Thứ Bảy, 29 tháng 2, 2020

Từ bỏ để theo Chúa


Kết quả hình ảnh cho theo Chúa

Trong kí ức thời thơ ấu của tôi, tôi vẫn lưu giữ mãi hình ảnh vị tu sĩ là hàng xóm ở gần gia đình tôi. Thầy cũng đi tu như bao tu sĩ khác, thậm chí đời tu của thầy lặng lẽ, chẳng để lại dấu ấn gì đặc biệt đáng để người đời nhớ đến. Thầy về cùng Chúa khi tuổi đời còn rất trẻ vì căn bệnh ung thư. Thế nhưng, đối với tôi, người tu sĩ thầm lặng ấy có tâm hồn như một vị thánh! Tôi phát hiện ra điều đó khi được đọc cuốn nhật kí của thầy mà mẹ thầy vẫn luôn nâng niu cất giữ:
     “Lạy Chúa, ước mơ của con đã từng là kiếm được thật nhiều tiền, đủ để mẹ và năm đứa em của con có được một cuộc sống đầy đủ hơn. Thế nhưng Chúa lại cho con thấy khuôn mặt của Chúa trên thập giá, thấy những cảnh đời éo le, thấy bao tâm hồn xa lạc tình yêu Chúa… Chúa ơi, Ngài muốn con làm gì? “Đi tu! Đúng rồi Chúa ơi! Con sẽ đi tu để phụng sự Chúa và phục vụ mọi người!”
     “Chúa ơi! Con chẳng có khả năng gì để trở thành một tu sĩ tốt cả! Con không có trí thông minh hay tài ăn nói như các anh em khác để có thể nói về Chúa cho mọi người; tay chân con vụng về, chẳng làm nên được việc gì lớn lao; sức lực con có hạn, chẳng đủ thay đổi thế giới. Con đã muốn bỏ cuộc! Nhưng Chúa lại giao cho con công việc quét rác, làm vườn cho Hội dòng. Đúng rồi! Con vẫn có thể phụng sự Chúa và phục vụ anh em bằng những việc như thế!”
     “Chúa ơi! Hôm nay con thực sự rất tức giận với người anh em của con. Đang lúc con giơ nắm đấm nhắm vào mặt anh ấy thì con lại thấy khuôn mặt ấy đã từ lúc nào được thay bằng khuôn mặt nhân hậu của Chúa. Con đang định làm gì vậy? Con đang định đánh Chúa sao?”… 
     “Chúa ơi! Lúc này thân xác con đau đớn khủng khiếp, nhưng lòng con lại ngọt ngào, bình an lạ thường. Con nhận ra con có anh em ở bên, con có Chúa ở bên, con thật hạnh phúc!”

Có lẽ con người ấy không thể làm được gì lớn lao hơn được nữa, vì chỉ có một điều lớn lao nhất cuộc đời mà Thầy đã đặt ra cho mình là theo Chúa thì Thầy đã làm được đến cùng. Hành trang mà vị tu sĩ ấy mang theo không phải là vật chất, của cải, cũng không phải là tài năng, trí tuệ…Thầy chỉ mang theo tình yêu, một tình yêu từ bỏ chính mình để chỉ còn thấy Chúa và tha nhân!

Ơn gọi của tôi bắt đầu từ những câu chuyện, những con người như thế. Tôi vẫn tin mỗi người được mời gọi theo Chúa bằng một cách thức riêng. Có lần, tôi mơ một giấc mơ rất lạ! Tôi mơ thấy Chúa đang vẽ một bức tranh. Chúa vẽ lên đó một bông hoa màu trắng rất đẹp. Nhưng kìa! Tay Chúa quệt một vệt mực lớn màu xám đen, Chúa vẽ một vũng bùn! Một vũng bùn lớn ngay dưới gốc bông hoa trắng muốt! Rồi theo dòng trôi của thời gian, bông hoa hút dưỡng chất từ vũng bùn, từ màu trắng, nó chuyển sang nhiều màu sắc rực rỡ một cách kì diệu, nó tỏa ra hương thơm nhè nhẹ, còn vũng bùn đang chuyển dần dần thành một vùng nước trong! Liệu Chúa muốn tôi làm gì? Ngài muốn tôi làm bông hoa có khả năng biến những dơ bẩn của vũng bùn thành vẻ đẹp, thành hương thơm cho đời hay Ngài muốn tôi làm vũng bùn, hy sinh tất cả những gì mình có để nuôi dưỡng hương sắc cho bông hoa?

Thứ bảy 29/02/2020 - Sau lễ tro
Lời Chúa : Lc 5,27-32

Sau đó, Đức Giê-su đi ra và trông thấy một người thu thuế, tên là Lê-vi, đang ngồi ở trạm thu thuế. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi! ” Ông bỏ tất cả, đứng dậy đi theo Người.Ông Lê-vi làm tiệc lớn đãi Người tại nhà ông. Có đông đảo người thu thuế và những người khác cùng ăn với các ngài. Những người Pha-ri-sêu và những kinh sư thuộc nhóm của họ mới lẩm bẩm trách các môn đệ Đức Giê-su rằng: “Sao các ông lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi? ” Đức Giê-su đáp lại họ rằng: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn.”

Câu chuyện ơn gọi của Lêvi lại một lần nữa khẳng định, Chúa Giêsu gọi ai thì Người không quan trọng đến thời điểm nào, lý lịch ra sao mà trên hết tất cả là Người nhìn thấy nơi ta có dám sẵn sàng bỏ hết tất cả để theo Chúa không?
Ngày hôm nay, nếu bạn đang ngồi nơi bàn giấy quyền cao lương hậu, đang vui thích với công việc đầy lợi nhuận… nếu Chúa gọi bạn bước theo ơn gọi tu trì, bạn có dám bỏ lại để theo Người không?
Khi phải lựa chọn giữa một bên là đức tin và lề luật Công Giáo và một bên là danh lợi vật chất, bạn có dám chọn Chúa không ? Hay là đành “bỏ đạo” để không mất chức…?
Ngày hôm nay, Chúa cũng đang mời gọi bạn làm tông đồ cho Chúa. Thế nhưng, bạn có đáp lại lời mời gọi của Chúa cách thành tâm, thiện chí hay không, dám từ bỏ không, hay còn đang vướng víu bởi những của cải vật chất làm cho tâm hồn tôi trở nên nặng trĩu trước lời kêu gọi?
Một số người được Chúa mời gọi khi còn niên thiếu, số khác được Chúa tỏ cho biết ơn gọi khi đã lớn khôn. Chúa dùng những đồng nghiệp, những liên hệ gia đình, hoặc các liên lạc xã hội để tỏ ra mục đích của Người. Chúa gọi thì không phân biệt quá khứ bạn là ai, nhưng chỉ thấy bạn từ lúc bạn bắt đầu bước theo. Cùng với ơn soi sáng cho bạn nhìn thấy ơn gọi, điều quan trọng là bạn không mặc cảm với quá khứ, mau mắn đáp trả, bỏ lại mọi sự và bước theo Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con biết học nơi Chúa với cái nhìn bao dung và không thành kiến với mọi người. Để chúng con không ngần ngại đến với những người tội lỗi và đem họ về với Chúa. Amen

Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2020

Đừng áp đặt suy nghĩ của mình lên người khác


Kết quả hình ảnh cho Suy niệm tin mừng Mt 9,14-17


Vào buổi tối kia, một người cha đến dự phiên họp giữa thầy cô và phụ huynh trong một trường trung học ở Chicago. Trong bài nói chuyện của một thầy giáo, người cha này đã bật khóc nức nở.
      Sau khi lấy lại bình tĩnh, người cha xin lỗi và nói: “Con tôi không còn sống với tôi nữa. Nhưng tôi vẫn yêu thương cháu và tôi muốn biết việc học hành của cháu như thế nào.”
      Sau đó, người cha cho biết vợ ông và 4 đứa con đã bỏ ông chiều hôm đó.
Ông là một thầu khoán xây cất và nhiều khi làm việc đến 16 giờ một ngày. Đương nhiên, ông ít gặp gia đình hơn và dần dà họ càng xa ông hơn nữa.
     Sau đó, người cha nói lên một điều thật buồn thảm. Ông nói: “Tôi muốn mua cho vợ con tôi những gì mà tôi hằng mơ ước mua cho họ. Nhưng rồi tôi quá bận tâm làm ăn đến độ tôi quên đi điều mà gia đình tôi cần đến nhất: đó là một người cha có mặt trong gia đình hàng đêm để yêu thương và nâng đỡ vợ con.”
Chúng ta có thể quá bận tâm làm việc đến độ quên đi lý do tại sao chúng ta làm việc. Chúng ta có thể quá bận tâm đến đời sống đến độ quên đi mục đích của đời sống. Chúng ta có thể quá bận tâm theo đuổi những gì có thể mua được bằng tiền bạc mà quên đi những gì tiền bạc không thể mua được.

Thứ sáu 28/02/2020 - Tuần 7 TN
Lời Chúa : Mt 9,14-17

Bấy giờ, các môn đệ ông Gio-an tiến lại hỏi Đức Giê-su rằng: “Tại sao chúng tôi và các người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay? ” Đức Giê-su trả lời: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng rể còn ở với họ? Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay. Chẳng ai lấy vải mới mà vá áo cũ, vì miếng vá mới sẽ co lại, khiến áo rách lại càng rách thêm. Người ta cũng không đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, bầu sẽ bị nứt: rượu chảy ra và bầu cũng hư. Nhưng rượu mới thì đổ vào bầu mới: thế là giữ được cả hai.”

Ăn chay là dấu chỉ của đền tội và lòng thống hối đi đôi với lời cầu nguyện xin Thiên Chúa đến giải thoát dân Người. Nhưng hôm nay qua cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu với môn đệ Gioan, chúng ta thấy được Chúa Giêsu khẳng định Thiên Chúa đang ở giữa dân qua Đức Giêsu, khi Người bảo rằng Tân Lang đang ở với họ, nên cần phải vui mừng. Ứng nghiệm lời tiên báo của ngôn sứ Isaia về thời Thiên Chúa đến viếng thăm như hôn ước giữa Thiên Chúa đối với dân Người Có thể hiểu những người thắc mắc về việc ăn chay trong bài Tin Mừng hôm nay là ăn chay bởi sự nhiệt thành đạo đức. Bởi vì, ngay trong lời thắc mắc: “Tại sao chúng tôi và những người biệt phái ăn chay, còn môn đệ Thầy thì không?”

Trong câu trả lời của Chúa Giêsu: “Các ông có thể bắt các bạn hữu đến dự tiệc cưới, ăn chay, đang khi tân lang còn ở với họ chăng?” Nghĩa là trong thời gian của sự vui mừng. Để giải thích cho câu trả lời, Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh minh họa: “miếng vải mới không thể vá vào áo cũ”, nghĩa là Người lên án về việc người ta muốn dùng cái đạo đức của mình để áp đặt cho người khác, muốn dùng cái bình luật cũ để đổ rượu giao ước mới vào.
Đừng học đòi những người bắt bẻ môn đệ Chúa Giêsu về việc ăn chay bởi vì họ xét đoán người khác, bắt người khác làm theo ý của mình, bắt người khác phải giống như họ, tạo ra một khuôn mẫu để bắt người khác phải chiều theo ý mình.

Lạy Chúa Giê su, chúng con dễ sa ngã phạm tội, bởi đầu óc chúng con cứ suy nghĩ và sống theo thói quen cũ. Xin Chúa giúp chúng con đổi mới cách nghĩ, cách nói, cách làm để chúng con trở nên con người mới.

Thứ Năm, 27 tháng 2, 2020

Yêu : Hóa giải mọi sự


Kết quả hình ảnh cho suy niệm tin mừng thứ năm tuần 7 thường niên


Vào thời trước, có một đoàn thám hiểm từ Châu Âu lên đường đi tìm đất mới, vùng Ái Nhĩ Lan ngày nay. Vị trưởng đoàn tuyên bố: ai chạm đến vùng đất mới trước tiên, người đó sẽ làm chủ vùng đất ấy.
    Một người trong nhóm là Ônê quyết tâm chiếm vùng đất mới bằng mọi giá. Anh cố gắng chèo thuyền tận lực, nhưng một chiếc thuyền bạn đã bắt kịp và đang tiến lên phía trước, khi ấy đã gần sát bờ.
     Phải tính sao đây? Là con người có ý chí sắt đá, gan dạ. Ônê đã can đảm lấy chiếc rìu chặt đứt lìa bàn tay trái rồi ném nhanh lên bờ. Thế là bàn tay của Ônê đã chạm đất đầu tiên, và vùng này thuộc về anh.

Qua câu truyện trên giúp chúng ta hiểu rõ Lời Chúa Giêsu dạy trong bài Tin Mừng hôm nay: “Nếu tay ngươi làm ngươi vấp phạm, hãy chặt đi, thà cụt một tay mà được vào cõi sống, còn hơn có đủ hai tay mà phải vào hỏa ngục đời đời”

Thứ năm 27/02/2020 - Tuần 7 TN
Lời Chúa : Mc 9,41-50

(41) "Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Ðấng Kitô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.(42) "Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn. (43) Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục, phải vào lửa không hề tắt. [44] (45) Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hoả ngục, [46] (47) Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục, (48) nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt. (49) Quả thật, ai nấy sẽ được luyện bằng lửa như thể ướp bằng muối. (50) Muối là cái gì tốt. Nhưng muối mà hết mặn, thì anh em sẽ lấy gì ướp cho mặn lại? Anh em hãy giữ muối trong lòng anh em, và sống hoà thuận với nhau".

Điều Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh ở đây là tính chất quyết liệt của những lời đó, có nghĩa là phải quyết liệt dứt khoát với sự xấu. Quả thật, sống trong bất cứ hoàn cảnh nào, thời kỳ nào đều tồn tại những điều xấu. Đó là những lề thói những đức tính không tốt, có hại cho bản thân, cho mọi người xung quanh và cao hơn nữa cho cả cộng đoàn. Nếu những điều xấu ấy cứ tồn tại, phát triển, lây lan khó mà thay đổi được, lúc đó có thể trở thành tội. Phải ngăn chặn ngay từ đầu, nếu không sẽ khó mà cứu vãn được mạng sống.

Khi chúng ta chịu phẫu thuật, cắt bỏ khối u, cắt bỏ phần thân thể nhiễm độc để bảo toàn mạng sống. Vậy khi Chúa bảo ta phải chặt tay, chặt chân, móc mắt không phải muốn hành hạ ta, mà trái lại chính Ngài yêu thương ta, Ngài muốn ta được hạnh phúc, nên Ngài dạy ta phải dứt khoát với tội lỗi. Nhiều khi vì nhẹ dạ, ham vui, đã đưa đẩy chúng ta đến chỗ sống trong tội lỗi, đam mê dục vọng, để rồi sống một đời khổ sở. Chúng ta hãy chọn chấp nhận đau đớn một lần để được cuộc sống an bình, hạnh phúc.

Lạy Chúa Giêsu, chỉ có ở trong Chúa thật sự chúng con mới được hạnh phúc vĩnh hằng, tất cả chỉ là tạm bợ, chóng qua, đơn hèn. Xin Chúa giúp chúng con can đảm, hy sinh loại trừ tất cả những gì không thuộc về Chúa, để cuộc đời chúng con mãi mãi biết xây dựng cuộc đời mình bằng chính những hy sinh nho nhỏ hằng ngày, mỗi ngày trở nên giống Chúa hơn.

Thứ Tư, 26 tháng 2, 2020

Tránh óc cục bộ


Kết quả hình ảnh cho suy niệm tin mừng Mc 9, 38 – 40

Ông Hai Kền sống ở góc một khu phố thuộc phường Thanh Đa. Ông không có gia đình và sinh sống bằng nghề sửa xe 2 bánh. Thấm thoát từ ngày ông bỏ đất Nghệ An (mảnh đất đã chôn nhau cắt rốn ông) đến nay đã hơn ba mươi năm. Ngày ấy, ông còn là chàng trai mới đôi mươi xuân xanh với biết bao hoài bão ôm ấp trong lòng, nhưng chỉ vì quê ông quá nghèo, ông phải bỏ vào Nam để tìm cách tiến thân. Tuy nhiên cuộc sống đấu tranh sinh tồn thật khắc nghiệt, đã có biết bao sóng gió, bão táp vùi dập đời ông – chàng thư sinh kiêu hãnh – khiến ông chỉ còn cách sinh kế qua ngày bằng nghề sửa xe. Do nặng óc địa phương, tự tôn về truyền thống quê hương đất văn vật nên ông chỉ kết bạn với những người cùng quê. Đối với ông, Nghệ An là đất sinh những hiền tài, những con người thông minh xuất chúng, còn những người khác ông chỉ nhìn bằng nửa con mắt. Vì vậy, mỗi khi sửa xe mà gặp người cùng quê, ông tỏ ra rất vui vẻ thân thiện, ông sẵn sàng giúp đỡ những sinh viên cùng quê khi họ khó khăn và nhiều khi sẵn sàng cho họ trọ ở nhà ông miễn phí không lấy tiền. Đối với ông tiếng nói Nghệ An sao mà dễ thương, còn những chất giọng khác nghe có vẻ kỳ kỳ thế nào ấy, nhất là giọng Bắc Bùi Chu thì sao ông thấy ghét quá. Vì thế mà ông có ít bạn bè. Rồi một hôm, ông bị tai nạn xe đụng khi băng qua bên kia đường mua tô bánh canh cho bữa trưa, món bánh canh cá lóc nóng hổi của chị Năm Thu mà ông rất thích. Ông không biết gì sau khi chiếc Honđa phân khối lớn do hai thanh niên điều khiển đụng vào ông. Tỉnh dậy trên giường bệnh, khuôn mặt đầu tiên ông nhìn thấy là một khuôn mặt lạ hoắc của một chàng trai trẻ nhìn ông với vẻ mừng rỡ hiện rõ trên mặt: “A, Ông chú mình tỉnh dậy rồi Khoa ơi!” “Thật sao!” chàng thanh niên tên Khoa từ hành lang bệnh viện chạy vào cùng một vẻ vui mừng như thế. “Chú ơi chú tỉnh rồi à.” “Đã bớt đau chưa chú?” “Chú thấy trong người thế nào rồi?” Ôi! Cái giọng Bắc Bùi Chu dễ ghét! Có lẽ đây là hai tên nghịch tặc tông mình, khi nào khỏi mình phải kiện cho chúng biết tay mới được… - ông thầm nghĩ trong đầu. Tuy nhiên, ông vẫn còn đau lắm và mọi việc cũng chưa rõ ràng, nên ông chỉ ậm ừ rồi nhắm nghiền mắt lại như muốn ‘tuyệt giao’ với thế giới. Hai chàng thanh niên thì thầm: “Chắc chú ấy còn mệt, thôi mình để chú nghỉ đi!” “Ừ!” “Khoa này, chiều nay cậu xin phép cho tớ nghỉ học. Tớ phải ở lại để theo dõi, chăm sóc ông chú xem sao. Chứ cái kiểu này thì hình như chẳng có ai là người thân của ông ở đây!” “Ừ!” “Chiều đến gọi thêm mấy bạn trong đội sinh viên thiện nguyện nữa để có gì thay phiên giúp đỡ cho chú!” “Ừ, yên tâm đi, sao cậu giống má tớ ở nhà thế! Thôi Vũ ở lại nhé, mình đi học đây, kẻo trễ giờ rồi!” “Ừ! Thôi by nhé.” Có lẽ đây là các cậu sinh viên thiện nguyện giúp đỡ ông. Ông cảm thấy hơi hối hận vì đã nghĩ xấu cho họ. Rồi tiếp theo hai tuần sau đó, các sinh viên thiện nguyện đã thay phiên nhau đến chăm sóc ông. Họ là những người có gốc gác thuộc các miền khác nhau nhưng lại có cùng chung chí hướng là phục vụ trong đội sinh viên thiện nguyện. Đặc biệt hai cậu sinh viên Vũ và Khoa dường như ngày nào cũng có mặt hỏi han chăm sóc ông. Khi biết ông cô đơn không người thân, họ còn quyên tiền để giúp đỡ ông. Tấm chân tình của họ khiến ông rất cảm động. Qua những mẩu chuyện trò, ông còn biết họ là những sinh viên rất xuất sắc ở trường. Dần dần ông thấy ‘nhớ’ cái ‘giọng Bắc Bùi chu’ của chàng thanh niên tên Vũ, nhưng sao bây giờ nó không còn dễ ghét nữa, thậm chí ông còn thấy nó hay hay và dễ thương nữa. Từ sau biến cố đó, ông gỡ bỏ được óc cục bộ địa phương, sống cởi mở hơn với mọi người, do đó ông có nhiều bạn hơn và được nhiều người yêu quí hơn.

Thứ tư 25/02/2020 - Tuần 7 TN  
Lời Chúa : Mc 9, 38 – 40

38 Ông Gio-an nói với Đức Giê-su : "Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta." 39 Đức Giê-su bảo : "Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy. 40 Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.

      Óc cục bộ, phe nhóm thường không có tác dụng tích cực. Có những Giáo xứ có nhiều giáo họ mà mỗi giáo họ là gồm những người cùng quê hương xứ sở. Vì mỗi giáo họ có những phong tục, tập quán khác nhau, đã không biết đoàn kết lại còn thường xuyên tranh chấp, lục đục chia rẽ và xung đột, kết quả là đời sống sinh hoạt của giáo xứ khô cứng chết mòn nên không phát triển được. Tuy nhiên cũng có những xứ đạo tương tự, được cha xứ động viên khích lệ đoàn kết, hợp tác nên Giáo xứ phát triển phong phú với nhiều nét đẹp truyền thống và được mọi người khen ngợi. Danh ngôn có câu: “Đoàn kết là sống, chia rẽ là chết.” Tuy nhiên, chúng ta đừng hiểu sự đoàn kết theo nghĩa kết phe nhóm; sự cấu kết phe nhóm luôn ngầm chứa sự chia rẽ trong thâm tâm con người. Ngày nay người ta thường thích họp lớp, hội đồng hương. Những sinh hoạt này mang tính tích cực và rất đáng khích lệ nếu nó giúp người ta xích lại gần nhau hơn, gắn bó với nhau hơn, động viên nhau sống tốt hơn. Tuy nhiên, nếu người ta chỉ họp nhau để nhậu nhẹt, phô trương, khoe mẽ khẳng định mình mà loại trừ kẻ khác và không đi đến một hướng hoạt động tích cực nào thì thật không nên duy trì. Cũng thế nếu không sống tinh thần Tin mừng thì các Hội đoàn, nhóm Đạo đức sẽ trở thành cái ‘mác’ để người ta tôn vinh mình và hạ bệ lẫn nhau. 
      Trình thuật Tin mừng hôm nay cho thấy Đức Giê-su đã không muốn có những đầu óc phe nhóm, cục bộ nơi những con người phục vụ Thiên Chúa, hoặc nhân danh Ngài để đả kích lẫn nhau. Ngài đã dạy cho các môn đệ biết: Khi người ta nhân danh Ngài để trừ quỉ thì ngầm cho thấy họ đã tin tưởng nơi Ngài, phó thác và kêu cầu Ngài. Do đó không thể lại nói xấu Ngài. Vì như thế khác nào mâu thuẫn với chính mình. Các môn đệ không thể dành Ngài cho riêng họ; nhưng cần biết cởi mở tấm lòng để đón nhận những điều tốt lành nơi người khác. Và bao giờ cũng thế, óc phe nhóm, địa phương, cục bộ làm cho cuộc sống thêm phần khó chịu. Chỉ có tấm lòng bao dung độ lượng với tình yêu thương cởi mở chân thành mới làm cho cuộc sống trở nên phóng khoáng, không gian môi trường nên lành mạnh đem đến hạnh phúc cho con người.

Lạy Chúa Giê-su! Chúa đã đến để cứu độ, giải phóng chúng con khỏi tội lỗi là hậu quả của sự hẹp hòi, tham lam, đố kỵ, ganh ghét, hận thù, ích kỷ do ma quỉ gây ra. Xin cho mỗi người chúng con có được tấm lòng của Chúa, luôn biết sống bao dung, độ lượng, cởi mở, vị tha, yêu thương chân thành, đặc biệt và trước tiên trong gia đình chúng con; để nhờ đó mỗi thành viên trong gia đình chúng con trở thành những cộng sự viên luôn biết sẵn sàng cộng tác với nhau trong công cuộc xây dựng, phục vụ nước tình thương của Chúa. Chúng con cũng cầu xin Chúa ban ơn hiệp nhất cho các Giáo hội Ki-tô, và cho mọi thành phần của Giáo hội biết cộng tác với nhau để xây dựng nước Chúa mỗi ngày phát triển và lớn mạnh. Amen.

Thứ Ba, 25 tháng 2, 2020

Muốn làm lớn, hãy là người phục vụ



Kết quả hình ảnh cho suy niệm tin mừng Mc 9, 30 - 37


Chuyện kể rằng ở đất nước xa xôi, có một vị Tổng thống tham quyền cố vị dù đã trên ngôi 37 năm vẫn không muốn “buông tay quyền lực”. Chuyện rằng ở đất nước tôi, cũng có những vị quan tham quyền cố vị, ham mê quyền lực nên đã bất chấp mọi thứ để duy trì “ghế vàng”.

Có lẽ đối với những người quan tâm đến chính trị, câu chuyện đảo chính đang diễn ra tại đất nước Zimbabwe xa xôi không phải là vấn đề xa lạ. Xung quanh vụ việc này, nhiều câu chuyện dở khóc dở cười đã diễn ra. Ai đời một vị Tổng thống gần trăm tuổi vẫn “đam mê” ngôi vị, không chịu nghỉ hưu. Ai đời vì chiếc ghế Tổng thống mà sẵn sàng “tuyệt thực” để níu kéo. Ai đời trong khi người dân ăn không đủ no thì vị Tổng thống già và vợ con vẫn ăn chơi xa xỉ, tiêu tiền như rác.
Không phải ngẫu nhiên mà tôi kể cho mọi người nghe câu chuyện của xứ Zimbabwe ở tận Châu Phi xa xôi. Qua vụ việc này, chắc hẳn chúng ta cũng sẽ không khỏi giật mình bởi không ít câu chuyện có hơi hướng tương tự như vậy lại đang tồn tại, diễn ra tại Việt Nam. Có thể nói, vụ đảo chính tại Zimbabwe như một lời cảnh báo đối với nước ta. Nếu chúng ta cứ để những vấn đề tương tự như vậy tồn tại trong công tác cán bộ thì trong một tương lai không xa, Việt Nam cũng sẽ lâm vào tình trạng tương tự.

Thứ ba 25/02/2020 - Tuần 7 TN
Lời Chúa : Mc 9, 30 – 37

(30) Ðức Giêsu và các môn đệ ra khỏi đó, đi băng qua miền Galilê. Nhưng Ðức Giêsu không muốn có ai biết, (31)vì Người đang dạy các môn đệ rằng: "Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và Người bị giết chết, rồi sau ba ngày Người sẽ sống lại." (32) Nhưng các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người.(33) Sau đó, Ðức Giêsu và các môn đệ đến thành Caphácnaum. Khi về tới nhà, Ðức Giêsu hỏi các ông: "Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy?" (34) Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả. (35) Rồi Ðức Giêsu ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói: "Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người." (36) Kế đó, Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói: (37) "Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Ðấng đã sai Thầy".

Suy niệm :
Cám dỗ về quyền hành và cám dỗ lạm quyền là sự kiện thường xuyên và mãnh liệt đối với con người mọi thời. Chính những cám dỗ ấy cũng đã xảy ra cho Nhóm Mười Hai Tông đồ. Thật vậy, vào chính lúc Thầy của các ông loan báo về cuộc khổ nạn và cái chết của Ngài, thay vì dừng lại và chia sẻ với Thầy, hoặc nếu chưa hiểu thì trao đổi với Thầy để am tường hơn, các ông đã có thái độ ích kỷ, vụ lợi; các ông tưởng thời lập quốc của Ðấng Mêsia và ngày vinh quang của các ông đã tới, thế là các ông bắt đầu tranh cãi về địa vị với nhau. Chính các ông cũng cảm thấy sự tranh cãi như thế là đáng trách, bởi vì khi được Chúa Giêsu hỏi, các ông đã làm thinh.
       Và rồi sự việc đã diễn biến không như các ông tưởng nghĩ, bởi vì đối với Chúa Giêsu, trong Nước Trời tồn tại ở trần gian này, cho dù vẫn có tôn ti trật tự, nhưng đó là một trật tự lạ lùng: Người làm lớn sẽ là người hầu hạ kẻ khác, người nhỏ nhất phải là đối tượng để được hầu hạ. Rốt cuộc, chúng ta có thể hầu hạ ai chính là vì chúng ta muốn hầu hạ Chúa Giêsu trong họ, và chúng ta có được hầu hạ ai, thì cũng chỉ vì họ đang hầu hạ Chúa Giêsu nơi chúng ta. Như vậy, điều quan trọng không phải là làm lớn hay làm nhỏ trong Nước Trời, chỉ có Thiên Chúa là nhân vật quan trọng trong Nước Trời, và làm lớn hay làm nhỏ, tất cả đều phục vụ Thiên Chúa mà thôi.
       Hôm nay Chúa Giêsu đã dạy chúng ta bài học về khiêm nhường. Trong Nước Trời đừng ai để ý tới địa vị lớn nhỏ, mà điều phải để ý là phục vụ. Chúa Giêsu đã làm gương cho chúng ta trong bữa tiệc ly. Mặc dù là thầy là Chúa nhưng Ngài đã hạ mình rửa chân cho các môn đệ. Để mở mang Nước Trời ở trần gian này, mỗi người chúng ta phải trở thành những trẻ nhỏ, những đầy tớ. Càng có chức cao thì càng phải khiêm nhường phục vụ. Chỉ có khiêm nhường phục vụ thì người khác mới thấy được sự hiện diện của Chúa Giêsu trong đời sống của chúng ta. Và chỉ có sự phụng vụ trong khiêm nhường chúng ta mới có thể hy vọng nước Chúa sẽ được ở rộng ở trần gian này.
     Thiên Chúa yêu mến, đề cao những kẻ bé nhỏ, thấp hèn, những người phục vụ người khác bởi họ có lòng khiêm tốn, đơn sơ, chân thành. Chỉ những người có lòng khiêm tốn, đơn sơ, chân thành mới có thể phục vụ mọi người, kể cả những người nhỏ bé nhất, thấp hèn nhất một cách tận tình, vui vẻ. Giá trị của họ chính là lòng khiêm tốn. Khiêm tốn chính là biết mình, biết mình có mặt nào mạnh, mặt nào yếu và chân nhận những giá trị đó của mình. 

Lạy Chúa Giê-su xin cho con một tình yêu vị tha như Chúa, để con luôn sẵn sàng dấn thân và phục vụ trong hân hoan. Xin cho con nhận ra khuôn mặt của Chúa trên gương mặt mọi người, để con luôn biết yêu thương và quí trọng; để cuộc đời không còn cay đắng bởi những ghét ghen, hận thù nhỏ nhen; Không còn những bi kịch tổn thương sự sống.
Lạy Chúa, xin giúp con luôn là môn đệ trung thành lắng nghe lời Chúa và trở nên giống Chúa mỗi ngày một hơn. Amen.

Thứ Hai, 24 tháng 2, 2020

Xin thêm đức tin


Kết quả hình ảnh cho Mc 9, 14-29


Tôi có một bà bạn rất thân từ nhỏ, hiện còn ở lại Saigon, tên là Madeleine Lê Thị Thảo, thuộc khu xóm đạo Huyện sĩ… Khi tôi vượt biên, có rủ chị đi cùng. Nhưng chị từ chối, vì muốn ở lại, hy vọng sẽ gặp lại người anh trai sống ngoài Bắc từ nhiều năm qua…

Trong chế độ Cộng sản,chị T, sống rất khó khăn vì dạy tư môn Pháp văn. Thiếu thốn phần xác, lo lắng đau khổ phần hồn, sau cùng chị đã bị đau tim và càng ngày càng nặng thêm, đôi khi không có tiền đi Bác sĩ nữa…Tuy vậy, chị vẫn trung thành với Chúa và Mẹ Maria, ngày ngày vẫn sáng đi lễ, chiều đi chầu Mình Thánh Chúa…

Chuyện Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp cứu chữa người được đồn đãi lan rộng khắp nơi tình thương của Cha đối với kẻ chạy đến cầu xin Cha.. Môt bà bạn tới thăm và rủ chị T. đi Tắc Sậy Càmau tới mộ Cha, để khấn xin Cha chữa cho khỏi bệnh. Nhưng vì không có tiền, nên chị T, nhờ bà bạn đi hộ cầu xin Cha cho chị. Ở nhà, chị cũng khấn xin Cha. Và thật lạ lùng thay, ngay lúc đó, Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp đã nghe lời chị cầu xin, Cha đã cầu bàu lên Chúa chữa chị khỏi hẳn bệnh đau tim..

Chị đã viết thư cho chị em chúng tôi bên Mỹ này, lập tức, chúng tôi cảm tạ ơn Chúa lòng lành vô cùng vì lời cầu bàu của Cha Diệp đã cho chị khỏi bệnh ngay.

Ðồng thời, tôi xin đăng tin này lên báo Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp để làm sáng danh Chúa Toàn Năng và Người Cha nhơn lành là Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp.

Marie Thérèse Agnès Minh Hồng.

Thứ hai 24/02/2020 - Tuần 7 TN
Lời Chúa: Mc 9, 14-29

14 Khi Đức Giê-su và ba môn đệ trở lại với các môn đệ khác, thì thấy một đám người rất đông đang vây quanh các ông, và các kinh sư tranh luận với các ông.15 Thấy Đức Giê-su, lập tức tất cả đám đông kinh ngạc. Họ chạy lại chào Người.16 Người hỏi các môn đệ: “Anh em tranh luận gì với họ thế? “17 Một người trong đám đông trả lời: “Thưa Thầy, tôi đã đem con trai tôi lại cùng Thầy; cháu bị quỷ câm ám.18 Bất cứ ở đâu, hễ quỷ nhập vào là vật cháu xuống. Cháu sùi bọt mép, nghiến răng, cứng đờ người ra. Tôi đã nói với các môn đệ Thầy để họ trừ tên quỷ đó, nhưng các ông không làm nổi.”19 Người đáp: “Ôi thế hệ cứng lòng, không chịu tin! Tôi phải ở cùng các người cho đến bao giờ, còn phải chịu đựng các người cho đến bao giờ nữa? Đem nó lại đây cho tôi.”20 Người ta đem nó lại cho Người. Vừa thấy Người, quỷ liền lay nó thật mạnh, nó ngã xuống đất, lăn lộn, sùi cả bọt mép.21 Người hỏi cha nó: “Cháu bị như thế từ bao lâu rồi? ” Ông ấy đáp: “Thưa từ thuở bé.22 Nhiều khi quỷ xô nó vào lửa hoặc đẩy xuống nước cho nó chết. Nhưng nếu Thầy có thể làm được gì, thì xin chạnh lòng thương mà cứu giúp chúng tôi.”23 Đức Giê-su nói với ông ta: “Sao lại nói: nếu Thầy có thể? Mọi sự đều có thể đối với người tin.”24 Lập tức, cha đứa bé kêu lên: “Tôi tin! Nhưng xin Thầy giúp lòng tin yếu kém của tôi! “25 Khi thấy đám đông tuôn đến, Đức Giê-su quát mắng tên quỷ: “Thần câm điếc kia, Ta truyền cho ngươi: ra khỏi đứa bé và không được nhập vào nó nữa! “26 Quỷ thét lên, lay nó thật mạnh, rồi ra khỏi. Đứa bé ra như chết, khiến cho nhiều người nói: “Nó chết rồi! “27 Nhưng Đức Giê-su cầm lấy tay nó, đỡ nó dậy, và nó đứng lên.28 Khi Người vào nhà, các môn đệ mới hỏi riêng Người: “Tại sao chúng con đây lại không trừ nổi tên quỷ ấy? “29 Người đáp: “Giống quỷ ấy, chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi.”

Khi không có Chúa, thì chẳng có việc gì mà các môn đệ làm cho ra hồn, những gì họ làm đều không được như ý muốn. Trong trường hợp như trong bài Tin mừng hôm nay, các môn đã cố gắng hết sức mà không thể trừ được thần ô uế ra khỏi một em bé vì thiếu lòng tin và họ cũng thiếu cả sự cầu nguyện. Kết quả là, họ đã bị Chúa Giêsu quở trách họ, cũng như quở trách tất cả các kinh sư, những người Pharisêu và những người có mặt vì họ thiếu lòng tin. 
Nhưng ngược lại với các môn đệ, Lúc ban đầu người cha của cậu bé đứng đấy cũng không có lòng tin và còn nghi ngờ cà sức mạnh của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu lên tiếng mạnh dạn nhắc nhở ông ta rằng đức tin không có giới hạn nơi sức mạnh của Thiên Chúa. Người đàn ông này đã lớn tiếng kêu xin và thừa nhận sự thiếu đức tin của mình và xin Chúa tăng thêm lòng tin cho ông ta và cầu xin Chúa Giêsu giúp đỡ. Như vậy, Chúa Giêsu, đã chữa lành các đứa bé, là nhờ sự tuyên xưng đức tin của người cha .
Nếu không có sự hiện của Chúa Giêsu, cũng như các môn đệ, chúng ta cũng đành bất lực. Tuy nhiên, ngay cả trong những khoảnh khắc tuyệt vọng nhất, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta, các môn đệ của Ngài nên đi thêm một bước xa hơn và cầu nguyện như cha của cậu bé "con tin! Xin thêm sức mạnh cho lòng tin yếu kém của chúng con! " Bằng cách này, Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta ngày hôm nay là bất cứ điều gì chúng ta cũng có thể làm được nếu chúng ta có sự tin tưởng vào nơi Ngài và tin tưởng vững mạnh sâu sắc trong lời cầu nguyện. Vì vậy, chúng ta phải tìm đến với sự hiệp nhất với Chúa Giêsu trong sự cầu nguyện nếu chúng ta muốn được Ngài chia sẻ quyền lực của Ngài và có một phần trong công việc của Ngài cho chúng ta.

Lạy Cha,thế giới hôm nay cũng như hôm qua vẫn có những người bơ vơ lạc hướng vì không tìm được một người để tin ; vẫn có những người đã chết từ lâu mà vẫn tưởng mình đang sống ; vẫn có những người bị ám ảnh bởi thần ô uế, ô uế của bạc tiền, của tình dục, của tiếng tăm; vẫn có những người mang đủ thứ bệnh hoạn, bệnh hoạn trong lối nhìn, lối nghĩ, lối sống ; vẫn có những người bị sống bên lề xã hội, dù không phải là người phong… Xin Cha cho chúng con nhìn thấy họ và biết chạnh lòng thương như Con Cha.
Nhưng trước hết, xin cho chúng con nhìn thấy chính bản thân chúng con.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Chủ Nhật, 23 tháng 2, 2020

Yêu, theo Chúa Giê su...


Kết quả hình ảnh cho suy niệm tin mừng Mt 5,38-48

TÔI ĐÃ TRẢ THÙ ĐƯỢC RỒI ! :

Có hai người đàn ông thổ dân nước Nam Phi rất thù hằn ganh ghét nhau. Ngày kia một trong hai người gặp thấy đứa con gái nhỏ của kẻ thù đang dạo chơi trong rừng, liền bắt cô bé chặt đứt ngón tay út rồi thả ra. Cô bé bị đau la khóc dùng tay còn lại ôm chặt bàn tay bị chặt đứt ngón út chạy mau về nhà chữa trị, đang khi tên hung thủ la to rằng: “Ta đã trả thù được rồi!”.

Mười năm sau, cô bé bị chặt ngón đã lấy được một người chồng công giáo giàu có trong vùng. Ngày kia, một kẻ ăn xin tới xin ăn, bà chủ nhà nhận ngay ra kẻ trước đây đã chặt ngón tay của mình. Bà vào trong nhà, sai gia nhân đem cơm thịt ra đãi người ăn xin. Khi kẻ thù đã ăn no, bà mới giơ bàn tay có ngón út bị cụt ra và nói: “Hôm nay tôi đã trả thù được rồi!”.

Tên ăn mày lập tức nhận ra người đàn bà đối xử tốt với mình không ai khác hơn là cô bé năm xưa đã từng bị hắn chặt đứt ngón tay để trả thù, nên hắn rất hối hận và đã quỳ gối cám ơn bà không những không chấp nhất tội hắn mà còn đối xử nhân hậu là cho hắn một bữa ăn ngon.

Chúa nhật 23/02/2020 - Tuần 7 TN
Lời Chúa : Mt 5,38-48.

38 "Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. 39 Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. 40 Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. 41 Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. 42 Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi. 43 "Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. 44 Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.45Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. 46 Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? 47 Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao? 48 Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.

Là người con của Chúa, Chúa dạy chúng ta hãy làm hòa trước để khỏi xảy ra điều tai hại hơn. Đây là một lời khuyên quan trọng: chẳng những không được làm hại ai hay có ý mưu hại ai, mà còn phải đi trước một bước mà làm hòa. Nói rõ hơn, trước một điều bất công, vô tình hay hữu ý, thiên hạ gây cho ta: như xỉ nhục, xỉ vả, chê cười, nói hành, vu vạ, cáo gian... Tất nhiên lòng tự ái chúng ta bị va chạm, không thể nhịn được, lòng chúng ta như muốn trả đũa ngay. Đó là tính tự nhiên của con người. Nhưng Chúa muốn chúng ta sống khác hơn, sống cao thượng hơn. Chúa muốn chúng ta tha thứ và làm hòa. Tha thứ và làm hòa là điều kiện phải có để đến với Chúa.
         Không thể đến với Chúa mà lòng còn ngổn ngang những tức giận, ghen tương, đố kỵ. Nhân vô thập toàn, ai cũng có những lầm lỗi, ai ai cũng cần được tha thứ, thế nên cũng cần phải biết tha thứ cho nhau. Người ta vẫn thường nói để sống với Chúa cần có đức tin để mình tin tưởng, phó thác cậy trông vào Chúa giữa những phong ba của dòng đời, và để sống với tha nhân, cần phải có lòng độ lượng, để mình sống bao dung và tha thứ cho người khác. Nếu chúng ta không có lòng độ lượng có lẽ mình sẽ chẳng sống được với ai, và cũng chẳng ai sống được vời mình. Đây cũng là điều mà Chúa mời gọi chúng ta phải công chính hơn những người biệt phái trong tình yêu tha thứ.
        Không chỉ yêu kẻ yêu mình mà còn yêu cả kẻ ghét mình. Không chỉ quý mến kẻ thi ân cho mình mà còn làm ơn cho kẻ làm hại chính mình. Bởi vì, oán báo oán thì oán chập chùng. Chúa mời gọi chúng ta hãy tha thứ cho kẻ thù, hãy làm hoà cùng kẻ thù và hãy cầu nguyện cho kẻ thù. Chính Chúa đã sống tình yêu đó trên thập tự giá, nơi đó người ta đã tuôn đổ sự tàn ác trên thân thể Ngài, thế mà Ngài vẫn xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm. Tình thương Chúa không dừng lại ở việc tha thứ mà còn thi ân cho mọi người, kẻ lành cũng như người dữ. Kẻ thờ phượng Chúa cũng như kẻ chống đối lại Chúa.
        Ngoài trừ thần dữ, Kitô hữu chúng ta không xem ai là kẻ thù. Tuy nhiên vấn nạn đặt ra là làm sao có thể yêu những người xem chúng ta là kẻ thù nghịch đồng thời ngược đãi chúng ta và làm thế nào để thi ân cho người bách hại chúng ta? Làm sao có thể yêu được những người đang làm hại chúng ta cách cố tình và cách bất chính và bất công? Làm sao có thể yêu những người đang đàn áp, bóc lột kẻ nghèo hèn, đang bán nước cầu vinh, đang cao ngạo cho mình là duy nhất đúng kiểu như thần, như thánh trong khi đang làm cho tiền đồ dân tộc đi vào ngõ cụt…?
       Chúa còn mời gọi mỗi người chúng ta hãy nên hoàn thiện “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5, 48). Để nên hoàn thiện, chúng ta hãy loại bỏ thứ “luật rừng”, thứ luật luôn diệt trừ lẫn nhau, loại bỏ những toan tính, ích kỷ, hẹp hòi, tham lam, gian dối, lừa lọc. Chúng ta hãy thực thi giới luật Chúa Giêsu đã truyền dạy là “mến Chúa và yêu người” yêu thương tất cả mọi người không phân biệt bạn hay thù, yêu thương và tha thứ cho những người làm thiệt hại đến mình, dù là vô tình hay hữu ý.

Lạy Chúa Giê su, xin dạy chúng con biết rằng: Lấy oán báo oán sẽ làm tăng thêm hận thù, chỉ có tình yêu tha thứ mới có khả năng biến thù thành bạn. Hơn nữa, hận thù còn làm tổn thương tinh thần và hủy diệt nhân cách. Xin cho chúng con biết quảng đại đáp lại lời mời gọi làm công việc khó khăn này, là “Hãy yêu kẻ thù”. Nếu chúng con chưa bao dung được cho kẻ thù, thì xin cho chúng con nghe được lời bao dung của Chúa: “Lạy Cha, xin tha thứ cho họ”. Amen.

Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2020

Sự biến đổi kỳ diệu


Kết quả hình ảnh cho Được ơn biến đổi

Ngay khi còn nhỏ thánh Augustinô chỉ thích vui chơi và lười học. Để thoả mãn tính mê chơi, thánh Augustinô tìm mọi cách để lừa dối cả cha mẹ và thầy dạy; khi chơi với chúng bạn, ngài lại hay gây sự và mánh mung. Thậm chí rất nhiều lần ngài đã chôm đồ đạc của gia đình đem bán lấy tiền tiêu xài. Đến tuổi vị thành niên, ngài tiếp tục trượt dài trên con đường phóng túng và hư hỏng. Đến lúc được gởi tới Cathage học môn hùng biện, Augustinô đã hoàn toàn mất đức tin khi đi theo lạc giáo Manichê, chống lại Thiên Chúa, chống lại Giáo hội, và ngày càng dấn sâu trên con đường tội lỗi. Ngài đã sống chung lần lượt với 2 người phụ nữ ngoài hôn thú. Cả khi trốn mẹ sang Milanô nước Ý, thánh nhân vẫn tiếp tục chạy theo danh vọng, phù hoa và khoái lạc.Quả vậy, nhờ sự hy sinh cầu nguyện miệt mài suốt 18 năm trường của người mẹ đạo hạnh, cầu nguyện trong nước mắt, trong chay tịnh, cùng với sự ảnh hưởng bởi gương sáng và những lời giảng dạy của thánh Amrôsiô, giám mục thành Milan lúc đó, Augustinô đã được ơn Chúa biến đổi tận căn. Từ một con người bê tha, vương đầy bụi trần và tội luỵ, Augustinô đã trở thành một Kitô hữu chân chính. Từ một tín đồ của lạc giáo Manichê chống lại đức tin Kitô giáo, ngài đã trở thành một ẩn tu, rồi thành một linh mục thánh đức. Từ một giáo sư bổ báng cả Thiên Chúa và chống báng cả Giáo Hội trở thành một vị giám mục tận tuỵ hết mình vì đàn chiên. Và xa hơn thế ngài còn trở thành 1 trong 4 vị đại tiến sĩ lừng danh của Hội Thánh.

Xin được mở ngoặc một chút là hiện nay tại Đại Thánh Đường Thánh Phêrô, phía trên ngai Dức Giáo Hoàng có một chiếc ghế đồng mạ vàng, tượng trưng cho ngai toà của đấng thay mặt Chúa ở trần gian. Ở bốn chân ghế có chạm hình bốn đại thánh tiến sĩ, trong đó có Augustinô. Điều này có ý nói rằng các ngài đã dùng giáo lý và khoa thần học của mình mà nâng đỡ ngai toà thánh Phêrô.

Tất cả cho chúng ta thấy rõ sức mạnh của lời cầu nguyện, sức mạnh của ơn Chúa, vì như lời Chúa Giêsu khẳng định: “Đối với con người thì không thể, nhưng đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể”.

Con người và cuộc đời của thánh Augustinô mời gọi chúng ta không bao giờ thất vọng đối với những người mà chúng ta cho là hư hỏng, là tội lỗi, là “mất phần linh hồn”. Điều quan trọng là chúng ta biết kiên trì cầu nguyện, kiên nhẫn hy sinh, và nhất là kiên tâm cậy trông vào ơn Chúa. Vì không có tội nhân nào lại không có tương lai, và vì đối với Chúa, mọi sự đều có thể. Amen.


Thứ bảy 22/02/2020 - Tuần 6 TN
Lời Chúa : Mc 9,2-13

Khi ấy, Đức Giêsu đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy. Và ba môn đệ thấy ông Êlia cùng ông Môsê hiện ra đàm đạo với Đức Giêsu. Bấy giờ, ông Phêrô thưa với Đức Giêsu rằng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia.” […]

Xu hướng sống nghiêng về tiêu thụ dường như đã khiến con người ngày nay có những lệch lạc trong việc định hướng các giá trị. Thay vì ca tụng Thiên Chúa, nhiều người thích sự hào nhoáng chóng qua hơn là việc lựa chọn Đấng ban sự sống vĩnh cửu.
     Khi suy niệm về Chúa Hiển Dung, tôi suy nghĩ về vinh quang Thiên Chúa như là giá trị vĩnh cửu. Vì thế, tôi được mời gọi tìm kiếm không gian thiêng liêng, lên núi để gặp gỡ Thiên Chúa. Tôi cần phải đáp trả lời mời gọi của Chúa Kitô, cùng lên núi với Người. Dám đồng hành với Người là dám vượt lên trên những tầm thường, nhỏ nhen, chóng tàn. Chúa Hiển Dung hé mở vinh quang trên Thiên Quốc cho các môn đệ . Người Kitô hữu được kêu gọi luôn sống gắn bó trong mối tương giao với Thiên Chúa. Tuy sống trong lòng nhân thế, nhưng tôi phải luôn ý thức mình đang hiện diện trước nhan Chúa, cùng với Người, tôi đang bước trong một cuộc hành trình. Tôi còn phải biết mình yếu đuối, dễ sa ngã trong cuộc hành trình mình đã chọn. Thánh Phêrô và các môn đệ đã quá sung sướng vì được thấy vinh quang Thiên Chúa nên ông xin dựng lều để được ở mãi trong giây phút ấy. Nhưng các ông phải xuống núi. Xuống núi là tiếp tục con đường, tiếp tục cuộc hành trình thường nhật của đời người môn đệ. Xuống núi là tiếp tục đối diện với thử thách, gian truân. Tưởng rằng, việc được thấy ánh vinh quang của Chúa có thể khiến các môn đệ bền tâm luôn mãi. Nhưng không, người tông đồ trưởng sau này vẫn sa ngã vì sợ hãi. Chúa Giêsu hiểu và luôn cảnh báo hướng dẫn những ai đi theo Người rằng Thầy nói cho anh em biết: ông Êlia đã đến, và họ đã xử với ông theo ý họ muốn 

Lạy Chúa, trước những thử thách trên đường đời, con làm sao trung tín với Ngài là tiêu chuẩn vĩnh cửu mà con đã chọn? Lạy Ngài, đã bao lần con chỉ nghe, chỉ biết rồi để mọi sự trôi qua hờ hững như nhân thế ngày nay? Xin ánh sáng Hiển Dung Con Chúa chiếu soi và xin ánh vinh quang Chúa cuốn hút hồn con, để con luôn trung tín với Ngài như tiêu chuẩn con đã lựa chọn.

Thứ Sáu, 21 tháng 2, 2020

Điều kiện để vào Nước Trời



26 NĂM RÒNG ĐI VÒNG QUANH THẾ GIỚI, VÁC THÁNH GIÁ RẤT LỚN TRÊN VAI

Thật lạ lùng biết bao, có những người sẵn sàng xả thân vì một lý tưởng nào đó mà họ xác tín. Năm nay 60 tuổi, tính cho đến nay, ông Lindsay Hamon đã giành ra 26 năm đời mình để vác một cây thánh giá lớn đi vòng quanh thế giới, chia sẻ về Đức Giê-su cho những ai muốn nghe ông. Đúng theo nghĩa đen và cụ thể nhất, ông đã mang vác niềm tin trên vai mình, đi qua 19 quốc gia bao gồm cả những nước như Niu Di-lân, Ru-ma-ni, Ấn-độ và Sri Lan-ca. Trong suốt hành trình kỳ lạ của mình, ông đã trải qua những khoảnh khắc thật thú vị và cả những khoảnh khắc gieo leo, khốn đốn. Dù bị tấn công và bị bắn tại Băng-la- đét, hay không được cho vào Quảng trường thánh Phê-rô ở Rô-ma, ông Hamon không hề có ý định từ bỏ công việc của mình.

Hamon khởi sự sứ mệnh mang vác cây thánh giá rất lớn đi khắp thế giới như vậy vào năm 1987, và kể từ đó hầu như chưa lúc nào ông rời xa nó cả. Cây thánh giá được làm bằng gỗ tuyết tùng, thanh dọc dài 3,658 mét, thanh ngang dài 1,829 mét. Ở dưới chân có gắn bánh xe để kéo đi kéo lại được dễ dàng, và thực tế ông thường vác cây thánh giá này mỗi ngày 12 giờ, không cần biết đêm đến sẽ nghỉ chân ở đâu. Ông là cha của hai đứa con và cũng là một công nhân làm việc bán thời gian, nhờ vào những khoản quyên góp của những người ủng hộ, ông có điều kiện để dấn thân như một người truyền rao sứ điệp Ki-tô giáo. Nhưng thi thoảng ông lại phải tranh thủ về lại quê nhà ở Cornwall trong ít lâu, để làm việc hầu có thể chi trả cho những chi phí của gia đình. Ông chia sẻ, “Tôi đã rất muốn bỏ việc hầu dành trọn thời gian cho sứ mệnh này, nhưng vì không có đủ tiền trang trải nên đành chịu”. Đã nhiều lúc, ông Hamon ở vào thế ngàn cân treo sợi tóc. “Đôi lúc tôi cũng thấy sợ hãi vì tôi còn có vợ có con cái, và nếu là bạn, bạn sẽ không muốn đem mạng sống mình ra mà mạo hiểm. Đúng là phải thực sự tin tưởng vào Chúa, thực sự tín thác và biết rằng Người sẽ bảo vệ bạn”.

Dù gặp phải bao nhiều khốn đốn trong một hành trình dài như thế, người đàn ông 60 tuổi này tỏ ra rất thích thú với những gì ông làm, và không hề hối tiếc. Nhìn thấy ông, mỗi người phản ứng mỗi cách, về việc này, xem ra ông cảm thấy rất chi là thoải mái. “Tôi thấy, thường thường mọi người sẽ hỏi han tôi, nhưng nếu họ không muốn hỏi cho biết, tôi sẽ tiếp tục bước đi. Tình cảm mà bạn nhận được mới thật tuyệt diệu làm sao, mọi người dừng lại, hỏi han, cho bạn thức ăn, đôi khi lại còn cho bạn trú chân nữa”. Nhiều ngàn người đã thắc mắc nên đến để hỏi ông về cây thánh giá, ông bắt tay và rồi cầu nguyện chung với họ. Đã hơn một lần, ông được mời tới các nhà chứa để giảng đạo cho các chị em, nhiều lần phải ngủ ở nhà chờ xe buýt, hoặc chỉ có được một chỗ trú thân tối thiểu là một cái túi ngủ, hay là nền của một nhà vệ sinh.

Ông Hamon nhiều khi còn bị những người dân địa phương tại những nước mà ông đến, chèo kéo bắt ông phải nói vì họ muốn nghe ông nói, dù rằng họ chẳng hiểu được tiếng Anh, nhưng chưa bao giờ chuyện bất đồng ngôn ngữ trở thành một rào cản cả. “Tôi thường cầu nguyện bằng tiếng Anh”, ông bảo. “Nhiều khi có người sẽ thông dịch cho bạn, có hôm, khi tôi đang nói với chừng 20 hoặc 30 người, bỗng đâu có một cậu bé nhảy ra làm thông dịch cho tôi, tôi nói và cậu ta phiên dịch tất cả đâu ra đó. Khi xong, quay ra thì cậu ta đã biến đâu mất tiêu rồi, tôi chẳng kịp biết được tên tuổi cậu ta, cậu ta đến từ đâu nữa, thật là diệu kỳ”.

Hiện giờ, ông Hamon đang du hành cùng cây thánh giá tại Anh quốc, quê hương ông, thế là ông sắp về đến nhà để thăm lại vợ con nhà cửa, trước khi đến một địa điểm mới – Latvia. Những quốc gia mà ông đã đi qua có thể kể ra ở đây, ví dụ: Băng-la-đét, Bun-ga-ri, Bỉ, Đức, Pháp, Hà Lan, Ai-len, Ru-ma-ni, Ba Lan, Sri-lan-ca, Slô-va-ki-a, và Vương quốc Anh.

Thứ sáu 21/02/2020 - Tuần 6 TN
Lời Chúa : Mc 8,34-9,1

Khi ấy, Đức Giêsu gọi đám đông cùng với các môn đệ lại. Người nói với họ rằng: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì người ta nào có lợi gì? Quả thật, người ta lấy gì mà đổi lại mạng sống mình? Giữa thế hệ ngoại tình và tội lỗi này, ai hổ thẹn vì tôi và những lời tôi dạy, thì Con Người cũng sẽ hổ thẹn vì kẻ ấy, khi Người ngự đến cùng với các thánh thiên thần, trong vinh quang của Cha Người.

Đức Giêsu đã đưa ra một kiểu tuyển dụng chẳng giống ai. Ngài không hứa hẹn mà lại đòi hỏi: Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Một tiêu chuẩn quá khắt khe, khó đáp ứng với bất cứ ai muốn làm môn đệ Ngài. Nhưng thật kỳ lạ là gần hai nghìn năm qua vẫn có nhiều người bị quyến rũ, bị thôi thúc để liều lĩnh dấn thân theo Ngài.
      Đức Giêsu rất tôn trọng tự do của bất cứ ai đến với mình. Ngài không nài ép mà chỉ mời gọi “ai muốn theo tôi”, tức là tùy thuộc hoàn toàn vào sự chọn lựa của người muốn làm môn đệ. Một khi đã chọn Đức Giêsu đồng nghĩa với việc phải từ bỏ những thứ khác một cách dứt khoát, không có chuyện “chân trong chân ngoài” hay “bắt cá hai tay”. Đức Giêsu đòi hỏi phải từ bỏ cách triệt để là “từ bỏ chính mình”, nghĩa là không còn quyền sở hữu cho riêng mình bất cứ thứ gì, kể cả mạng sống, nếu như việc sở hữu ấy cản trở bước chân của người môn đệ, bất lợi cho việc loan báo Tin Mừng.
      Vác thập giá mình mà theo: nói đến thập giá người ta thường nghĩ đến đau khổ, nhục nhã, chết chóc nên tránh được thì càng tốt. Tuy nhiên, tôi muốn nhìn thập giá trong hai mối tương quan: thanh ngang là tương quan giữa tôi với người khác, nơi đó niềm vui cũng có mà phiền toái cũng nhiều, dù muốn dù không tôi vẫn phải đón nhận mà không được phép loại trừ bất cứ ai. Thanh dọc là tương quan tôi với Chúa, nơi ấy tâm hồn muốn vươn lên nhưng thể xác lại thích sự dễ dãi khiến tôi phải giằng xé (Rm 7,19). Như vậy, vác thập giá chính là sống hài hòa hai mối tương quan với Thiên Chúa và với tha nhân; nếu bỏ một trong hai để thập giá nhẹ hơn thì đó không còn là thập giá nữa.

Tâm tình :
Lạy Chúa, xin Chúa ban niềm tin và sức mạnh để con lướt thắng chính mình, đừng bao giờ tìm một Đức Giêsu không có thập giá để rồi lại chỉ gặp thập giá mà chẳng thấy Đấng Kitô.

Thứ Năm, 20 tháng 2, 2020

Đi tìm chân lý cho đời mình


Kết quả hình ảnh cho chân lý

30 tuổi tôi mới nhận ra một chân lý:
Hiện tôi mới bước sang tuổi 30, đi qua một phần hai cuộc đời nhưng đến tận lúc này tôi mới học được nhiều điều. Một trong những bài học quý giá mà tôi học được là: Tất cả mọi thứ diễn ra tại thời điểm này hoàn toàn là lỗi ở bạn.
      Tôi nhận thấy rằng rất ít người trong chúng ta sẵn sàng chịu trách nhiệm với các sự kiện, tình huống xảy ra trong cuộc sống. Chúng ta nhanh chóng tìm một ai đó để đổ lỗi hoặc nói với họ rằng “lẽ ra anh cần phải làm tốt hơn chứ”. Bạn lại đổ lỗi cho nền kinh tế tồi tệ, sinh chẳng gặp thời, thiếu cơ hội hay là thời gian. Tôi thậm chí còn nghe vài người đổ lỗi cho cả thời tiết.
      Đã đến lúc bạn phải chịu trách nhiệm cho mọi khía cạnh của đời sống. Bạn cũng cần phải hiểu là mọi quyết định chúng ta tạo ra từ trước đến nay đã dẫn đến chính chúng ta ở hiện tại.
     Những vấn đề gặp phải nơi làm việc? Đây hẳn lỗi do bạn.
     Giả sử rằng bạn đang ở vị trí quản lý và nhóm của bạn làm việc chưa thực sự tốt. Họ đi làm muộn, không thực hiện đủ số cuộc gọi, chậm thời hạn được giao,... Vậy còn bạn thì sao? Bạn có đến sớm hơn nhân viên của mình mỗi ngày không? Bạn có nêu chính xác yêu cầu của mình không, có dành thời gian để thông tin và hướng dẫn cho họ không? Lần cuối bạn đề nghị giúp đỡ nhân viên trong nhóm là khi nào?
      Trường hợp khác, bạn là một nhân viên đã lâu không được thăng chức hay tăng lương. Lần cuối bạn hỏi sếp cho bạn cơ hội nhận nhiều công việc hay đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn là khi nào? Hiệu suất làm việc 6 tháng gần đây của bạn có chứng tỏ bạn đang cố gắng? Những gì bạn làm hiện nay có giúp đỡ gì để phát triển con đường sự nghiệp tương lai không?
     Làm sao để sửa chữa những sai lầm? Hãy biết chịu trách nhiệm.
    Chẳng ai chịu trách nhiệm cho cuộc sống của bạn ngoài chính bản thân bạn cả. Chẳng phải bạn gái hay ông chồng, cũng chẳng phải sếp hay đồng nghiệp, chẳng phải Tổng thống hay người nổi tiếng có thể gây ảnh hưởng lên cuộc sống của bạn, trừ khi bạn cho phép họ làm vậy.
    Hãy dành thời gian để tìm hiểu xem bạn có thể làm gì để cải thiện công việc. Sau đó bắt tay vào làm thôi. Những quyển sách bạn từng đọc, video bạn từng xem, những hoạt họa bạn từng chia sẻ đều là vô giá trị nếu chúng không tạo tác động tích cực đến hành động của bạn.

Thứ năm 20/02/2020 - Tuần 6 TN
Lời Chúa : Mc 8, 27-33

Khi ấy, Đức Giêsu và các môn đệ rời Bết-xai-đa để đi tới các làng xã vùng Xê-da-rê Phi-líp-phê. Dọc đường Người hỏi các môn đệ: “Người ta nói Thầy là ai?” Các ông đáp: “Họ bảo thầy là ông Gioan Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác thì cho là một ngôn sứ nào đó”. Người lại hỏi các ông: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phêrô trả lời: “Thầy là Đấng Kitô”. Đức Giêsu liền cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người. Rồi Người bắt đầu dạy cho các ông biết: Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại. người nói rõ điều đó, không úp mở. Ông Phêrô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người. Nhưng Đức Giêsu quay lại nhìn thấy các môn đệ, người trách ông Phêrô: “Xa-tan! Lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người”.

Cuộc đời tôi cũng đã gắn bó với Đức Kitô, đã xác tín Người là Thiên Chúa. Thế nhưng, gắn bó đến mức như Chúa đòi hỏi, xác tín đến mức như đức tin dạy, không phải lúc nào tôi cũng làm được. Nhiều khi trong đời, Đức Kitô được uốn nắn theo những nét vẽ và ý muốn của riêng tôi; Đức Kitô trong tôi được nhìn nhận và phác thảo theo cái nhìn của người khác… Những điều đó, trong một mức nào đó, cũng đem lại cho tôi một hình ảnh về Đức Kitô. Song, một Đức Kitô như là chính Người, do chính tôi khám phá là điều không phải lúc nào tôi cũng làm được. Cho nên, khi đời là màu hồng thì Đức Kitô là Thiên Chúa của tôi, là Đấng tôi hết lòng yêu mến và tin tưởng; nhưng khi đời là mây đen ảm đảm thì Đức Kitô bị “biến dạng”, lòng tôi chao đảo, thậm chí than trách Chúa.

Lạy Chúa, xin cho con biết khám phá và tín thác vào Ngài bằng chính sự xác tín của con. Và hơn hết, xin cho con vững lòng theo Ngài dù đời đôi khi sẽ gặp phong ba.