Thứ Ba, 26 tháng 2, 2019

Sống với người nghèo



Kết quả hình ảnh cho suy niệm tin mừng Mc 9,30-37




Câu chuyện cuộc đời, những đóng góp của Mẹ Theresa, người vinh dự nhận được giải Nobel Hoà bình thế giới năm 1979 và biết bao tôn vinh khác của thế giới, chắc nhiều người biết. Thông tin về Mẹ rất nhiều, nhưng được đến căn nhà Mẹ sống, tận mắt nhìn thấy sự giản dị đến khắc khổ của Mẹ mới thấy khâm phục bấy nhiêu. 

Bận tiếp chuyện một gia đình Ấn nghèo khổ vừa đến, sơ phụ trách chỉ cho khách hành hương chiếc cầu thang hẹp đi lên căn phòng nhỏ, nơi Mẹ đã sống, làm việc từ những năm 1950 đến lúc qua đời năm 1997. Căn phòng nhỏ đơn sơ, không có đến một cái quạt dù nằm ngay trên gian bếp. Ở một miền đất mà mỗi năm có biết bao người chết vì cái nắng nóng khủng khiếp mùa hè. Chiếc giường đơn nhỏ, dường như là cái giường đơn nhỏ nhất mà chúng ta từng thấy. Hai bộ bàn ghế mộc nơi Mẹ và sơ trợ lý làm việc cũng nhỏ, kê sát nhau trong căn phòng áng chừng 2 x 2,5m. Nhìn chiếc băng ghế gỗ đơn sơ, như băng ghế học trò, không có chỗ dựa lưng mà Mẹ ngồi cần mẫn làm việc trong bao nhiêu năm chúng tôi không khỏi nhói lòng. Cũng như đã từ chối khoản tiền thưởng giải Nobel Hoà bình Thế giới và yêu cầu chuyển chúng đến cho người nghèo Ấn Độ, Mẹ cũng khước từ những tiện nghi, dù căn bản nhất. Dù các sơ đã nói với Mẹ là chỉ một chiếc ghế tựa mộc thôi, một chiếc quạt nhỏ sẽ giúp Mẹ khoẻ hơn,… Mẹ vẫn từ chối, vì Mẹ còn chịu được. 

Chân thành cảm ơn các sơ, tôi lặng lẽ chia tay căn nhà số 54A. Về lại phố phường đông đúc, ồn ào và bẩn của Kolkata. Nhưng sao giờ chúng tôi thấy thân thương. Vướng víu nhiều sân si, chúng tôi khó lòng học được nhiều từ Mẹ. Nhưng có lẽ chúng tôi sẽ bắt đầu bằng câu dạy đơn sơ của Mẹ: “Chúng ta hãy luôn chào nhau bằng những nụ cười, khởi nguồn của yêu thương”*. Để từ đó, được nhận thêm nhiều nữa những nụ cười!

Thứ ba 26/02/2019 - Tuần 7 TN
Lời Chúa: Mc 9,30-37

...Các ngài tới Capharnaum. Khi đã vào nhà, Người hỏi các ông: “Dọc đàng các con tranh luận gì thế?” Các ông làm thinh, vì dọc đàng các ông tranh luận xem ai là người lớn nhất. Bấy giờ Người ngồi xuống, gọi mười hai ông lại và bảo các ông rằng: “Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người”. Rồi Người đem một em bé lại đặt giữa các ông, ôm nó mà nói với các ông rằng: “Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy. Và ai đón tiếp Thầy, thực ra không phải đón tiếp Thầy, nhưng là đón tiếp Ðấng đã sai Thầy”.

Hình ảnh em bé là hình ảnh không chỉ khiêm tốn, đơn sơ, trung thực, trong sạch, mà còn là hình ảnh của bé nhỏ, yếu đuối, thiếu thốn, luôn cần được giúp đỡ. Đức Giêsu đặt em bé giữa Nhóm Mười Hai, như đặt các tông đồ ở giữa những người thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu tình thương, thiếu hy vọng, thiếu tương lai, thiếu tất cả. Ngài ôm hôn em bé, như nhắn nhủ các tông đồ phải biết yêu thương, và chạnh lòng trước những người đau khổ, bất hạnh. Và sau cùng Ngài bảo các ông hãy đón tiếp em bé này như đón tiếp chính Thiên Chúa.
Đức Giêsu đã cho các tông đồ một bài học về phục vụ. Theo Ngài, phục vụ trước hết và trên hết là đón tiếp : đón tiếp với thái độ thân thiện, kính trọng, cởi mở ; đón tiếp với tình yêu thương chân thành ; đón tiếp với tinh thần phục vụ, hy sinh. Người phục vụ không nghĩ cho mình, nghĩ về mình, nhưng nghĩ đến người khác, và để dễ nghĩ đến người khác, dễ làm vì người khác, chúng ta rất cần khiêm tốn để dám chọn chỗ rốt hết, chỗ thấp nhất để phục vụ hữu hiệu. Chẳng thế mà Đức Giêsu đã không làm gương rửa chân mình, nhưng dậy các tông đồ rửa chân cho nhau, tức khiêm tốn cúi mình xuống phục vụ nhau, bởi trong phục vụ, khiêm tốn luôn giữ vai trò quyết định.

Lay Chúa Giêsu, Chúa biết chúng con sợ thử thách, đau khổ, và không thích dưới quyền ai, cũng không muốn phục vụ ai, nhưng muốn nắm đầu, nắm cổ mọi người và được mọi người phục vụ. Như đã dậy Nhóm Mười Hai ngày xưa, xin Chúa dậy chúng con mỗi ngày và giúp chúng con trở nên người rốt hết, bé như em nhỏ, nhỏ như em bé và làm người phục vụ mọi người.

Không có nhận xét nào: