Thứ Năm, 11 tháng 5, 2017

Bệnh gian dối


Kết quả hình ảnh cho Suy niệm Tin Mừng: Ga 13,16-20



THỎA HIỆP VỚI GIAN DỐI

Phan Tất Đức, Thạc sĩ ngành quản lý

Câu chuyện mới đây về những học sinh lớp 7 ở Quảng Trị không viết nổi tên mình, chỉ làm được những phép tính cộng trừ đơn giản khiến tôi ngỡ ngàng. Làm thế nào mà những học sinh như vậy vẫn lên lớp đều đều?
       Theo tôi đây là hậu quả của bệnh thành tích và sự thiếu minh bạch của nền giáo dục. Ở nước ta, tình trạng “ngồi nhầm lớp” khá phổ biến, xảy ra cả ở những bậc học cao hơn. Rất nhiều cử nhân, thạc sĩ thậm chí tiến sĩ cũng “ngồi nhầm lớp” tương tự các em học sinh ở Quảng Trị. Bởi sau khi tốt nghiệp, họ không có kiến thức cũng như những kỹ năng tương ứng với bằng cấp của mình. Có nhiều trường hợp, gần như tất cả những gì người ta thu được khi hoàn thành bậc học chỉ là một tấm bằng. Tại sao lại xảy ra tình trạng như vậy?
         Câu trả lời rất đơn giản. Đấy là do sự dễ dãi, thậm chí là cả tiêu cực trong việc đánh giá kết quả học tập. Nếu quá trình khảo thí diễn ra nghiêm túc và thực chất, chắc chắn không xảy ra câu chuyện thật mà như bịa ấy. Chúng ta đang cố gắng đổi mới giáo dục. Nhưng dường như việc đổi mới chỉ mới chú trọng đến cải cách chương trình học và tuyển sinh đầu vào. Theo quan điểm của tôi, việc đánh giá quá trình, đánh giá kết quả đầu ra có giá trị quan trọng không kém hai yếu tố chương trình học và đầu vào (nếu không muốn nói là còn quan trọng hơn).
         Nghiêm túc và minh bạch trong thi cử và đánh giá chính là yếu tố mang tính sống còn để đảm bảo chất lượng giáo dục. Nếu chúng ta vẫn buông lỏng đầu ra, vẫn để xảy ra hiện tượng “ngồi nhầm lớp” thì mọi sự cải cách chắc chắn đều là vô nghĩa. Bởi khi ấy học sinh, học viên chẳng cần học nhưng vẫn có thể bằng cách nào đó (không loại trừ khả năng gian lận và tiêu cực) để đạt được tấm bằng, thậm chí là bằng đẹp. Trong cùng khoảng thời gian xảy ra chuyện “ngồi nhầm lớp” ở Quảng Trị, ở Australia cũng có một scandal liên quan đến giáo dục.

Cách đây vài tháng nhà chức trách Australia phát hiện ra một công ty có tên MyMaster chuyên cung cấp dịch vụ viết luận văn và làm bài thi trực tuyến cho các sinh viên đang theo học tại nước này. Và tuần trước, các trường đại học của Australia đã công bố kết quả điều tra xử lý của mình. Trong đó News South Wales là trường duy nhất không quyết định đuổi học sinh viên, nặng nhất là bị đình chỉ học 18 tháng. Còn các trường khác đều có sinh viên bị đuổi. Ngay cả Đại học Sydney, nơi đã đào tạo ra 6 trong số 28 thủ tướng của Australia (bao gồm đương kim Thủ tướng Tony Abbott) cũng không bưng bít vụ việc. 15 sinh viên của trường này bị phát hiện gian lận còn 60 trường hợp khác vẫn đang bị điều tra. Các trường của Australia còn tuyên bố rằng ngay cả những người đã tốt nghiệp cũng có thể bị tước bằng nếu bị phát hiện gian lận.

Có thể thấy nền giáo dục của những nước phát triển coi trọng sự trong sạch và thực chất trong học thuật đến như thế nào. Họ không chấp nhận, không thỏa hiệp với gian lận. Điều này khác với ở nước ta, khi chuyện “chạy đầu vào”, “chạy đầu ra”, “đi thầy” vẫn được nói đến hàng ngày, hàng giờ như một thực trạng. Trong khi, luận văn thì được sao chép và mua bán rộng rãi một cách dễ dàng.

Giáo dục thực sự là gốc của mọi con người, mọi vấn đề. Vì thế, làm sao trông chờ có được một xã hội văn minh, phát triển, minh bạch, nói không với tham nhũng, khi mà chính quá trình giáo dục vẫn cho người ta cơ hội tiếp xúc với sự gian dối.

Gian dối đã lan tràn vào mọi ngóc ngách của cuộc sống con người, thỏa hiệp với gian dối xem thường sự thật thì xem ra...quá dễ. Còn sống trong sạch không thỏa hiệp với sự ác, không mê tiền hơn nhân cách thì xem ra hơi hiếm. Giu đa trong bài Tin Mừng dưới đây cũng đi theo vết đổ đó. Môn sinh mà bán đứng Thầy mình ! Xin mời Bạn cùng đọc :
Thứ năm 11/5/2017 - Tuần 4 PS
Tin Mừng: Ga 13,16-20

"Thật, Thầy bảo thật anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi. Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em! Thầy không nói về tất cả anh em đâu. Chính Thầy biết những người Thầy đã chọn, nhưng phải ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con. Thầy nói với anh em điều đó ngay từ lúc này, trước khi sự việc xảy ra, để khi sự việc xảy ra, anh em tin là Thầy Hằng Hữu. Thật, Thầy bảo thật anh em: ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy."



Chúa Giêsu báo trước sự phản bội của Giuđa cho các môn đệ để khi sự việc xảy ra, các ông tin rằng: Ngài là Con Thiên Chúa.Và Chúa Giêsu cũng ngầm cho các môn đệ biết rằng: Ngài biết rõ mọi sự trước khi xảy ra, và Ngài bước vào cuộc Khổ nạn hoàn toàn chủ động, chứ không bị bất ngờ, Ngài chấp nhận nó để hoàn thành Thánh ý của Chúa Cha. Khi một người hoàn toàn chủ động sẽ anh dũng bước đi mà không hề sợ hãi, khiếp đảm. Người ta chỉ sợ hãi khi không biết điều gì sắp xảy ra cho mình, một khi đã biết rồi thì không có gì phải sợ hãi mà anh dũng đối diện với nó.
        Chúa Giêsu nói những điều này còn một dụng ý sâu xa: Ngài muốn cho các môn đệ biết trước những gì sẽ xảy ra cho Ngài, để khi cuộc Khổ nạn bắt đầu, các ông không thất vọng và sa ngã.
          Nhưng thực tế đã chứng minh ngược lại: Khi cuộc Khổ nạn xảy ra, các môn đệ đều bỏ trốn hết, còn Phêrô thì lại chối Thấy. Có lẽ cuộc Khổ nạn kinh khủng quá, cái chết của Chúa Giêsu vượt quá trí tưởng tượng của các ông.

Tâm tình :
Lạy Chúa Giê su, Chúa biết rõ con người chúng con là những kẻ tội lỗi, cứ sa đi ngã lại. vừa đứng lên quyết định thay đổi, lại ngã xuống ngay. Chúa vẫn biết chúng con là những kẻ phản bội, nhưng Chúa vẫn yêu thương và vẫn chọn con làm con cái Ngài. Giuđa chỉ phản bội Chúa Giêsu có 1 lần duy nhất trong lịch sử, còn chúng con luôn phản bội Ngài trong suốt cuộc đời của mình.
Cứ mỗi lần nhìn lên Thập giá Chúa Giêsu, con nhận ra mình là kẻ phản bội, là kẻ đã đóng đinh Chúa Xin cho chúng con biết ăn năn sám hối tội mình, để được Chúa thứ tha. Amen

Không có nhận xét nào: