Trong một lần gặp khách hành hương tại Vatican, khi nhìn thấy người đàn ông đáng thương với gương mặt biến dạng, đầy mụn đến cầu xin phước lành, Đức Thánh Cha Francis đã chìa tay ôm lấy con người bất hạnh trước sự chứng kiến của 50.000 tín đồ.
Hình ảnh tuyệt đẹp này ngay lập tức đã lan truyền nhanh chóng khắp các trang mạng thế giới. Rất nhiều người cảm thấy xúc động trước lòng trắc ẩn và sự vị tha của Giáo hoàng.
Một người có tên Donna Hosie nhận xét "Mặc dù là người vô thần nhưng khi nhìn hình ảnh này, tôi đã thực sự xúc động. Một cái ôm làm tan chảy mọi trái tim người dân trên thế giới. Càng xem nhiều tin tức về Giáo hoàng, tôi lại càng cảm thấy tôn trọng và quý mến ngài."
Ngoài ra, rất nhiều người dân trên thế giới cũng đã từng xúc động khi chứng kiến hình ảnh Giáo hoàng rửa chân cho 12 tù nhân trẻ, tặng tiền cho một người phụ nữ tại Rome sau khi kẻ gian lấy ví của bà trên xe bus, mời những người vô gia cư ăn bữa tối tại quảng trường Thánh Phê-rô...
Đức Giáo hoàng Phanxico quả thực là một dấu chỉ cho sự hiện diện của Chúa giữa thế giới hôm nay. Cũng như Gioan không mang tên là Êlia, thậm chí ông đã từng tuyên bố mình không phải là Êlia (Ga 1,21), nhưng ông lại là hiện thân của Êlia, ông đóng vai trò của Êlia, ông nói lên tinh thần của Êlia. Đức Giáo Hoàng Phanxico cũng chính là hiện thân của Chúa khi Ngài xót thương những kẻ bất hạnh, khi ngài cúi xuống rửa chân cho những kẻ cùng khốn, khi ngài ôm vào lòng kẻ bất hạnh để cảm thông nỗi đau cùng họ.
Có thể Bạn đã quen với hình ảnh một Hài Nhi “được vấn tã đặt nằm trong máng cỏ;” thế nhưng khi Chúa đến theo đường lối khiêm hạ, nghèo hèn giữa muôn người nghèo để có thể sống với và sống cho người nghèo, bạn có bị che khuất không nhận ra Ngài không? Mời Bạn cùng đọc đoạn Lời Chúa sau đây :
Thứ bẩy 16/12/2017 - Tuần 2 MC
Lời Chúa : Mt 17, 10 – 13
(10) Các môn đệ hỏi Người rằng: "Vậy sao các kinh sư lại nói Êlia phải đến trước?" (11) Người đáp: "Ông Êlia phải đến để chỉnh đốn mọi sự. (12) Nhưng Thầy nói cho anh em biết: ông Êlia đã đến rồi mà họ không nhận ra, lại còn xử với ông theo ý họ muốn. Con Người cũng sẽ phải đau khổ vì họ như thế". (13) Bấy giờ các môn đệ hiểu Người có ý nói về ông Gioan Tẩy Giả.
Suy niệm :
Có người chơi chữ nên giải thích theo nguyên ngữ La Tinh rằng “Mùa Vọng” (adventus) là mùa “phiêu lưu” (adventurus), –cả hai từ đều chung một gốc advenire, có nghĩa là “đến”– mùa “phiêu lưu” của Chúa! Quả thật Thiên Chúa đã làm một cuộc phiêu lưu khi thực hiện cuộc giải cứu nhân loại khỏi tội lỗi. Để làm điều đó, chưa kể đến cuộc chuẩn bị kéo dài miên viễn, mà “khi thời gian tới hồi viên mãn” (Gl 4,4) Con của Ngài sinh xuống làm người, cuộc giải cứu đã có nguy cơ bị bóp vỡ từ trong trứng nước. Nhưng bi đát nhất là chính những con người mà Ngài đến để giải cứu lại không nhận ra Ngài. Sở dĩ ta chưa nhận ra Ngài vì ta thường ép nặn một Thiên Chúa cho vừa cái khuôn theo ý riêng mình, lấy đường lối của mình thay thế đường lối của Thiên Chúa và bắt Ngài phải đi theo con đường của mình. Cho nên khi Chúa sinh ra trong hang đá nghèo hèn, sống khó nghèo với người nghèo, chết chôn nhờ mồ người khác, thì con người không thể nhận ra Ngài. Thật đáng tiếc thay!
Tâm tình :
Lạy Chúa Giê su, Lời Chúa hôm nay cũng mời gọi chúng con hãy là dấu chỉ cho sự hiện diện của Chúa, khi chúng con sống hiệp thông và bác ái với nhau. Đồng thời cũng mời gọi chúng con hãy nhận ra Chúa nơi tha nhân để yêu thương và kính trọng lẫn nhau.
Xin Chúa giúp chúng con hoàn thiện cuộc đời mình trong tinh thần bác ái Ki-tô giáo, xin cho chúng con đừng vì tính ích kỷ, hẹp hòi làm mất vẻ đẹp của Giáo hội trong lòng thế giới hôm nay. Amen
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét