Vị linh mục dùng một cái bàn cũ kỹ để làm bàn thờ trong một thánh lễ ngoài trời với rất đông người nghèo tham dự. Một bé trai được khiêng tới, toàn thân bị phỏng nặng đau đớn. Bệnh quá nặng mà chẳng có bác sĩ hay thuốc men gì ở đây cả!
Đức tin của vị linh mục này rất mạnh, có sức truyền sang mọi người. Ngài bảo đặt em bé dưới bàn thờ và tiếp tục dâng lễ với tất cả lòng sốt sắng, từng cử chỉ tác động đều ý thức và có hồn. Lúc truyền phép Mình Thánh, mọi người đều quì trên đất để tôn thờ Chúa. Nét mặt của họ đều nói lên rằng họ thật sự thấy Chúa Giêsu đến và vỗ về họ: Hãy đến với Thầy, tất cả những ai nhọc nhằn. Thầy sẽ ban cho các con sự sống và đức tin.
Và Sơ McKenna ghi nhận: "Sâu xa trong tâm hồn, đây là lúc tôi nhận thức: "Lạy Chúa Giêsu, đây đúng là Chúa rồi. Dưới hình bánh và rượu, chỉ có Chúa mới nghĩ ra cách đó để gần gũi với dân của Ngài."
Sau lễ, tôi đến xem em bé được đặt dưới bàn thờ thì không thấy nữa. Tôi hỏi người bồng nó tới: "Em đâu rồi"" Bà vừa nói vừa chỉ tay vào đám trẻ con đang chơi gần đó: Nó kia kìa.
Tôi nhìn và thấy em đã lành lặn, không còn một vết tích gì trên cơ thể. Tôi thảng thốt kêu lên: Chuyện gì đã xảy ra cho em vậy" Bà nhìn tôi và nói: "Sơ muốn nói gì" Việc gì đã xảy ra sao" Đức Chúa Giêsu không ngự đến sao"
Câu chuyện trên đây thực sự xảy ra tại Nam Mỹ, kể lại quyền năng Chúa thể hiện cứu chữa mọi bệnh tật từ tâm hồn đến thể xác con người với điều kiện người đó phải tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa. Cũng như câu chuyện cách đây hơn 2000 năm dưới đây. Xin mời Bạn cùng đọc :
Thứ hai 18/9/2017 - Tuần 24 TN
Lời Chúa: Lc 7,1-10
1.Sau khi đã nói hết những lời ấy cho dân chúng nghe, Đức Giêsu vào thành Caphácnaum. 2.Một viên đại đội trưởng kia có người nô lệ bệnh nặng gần chết. Ông ta yêu quý người ấy lắm. 3.Khi nghe đồn về Đức Giêsu, ông cho mấy kỳ mục của người Do Thái đi xin Người đến cứu sống người nô lệ của ông. 4.Họ đến gặp Đức Giêsu và khẩn khoản nài xin Người rằng: "Thưa Ngài, ông ấy đáng được Ngài làm ơn cho. 5.Vì ông quý mến dân ta. Vả lại chính ông đã xây cất hội đường cho chúng ta." 6.Đức Giêsu liền đi với họ. Khi Người còn cách nhà viên sĩ quan không bao xa, thì ông này cho bạn hữu ra nói với Người: "Thưa Ngài, không dám phiền Ngài quá như vậy, vì tôi không đáng rước Ngài vào nhà tôi.7Cũng vì thế, tôi không nghĩ mình xứng đáng đến gặp Ngài. Nhưng xin Ngài cứ nói một lời, thì đầy tớ của tôi được khỏi bệnh. 8.Vì chính tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này: "Đi! là nó đi; bảo người kia: "Đến! là nó đến; và bảo người nô lệ của tôi: "Làm cái này! là nó làm." 9.Nghe vậy, Đức Giêsu thán phục ông ta, Người quay lại nói với đám đông đang theo Người rằng: "Tôi nói cho các ông hay: ngay cả trong dân Ítraen, tôi cũng chưa thấy một người nào có lòng tin mạnh như thế." 10.Về đến nhà, những người đã được sai đi thấy người nô lệ đã khỏi hẳn.
Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta suy niệm về lời quyền năng của Chúa. Thông thường, Chúa Giêsu chữa trị bằng cách đặt tay hoặc sờ đến bệnh nhân. Cũng có trường hợp Ngài làm một cử chỉ hay chỉ nói một lời, như được ghi lại trong trình thuật chữa bệnh cho người đầy tớ của viên bách quản.
"Xin Ngài chỉ nói một lời". Lời thỉnh cầu của viên bách quản gợi lại câu Thánh vịnh 106: "Thiên Chúa sai lời của Ngài đi chữa trị". Qua lời thỉnh cầu này, viên bách quản mặc nhiên nhìn nhận Chúa Giêsu thực sự đến từ Thiên Chúa và lời của Ngài là lời quyền năng và hữu hiệu. Lời thỉnh cầu của viên bách quản thể hiện một niềm tin sâu sắc, đến độ đã được Giáo Hội lặp lại mỗi ngày trong Thánh lễ, để nhắc nhở chúng ta về sức mạnh của lời Chúa, cũng như bổn phận rao truyền lời Chúa trong cuộc sống chúng ta.
Thế giới ngày nay đã bước vào kỷ nguyên của thông tin. Lời nói xem chừng tràn ngập khắp nơi, nhưng liệu con người có nghe được lời quyền năng có sức chữa trị và giải phóng con người không? Các phương tiện truyền thông đại chúng càng gia tăng và tinh vi, thì lời nói càng được tung ra, nhưng tác hại không kém. Có những lời đường mật dụ dỗ người trẻ sa vòng trụy lạc, nô lệ; có những lời thất vọng, chán chường của những tiên tri chỉ biết loan báo thảm trạng. Ngược lại, cũng không thiếu những hình thức tước đoạt quyền tự do tư tưởng và phát biểu của con người.
Trong một hoàn cảnh như thế, những người mà niềm tin được xây dựng trên lời quyền năng của Thiên Chúa, hẳn phải nói lên lời của Ngài hơn bao giờ hết. Ngày nay, có biết bao viên bách quản đang chờ đợi một lời nói can đảm, chân thật và hữu hiệu từ các Kitô hữu. Trong một xã hội chỉ có những lời của hận thù, đố kỵ, thì lời của các Kitô hữu phải là lời của yêu thương, hòa giải và tha thứ. Lời của Chúa là lời chân thật và hữu hiệu, lời ấy không chỉ được các Kitô hữu nói bằng môi miệng, mà còn phải được nhập thể vào cuộc sống của họ.
Lạy Chúa Giê su, viên đội trưởng là người ngoại giáo nhưng ông đã thể hiện niềm tin vững mạnh vào Chúa. Ông khiêm tốn nhận ra sự bất xứng và không dám rước Ngài vào nhà mình. Lạy Chúa, xin Chúa mở mắt đức tin cho chúng con, để chúng con luôn tin vào tình yêu của Chúa. Nhiều lúc chúng con hay kêu trách Chúa vì cuộc sống gặp nhiều đau khổ. Những lúc ấy lạy Chúa, chúng con rất cần sự hiện diện của Chúa, cần Chúa nhắc chúng con ý thức về sự đồng hành của Ngài bên cạnh chúng con. Xin tình yêu Chúa luôn ngự trị và nâng đỡ từng tâm hồn chúng con để chúng con luôn biết sống tin tưởng và phó thác. Xin cho chúng con dám can đảm sống và nói lời Ngài dù gặp chống đối, khó khăn. Để nhờ đó nhiều người xung quanh chúng con có thể nhận ra phép lạ của Chúa trong cuộc đời của mỗi chúng con. Amen
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét