Đức Giáo hoàng Phanxicô đã tặng 600.000 khẩu trang y tế cho Trung Quốc để chống lại dịch do virus corona đang lan rộng ở nước này. Kể từ ngày 27 tháng 01, bốn lô khẩu trang y tế đã được thu gom bởi nhà thuốc Vatican và các cộng đồng Kitô giáo Trung Quốc ở Ý, hãng hàng không China Southern đã chịu trách nhiệm vận chuyển miễn phí các lô hàng đến Vũ Hán (Hồ Bắc), tâm chấn của dịch bệnh, cũng như đến Chiết Giang và Phúc Kiến.
Những người chịu trách nhiệm cho hoạt động từ thiện này là Đức Hồng y Konrad Krajewski, Chánh Sở Từ thiện của Đức Thánh Cha; Linh mục Thomas Binish, Giám đốc nhà thuốc Vatican; và Linh mục Vincenzo Handuo, Phó hiệu trưởng của Đại học Giáo Hoàng Urbanianum, vốn xuất thân từ Giáo phận Mindong (Phúc Kiến).
Tòa thánh và các cộng đồng Kitô giáo Trung Quốc ở Ý đã trả tiền mua các khẩu trang này; nhà thuốc Vatican tổ chức thu gom và giao hàng. Chúa Nhật ngày 02-02, lô khẩu trang thứ ba đã đến Trung Quốc. Các bưu kiện đều có huy hiệu của Đức Giáo hoàng Phanxicô bên trong. Lô thứ tư được lên kế hoạch vận chuyển trong vài ngày tới.
Vào ngày 26 tháng 01, trong buổi đọc Kinh Truyền tin, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã cầu nguyện cho các bệnh nhân bị nhiễm virus corona đang lan rộng ở Trung Quốc. Còn đối với những bệnh nhân đã qua đời, ngài nói: “Xin Chúa đón nhận những bệnh nhân đã qua đời vào trong cõi an bình; xin an ủi gia đình họ và ban ơn giúp sức cho cộng đồng Trung Quốc đang hết sức nỗ lực chiến đấu với dịch bệnh.” (Theo AsiaNews)
Thứ bảy 08/02/2020 - Tuần 4 TN
Lời Chúa : Mc 6,30-34
Các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giê-su, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy. Người bảo các ông: “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa. Vậy, thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng. Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi, trước cả các ngài. Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.
Trước hết, Chúa Giê-su cảm thông với nỗi vất vả của các Tông đồ khi làm việc truyền giáo nên cần có thời gian nghỉ ngơi để hồi phục sức khỏe cả về thể xác cũng như tâm hồn. Nghỉ ngơi để lấy lại sức, để nhìn lại những việc đã làm, để sống thân tình với Chúa và với nhau. Đây là nhu cầu chính đáng và rất bổ ích nhằm quân bình cuộc sống.
Kế đến, theo Tin Mừng Marcô luôn luôn sau mỗi khi tiếp xúc với dân chúng, Chúa Giê-su rút lui vào yên lặng không chỉ để cầu nguyện hay nghỉ ngơi mà còn để phủ nhận sự phấn khởi của quần chúng cứ muốn lôi Người vào quan niệm đầy trần tục về Ðấng Thiên Sai và vai trò cứu thế của Người. Họ muốn một vị cứu tinh làm thỏa mãn tâm tư tham lam của họ. Chính vì thế mà Chúa Giê-su cũng muốn các Tông Đồ xa lánh sự tung hô của dân chúng cũng như tránh đi sự nhầm tưởng không đúng về sứ vụ rao giảng Tin Mừng.
Lại nữa, Chúa Giê-su muốn các Tông Đồ cần có sự quân bình giữa đời sống cầu nguyện và truyền giáo, giữa chiêm niệm và hoạt động, giữa việc đạo đức kết hiệp với Chúa và công việc mục vụ. Đó cũng là một điều hết sức cần thiết cho các vị lo việc truyền giáo và mục vụ ngày nay. Có những vị “quá dấn thân” cho việc “mục vụ” và “xây dựng” đến nỗi không còn thời giờ để đọc kinh Phụng Vụ, không còn những phút thinh lặng cầu nguyện và dần dần đời sống đạo đức èo uột, nói về Chúa mà không sống với Chúa và cuối cùng chỉ còn công việc mà không có Chúa đồng hành nữa…
Lạy Chúa Giê-su, cánh đồng truyền giáo thật bao la, xin cho chúng con biết mặc lấy tâm tình chạnh lòng thương của Chúa, để chúng con biết lên đường làm chứng cho Chúa mọi nơi mọi lúc không ngơi nghỉ, hầu cho Nước Chúa ngày càng lan rộng khắp nơi, cách riêng trên đất nước chúng con. Amen
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét