Thứ Năm, 8 tháng 6, 2017

Yêu như thế nào ?



Kết quả hình ảnh cho Tin Mừng: Mc 12, 28b-34



Kẻ Ăn Cắp Một Ổ Bánh Mì

Người ta thường kể về một trong những ông thị trưởng đầu tiên của thành phố New York bên Hoa Kỳ giai thoại như sau: một ngày mùa đông lạnh buốt nọ, ông thị trưởng phải chủ tọa các phiên tòa. Người ta điệu đến trước mặt ông một ông lão quần áo tả tơi. Người đàn ông này bị tố cáo là đã ăn cắp một mẩu bánh mì. Lời tự biện hộ duy nhất mà người đàn ông khốn khổ đưa ra là: "Gia đình tôi đang chết đói".

Nghe xong lời cáo buộc của cử tọa cũng như lời biẹn bạch của ông lão, viên thị trưởng đưa ra phán quyết như sau: "Luật pháp không tha thứ cho bất cứ một hành động xấu nào. Tôi thấy cần phải trừng phạt ông, và hình phạt cho tội ăn cắp là ông phải đóng 10 đô la". Vừa công bố bản án, ông thỉntưởng rút trong túi của mình ra 10 đô la và trao cho ngwòi đàn ông khốn khổ. Quay xuống cử tọa ông nói tiếp: "Ông lão đã bồi thường vì tội ăn cắp của ông. Còn phần quý vị, tôi yêu cầu mỗi người phải đóng 50 xu tiền phạt vì sống dửng dưng đến độ để cho trong thành phố của chúng ta còn có một người nghèo phải đi ăn cắp". Nói xong, ông ra lệnh cho viên biện lý đi thu tiền vảtao tất cả cho ông lão.
Khi chiếc mũ đã được truyền một vòng tòa án và trở về tay mình, ông lão đếm được tất cả 47 đô la 50 xu.
Trong sứ điệp Mùa Chay năm 1991, Ðức thánh Cha Gioan Phaolô II mời gọi chúng ta hãy đọc và suy ngẫm về bài dụ ngôn người giàu có và Lazarô.

Mới nghe qua, chúng ta có cảm tưởng người giàu có trong bài dụ ngôn đã không làm điều gian ác nào để đến độ phải bị trầm luân. Chúa Giêsu đã không nói: ông đã trộm cướp, hay biển lận hoặc gian xảo trong việc làm ăn. Ngài cũng không kết án việc ông ngày ngày yến tiệc linh đình.

Vậy thì đâu là tội của người phú hộ? Thưa đó là tội dửng dưng trước nỗi khổ của người khác. Chúa Giêsu nói đến sự hiện diện ngày qua ngày của một người khốn khổ trước cửa nhà ông để cho chúng ta thấy sự đang tâm làm ngơ của người giàu có... Máu chảy, ruột mềm. Trước cảnh khốn khổ của người đồng loại, mà người giàu có ấy vẫn không biểu lộ một chút xúc động hoặc làm như không nhìn thấy, thì quả thật không gì đáng trách bằng, bởi vì người giàu có đã làm cho trái tim của mình khô cứng.

Dửng dưng trước nỗi khổ của người khác không là một thái độ vô thưởng vô phạt, mà là một hành động tội ác. Ông thị trưởng thành phố New York trong câu chuyện trên đây quả thực đã thấy được tội ác của chính ông và của thị dân của ông đối với lão ông ăn cắp bánh mì.

Người có trái tim chai lỳ khô cứng thời đại nào cũng đầy dẫy, họ ích kỷ chỉ nghĩ cho riêng mình mà chẳng cần quan tâm đến ai. Người đó sống như đã chết, vì sống thì phải có tương quan, có liên hệ, có bè bạn, có tình máu mủ, tình quê hương, tình làng nghĩa xóm. Chúa không đưa ra luật nào khác lạ. Chỉ có một luật duy nhất : Mến Chúa yêu người. Xin mời bạn cùng đọc đoạn Tin Mừng sau đây :

Thứ năm 08/6/2017 - Tuần 9 TN
Tin Mừng: Mc 12, 28b-34

Khi ấy, có người trong nhóm Luật sĩ tiến đến Chúa Giêsu và hỏi Người rằng: "Trong các giới răn, điều nào trọng nhất?" Chúa Giêsu đáp: "Giới răn trọng nhất chính là: "Hỡi Israel, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Chúa, Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi". Còn đây là giới răn thứ hai: "Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi". Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó". Luật sĩ thưa Người: "Thưa Thầy, đúng lắm! Thầy dạy phải lẽ khi nói Thiên Chúa là Chúa duy nhất, và ngoài Người, chẳng có Chúa nào khác. Yêu mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức mình, và yêu tha nhân như chính mình thì hơn mọi lễ vật toàn thiêu và mọi lễ vật hy sinh". Thấy người ấy tỏ ý kiến khôn ngoan, Chúa Giêsu bảo: "Ông không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu". Và không ai dám hỏi Người thêm điều gì nữa.

Chúa Giêsu không trả lời: Điều quan trọng nhất, mà Ngài nói: “Giới răn quan trọng nhất”, như vậy, Ngài muốn ngầm nói cho ông Luật sĩ kia hiểu một điều:

Các ông đừng chẻ Luật Chúa thành những mảnh vụn làm cho người ta không nhớ nổi. Khi không thể nhớ thì người ta cũng sẽ bỏ qua mà không thi hành. Lề luật mà Thiên Chúa ban cho dân rất ngắn gọn, cô đọng, dê nhớ, dễ hiểu và nó cũng dễ trở thành những tâm niệm khắc sâu trong trái tim con người. Các ông đừng biến Luật của Chúa thành một rừng luật như vậy, nên Ngài mới trả lời “Giới răn quan trọng nhất” chứ không nói” Điều quan trọng nhất”.Có nhiều lương dân, nhìn vào đạo Công giáo chúng ta với rất nhiều thành kiến. Họ cho rằng, đạo Công giáo là một hệ thống những giới răn và kinh kệ dài dòng, mà phải mất cả đời mới có thể học thuộc và tuân giữ được.

Quả thực, cách sống đạo của một số Kitô hữu hiện nay có thể làm cho nhiều người ngộ nhận như vậy. Thực ra đạo của Chúa rất đơn giản. Đạo dạy cho người ta biết có một Thiên Chúa. Ngài là tình yêu. Ngài yêu thương mọi người. Và vì yêu thương, Ngài đã sai Con Một Ngài xuống trần để mặc khải cho con người về tình yêu của Ngài và mời gọi con người hãy sống yêu thương để được hạnh phúc thật. Tất cả mọi giới răn và lề luật của Chúa được tóm gọn trong hai chữ yêu thương này.Ông Luật sĩ hỏi Chúa Giêsu: Giới răn nào quan trọng nhất, tức muốn hỏi về một giới răn, nhưng Đức Giêsu đã trả lời tới hai. Giới răn thứ nhất, đó là: thái độ của con người đối với Thiên Chúa. Chúa Giêsu dùng từ “HẾT” tới 4 lần: yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, và hết sức. Như vậy, toàn bộ con người của ta phải dành trọn cho Chúa, tất cả phải quy hướng về Chúa. Nếu còn một phần nào đó trong ta chưa quy hướng về, tức ta chưa thực hành trọn giới răn này. Ta quy hướng tất cả cho Chúa đó là điều hợp lý, vì tất cả những gì ta đang có đều do Chúa ban cho: Sự sống của ta, gia đình của ta, sự nghiệp của ta, thành công của ta,… suy cho cùng đều do Chúa ban, ý chí của ta là phần ta công tác vào ơn thánh đó.

Giới răn thứ hai: thái độ của con người đối với nhau, Đức Giêsu đã dùng cụm từ “như chính mình” để lột tả hết ý nghĩa giới răn này. “yêu mến tha nhân NHƯ CHÍNH MÌNH”. Nếu bỏ cụm từ “như chính mình”, tức chỉ giữ phần “hãy yêu mến tha nhân” thì giới răn đó sẽ trở thành mông lung, bất định, không biết phải yêu như thế nào mới đủ? Như vậy, khi phát biểu giới răn thứ hai: “Hãy yêu mến tha nhân như chính mình”, tình yêu đó mới tột đỉnh và trọn vẹn. Vì ta yêu bản thân ta như thế nào thì ta phải yêu thương tha nhân như vậy.
Có nghĩa Chúa Giêsu muốn xác định “YÊU THƯƠNG” là nền tảng của tất cả lề luật. Mọi lề luật dù là luật đời hay luật Đạo được ban ra đều phải đặt trên nền tảng yêu thương, nếu không thì luật đó sẽ không có giá trị và phải hủy bỏ.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết đặt Chúa trên hết mọi sự, Chúa chính là “ưu tiên số một”, là đối tượng của cuộc sống chúng con. Xin cho chúng con biết yêu thương người thân cận bằng trái tim của Chúa, một trái tim luôn đong đầy tình yêu thương sẵn sàng đánh đổi cả mạng sống để cứu chuộc chúng con. Xin cho chúng con nhận ra dung mạo của Chúa nơi tha nhân để chúng con biết tôn trọng và giúp nhau cùng tiến bước trên đường nên thánh. Amen.

Không có nhận xét nào: