Thứ Sáu, 1 tháng 2, 2019

Kiên nhẫn và chờ đợi


Kết quả hình ảnh cho câu chuyện kết quả của sự chờ đợi

Trong cuộc sống chắc chắn sẽ có những giây phút chờ đợi, bắt ta phải dừng lại, không làm gì hết. Nhưng chúng không phải là những thời gian vô ích đâu bạn! Thật ra đó có thể là món quà quý giá mà cuộc sống thỉnh thoảng dâng tặng cho mình, nếu như ta biết cách tiếp nhận chúng.

Bà Jan Chozen Bays, một giáo thọ của dòng thiền Nhật bản, có chia sẻ về một món quà quý giá mà sự dừng lại trong cuộc sống vội vã này có thể dâng tặng cho chúng ta.

“Trong đời sống, mỗi khi chúng ta bị bắt buộc phải dừng lại và chờ đợi, ví dụ như khi bị kẹt xe trên đường, ta thường có khuynh hướng muốn làm một cái gì đó để lãng tránh cái cảm giác chờ đợi khó chịu ấy. Ta mở radio lên, gọi điện thoại, xem email, hay ngồi đó bực dọc. Nhưng nếu như ta có một ý thức sáng tỏ về những giây phút chờ đợi ấy, chúng sẽ trở thành những cơ hội thực tập giúp mang lại sự tỉnh thức cho mình trong cuộc sống hằng ngày.

Chờ đợi là một sự kiện rất bình thường của đời sống nhưng lại thường gây cho chúng ta một cảm xúc khó chịu. Nhưng ta có thể biến đó trở thành một món quà tặng đặc biệt cho chính mình, một cơ hội, một thời gian để thiền tập. Và sự lợi lạc của nó cũng gấp đôi: trước hết, ta chuyển hóa được cảm giác khó chịu, tiêu cực của mình, và thêm nữa, bất cứ một giây phút nào của cuộc sống cũng có thể là một cơ hội thiền tập của ta.
        Và sự thực tập này cũng rất là đơn giản. Mỗi khi phải chờ đợi một việc gì, trước hết bạn hãy chú ý đến những cảm thọ nào đang có mặt trong thân mình, chúng là biểu hiện của những ý nghĩ và cảm xúc vội vã trong ta như là sự nôn nóng, bất an. Và mỗi lần ta không để cho những ý nghĩ và cảm xúc ấy biến trở thành quả trái, ví dụ như sự bực tức khi bị kẹt xe, hay nôn nóng vì người sắp hàng phía trước quá chậm, là ta đang làm giảm bớt đi năng lượng tiêu cực của những tập quán, thói quen xưa cũ trong tâm mình.
        Nếu như ta đừng để bánh xe tâm của mình tiếp tục lăn theo cùng một vết lún sâu trên con đường mòn dẫn ta đi xuống một con đầm lầy, thì rồi một ngày vết lún ấy cũng sẽ được phủ lấp lại bằng phẳng như xưa. Cuối cùng rồi thì những thói quen bực tức, những phản ứng bức xúc của ta sẽ dần dần phai nhạt đi. Thật ra tiến trình này cũng chỉ là đơn giản như vậy thôi. Nó cần thời gian, nhưng rất có hiệu quả.
       Đa số chúng ta thường hay đo lường giá trị ta bằng những năng xuất của mình. Nếu như hôm nay tôi không hoàn tất một việc gì, nếu như tôi không viết được trang sách nào, gặp một người nào, nấu được chiếc bánh nào, kiếm thêm đồng nào, bán được một món hàng nào, mua được một món hàng nào, ký được hợp đồng nào… thì tôi đã hoang phí một ngày, tôi là người vô dụng. Chúng ta không bao giờ cho rằng mình có một giá trị nào hết, nếu như ta chỉ tiếp xúc với sự sống, và đơn sơ có mặt trọn vẹn trong giờ phút hiện tại mà thôi. Và cũng vì nhận thức sai lầm ấy mà “chờ đợi” đã trở thành nguyên nhân của sự bất an, khi ta chỉ nghĩ đến những gì đáng lẽ mình có thể hoàn tất được trong giờ phút này.
       Và nếu như bạn hỏi những người thân của mình xem họ thật sự cần gì nhất nơi bạn, chắc chắn phần lớn câu trả lời sẽ là họ cần “sự có mặt” hay là “thời giờ” của bạn. Sự có mặt của ta có một giá trị không thể nào đo lường được, vì đó là hạnh phúc, an vui, là sự mật thiết. Khi chúng ta biết buông bỏ những bận rộn và bớt đi những lao tác, trở về với với một sự tĩnh lặng, trong sáng tự nhiên, mình sẽ cảm thấy hạnh phúc, an vui và biết bao dung hơn, cho dù chung quanh ta không có gì xảy ra.

Đó là một món quà tặng quý giá mà không ai có thể mua được. Chúng là kết quả tự nhiên của một sự có mặt trọn vẹn trong giờ phút hiện tại. Và đó cũng là quyền bẩm sinh của mỗi người chúng ta, mà trong cuộc sống vì quá bận rộn mình đã vô tình đánh mất đi”

Quà tặng chính là Nước Trời mà Chúa đã ban cho mỗi người chúng ta. Đó là những việc nhỏ mọn hằng ngày chúng ta làm với ý ngay lành, như giúp đỡ người khác, những lời cầu nguyện cho người anh em bên cạnh lúc khổ đau, là nụ cười cảm thông, một cái bắt tay chia sẻ... những việc này sẽ trở thành " cây lớn " mang lại hạnh phúc đời sau cho ta.


Thứ sáu 01/02/2019 - Tuần 3 TN
Lời Chúa : Mc 4, 26-34

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: “Nước Thiên Chúa giống như người kia đã gieo hạt xuống đất: người đó ngủ hay thức, đêm hay ngày, hạt giống cứ đâm mầm và mọc lên thế nào người đó cũng không hay biết nữa. Đất tự nó làm cây lúa mọc lên: trước hết thành cây, rồi đâm bông, rồi kết hạt. Và khi lúa chín, người ấy liền gặt vì đã đến mùa”.Người còn phán: “Chúng ta sẽ lấy gì mà hình dung nước Thiên Chúa? hay dùng dụ ngôn nào mà so sánh nước đó được? Nước đó giống như hạt cải, khi gieo xuống đất thì nhỏ bé nhất trong tất cả các hạt trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, nó mọc lên thành cây rau lớn nhất, và đâm những cành to, đến nỗi chim trời có thể tới núp bóng được”. Người dùng nhiều dụ ngôn như thế mà rao giảng lời Chúa cho họ, tuỳ sức họ có thể hiểu được, và Người chỉ nói với họ bằng dụ ngôn, nhưng khi ở riêng với các môn đệ, Người giải thích tất cả cho các ông.

Nước Thiên Chúa là gì? Thưa là chính Chúa Giêsu. Và tâm hồn chúng ta là nơi thiết yếu Nước Thiên Chúa ngự trị. Thiên Chúa muốn sống và lớn lên trong lòng chúng ta ! Hãy tìm kiếm sự khôn ngoan của Thiên Chúa và vâng theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa ; nếu chúng ta làm, thì cuộc sống của chúng ta sẽ có được sức mạnh và cường độ khôn lường.
        Nếu chúng ta đón nhận ân sủng của Thiên Chúa, sự sống thần linh sẽ triển nở trong ta như hạt giống lớn lên trên cánh đồng. Eckhart, vị thầy huyền bí thời Trung Cổ đã nói rất hay : "Hạt giống của Thiên Chúa ở trong chúng ta. Nếu nhà nông thông minh và cần cụ chịu khó, hạt giống sẽ lớn lên và trở thành Thiên Chúa. Hạt lê trở thành cây lê; hạt cau trở thành cây cau ; hạt giống của Thiên Chúa trở thành Thiên Chúa". 
      Thật vậy, hạt giống là biểu tượng Lời Chúa, và dụ ngôn này nhắc nhớ sự phong phú của Lời Chúa. Như hạt giống khiêm hạ phát triển trong lòng đất, Lời Chúa cũng hoạt động trong tâm hồn người lắng nghe nhờ sức mạnh của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã gieo Lời Ngài là hạt giống vào thửa đất là tâm hồn chúng ta, nếu Lời Chúa được đón nhận, thì chắc chắn sẽ mang lại hoa trái, vì chính Thiên Chúa làm cho Lời Ngài nảy mầm và tăng trưởng.


Lạy Chúa Giê su, đọc và nghe đọan Tin Mừng hôm nay, nhiều người trong chúng con cũng hiểu biết ít nhiều do được các vị kế vị các Thánh Tông đồ truyền lại, giải thích thông qua Hội Thánh Chúa nơi trần gian. Chúng con nhận ra rằng để hiểu được Lời Chúa, chúng con phải trở nên môn đệ của Người. Việc nhận biết và thực thi Lời Chúa tùy thuộc vào Đức Giêsu và việc dạy dỗ của Người, chứ không lệ thuộc vào trí khôn hay trình độ của con người chúng con.
Xin cho con hiểu rằng Tin Mừng Nước Thiên Chúa phải được loan báo cho mọi người, mọi dân tộc, mọi nước. Con phải góp phần vào, nhờ ơn Chúa, từ những việc làm cụ thể bé nhỏ, lắm khi gặp gian truân thử thách, nhưng với một đức tin kiên vững, phó thác trong tay Chúa, cùng với niềm trông cậy bất khuất vào cuộc chiến thắng của Thiên Chúa, cuối cùng “Thầy sẽ thắng thế gian “ và” Nước Cha sẽ trị đến” vậy . AMEN .


Không có nhận xét nào: