Thứ Năm, 22 tháng 6, 2017

Khi cầu nguyện là hơi thở


Kết quả hình ảnh cho suy niệm tin mừng Mt 6, 7-15


Chứng từ của Đức Hồng Y Fx Nguyễn Văn Thuận:

Đức Thánh Cha là một người cầu nguyện, cầu nguyện không ngừng và tha thiết. Một ngày ngài vào Nhà Nguyện cầu nguyện đến 7 lần và nhất là cầu nguyện ban đêm. Ở Roma có Đức Hồng Y Deskur người Ba Lan, cùng lớp với Đức Thánh Cha, bị bại bán thân, đi đâu thì phải có người đẩy xe lăn đi. Vì Đức Giáo Hoàng là bạn của tôi. Nên hồi còn làm Linh Mục, Giám Mục, rồi Hồng Y, mỗi khi đến Roma thì ngài đến trọ ở nhà tôi. Nhưng có nhiều lần tôi gặp ngài ban đêm và thấy ngài cứ nằm sấp, hai tay giang ra như hình Thánh Giá như vậy, nằm trên sàn đá ở nhà nguyện. Tôi sợ ngài đau, hoặc bị cảm, sưng phổi, nên tôi phải làm cái nền Nhà Nguyện bằng gỗ cho ngài nằm !”
           Đức Hồng Y Thuận nhận xét: Đức Giáo Hoàng cầu nguyện luôn như vậy, cầu nguyện nhiều lắm, hoàn toàn tín thác, tin tưởng nơi Đức Mẹ. Vì thế, ngài không tiếc gì và không sợ gì, dám làm những chuyện mà người khác không dám làm”.
          Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Thuận kể thêm: “Có lần tôi đi qua bên Mêhicô năm 1999. Đức Thánh Cha tới trước. Ngài đến để công bố Tông Huấn “Giáo Hội tại Mỹ Châu” ( Ecclesia in America ) và ngày cuối cùng, 26.1.1999, Đức Thánh Cha có cuộc gặp gỡ giới trẻ ở sân vận động. Gặp xong, khi về nhà, Đức Thánh Cha nói với Đức Sứ Thần Tòa Thánh: “Mệt quá hè ! Thôi đi ngủ!”
        Chính Đức Sứ Thần Tòa Thánh về sau thuật lại với tôi: “Lúc ấy tôi mệt quá sức, nên khi nghe Đức Thánh Cha nói “thôi đi ngủ !”, tôi mừng quá, vì tôi mệt rã người ra rồi... Tôi thì sợ không biết Đức Thánh Cha có thức dậy nổi không, nhưng ngài lại dặn dò tôi: “Sáng mai, nếu Đức Cha muốn đồng tế với tôi thì vào Nhà Nguyện, chúng ta đồng tế với nhau.”
          Đức Sứ Thần kể tiếp với tôi: “Tôi về phòng, ngủ một giấc, ngủ say, sáng hôm sau, thức rồi mà chưa muốn dậy nữa ! Nhưng tôi phải lo, trước 8 giờ, tôi chạy tới phòng Đức Thánh Cha, thấy anh sĩ quan vệ binh Thụy Sĩ gác ở đó, tôi hỏi: “Anh có thấy Đức Thánh Cha chưa ?” – “Dạ có !” – “Anh thấy lúc nào ?” – “Thưa con thấy Đức Giáo Hoàng lúc 12 giờ đêm...” Tôi ngạc nhiên quá hỏi tiếp: “Vậy ngài đi đâu ?” – “Thưa đi Nhà Thờ ?” Tôi kinh ngạc hỏi lại: “Ngài đi Nhà Thờ lúc 12 giờ đêm ?” – “Dạ đúng, ngài đi lúc 12 giờ đêm” – “Vậy ngài có về phòng không?” – “Dạ không ! Ngài có dặn con rằng “Sáng mai, nếu Đức Sứ Thần Tòa Thánh đến tìm tôi, thì nói ngài vô Nhà Thờ, cha đợi ngài đồng tế !”
         Đức Sứ Thần Tòa Thánh nói với tôi ( Đức Hồng Y Thuận ): “Mình mệt như vậy, mà Đức Giáo Hoàng thì thức cả đêm ! Lại vào Nhà Thờ ở với Chúa cả đêm.”Và Đức Hồng Y Thuận kết luận: “Đối với Đức Thánh Cha, cầu nguyện như thế là chuyện bình thường. Anh chị em có gặp Đức Ông Trần Ngọc Thụ, hỏi ngài thì biết. Đức Thánh Cha thường vào Nhà Nguyện của ngài như thế nào” !
        Chứng từ của Đức Hồng y Dziwis: Tôi đã tự hỏi mỗi ngày Đức Gioan Phaolô 2 cầu nguyện bao nhiêu giờ và lần bao nhiêu chuỗi hạt?- Tôi nghiệm ra rằng Ngài đã cầu nguyện suốt cả ngày sống. Ngài luôn có cỗ tràng hạt bên mình, nhưng nhất là Ngài luôn kết hiệp với Chúa và chìm ngập trong Chúa.
        Dù người ta không biết, Ngài luôn cầu nguyện cho những người đã đến gặp Ngài. Sau cuộc nói chuyện, Ngài thường cầu nguyện cho những người đã tiếp xúc và đã xin Ngài cầu nguyện (trên bàn làm việc của Ngài luôn có sẵn một danh sách những người cần cầu nguyện đã được cha thư ký ghi sẵn). Ngày sống của Ngài luôn bắt đầu với việc cầu nguyện, suy niệm và kết thúc với việc chúc lành cho thành Roma. Khi còn đi lại được, Ngài luôn đứng ở cửa sổ để chúc lành, và khi đã yếu nhọc Ngài luôn yêu cầu dìu đứng lên để nhìn và chúc lành cho Thành. Chúc lành cho dân chúng thành phố Roma và giáo phận của mình luôn là cử chỉ cuối cùng của một ngày sống.

Trên đây là chứng từ của ĐHY FX Nguyễn Văn Thuận, nói về tầm gương cầu nguyện của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II. Ngài cầu nguyện không biết mệt mỏi. Bài Tin Mừng dưới đây, Chúa muốn dạy chúng ta về sự cầu nguyện trong tư thế của những người con Chúa. Và Thánh Giáo Hoàng cũng đã cầu nguyện như thế. Xin mời Bạn cùng đọc


Thứ năm 22/6/2017 - Tuần 11 TN
Kinh Lạy Cha
Lời Chúa: Mt 6, 7-15

(7) "Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhậm lời. (8) Ðừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin.
(9) "Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này: "Lạy Cha chúng con là Ðấng ngự trên trời, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, (10) triều đại Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. (11) Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày; (12) xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con; (13)xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. (14) "Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. (15) Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em.

Chúng ta không thể lèo lái hay ép buộc Thiên Chúa bằng những lải nhải dài dòng hay bằng những câu thần chú. Cầu nguyện không phải là thông báo cho Chúa biết nhu cầu của ta (c. 8).
Cha Teilhard de Chardin đã viết:
“Chúng ta phải cầu xin Chúa không phải vì lề luật buộc như thế, cũng không phải vì Chúa không biết ta cần gì. Không, kinh nguyện là tình yêu, là cách diễn tả tình yêu.”
Thiên Chúa thích nghe miệng chúng ta nói lên nhu cầu của mình.
Đức Giêsu dạy chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha, Abba, như Ngài đã gọi.
Abba là tiếng gọi âu yếm thân thương của đứa con đối với người cha.
Khi gọi Thiên Chúa là Cha, chúng ta thấy mình hết sợ hãi và xa cách.
Cha siêu việt và quyền uy, nhưng Cha không áp bức và bắt con làm nô lệ,
Cha cao sang ở trên trời nhưng Cha lại gần gũi với nhu cầu của con cái.
Ba lời cầu xin đầu tiên đều hướng về Cha: Danh Cha, Nước Cha, và Ý Cha.
Danh Cha được vinh hiển khi Nước Cha được thành tựu, Ý Cha được thể hiện.
Nước Cha đã đến rồi với sự hiện diện và hoạt động của Đức Giêsu, nhưng chúng ta vẫn phải cầu xin cho Nước ấy mau đến cách viên mãn.
Ý Cha và quyền tối cao của Cha đã được thể hiện trọn vẹn trên trời rồi, nhưng còn phải được thể hiện dưới đất nữa, nơi mọi người và nơi từng người.
Ba lời cầu đầu tiên, là những lời trực tiếp nài xin Cha.
Làm cho Danh Cha được biết đến, Nước Cha được nhìn nhận,
Ý Cha được tuân hành : đó là công việc của Cha cho đến tận thế.
Nhưng việc đó cũng cần sự cộng tác hằng ngày của mỗi Kitô hữu qua việc họ sống tận căn những đòi hỏi gai góc của Nước Trời, để cho thấy Nước Trời đã đến trên mặt đất.
Bốn lời cầu xin sau nhắm đến nhu cầu cụ thể của các môn đệ.
Xin lương thực hàng ngày là điều cần thiết cho họ, những người nay đây mai đó, sống nhờ lòng tốt của người nghe. Xin ơn tha thứ là điều ta cần mỗi ngày từ Chúa, sau bao sai lỗi, mà cũng là điều ta phải trao lại cho anh em. Xin Chúa đừng đưa chúng ta vào cơn thử thách quá sức chịu đựng đến mức mất đức tin và qụy ngã. Nhưng xin Chúa gìn giữ và giải thoát chúng ta khỏi Ác Thần.
Kinh Lạy Cha giúp chúng ta trò chuyện với chính Thiên Chúa là Cha.
Chúng ta được mở ra trước thế giới trên trời nơi Cha ngự trị,những cũng được mở ra trước thế giới dưới đất của con người.
Một thế giới có bao người thiếu bánh ăn, cần được chia sẻ.
Một thế giới có nhiều xung đột và hận thù, cần sự bao dung thứ tha.
Một thế giới hỗn loạn với bao điều phải chấn chỉnh cho hợp Ý Chúa.
Một thế giới không biết mình là anh em, con cùng một Cha.
Kinh Lạy Cha bao giờ cũng nhắc chúng ta về những điều dang dở…

Tâm tình :
Lạy Chúa, xin cho mỗi lần đọc lên lời kinh Lạy Cha nhắc nhở cho chúng con về lòng nhân từ của Thiên Chúa, đồng thời nhắc nhở cho chúng con đều kiện để hưởng sự tha thứ: càng tha thứ cho người khác, chúng con càng được Chúa thứ tha.
Lm GioanB Lại Anh Tuấn 

Không có nhận xét nào: