Thứ Ba, 9 tháng 5, 2017

Sự chăm sóc diệu kỳ


Kết quả hình ảnh cho suy niệm tin mừng Ga 10,22-30

Bộ phim Le Bébe Est Une Personne đã tường thuật lại câu chuyện nội dung của một cuộc thí nghiệm về tương quan giữa mẹ và con như sau: cậu bé Nicola 5 tháng tuổi được đặt một nơi, và người ta đã chọn 3 người phụ nữ có giọng nói giống như mẹ của cháu bé để cho cháu nhận ra tiết âm của mẹ bé. Cả 3 người phụ nữ này đều ngồi cách xa cậu bé một khoảng cách bằng nhau, và họ lần lượt gọi tên bé nhiều lần: Nicola! Nicola!Nicola…nhưng bé không phản ứng gì! Đến lượt mẹ của cậu bé gọi: Nicola! Nicola!Nicola…Cậu bé cựa quậy, nheo mắt, khóc, đòi mẹ... Cuộc thí  nghiệm được lập đi lập lại nhiều lần nhưng đều có chung một kết quả. Chắc không phải tình cờ hay ngẫu nhiên mà đứa bé nhận ra tiếng đích thực của mẹ nó, nhưng có lẽ hơi thở, khí mùi, tâm tình…trong tiếng nói của người mẹ đối với bé Nicola thật đặc thù và không thể tìm được nơi người khác được.
Hiểu biết về người khác dường như là cả một tiến trình tiếp xúc gần gũi được lặp đi lặp lại nhiều lần cả bề sâu lẫn bề rộng, và như thế mới đạt tới một sự hiểu biết thâm sâu. Cũng như câu chuyện của cậu bé Nicola và mẹ, cậu bé đã thường lắng nghe và biết được đây là tiếng của mẹ mình, mẹ bé vẫn thường gọi tên Nicola ngay khi bé còn là một bào thai trong bụng mẹ. Nghe ở đây không phải là cái nghe thể lý, nghe bằng tai như nghe một tiếng động. Nghe là cả một sự lắng động và nghe của con tim. Biết ở đây cũng thế, không phải biết theo kiến thức bằng cái đầu. Cái biết thâm sâu được thể hiện bằng tình yêu và những mối tương quan gắn bó. Biết là một quá trình học hỏi với những kinh nghiệm, diễn tả sự hiệp thông sâu xa, trong tương quan tình yêu. Vì thế, Chúa Giê-su nhấn mạnh trong bài Tin Mừng hôm nay: “chiên của Tôi thì nghe tiếng Tôi. Tôi biết chúng và chúng theo tôi” (Ga 10, 27)

Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thêm một lần nữa nhìn lại tương quan của mình đối với Chúa. Tương quan của ta với Chúa có thực sự sâu sắc đến độ cho dù ở khoảng cách “xa” và rất “khẻ” ta vẫn nhận ra đó là Chúa không? Độ nhạy bén về sự hiện diện của Chúa trong mọi biến cố của cuộc đời ta thế nào? Xin mời Bạn cùng đọc đoạn Lời Chúa sau đây :


Thứ ba 09/5/2017 - Tuần IV PS
Lời Chúa : Ga 10, 22-30


22 Khi ấy, ở Giê-ru-sa-lem, người ta đang mừng lễ Cung Hiến Đền Thờ. Bấy giờ là mùa đông. 23 Đức Giê-su đi đi lại lại trong Đền Thờ, tại hành lang Sa-lô-môn. 24Người Do-thái vây quanh Đức Giê-su và nói : "Ông còn để lòng trí chúng tôi phải thắc mắc cho đến bao giờ ? Nếu ông là Đấng Ki-tô, thì xin nói công khai cho chúng tôi biết." 25 Đức Giê-su đáp : "Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông không tin. Những việc tôi làm nhân danh Cha tôi, những việc đó làm chứng cho tôi. 26 Nhưng các ông không tin, vì các ông không thuộc về đoàn chiên của tôi. 27 Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi ; tôi biết chúng và chúng theo tôi. 28 Tôi ban cho chúng sự sống đời đời ; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi. 29 Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha. 30 Tôi và Chúa Cha là một."


Một trong những việc mục tử thường phải làm, đó là đi trước để tìm đường nẻo bảo đảm và an toàn cho đoàn chiên yên hàn theo sau.
Mục tử cần nhìn xa trông rộng xem có thú dữ, trộm cắp gần kề hay không? Và nhất là phải để ý đến con đường ở trước mặt, vì có những con đường sẽ dẫn tới vực thẳm nguy hiểm hay rừng rậm vướng chân, có những con đường sẽ dẫn tới ngõ cụt không lối ra. Chủ chăn cần phải nghiên cứu kỹ xem con đường mình sẽ đưa đoàn chiên đi qua đó có khúc quanh nào nguy hiểm, có hốc đá nào cheo leo, có cỏ dại nào cần nhổ.
Cũng thế, trong đời sống riêng tư, biết bao nhiêu biến cố đã xảy đến trong cuộc đời và bàn tay Chúa đã dẫn dắt chúng ta vượt qua một cách bình an mà ngày hôm nay chúng ta vẫn chưa hay biết. Đã bao nhiêu lần chúng ta thất bại trắng tay mà rồi tới ngày hôm nay vẫn chưa phải chết đói. Biết bao nhiêu lần chúng ta gặp phải những cảnh lo âu, nhưng rồi lại được tai qua nạn khỏi. Chúng ta có biết rằng đó là bàn tay nhân từ của Chúa đã chăm sóc chúng ta.
Hiểu biết về con chiên mà thôi chưa đủ, người mục tử ấy còn phải dám hiến thân cho bầy chiên của mình, thậm chí dám hy sinh cả mạng sống của mình nữa, trong những trường hợp hiểm nguy. Chính trong bối cảnh này mà chúng ta có thể hiểu rõ hơn lời xác quyết của Chúa, khi Người nói: Ta là mục tử nhân lành.
Thực vậy, Người muốn cho chúng ta hay: mối tương giao và sự hiến thân của Người cho chúng ta cũng giống như mối tương giao và sự hiến thân của mục tử cho đàn chiên của mình.
Chúa Giêsu quả là vị mục tử tốt lành luôn chăm sóc đoàn chiên, luôn nuôi dưỡng đoàn chiên bằng những lương thực bổ dưỡng. Chúa Giêsu đã đến cho ta được sống và được sống dồi dào.
Đó là người mục tử duy nhất, ta hãy nghe tiếng Người. Hãy đến với Người để Người đưa ta đến những chân trời xa rộng. Hãy đến với Người để Người băng bó vết thương, xoa dịu nỗi đau và phục hồi sự sống. Hãy đến với Người để Người đổ tràn tình yêu và sự sống vào tâm hồn ta.
Nếu Người đã nói: “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào”, là Người muốn chúng ta được sống tràn trề bên dòng suối Lời Chúa và sung mãn với lương thực Thánh Thể của Người.

Tâm tình :
Lạy Chúa Giê-su, giữa cuộc sống luôn bị lôi cuốn bởi những âm thanh của công việc và trách nhiệm. Xin cho con biết lắng “nghe” được tiếng Chúa và “làm theo” trong Sự Thật, Công Bằng và Tình yêu. Amen.

Không có nhận xét nào: