Chủ Nhật, 6 tháng 11, 2016

Chết rồi sẽ ra sao ?


Kết quả hình ảnh cho suy niệm tin mừng Lc20.27-38


Có một bà mẹ kia mang thai đôi, một đứa là trai và đứa kia là gái. Ngày tháng trôi qua, các con bà dần dần lớn lên. Trong bụng mẹ, chúng nhận thấy: “Cuộc sống thật là tuyệt vời!” Chẳng mấy chốc chúng thay đổi nhanh chóng. Người con trai hỏi: “Thế này nghĩa là gì?” Người con gái trả lời: “Đó có nghĩa là cuộc sống trong bụng mẹ chúng ta sắp sửa hết hạn.” Người con trai tiếp, “Nhưng tôi không muốn rời khỏi đây”. Người con gái trả lời: “Chúng ta không có sự lựa chọn, nhưng có điều là sau ki chúng ta ra khỏi đây thì chúng ta sẽ được sống.”
Người con trai đáp lại: “Chuyện ấy xảy ra thế nào được? Đường dây sống của chúng ta sẽ bị cắt đứt thì làm sao chúng ta sống được? Hơn nữa, qua dấu tích, chúng ta biết rằng đã có người ở nơi này trước chúng ta, nhưng sau khi họ rời khỏi đây, họ đã không bao giờ trở lại đây để nói cho chúng ta biết sự gì đã xảy ra sau khi ra khỏi đây. Nếu cuộc sống này sẽ tận cùng thì mục đích của nó là gì?”
Ngày cuối cùng trong dạ mẹ đã đến và hai người con trong bụng mẹ đều lo sợ đợi chờ sự gì sẽ xảy ra cho chúng. Sau hết, giờ phút chào đời đã đến. Khi hai người con được sinh ra, chúng mở choàng cặp mắt và hân hoan trong niềm vui vì thế giới mà họ nhìn thấy thật là tuyệt vời hơn lòng họ có thể mơ ước.

Câu chuyện trên là một câu chuyện ngụ ngôn. Nó so sánh cuộc sống hiện tại với cuộc sống ở trong bụng mẹ. Như hai người con đã tự hỏi cuộc sống sau khi sinh ra sẽ ra sao, thì chúng ta cũng có lúc đã tự hỏi cuộc sống sau khi chúng ta chết sẽ ra sao. Câu chuyện ngụ ngôn ở trên rất phù hợp với các bài đọc hôm nay. Cả bài đọc thứ nhất và bài Phúc âm đều nói đến sự sống sau cái chết.
Nói đến vấn đề sự sống sau cái chết, chúng ta có thể sẽ tự hỏi một câu hỏi rất thực tế: Nếu một người lúc nào cũng bận rộn bôn ba với cuộc sống thì làm sao mà có thể đạt tới được cuộc sống vĩnh cữu đời sau?
Câu hỏi này được đặt ra trong cuộc phỏng vấn của Doris Lee McCoy và Peter Coors. Khi cô McCoy phỏng vấn Peter đâu là bí quyết để được thành công thì ông đã trả lời như sau: “Đối với tôi, sự thành công rất đơn giản. Thứ nhất, khi cuộc sống của tôi hoàn tất, đứng trước mặt Thiên Chúa tôi cảm thấy rằng cho dùn đã phạm một số lầm lỗi, tôi vẫn có Thiên Chúa là trung tâm điểm của cuộc sống. Thứ hai, thành công đối với tôi là có một cuộc sống hôn nhân và một gia đình hạnh phúc. Thứ ba, thành công đối với tôi là sau khi mãn nhiệm kỳ, tôi có thể nói được rằng tôi không chỉ giúp cho hãng này mà thôi, nhưng còn cho tất cả từng công nhân của tôi nữa.”

Như vậy, một người lúc nào cũng bận rộn với cuộc sống thì vẫn có thể đạt tới được cuộc sống vĩnh cữu đời sau. Thứ nhất, chúng ta phải sống làm sao để khi chúng ta đối diện trước mặt Chúa, chúng ta sẽ vững tin rằng Thiên Chúa luôn là trung tâm điểm trong cuộc sống dương thế của chúng ta. Thứ hai, chúng ta phải làm sao để gia đình mà Thiên Chúa đã trao ban cho chúng ta được luôn sống thuận hòa hạnh phúc. Sau hết, chúng ta phải sống sao để công việc của chúng ta luôn luôn là những sự đóng góp tích cực không chỉ trong phạm vi công việc của chúng ta nhưng đối với tất cả mọi người làm chung với chúng ta nữa.
Nếu chúng ta có thể làm như thế, thì chúng ta đã sống một cuộc sống mà nắm chắc như thánh Phaolô đã hứa: “Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Ngài.”

Khiết Tâm - Đồng Công

Xin mời Bạn cùng đọc đoạn Tin Mừng sau đây :



Chúa nhật 06/11/2016 - Tuần 32 TN

Phúc Âm: Lc 20, 27-38

"Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống".

Khi ấy, có mấy người thuộc phái Sađốc, là những người chối không tin có sự sống lại, đến gần Chúa Giêsu hỏi Người rằng: "Thưa Thầy, Môsê đã viết cho chúng tôi: Nếu ai có một người anh cưới vợ, rồi chết đi mà không có con, thì người em phải cưới người vợ goá đó, để cho anh mình có kẻ nối giòng. Vậy có bảy anh em: người thứ nhất cưới vợ rồi chết mà không có con. Người kế tiếp cưới vợ goá đó, rồi cũng chết không con. Người thứ ba cũng cưới người vợ goá đó. Và tất cả bảy người đều cưới như vậy và đều chết mà không để lại người con nào; sau cùng người thiếu phụ đó cũng chết. Vậy đến ngày sống lại, người đàn bà đó sẽ là vợ ai trong các người ấy? vì tất cả bảy người đều lấy người ấy làm vợ".

Chúa Giêsu trả lời họ rằng: "Con cái đời này cưới vợ, lấy chồng, song những ai sẽ xét đáng được dự phần đời sau và được sống lại từ cõi chết, thì sẽ không cưới vợ lấy chồng. Họ sẽ không thể chết nữa: vì họ giống như thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa: vì họ là con cái của sự sống lại. Về vấn đề kẻ chết sống lại, thì Môsê đã cho biết điều ấy trong đoạn nói về Bụi gai, khi ông gọi Chúa là Thiên Chúa Abraham, Thiên Chúa Isaac, và Thiên Chúa Giacóp. Nhưng Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống. Vì mọi người đều sống cho Chúa".


Suy niệm :
“Chết là hết.” Thời nào cũng có những con người xác tín như thế. Không phải chỉ khi khoa học kỹ thuật tiến bộ làm lắm kẻ đánh mất niềm tin vào thượng đế và sự sống mai sau. Vào thời Đức Giêsu nhiều người đã cho rằng chết là đi vào cõi hư vô tận tuyệt. Tiêu biểu là bè phái Sađucêô. Song, điều kỳ quái là đa số thành viên của phái này lại gồm toàn những tư tế đạo Do Thái.

Đức Giêsu đã tiết lộ cho con người biết đôi điều căn bản. Thứ nhất: có hạnh phúc mai sau. Hạnh phúc đó không phải ai cũng có được. Người ta sẽ phải trải qua giai đoạn chịu xét xử, và “ai được xét là xứng đáng” thì mới được tặng ban (Lc 20:35).
Điều thứ hai: ai được thưởng cho sự sống lại sẽ không phải chết nữa. Ở đó “họ sống như các thiên thần” (Lc 20:36), tức là không còn chuyện cưới vợ, lấy chồng, sinh con. Như thế sự sống mai sau sẽ không diễn ra theo kiểu con người trần thế đang có. Người ta không thể chết nên không cần truyền sinh.
Điều thứ ba: “Họ nên con cái Thiên Chúa.” Có lẽ không gì tuyệt vời hơn, giá trị hơn, và hạnh phúc hơn khi hoàn toàn bước vào mối liên hệ thiết thân với Đấng Tạo Hóa. Được nối kết với Thiên Chúa Tình thường, chính là hạnh phúc đích thật mà “muôn loài thọ tạo ngong ngóng đợi chờ” (Rm 8:18).
Thương yêu là cội nguồn của hạnh phúc. Hạnh phúc nào cũng cần có yêu thương. Ngay những hạnh phúc chóng qua ở đời nầy lắm khi cũng không thể vắng bóng chữ “yêu”. Ví dụ: kẻ cảm thấy “hạnh phúc” nếu có tiền, thì đã là người “yêu tiền”; kẻ “sung sướng” vì được chức vị cao sang thì đã là người “yêu quyền”; kẻ “vui thú” vì thỏa mãn nhu cầu thân xác đã là người “yêu xác thịt”. Đối tượng tình yêu càng chóng qua, hạnh phúc tìm đến càng chóng tàn. Thế nên được liên kết với Yêu thương chân thật chính là hạnh phúc sâu xa mà Đức Giêsu muốn mạc khải cho con người. Không còn cách nào tuyệt diệu hơn để diển tả hạnh phúc của sự sống đời sau đó.

Nếu không có sự sống mai ngày, sự sống hôm nay quả đang đi vào ngõ bế tắt. Bởi sự chết sẽ thống trị tất cả. Rồi đây kẻ sang người hèn cũng như nhau. Bậc đạo đức tốt lành cũng không hơn gì kẻ gian ác mưu mô. Người dấn thân phục vụ cũng chẳng khác gì kẻ tàn phá giết hại sinh linh.
Nếu không có sự sống lại thì “ta ăn đi, uống đi, vì mai ngày ta sẽ phải chết” (Is 22:13)
Nếu không có sự sống lại thì “lời rao giảng của chúng tôi thật hư không... và việc anh em cũng hão huyền” (1 Cor 15:12-17)


Tâm tình :
Xin Chúa cho con xác tín mạnh mẽ về sự sống vĩnh cửu mai sau mà Thiên Chúa đã chuẩn bị cho những người công chính. Để ngay từ bây giờ, con cần biết phải sống thế nào để được Chúa ân thưởng cuộc sống vĩnh cửu mai sau trong tình yêu Thiên Chúa. Amen

Không có nhận xét nào: