Thứ Tư, 9 tháng 11, 2016

Làm gì khi nhận được ơn

Kết quả hình ảnh cho suy niệm tin mừng Lc 17, 11-19

Vào ngày 07/9/2004, hai người phụ nữ Ý tên Toretta và Pari đã bị một nhóm người vũ trang bắt cóc khi họ đang làm công tác từ thiện tại Irắc. Hai người phụ nữ này đều thuộc gia đình Công Giáo rất sùng đạo. Cả nước Ý đã lo lắng cho số phận của 2 con tin. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đưa ra lời thỉnh cầu với nhóm người bắt cóc xin hãy vì lòng nhân đạo mà thả 2 người phụ nữ ra. Vơí mọi cố gắng của chính phủ Ý trong việc đối thoại và thương lượng với nhóm người bắt cóc, cuối cùng 2 người phụ nữ đã được thả tự do vào ngày 28/9/2004, sau 3 tuần bị giam giữ.
Vào ngày 05/10/2004 vừa qua, cô Toretta và Pari đã cùng gia đình đến Vatican xin triều yết Đức Thánh Cha. Họ quỳ gối trước mặt ngài để cám ơn ngài đã cầu nguyện và lên tiếng can thiệp để họ được trả tự do. Trước tin vui này, Đức Giáo Hoàng đã cùng với gia đình 2 người phụ nữ dâng lời cảm tạ Thiên Chúa.


Câu chuyện trên đây nói lên lòng biết ơn người đã cứu giúp mình. Trong thực tế, không ai sống trên đời mà lại không cần nhờ đến người khác. Không người trồng cây ăn trái,ta làm gì có trái mà ăn. không người vất vả trồng lúa, ta cũng không có gạo ăn. Chúa không ban sự sống cho ta, lấy đâu ta còn tồn tại đến nay...Đó là lý do ta phải cám ơn kẻ làm ơn cho mình. Xin mời Bạn cùng đọc đoạn Tin Mừng sau :

Thứ Tư 09/11/2016 - Tuần 32 TN
Lc 17, 11-19: Mười người phong hủi

11 Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi qua biên giới giữa hai miền Sa-ma-ri và Ga-li-lê.12 Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người phong hủi đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa13 và kêu lớn tiếng: "Lạy Thầy Giê-su, xin dủ lòng thương chúng tôi! "14 Thấy vậy, Đức Giê-su bảo họ: "Hãy đi trình diện với các tư tế." Đang khi đi thì họ được sạch.15 Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. 16 Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giê-su mà tạ ơn. Anh ta lại là người Sa-ma-ri.17 Đức Giê-su mới nói: "Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu?18 Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này? ".19 Rồi Người nói với anh ta: "Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh." (c 11-19)


Suy niệm:
Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta đào sâu ý nghĩa của lòng biết ơn trong cuộc sống con người. Trong số mười người được chữa lành, thì chỉ có một người quay lại ngợi khen Thiên Chúa, rồi đến sấp mình dưới chân Chúa Giêsu mà tạ ơn Ngài. Chúa Giêsu hẳn đã chua xót trước sự vô ơn của con người khi thốt lên: Chớ thì không phải cả mười người được lành sạch sao? Còn chín người kia đâu sao không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa mà chỉ có người ngoại này mà thôi. Tỷ lệ quá thấp, chỉ có một phần mười. Và một phần mười ấy theo Chúa Giêsu nhận xét lại là thành phần ngoại giáo. Mặc dù là goại giáo theo nghĩa tôn giáo, nhưng lại rất có đạo theo nghĩa đạo làm người. Mà bởi đạo làm người cũng là thể hiện của đạo Chúa, cho nên người ngoại giáo Samaria này, theo cái nhìn của Chúa Giêsu, hẳn phải là người có đạo hơn chín người Do Thái kia, bởi vì người này đã thực thi cái nhân đức cao quý nhất của con người là lòng biết ơn.

Con người không thể là người một cách sung mãn mà không cần đến người khác. Nói lên hai tiếng cám ơn là nói lên tình liên đới thâm sâu giữa người với người. Tôi không thể là tôi nếu không có người khác. Tôi cần có người khác để sống hoàn thiện, để được hạnh phúc. Từ cha mẹ tôi, gia đình tôi, những người thân thích của tôi cho đến cả những kẻ thù của tôi...Tất cả đều đã đóng góp vào sự trưởng thành của tôi. Không ai nghèo đến độ không có gì để trao tặng. Cuộc đời là một chuỗi những lãnh nhận, từ sự sống cho đến những thành đạt. Không có gì chúng ta đang có mà không do lãnh nhận từ người khác. Do đó biết ơn là một đòi hỏi thiết yếu nhất của trái tim con người. Không có lời rủa sả nào thậm tệ bằng ba tiếng: Đồ vô ơn. Hơn nữa, lòng biết ơn còn là con đường dẫn chúng ta đến gặp gỡ Thiên Chúa, Đấng là cội nguồn mọi ơn huệ.

Người Samaria được chữa lành, đã ngợi khen Thiên Chúa và sấp mình dưới chân Chúa Giêsu mà tạ ơn Ngài. Như vậy, lòng biết ơn chính là nẻo đường dẫn anh đến gặp gỡ với Thiên Chúa. Sống cho ra người, sống cho có tình nghĩa, đó là con đường bảo đảm nhất dẫn chúng ta đến cùng Thiên Chúa. Vô thần, xét cho cùng, cũng chỉ là vô ơn, bởi vì kẻ chối bỏ Thiên Chúa thì dĩ nhiên cũng sẽ chối bỏ người đồng loại của mình.




Sống đạo: Sức mạnh của tòa giải tội
Bác sĩ Tít-xô (TISSOT) là bác sĩ nổi tiếng ở Thụy Sĩ. Mặc dù là 1 người Tin Lành, nhưng ông cũng kính trọng và công nhận sức chữa bệnh của Bí Tích Cáo Giải thực hành trong Giáo Hội Công Giáo.
Ngày kia, ông được mời đến trị bệnh cho 1 phu nhân trẻ tuổi ngoại quốc mắc bệnh trầm trọng. Vì nàng là 1 tín hữu công giáo , nên cũng được rước Linh Mục ngồi tòa và ban Bí Tích xức dầu bệnh nhân. Ngay tức khắc, nàng cảm thấy thay đổi, dễ chịu. Lúc này, nàng trở nên êm dịu và trầm tĩnh, khác với lúc trước luôn tỏ vẻ hốt hoảng vì sợ chết. Sáng hôm sau, bác sĩ Tissot thấy cơn sốt giảm dần và bệnh nhân bình phục.
Bác sĩ Tissot thường nhắc lại biến cố này và bao giờ ông cũng thêm vào 1 lời thán phục chân thành: “Nhờ sức mạnh của tòa Cáo Giải của người Công giáo.”


Tâm tình :
Lạy Chúa Giê-su, 
suốt cuộc đời con ngụp lặn trong đại dương ân huệ của Chúa, suốt đời con được tắm mát trong dòng suối ân tình của anh chị em.
Xin cho con luôn biết sống có tình nghĩa, luôn thể hiện lòng biết ơn, luôn quí trọng những hồng ân mà Chúa đã thương ban, và những gì mà anh chị em đã làm cho đời con thêm tươi đẹp và hạnh phúc hơn.Amen

Không có nhận xét nào: