Chủ Nhật, 7 tháng 10, 2018

Lời kinh tuyệt diệu

Kết quả hình ảnh cho suy niệm tin mừng Lc 1, 26-38

Què quặt 26 năm, nhờ đọc kinh Mân Côi, Đức Mẹ đã cho khỏi

Ông Phêrô Sửu, thuộc giáo xứ Thanh Hóa, Bảo Lộc, giáo phận Đà-lạt, đã kể lại việc mình được ơn lạ đặc biệt của Đức Mẹ như sau:
“Năm ấy tôi lên 14 tuổi, cha mẹ cho tôi đi học. Một hôm bỗng thấy hai đầu gối tê tê, buồn buồn, có phần đau nhức… đang đi có lúc phải ngồi bệt xuống, một lúc lâu mới đứng dậy được. Về mách với mẹ, mẹ lại mắng:– “Cứ vật nhau mãi với trẻ con, đau gì mà đau!”
Chừng một năm tôi không còn đi được nữa, bấy giờ cha mẹ mới lo tìm thầy chạy thuốc, nhưng quá rồi, vô ích, tiền mất tật mang, nhà nghèo hết tiền uống thuốc. Cha tôi bảo:
– “Thôi, nó chịu tật vì bệnh gia truyền rồi, ông nội nó cũng vậy, chịu què đến chết, không tài nào chữa được.”

Tôi nay què thật. Sau đó hết đau nhưng đã thành tật: Chỉ ngồi, muốn xê dịch phải nhảy chồm như con cóc, hai bàn tay thành chín dạn, ai thấy cũng cười, trẻ con chế nhạo! Nhưng Chúa thương, cho tôi làm việc như người lành lặn. Tôi chuyên môn làm nghề đơm tôm cá. Người ta lội xuống nước đến đầu gối; tôi lội xuống thì nước đến cổ, đến cằm, thế mà tôi vẫn kiếm được nhiều cá, tôm hơn người và mẹ tôi đi bán cũng đắt hàng hơn người khác, khiến có người ghen: có tật có tài. Phần tôi, tôi tin chắc Đức Mẹ thương vì gia đình tôi nghèo, cha tôi yếu bệnh, đến khi tôi được 30 tuổi thì cha tôi không làm gì được nữa, chỉ còn mẹ, tôi và một em gái. Cha tôi bây giờ chỉ lo đi giúp đỡ kẻ liệt, đọc sách, mời cha xức dầu hoặc đưa của ăn đàng .v.v…
Một hôm cha tôi giúp một kẻ liệt nhà giàu, ông có nhiều ảnh thánh, hôm ấy ông mua được bức ảnh Đức Mẹ mới tinh, về treo trên bàn thờ, còn bức ảnh cũ ông bảo treo nhà dưới. Đó là ảnh Đức Mẹ hồn xác lên trời, cha tôi xin, ông liền cho ngay; cha tôi mang về bảo tôi sửa bàn thờ và treo lên rồi bắt tôi mỗi ngày ba buổi: sáng, trưa, tối đến trước ảnh đó ngắm và đọc 50 kinh mân côi, cầu xin với Đức Mẹ cho đứng lên được mà đi nhà thờ cho người ta khỏi chia trí. Tôi mừng lắm, tuân theo lời cha dạy, mỗi lần đến trước ảnh Đức Mẹ, tôi lần chuỗi sốt sắng và tha thiết cầu xin với Mẹ, cho tôi đi đứng như thường, kẻo mỗi lần lên rước lễ mà nhảy như cóc thì cả nhà thờ chia trí lắm.

Thi hành như lời cha dạy được bốn tháng, một hôm, tự nhiên tôi muốn đi xưng tội mà nhà tôi ở xa nhà xứ độ ba cây số, đường đất bị mưa lầy lội, nếu tôi cứ chồm nhảy sẽ lấm bẩn hết quần áo. Vì thế mẹ tôi phải cõng đi. Nhưng vì già yếu, cõng được một quãng thì mệt, liền đặt tôi xuống, tôi cởi áo quần dài, mặc quần cụt nhảy mà đi để mẹ tôi khỏi phải cõng. Đến nhà xứ, vào nhà quen trọ, thôi thì người lớn trẻ con bu nhau lại xem tôi và cười nhạo. Tôi xấu hổ quá, nhưng cắn răng chịu đựng. Tối đến tôi nhảy đi xưng tội. Sáng mai, tôi nhảy đi lễ, ngồi tựa cột dưới cuối nhà thờ. Lúc lên rước lễ, tôi nhảy lên làm cho mọi người chia trí. Sáng ngày thứ hai, tôi nhảy ra nhà thờ thật sớm, lên ngồi với trẻ con cho gần cung thánh để dễ nhảy lên rước lễ. Nhưng lúc đọc Phúc Âm, mọi người đứng lên cả, tôi cứ ngồi, liền bị ông quản vụt cho một roi và mắng:
– “Thằng lười, Phúc Âm mà không đứng! Đi lễ làm gì!”.
Tôi đành nín thinh chịu trận. Sáng sau hết, tôi đi lễ không dám ngồi với trẻ con nữa, tìm cột cuối mà dựa. Lễ xong, mọi người ra về cả, một mình tôi ở lại, tôi nài xin với Mẹ cho tôi được đứng lên dễ dàng, để đi lễ, rước Chúa .v.v… Tôi nài xin rất tha thiết, sốt sắng, thỉnh thoảng ngó xuống chân mà khóc… thầm thĩ giờ lâu, bỗng có tiếng lương tâm xúi giục “bám vào cột mà đứng”. Tôi liền bám hai tay vào cột, rướn mình lên, thấy nhẹ nhàng và đứng thẳng lên được. Tôi cứ đứng yên như người mê hoảng, chẳng biết gì, một lúc định thần lại, tưởng mình mơ, mà quả thật mình đã đứng được. Tôi bỏ hai tay ra, cám ơn Chúa và Đức Mẹ, ra cửa nhà thờ, nhưng sợ người ta thấy mà bỡ ngỡ, liền bỏ hai tay xuống mà nhảy như trước để về nhà trọ. Đến nhà, tôi đứng lên, kêu người nhà ra xem…cả nhà bỡ ngỡ vui mừng. Tôi từ giã nhà trọ trở về nhà mình.

Cả nhà vui mừng quá, quì xuống tạ ơn Chúa và Đức Mẹ. Tin này vang ra nhanh chóng, nên làng nước tuốn đến hỏi thăm và xem sự lạ chật ních nhà. Bấy giờ tôi đã được 40 tuổi, bị què 26 năm. Từ lúc tôi đứng lên được, đi được, thì chân tôi nở nang lớn dần đều đặn như chân thường chứ không gầy còm khô đét như lúc có tật.

Chúa nhật 07/10/2018 - Lễ Đức Mẹ Mân Côi
Lời Chúa : Lc 1,26-38.

26 Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, 27 gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.28 Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói : “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” 29 Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. 30 Sứ thần liền nói : “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. 31 Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. 32 Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. 33 Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.” 34 Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần : “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng !” 35 Sứ thần đáp : “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. 36 Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai : bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. 37 Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”38 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói : “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.


Thái độ tín thác của Trinh nữ Maria, luôn sẵn sàng đặt mình dưới sự hướng dẫn của Đấng Tối Cao, được thấy nơi câu trả lời Mẹ đã chọn cách giản dị mà rất hiệu quả: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Đây là một thái độ tin kính và mến yêu, chứ không chỉ là khiêm tốn. Vì theo truyền thống Do thái, được làm tôi tớ Thiên Chúa là một vinh dự. Mẹ đã phó thác tất cả trong tay Thiên Chúa. Với lời thưa “xin vâng”, Mẹ bỏ lại tất cả ưu tư, bất chấp những điều phiền phức sẽ xảy đến, để chỉ vâng theo ý của Chúa. Đường thập giá của Mẹ đã bắt đầu từ sự kiện truyền tin này cho đến khi Mẹ đứng dưới chân thập tự. Mẹ không than van, kêu trách. Thái độ của Mẹ là thinh lặng vâng phục trong đức tin, đón nhận thánh ý Chúa. Nhờ đó, đức tin Mẹ hằng ngời sáng trong mọi hoàn cảnh cuộc đời. Ngay sau khi được sứ thần giải thích, Mẹ đã mau mắn nhận lời cho dù ngày tháng sắp tới có thay đổi ra sao đi nữa. Điều đẹp ý Chúa, đó là chấp nhận vâng theo sứ điệp từ Thiên Chúa chứ không cố chấp theo ý riêng mình. Chính vì thế, Đức Maria luôn “đẹp lòng” Thiên Chúa
Nhìn lại lòng tin của mỗi người, trước những biến cố lớn nhỏ trong cuộc đời, trước nhiều hoàn cảnh thuận nghịch xảy đến, tôi có luôn bối rối khi đón nhận một đề nghị, một ý kiến trái ngược với mong muốn của mình không? Nhất là khi ý kiến đó mang đầy tính tích cực và chân thành? Tôi đã xử trí như thế nào? Vui lòng đón nhận hay tìm cách thoái thác? Nhìn vào gương mẫu của Mẹ Maria, tôi có được thúc đẩy để bàn hỏi, trao đổi với những người khôn ngoan có kinh nghiệm trong những việc hệ trọng của đời mình không? Tôi có thẳng thắn trao đổi cùng cha linh hướng mọi thao thức trong tâm hồn mình không? Thiên Chúa không ngừng nói với chúng ta qua những dấu chỉ của cuộc sống hôm nay. Nếu biết lắng nghe, chúng ta sẽ nhận ra thánh ý Thiên Chúa gửi đến cho mình, cũng như Đức Maria đã nhận ra thánh ý Chúa trong cuộc Truyền Tin.

Lạy Ba Ngôi Thiên Chúa, chúng con đã ngắm nhìn lại biến cố truyền tin mang Con Chúa đến cho nhân loại, trong đó nổi bật gương mẫu đức tin sống động của Mẹ Maria, Mẹ đã không ngần ngại thưa “Xin Vâng”. Dẫu Mẹ chưa hiểu trọn vẹn thiên ý, nhưng Mẹ vẫn tín thác vào Lời Chúa dạy. Xin cho chúng con học được bài học tin kính, mến yêu và phó thác này để chúng con sống, thi hành và biết làm đẹp lòng Chúa trong mọi sự. Amen.

Không có nhận xét nào: