngoài cửa rồi". (30) Thầy bảo thật anh em: Thế hệ này sẽ chẳng qua đi, trước khi mọi điều ấy xảy ra. (31) Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu. (32) Còn về ngày hay giờ thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay Người Con cũng không. Chỉ có Chúa Cha biết mà thôi.

Đức Giêsu báo trước sẽ có ngày tận thế, nhưng lại dạy môn đệ không nên hoảng sợ. Người đến để phán xét mọi người, nhưng "đối với những ai mong đợi trong yêu mến ngày Chúa lại đến" (2 Tm 4,8), thì Người sẽ là Đấng Cứu Độ và là vinh quang của họ : "Người sẽ sai các thiên thần đi quy tụ từ bốn phương trời, những người được tuyển chọn". Giáo hội bị bắt bớ nhưng cũng được an ủi vì "sẽ thấy vinh quang của Đức Giêsu Kitô" (Tt 2,13). Đứng trước các tin đồn về ngày tận thế, thái độ đúng đắn nhất của các môn đệ là: "tỉnh thức và cầu nguyện luôn", trong niềm mong chờ, vì Chúa sẽ đến bất ngờ như Người đã nói: "Anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến" (Mt 24,44).
- Chuẩn bị cho giờ chết của mỗi người và ngày tận thế chung tòan nhân lọai:

Người Kitô hữu chỉ có thể "đứng vững trước mặt Con Người" khi biết thanh luyện tội lỗi, tránh xa sự dữ và các thói hư, nhất là thói ích kỷ, tham lam..., và góp phần xây dựng một thế giới mới yêu thương, trong đó mọi người luôn quan tâm, cảm thông và chia sẻ phục vụ lẫn nhau, cùng nhau xây dựng cho gia đình, cộng đòan và môi trường sống ngày một tốt đẹp hơn.

Đường về trời không dành riêng cho từng người, nhưng là con đường chung cho hết mọi người. Trong ngày phán xét, Đức Kitô sẽ tái lâm xét xử nhân lọai dựa trên tiêu chuẩn thực thi bác ái chia sẻ và phục vụ tha nhân. Ai sống trong yêu thương, người đó sẽ được sống lại và hưởng hạnh phúc trường sinh, còn kẻ "ghét anh em chính là kẻ sát nhân" (1 Ga 3,15) cũng sống lại để chịu hình phạt "khóc lóc và nghiến răng" (x Mt 25,31-46). Còn "Ai làm cho người ta nên công chính sẽ chiếu sáng muôn đời như những vì sao"(Đn 12,3).

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con một quả tim mới và một thần trí mới để chúng con sẵn sàng góp phần xây dựng Hội Thánh và phục vụ Chúa trong mọi người chung quanh ngay từ hôm nay. Xin cho chúng con sẵn lòng chấp nhận các đau khổ trái ý xảy đến để thành tâm sám hối tội lỗi, khử trừ thói hư và tích cực góp phần làm cho gia đình, cộng đòan, xã hội... trở nên công bình yêu thương và bình an hoan lạc hơn, hầu đón chờ Chúa sẽ tái lâm và biến trần gian trở thành một "Trời Mới Đất Mới" vào ngày tận thế.


 Các Thánh Tử đạo VN

Sách Khâm Định Việt Sử ghi nhận: vào năm 1533, có một vị thừa sai tây phương tên Inikhu đã lén theo đường biển vào truyền đạo tại làng Ninh Cường và làng Trà Lũ. Theo dòng thời gian, hạt giống Tin Mừng được gieo vào lòng đất Việt đã âm thầm lớn lên và sinh hoa kết trái. Năm 1659, Tòa Thánh đã thiết lập hai Địa phận Tông Tòa Đàng Trong và Đàng Ngoài. Rồi đến năm 1960, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã thiết lập hàng Giáo phẩm Việt Nam.

Trong suốt chiều dài lịch sử đó, Giáo hội Công giáo Việt Nam đã lớn lên trong sự chăm sóc của nhiều đơn vị thừa sai; với sự đóng góp của nhiều linh mục và tu sĩ bản địa; đã đồng hành cùng dân tộc trong mọi biến cố, và tích cực làm chứng cho Đức Tin bằng nhiều hoạt động bác ái phục vụ. Tuy nhiên, cũng trong khoảng thời gian ấy, Hội Thánh Việt Nam đã trải qua biết bao giông tố kinh hoàng, bắt bớ, giam cầm, tra tấn, thảm sát và phân sáp các tín hữu vì niềm tin sắt son vào Ðức Kitô qua những thăng trầm lịch sử các triều đại. Máu các thánh Tử đạo đã đổ chan hòa mặt đất, từ các tỉnh phía bắc đến tận miền sáu tỉnh phía nam, từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX. Những dòng máu thuộc đủ thành phần xã hội: từ người làm ruộng đến người chài lưới, con buôn; từ ông thày lang đến người làm thợ; từ học sinh đến thầy đồ; từ lý trưởng, cai tổng, binh lính đến quan văn, quan võ; từ giáo dân, ông trùm, ông quản đến chủng sinh, linh mục, giám mục; từ người ngoại quốc đến người bản địa... Tất cả đều mang trong mình một niềm tin son sắt, một tình yêu nồng cháy, một tinh thần can đảm quật cường, sẵn sàng chịu muôn ngàn thử thách vì danh thánh Chúa Kitô. Các ngài đã can đảm đón nhận thập giá Chúa gửi đến mà không oán hận những kẻ làm hại mình. Dù ngục tù, gươm đao, dù bị róc xương xẻ thịt, các ngài vẫn không từ bỏ đạo Chúa. Dù bị tra tấn, hành hình man rợ, các ngài vẫn vui lòng chấp nhận vì lòng yêu mến Chúa Kitô. Các ngài đã yêu đến cùng, yêu đến mức sẵn sàng tha thứ cho những kẻ đã làm hại các ngài. Như Chúa Giêsu trên thánh giá đã cầu xin ơn tha thứ cho những kẻ hại mình: “Lạy Cha, xin Cha tha cho chúng vì chúng làm chẳng hiểu việc chúng làm”, các thánh tử đạo Việt Nam cũng cầu xin ơn tha thứ cho những người đã làm cho mình phải đau khổ và chết chóc.

Trong số trên 130 ngàn anh hùng tử đạo, 117 vị đã được Giáo hội tôn phong lên bậc hiển thánh và một vị được tôn phong chân phước. Các ngài đã làm nên một thiên hùng sử cho Hội Thánh Việt Nam.
118 con người đã đi vào bất tử bằng cái chết của mình.
118 cuộc sống đã tự mình viết nên bản trường ca tôn vinh Thiên Chúa.
118 triều thiên tử đạo làm nên niềm hãnh diện cho Giáo hội Việt Nam
118 giòng máu đã trổ sinh ngàn vạn hoa trái.
     “Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống
   Mùa gặt mai sau khấp khởi mừng”
Với lịch sử trên 400 năm hình thành và phát triển, Giáo hội Việt Nam đã trải qua muôn vàn thử thách đau thương. Máu các thánh Tử đạo đã đổ ra, thấm sâu vào lòng đất để ươm trồng cho hạt giống đức tin nảy mầm và phát triển. Cho dù cuồng phong bão táp; cho dù thế gian tìm muôn ngàn kế bách hại, hạt giống đức tin vẫn kiên cường đứng vững. Từng giọt máu đào đổ xuống, thấm sâu vào lòng đất mẹ, để minh chứng cho một tình yêu son sắt thủy chung. Xin hiệp lời cùng con cháu các thánh Tử đạo đất Việt trên khắp năm châu tôn vinh các thánh Tử đạo Việt Nam anh hùng.

Anton Lê

Không có nhận xét nào: