Thứ Hai, 11 tháng 12, 2017

Vượt qua những rào cản...



Kết quả hình ảnh cho Thờ ơ đang giết chết chúng ta

Thờ ơ đang “giết” chúng ta

Có thể nói rằng nếu chọn một tính cách nào để xét cho một đặc tính chung của người Việt lúc này, tôi không ngần ngại để chỉ ra ngay: Thờ ơ. Chưa bao giờ người Việt lại thờ ơ với đồng loại như lúc này. Và càng thờ ơ bao nhiêu, chúng ta càng mau chết bấy nhiêu. Nhưng cũng thử đặt câu hỏi: Vì sao người Việt thờ ơ? Hậu quả của thờ ơ là gì?
Thời đại bây giờ, bạn ra đường, giả bộ nằm đau, vẫy tay cầu cứu, dường như người ta im lặng bỏ đi và không đoái hoài đến bạn, cả một con đường lạnh lùng và thờ ơ, hiếm gặp người tử tế, trừ khi đó là những người vô cùng bản lĩnh hoặc ngây ngô, chưa hiểu chuyện. Vì sao?
Trong khi đó, tội phạm lộng hành, chúng giả dạng người gặp nạn, người tội nghiệp để lừa người đi đường vào bẫy. Chính vì vậy, khi thấy một người gặp nạn nằm bên đường, mặc dù trong sâu thẳm bạn muốn giúp người ta nhưng cơ chế phản ứng xã hội của bạn đã ngăn bạn lại, không thể để bạn cứu người. Bởi không chừng, cứu người đâu không thấy mà chỉ thấy hại mình. Đó là sự thật, và khi cái sự thật này có tính phổ biến toàn xã hội thì nó cũng là một trong những mầm mống tạo ra sự thờ ơ tập thể.
Trong giáo dục, sự thờ ơ xuất hiện tràn lan, không phải ở vấn đề thầy cô đối xử với học sinh lạnh lùng hoặc ngược lại mà nó còn ghê gớm hơn nhiều, nó nằm ở sự thờ ơ về trách nhiệm nhà giáo, lương tri không bằng lương thực. Thử hỏi, còn được mấy giáo viên thời bây giờ quan tâm đến hoàn cảnh, tâm tính hay một chuyện gì đó trắc ẩn của học trò, thậm chí ngay cả những vùng nghèo khổ, học trò không đủ cơm ăn, đến trường với cái bụng đói tóp meo nhưng vẫn có nhiều thầy cô bày ra chuyện học thêm, dạy thêm để lấy tiền, kiếm thêm thù lao.
Đó chỉ là chuyện rất nhỏ. Cái quan trọng nhất là ngành giáo dục, cấp quản lý tầm vĩ mô của giáo dục đã có tính thờ ơ, cơ hội, tham lam, giả dối và trơ trẽn nên cả ngành giáo dục đâm ra hỏng hóc. Thử tìm một bộ trưởng giáo dục cho đàng hoàn từ sau 1975 đến nay trong hệ thống giáo dục ...Thú thực là tìm không có, và nhìn phong thái cũng như các phát biểu và sách lược về giáo dục của ông Bộ trưởng hiện tại, càng thấy đáng sợ hơn cho sự thơ ơ và trơ tráo của ngành giáo dục.
Không hiếm lần chúng ta đọc được những câu chuyện về việc giúp đỡ người bị nạn, rồi lại bị người nhà nạn nhân hiểu lầm đánh chửi. Không hiếm lần chúng ta nhận được ánh mắt nghi ngờ khi làm một chuyện tốt tưởng chừng như rất bình thường. Làm việc tốt thời nay được xem là bất thường. Cũng bởi vậy nên không ai dừng xe lại khi cô giáo kêu gọi giúp học sinh của mình bị thương trong vụ lao xe Camry ở Hà Nội.

Ai cũng bị thúc đẩy bởi sự ích kỷ của bản thân, cộng thêm việc mất niềm tin trầm trọng khiến cho ai cũng chọn giải pháp an toàn, chọn giải pháp im lặng, vừa cam chịu, vừa thủ thế, vừa thờ ơ, vừa vô cảm, vừa bàng quan. Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, ai cũng chọn không quan tâm, thì ai sẽ chọn dấn thân, ai sẽ chọn trách nhiệm?
Thờ ơ và vô cảm đôi khi còn là một tội ác, dửng dưng trước cái xấu là góp phần dung dưỡng nó lớn mạnh. Không phải cuộc sống này bất công, chính chúng ta mới đang bất công, chính chúng ta đang tự “giết” mình bằng sự thờ ơ, vô cảm thường trực.

Có một người đến sống giữa mọi người, cứu giúp mọi người không quản lời dị nghị, không màng sự sỉ vả của những người đương thời. Đó là người mang tên Giê su. Xin mời Bạn cùng đọc Lời Chúa trong Tin Mừng Luca sau đây :

Thứ hai 11/12/2017 - Tuần 2 MV
Lời Chúa : Lc 5,17-26

17 Một hôm, khi Đức Giê-su giảng dạy, có mấy người Pha-ri-sêu và luật sĩ ngồi đó; họ từ khắp các làng mạc miền Ga-li-lê, Giu-đê và từ Giê-ru-sa-lem mà đến. Quyền năng Chúa ở với Người, khiến Người chữa lành các bệnh tật.18 Bỗng có mấy người khiêng đến một bệnh nhân bị bại liệt nằm trên giường, họ tìm cách đem vào đặt trước mặt Người.19 Nhưng vì có đám đông, họ không tìm được lối đem người ấy vào, nên họ mới lên mái nhà, dỡ ngói ra, thả người ấy cùng với cái giường xuống ngay chính giữa, trước mặt Đức Giê-su.20 Thấy họ có lòng tin như vậy, Người bảo: "Này anh, anh đã được tha tội rồi."
21 Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu bắt đầu suy nghĩ: "Ông này là ai mà nói phạm thượng như thế? Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa? "22 Nhưng Đức Giê-su thấu biết họ đang suy nghĩ như thế, nên Người lên tiếng bảo họ rằng: "Các ông đang nghĩ gì trong bụng vậy?23 Trong hai điều: một là bảo: "Anh đã được tha tội rồi", hai là bảo: "Đứng dậy mà đi", điều nào dễ hơn?24 Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội -Đức Giê-su bảo người bại liệt-: tôi truyền cho anh: Hãy đứng dậy, vác lấy giường của anh mà đi về nhà! "25 Ngay lúc ấy, người bại liệt trỗi dậy trước mặt họ, vác cái anh đã dùng để nằm, vừa đi về nhà vừa tôn vinh Thiên Chúa.
26 Mọi người đều sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa. Họ kinh hãi bảo nhau: "Hôm nay, chúng ta đã thấy những chuyện lạ kỳ!"

Những người khiêng bệnh nhân bại liệt tin vào Chúa Giêsu. Họ tin rằng Ngài là niềm hy vọng duy nhất giúp chữa lành người bại liệt. Họ thấy lòng thương xót và trắc ẩn nơi Chúa Giêsu. Và Ngài có quyền năng ban cuộc sống tràn đầy cho con người.

Lòng quyết tâm và tài ứng biến của họ thật đáng ngưỡng mộ. Không nản lòng vì đám đông cản lối, họ leo lên mái nhà và thả người bại liệt xuống trước mặt Chúa Giêsu. Thiên Chúa muốn chúng ta hãy mang lấy những gánh nặng của kẻ khác và đem chúng đến cho Ngài.

Chiếc cáng của người bại liệt là biểu tượng cho sự bất lực và lòng tuyệt vọng của người bệnh. Chúa Giêsu bảo anh đứng lên, vác lấy cáng mà đi về nhà. Ngài đã làm cho anh ta không còn để ý tới sự bất lực và thất vọng.

Đây cũng là những gì mà Thiên Chúa đang tiếp tục làm cho chúng ta. Thánh giá của chúng ta có thể nặng nề, cuộc đời có thể là chén đắng hay là con đường gồ ghề. Nhưng chúng ta không thất vọng, lạc lối hay bị đánh bại. Chúng ta có Chúa Giêsu và có thể cậy dựa vào Ngài. Chắc chắn Ngài sẽ ra tay giúp đỡ và chữa lành. Ngài là Đấng cứu chữa tuyệt vời nhất của chúng ta.

Lạy Chúa Giê-su , vì yêu thương chúng con, Chúa đã giáng sinh làm người để cứu độ trần gian. Chúa đã rong ruổi đường đời để thi ân giáng phúc cho nhân trần. Đôi tay Chúa đã xoa dịu biết bao mảnh đời khốn khổ lầm than. Đôi chân Chúa đã vượt qua mọi trở ngại để đến với những con người nghèo khổ, bệnh tật đang bị xã hội loại trừ. Xin cho chúng con biết họa lại tình yêu Chúa trong cung cách sống phục vụ của chúng con.
Lạy Chúa, bênh tật thể xác là nỗi khổ của con người, nhưng bệnh tật về tâm hồn không chì giết chết mình mà còn làm khổ tha nhân. Xin Chúa hãy chữa lành bệnh tật tâm hồn chúng con là tội lỗi, là những đam mê mù quáng, là những tham lam vô độ đã gây nên biết bao nỗi đau cho tha nhân và hủy diệt hồn xác chúng con. Xin lôi kéo chúng con ra khỏi hố thất vọng của tội lỗi. Xin chữa lành những thương tích do tội lỗi gây ra trong tâm hồn chúng con bằng ơn tha thứ của Chúa. Xin cho chúng con biết mở rộng lòng đón nhận ơn Chúa để sửa mình mỗi ngày một tốt hơn.

Lạy Chúa, Chúa đã động lòng xót thương những mảnh đời bất hạnh. Xin xót thương linh hồn tội lỗi chúng con. Xin cứu chúng con khỏi sự dữ. Chúng con xin dâng gia đình chúng con cho Chúa. Xin gìn giữ mọi người trong ơn lành của Chúa. Chúng con xin tín thác cuộc đời trong sự quan phòng của Chúa. Amen

Không có nhận xét nào: