Người thầy - người cha thứ hai là một người tuyệt vời. Thầy dạy ta những bài học đầu tiên không chỉ về tri thức mà còn dạy ta cách làm người, dạy cho ta đứng lên sau mỗi lần vấp ngã.
Năm 18 tuổi, tôi đã thực hiện một chuyến đi chỉ với 50 đô-la. Tôi đi xe từ Los Angeles đến Berkeley. Niềm mơ ước được ngồi trong giảng đường của Berkeley đã trở thành hiện thực. Tôi đã trả tiền học phí cho một học kỳ và tiền trọ ở ký túc xá một tháng. Các khoản còn lại tôi phải lo tiếp. Ba mẹ rất nghèo nên không thể giúp tôi...
Đối với tôi, đến Berkeley không phải để học những môn mà tôi không thích. Tôi muốn học được môn nào đó có giá trị. Tôi tin mình sẽ có ưu thế ở những môn khó. Kết quả là tôi chọn môn nghiên cứu về văn học.
Giáo sư Sears Jayne phụ trách môn này. Ông đi qua đi lại trên bục giảng của giảng đường rộng thênh thang, giảng bài cho cả ngàn sinh viên.
Tôi rất thích thú với những điều giáo sư giảng dạy. Đối với nhiều sinh viên, họ cảm thấy bị bắt buộc học môn này; nhưng mỗi buổi học đối với tôi giống như một bữa tiệc có nhiều món ăn ngon và những ý tưởng đặc biệt. Các bạn ở cùng ký túc xá cũng học lớp này, họ muốn tôi giúp đỡ. Chúng tôi lập một nhóm cùng học tập và tôi làm trưởng nhóm.
Bài thi đầu tiên của môn này có nhiều câu hỏi, tôi làm rất hay. Nhưng tôi nhận được số điểm không thể nào tin nổi, chỉ có 77 điểm và C cộng. Tôi rất kinh ngạc, vì tôi giỏi về môn văn học. Còn các bạn trong nhóm học là "học trò" của tôi đều được điểm B. Họ đã cám ơn tôi, nhờ tôi mà họ được kết quả tốt như thế! Chẳng những buồn mà tôi còn cảm thấy "xấu hổ" hơn.
Người trợ giảng đưa tôi đến gặp giáo sư Jayne. Ông nghe tôi cãi lý một cách hăng hái, nhưng vẫn không thay đổi quyết định.
Từ trước, tôi chưa bao giờ hỏi số điểm của mình. Bây giờ tôi hỏi không phải để xin xỏ cho học bổng. Tôi chỉ cần sự công bằng, không cần sự thương hại. Tôi luôn tin chắc rằng bài làm của tôi đáng được điểm cao.
Tôi nỗ lực làm việc nhiều hơn, dù tôi không biết làm như thế thì có ý nghĩa gì; vì từ trước đến nay tôi thấy bài ở trường quá dễ, không cần phải cố gắng gì cả. Tôi vẫn kiên nhẫn tìm việc làm thêm. Tôi đọc sách kỹ hơn. Nhưng tất cả cố gắng lần này của tôi cũng chỉ được ghi nhận bằng con số 77 và C "cộng" một lần nữa; còn B và A thì dành cho các bạn cùng nhóm. Họ lại cám ơn tôi!
Tôi tiếp tục tìm đến giáo sư Jayne và hỏi cho ra lẽ đâu là sự công bằng của ông khi chấm bài. Lần này, giáo sư vẫn lắng nghe tôi, thảo luận với tôi; nhưng kết cuộc thì điểm C vẫn như cũ. Ông tỏ vẻ thích thú nhận xét của tôi về quan điểm của ông trong bài giảng, nhưng giấc mơ của tôi về học bổng và hoạt động ngoại khóa dần dần tiêu tan.
Trước kỳ thi cuối, lại có một bài kiểm tra nữa; đó là cơ hội cho tôi "lấy lại uy tín". Nhưng biết đâu nó có thể lại là cái rào cản. Chúng tôi sẽ làm bài liên quan đến tác phẩm của T.S Eliot, The Wasteland. Quyển sách này chỉ có loại bìa cứng, nên quá đắt so với số tiền bé nhỏ mà tôi có.
Tôi mượn sách của thư viện. Dù sao tôi cũng cần một quyển của riêng mình để ghi chú vào đó. Năm 1951, chưa có máy photocopy. Vì thế, tôi phải dùng cái máy đánh chữ Royal xưa lắc, nhưng nó rất trung thành với tôi và tôi phải đánh máy đến 420 trang. Tôi phải vừa chạy bàn, rửa chén, đi học, giữ trẻ, vừa hướng dẫn nhóm học mà còn phải tìm cách đọc cho hết những trang sách đó.
Và tôi đã cố gắng gấp hai với bài kiểm tra lần thứ ba này. Lần đầu tiên tôi biết thế nào là ý nghĩa của hai chữ "hoàn hảo". Nhưng rồi mọi cố gắng của tôi dù hết mức đến đâu vẫn dẫn đến kết quả hoàn toàn không tốt. Tất cả vẫn như cũ, vẫn 77 điểm và C "cộng".
Tôi tức tốc đến phòng giáo sư Jayne, đưa tất cả bài làm trước của mình ra và gặng hỏi về số điểm. Nhìn thấy cuốn sách The Wasteland được đánh máy, giáo sư hỏi "Cái gì đó?".
Chuyện đó không có gì lạ, tôi nhanh chóng đáp rằng : "Em không có tiền mua sách, nên em đã đánh máy". Tôi thấy nét mặt của giáo sư thay đổi. Ông im lặng hơi lâu.
Sau đó chúng tôi lại bàn về đề tài lý thú là các nhà văn muốn nói gì trong các tác phẩm. Kết thúc câu chuyện, tôi ra về với số điểm y như cũ, 77 điểm,một con số xui xẻo cứ đeo theo tôi mãi, cùng với sự xấu hổ của một trưởng nhóm hướng dẫn các sinh viên học tập mà kết quả lại kém điểm họ.
Và kỳ thi chính cũng đã đến. Dù tôi cố gắng đến đâu chăng nữa thì ba con C "cộng" kia cũng không thể xóa bỏ được. Tôi nghĩ chắc đã đến lúc mình phải tạm biệt với việc xin học bổng. Chẳng được ích lợi gì cả, hai con mắt tôi muốn tét ra luôn mà vẫn đành chào thua con số 77.
Tôi không học bài nữa. Tôi đã thuộc các tác phẩm hơn bao giờ hết. Bởi lẽ tôi đã đọc những quyển sách đó rất nhiều lần và đã từng giải nghĩa cho các bạn tôi mà. Chính những câu, những chữ của The Wasteland vẫn còn vang dội trong đầu tôi đó thôi. Vì thế, trước ngày đi thi, tôi tự thưởng mình một chầu xi-nê.
Thong thả bước vào giảng đường, tôi nhất định làm cho kỳ thi này trở thành trò giải trí. Tôi nhốt các nhà văn mà tôi đã học trên một hòn đảo và tôi ghi lại cuộc tranh cãi tưởng tượng giữa họ với nhau về vị trí của mình. Tôi làm việc điên khùng này, vì tôi có gì đâu mà sợ mất chứ. Dòng chữ cứ thế mà tuôn ra và những điều mà tôi đã tranh luận với giáo sư Jayne đã giúp tôi viết được một cách dễ dàng.
Tuần lễ sau, đi ngang văn phòng, nhân tiện tôi vào lục xấp bài thi để tìm bài của tôi. Ồ, thật không thể nào tin được con mắt mình, trên bài thi bìa xanh của tôi có ghi điểm màu đỏ chói, tôi được điểm A!
Tôi chạy nhanh đến phòng giáo sư Jayne. Dường như ông đang chờ tôi, mà nào có hẹn trước đâu. Tôi tức giận phản đối ông. Tại sao ba lần tôi bị C "cộng" với những bài mà tôi đã tốn hết công sức học; còn bây giờ bài làm giỡn chơi thì lại được điểm A?
"Nếu tôi cho em những điểm A trong khi em hoàn toàn xứng đáng được thì em sẽ không tiếp tục cố gắng hết mình nữa".
Tôi trố mắt nhìn giáo sư và hiểu ra rằng cái chiến lược của ông đúng hoàn toàn. Thực sự là tôi đã cố gắng đến nỗi sắp vỡ cả đầu, điều này trước đây tôi chưa bao giờ làm.
Giáo sư đứng lên và đến kệ sách rút ra một quyển sách và nói: "Của em !"
Đó là quyển The Wasteland bằng bìa cứng, ở trang trong có ghi chữ tặng tôi. Lần đầu tiên, đối với kẻ lắm lời như tôi, tôi không thể nói gì được.
Một lần nữa, tôi không nói nên lời khi số điểm của toàn khóa học của tôi được công bố là A "cộng". Tôi tin rằng con A "cộng" chính là con số trời cho.
Một năm sau, tôi đã được học bổng và tham gia các hoạt động ngoại khóa. Rồi tôi viết và biểu diễn hát, múa trong vở kịch vui mà Hội Sinh viên dàn dựng. Tôi viết bài phê bình sâu khấu cho tờ báo ngày của sinh viên, tờ Daily Cat. Tôi viết kịch một màn, một trong những vở kịch đầu tiên của trường đại học. Tôi diễn những vở kịch của khoa kịch nghệ dàn dựng.
Và tôi ghi nhớ mãi bài học của giáo sư Jayne: "Hãy nhớ rằng bạn chưa rút hết năng lực của bạn, bạn phải sử dụng chúng kể cả khi bạn có được chúng mà không cần cố gắng. Chính bạn mới xác định được cho mình thế nào là xuất sắc."
Câu chuyện trên đây đã nói đến cách giáo dục tuyệt vời của một người Thầy đúng nghĩa. Thật tuyệt vời phải không Bạn ?Còn rất nhiều điều mà người Thầy Giê su muốn nói với chúng ta, "Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến."Xin mời Bạn cùng đọc đoạn Tin Mừng sau đây :
Thứ tư 24/5/2017 - Tuần 6 PS
Tin Mừng Ga 16,12-15
Tin Mừng Ga 16,12-15
Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em. Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em.
Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su nói với các môn đệ: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em, nhưng bây giờ anh em không có sức chịu nổi”.
Nghĩa là, dù tình thương của Chúa Giê-su muốn trao ban tất cả những gì Ngài có cho các môn đệ, nhưng với khả năng, sức lực, tâm hồn và trí khôn của các môn đệ còn giới hạn trước những thực tại thiêng liêng. Chính vì thế, Chúa Thánh Thần đến, tiếp tục huấn luyện và khai mở dần dần cho các môn đệ và những người kế tục các ngài.
Như vậy, mặc khải là bởi Thiên Chúa chứ không phải tự trí khôn con người có thể tri thức được, nhưng nhờ ơn Chúa Thánh Thần soi sáng cho trí khôn lãnh hội được dễ dàng hơn các mặc khải, cũng như Chúa Thánh Thần tác động để tâm hồn cảm nghiệm được các chiều kích của mầu nhiệm Thiên Chúa.
Tuy nhiên, không phải Chúa Thánh Thần đến đem thêm một mặc khải hay một chân lý mới – vì Chúa Giê-su đã là mặc khải tròn đầy về Thiên Chúa – nhưng như lời Chúa Giê-su nói: “Thánh Thần sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em. Mọi sự Cha có, đều là của Thầy. Vì thế Thầy đã nói: Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em" (Ga 16,14-15).
Nghĩa là Chúa Thánh Thần làm cho tín hữu càng ngày càng hiểu biết Thiên Chúa hơn, và trải qua thời gian, ngày càng khám phá ra nhiều điều mới mẻ từ nơi Thiên Chúa, mà ngay từ buổi đầu các môn đệ chưa thấu hiểu hết được. Chân lý về Thiên Chúa chỉ là một, nhưng mọi chiều kích dài rộng cao sâu và khôn dò khôn thấu chỉ được hiểu biết trải qua từng thời đại, tùy ơn Chúa Thánh Thần ban cho. Đó là vai trò hoạt động của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội.
Tóm lại, mầu nhiệm về Thiên Chúa được mặc khải cho con người tùy theo khả năng Chúa Thánh Thần ban cho, và mầu nhiệm đó được thấu tỏ qua thời gian để Giáo Hội càng thêm phong phú…
Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến ban cho chúng con trí khôn ngoan và sức mạnh, để chúng con đủ sức đón nhận và thông hiểu mầu nhiệm tình thương của Thiên Chúa, hầu chúng con thêm lòng mộ mến Chúa và rao giảng cho những ai chưa nhận biết Người. Amen
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét