Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2019

Người được gọi...


Kết quả hình ảnh cho Mek chồng quyết định gia nhập đạo vì con dâu công giáo"
MẸ CHỒNG QUYẾT ĐỊNH GIA NHẬP ĐẠO VÌ CON DÂU CÔNG GIÁO

Theo lẽ tự nhiên thông thường, thì đa số các cô dâu Công giáo lấy chồng ngoại Đạo hoặc tân tòng sẽ dần dần nhạt Đạo và thậm chí mất Đạo theo thời gian do hoàn cảnh. Số cô dâu Công giáo mà sốt sắng giữ Đạo thì chỉ là thiểu số và đếm trên đầu ngón tay.
Nhưng có một cô dâu Công giáo không những sống Đạo tốt, giúp chồng giữ Đạo tốt, mà cô ấy còn thuyết phục được cả mẹ chồng của mình theo Đạo.Đó là cô con dâu có tên là Maria Thanh Sang quê gốc Giáo xứ Hà Dương- Giáo phận Bùi Chu, hiện cư ngụ tại Giáo họ Trữ Khê- Giáo xứ Lãm Hà- Giáo phận Hải Phòng.
      Chị Maria Thanh Sang lấy chồng là người Tân tòng. Ban đầu, có lẽ anh chồng quê gốc Hải Dương của chị theo Đạo chỉ vì muốn làm hài lòng vợ và gia đình nhà vợ.
      Nhưng do được học hỏi Giáo lý kỹ càng, do thành tâm thiện chí, hơn nữa được sống gần những xứ Đạo có cha xứ và bà con Giáo dân tốt lành gương sáng, nên đức tin vào Chúa của anh ngày càng lớn mạnh.
     Không những thế, chồng chị hiện nay đang là một cánh tay đắc lực của quý cha trong các công việc chung. Mẹ chồng chị là một người ngoại Đạo. Bà càng ngày càng thấy cô con dâu Thanh Sang của mình hiền hậu, thật thà, chất phác, chăm cầu nguyện, nhiệt thành, yêu thương, khiêm tốn, vui tươi, niềm nở, ân cần và chăm chỉ đi Lễ. Chính những đức tính rất tốt lành của cô con dâu đã cho làm bà tò mò tìm hiểu về Đạo Công giáo và đã hoàn toàn thuyết phục bà theo Đạo của cô con dâu.

Bà đã nhận được sự tận tình chỉ bảo của quý cha quý thầy, được học hỏi về Kinh nguyện Giáo lý và đã chính thức gia nhập Đạo vào ngày 13.09.2019 vừa qua.

Thứ bảy 30/11/2019 - Tuần 34 TN
Lễ Thánh An-rê, Tông đồ
Lời Chúa : Mt 4,18-22

Đức Giê-su đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy hai anh em kia, là ông Si-môn, cũng gọi là Phê-rô, và người anh là ông An-rê, đang quăng chài xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá. Người bảo các ông: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người. Đi một quãng nữa, Người thấy hai anh em khác con ông Dê-bê-đê, là ông Gia-cô-bê và người em là ông Gio-an. Hai ông này đang cùng với cha là ông Dê-bê-đê vá lưới ở trong thuyền. Người gọi các ông. Lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người.

Lời Chúa hôm nay tường thuật việc Chúa Giêsu gọi bốn môn đệ đầu tiên, trong đó có thánh An-rê là Tông Đồ mà chúng ta mừng kính hôm nay.
Bốn Tông Đồ này là hai cặp đôi anh em ruột và cùng làm nghề đánh cá. Phêrô – Anrê và Giacôbê – Gioan. Chúa gọi các Tông Đồ ở đâu và trong hoàn cảnh nào? Tại bờ biển hồ Galilê, là nơi diễn ra cuộc sống kinh tế của dân. Chúa đến cách cụ thể trong cuộc sống bình thường của con người. Chúa gọi trong hoàn cảnh cụ thể và trong bối cảnh xã hội đương thời. Chúa không phân biệt nghề nghiệp cao sang hay thấp kém, người trí thức hay bình thường. Điều này cho thấy, sứ vụ của người theo Chúa là rao giảng và sống chứng nhân cho Tin Mừng ngay trong hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống. Đồng thời, Tin Mừng được loan báo nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần chứ không phải ý riêng con người. 

Tóm lại, Chúa Giêsu gọi ai thì Người không quan trọng đến thời điểm nào, lý lịch ra sao mà trên hết tất cả là Người nhìn thấy nơi ta có dám sẵn sàng bỏ hết tất cả để theo Chúa không? Chúa gọi thì không phân biệt quá khứ ta là ai, nhưng chỉ thấy ta từ lúc ta bắt đầu bước theo. Chúa gọi ta và mời gọi ta làm chứng cho Người ngay chính nơi ta sống và làm việc. Cùng với ơn soi sáng cho ta nhìn thấy ơn gọi, điều quan trọng là ta không mặc cảm với quá khứ, mau mắn đáp trả, bỏ lại mọi sự và bước theo Chúa.

Ngày hôm nay, Chúa cũng đang mời gọi bạn làm tông đồ cho Chúa. Thế nhưng, bạn có đáp lại lời mời gọi của Chúa cách thành tâm, thiện chí hay không, dám từ bỏ không, hay còn đang vướng víu bởi những của cải vật chất làm cho tâm hồn tôi trở nên nặng trĩu trước lời kêu gọi?

Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con luôn ý thức rằng, bản chất của Ki-tô hữu là truyền giáo, để chúng con hăng say tiếp nối các Tông Đồ làm cho Tin Mừng của Chúa được lan rộng, nhờ đời sống đạo gương mẫu và việc thực thi bác ái khắp những nơi mà chúng con được sai đến. Amen



Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2019

Nhạy bén với dấu chỉ thời đại


Kết quả hình ảnh cho suy niệm tin mừng Lc 21, 29-33


Trên đời này, thứ khó đo lường nhất chính là lòng người.

Có lẽ có rất nhiều người ở đây đã từng là người bị hại và bị chơi khăm bởi chính những người quen biết, bạn bè thân thiết hoặc là những người mình từng giúp đỡ, đúng không?

Trước tiên, tôi xin được kể một câu chuyện ngắn, có thể gọi tên là "Con lạc đà và thước đo của sự lương thiện."
"Vào một đêm mùa đông lạnh lẽo, gió lạnh thổi tới, có một người Ả Rập đang chuẩn bị nghỉ ngơi trong một chiếc lều ấm áp. Đột nhiên, có một con lạc đà đứng bên ngoài kéo rèm cửa lều của người Ả Rập và nói một cách đáng thương rằng bên ngoài trời quá lạnh, hy vọng người chủ lều có thể thương tình cho phép nó được đưa đầu vào để sưởi ấm một chút. Người Ả Rập tốt bụng đã đồng ý lời thỉnh cầu của con lạc đà. 
       Không lâu sau, con lạc đà lại xin được đưa cổ, chân trước và nửa thân vào lều. Người Ả Rập cũng không đành nhẫn tâm từ chối, nên cũng đã đồng ý.
       Nhưng lợi dụng lòng tốt của người Ả Rập, con lạc đà kia ngày càng trở nên quá đáng. Cuối cùng, nó chui cả người vào trong lều, và ép người Ả Rập ra khỏi lều, còn nó thì nằm bên trong tận hưởng căn lều ấm áp."
      Người Ả Rập là người tốt, lương thiện, bởi vì anh ta giúp đỡ con lạc đà mà không cần điều kiện gì khác, cũng không nghĩ xem việc đó có hại đến lợi ích của mình hay không. Anh ta chỉ hết lòng giúp người theo bản năng, nhưng cuối cùng ngay cả lời cám ơn còn không nhận được, lại mang tổn thương về người.
     Tâm hại người không nên có, nhưng tâm phòng người nhất định phải có. Có đôi lúc, sự thiện lương và đơn thuần của bạn lại không phải việc tốt, bởi vì sẽ có một số người lợi dụng điều đó để chiếm lợi từ bạn, làm bạn tổn thương xong, họ còn mắng bạn ngốc.

Trong "Tình yêu ma cà rồng" có một câu nói thế này: "Bất kỳ mối quan hệ nào cũng vậy, có thể nuôi dưỡng bạn, cũng có thể bòn rút từ bạn."
      Do đó, lòng tốt của bạn cần phải có chừng mực và sự sắc bén khi nhìn người. Giúp đỡ người khác là tốt, nhưng đừng để bản thân bị lợi dụng, bị tổn thương.
     Khi ra khỏi nhà, mọi việc đều phải khoan dung, nhẫn nhịn, chịu chút thiệt thòi thì được coi là "Phí học trường đời" rẻ nhất rồi.
Trong trường hợp xảy ra tranh chấp, lùi một bước là bầu trời.
Tuyệt đối đừng nóng giận, đánh nhau, chỉ dễ gây tai vạ và kéo thiệt thòi vào người.

Thứ sáu 29/11/2019 - Tuần 34 TN
Lời Chúa : Lc 21, 29-33

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ thí dụ này rằng: "Các con hãy xem cây vả và mọi thứ cây cối. Khi chúng đâm chồi nảy lộc, thì các con biết rằng mùa hè đã gần đến. Cũng thế, khi các con xem thấy những sự đó xảy ra, thì hãy biết rằng nước Thiên Chúa đã gần đến. Thầy bảo thật các con, thế hệ này sẽ chẳng qua đi cho đến khi mọi sự ấy xảy đến. Trời đất sẽ qua đi; nhưng lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu".

Tâm lý con người thường là sợ ngày Chúa đến. Nhưng như mùa hè đến đem lại sự sinh sôi nảy nở cho cây vả và mọi thứ cây, thì cũng vậy Chúa đã và đang đến trong trần gian này là để thi ân giáng phúc, để chữa lành tất cả những gì đã bị đổ vỡ do tội lỗi con người gây ra, chứ Ngài không đến để phá hủy hay tiêu diệt trần gian này.
        Ngày nay, chứng kiến những thảm họa chiến tranh, khủng bố đây đó trên thế giới, cũng như các tai ương, bệnh tật đủ kiểu đủ cách, ta hiểu rằng chính con người đã gây ra đổ vỡ cho thế giới và cho chính bản thân mình. Và vì vậy là những người tin, ta được mời gọi hãy khẩn thiết nài xin mỗi ngày: Xin cho “Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời…”
       Thật ra, Nước Thiên Chúa đã có mặt trong trần gian này rồi, nhưng có điều nhân loại chúng ta đang đóng cửa lòng mình lại, đang bưng tai bít mắt mình lại, đang không chấp nhận để Nước Chúa hiển trị trong cuộc đời mình. Bao lâu nhân loại còn từ khước sự hiện diện của Thiên Chúa, thì bấy lâu thế giới này còn xảy ra đủ thứ hỗn loạn và đổ vỡ.

Tâm tình :
Lạy Chúa Giê su, xin đừng để chúng con rơi vào thái độ bi quan, khoanh tay vì chán nản. cho chúng con biết làm sao để ngày tận thế không phải là một ngày buồn, ngày của những đổ vỡ và mất mát chia ly. Xin cho chúng con biết làm gì để ngày ấy là ngày lịch sử nhân loại mở sang trang mới. Đức Giêsu xuất hiện như Điểm Ômêga, Điểm đến của cả vũ trụ. 

Thứ Năm, 28 tháng 11, 2019

Chuẩn bị gì cho ngày cánh chung


Kết quả hình ảnh cho câu chuyện sống tốt đời đẹp đạo

Nhiều khu dân cư của đồng bào Công giáo đã trở thành những điển hình tiên tiến xuất sắc trong phát triển sản xuất, xoá đói giảm nghèo, bảo vệ an ninh trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống các tệ nạn xã hội, thực hiện tốt đền ơn đáp nghĩa, từ thiện nhân đạo, chăm lo cho sự nghiệp giáo dục và chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, xây dựng đời sống văn hoá. Nhiều phong trào được triển khai với nội dung và tên gọi phong phú mô hình hay cách làm sáng tạo, phù hợp với đặc điểm tình hình của mỗi địa phương như: phong trào thi đua xây dựng “Xứ họ đạo tiên tiến” ở Tp. Hà Nội, Quảng Ninh, Hà Nam; phong trào thi đua “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền” ở Bắc Ninh, Vĩnh Long; phong trào thi đua “Xứ họ đạo và gia đình Công giáo xây dựng nông thôn mới ”, “Đẹp xóm làng, đẹp xứ họ, đẹp nhà cửa, đẹp ruộng đồng”, “Gia đình Công giáo gương mẫu thực thi tân phúc âm hoá gia đình” ở Nam Định; phong trào thi đua xây dựng “Làng văn hoá, khu dân cư xuất sắc”, “Tiếng kẻng học bài cho học sinh, sinh viên” ở Khánh Hoà… Nhiều gia đình Công giáo đã trở thành những tấm gương tiêu biểu trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, năng động trong kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình, góp phần nâng cao đời sống và làm giàu cho xã hội, có thể kể đến một số hộ gia đình điển hình như: hộ gia đình bà Anna Nguyễn Thị Liên, xã Đại Xuân, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh quy hoạch 3ha để nuôi cá thâm canh thu hoạch được 30 tấn cá các loại, thu lãi khoảng 400 triệu/năm; hộ ông Giuse Phạm Đăng Khuyến, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thành Hóa (Ninh Bình) tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 500 lao động với mức lương bình quân từ 3-5 triệu đồng/ người/ tháng; hộ ông Đaminh Hoàng Văn Định, Trưởng ban hành giáo, giáo họ Nhật Hà, thuộc giáo xứ Quảng Phúc, xã Đăk Som, huyện Đăk G’long, tỉnh Đăk Nông kết hợp mô hình chăn nuôi với trồng cây cà phê mỗi năm thu lãi khoảng 550 triệu đồng….

Đồng bào Công giáo các địa phương cũng rất tích cực tham gia công tác xã hội. Tại một số xã, phường, thị trấn, đảng viên là người Công giáo được tín nhiệm giữ những chức vụ trong cấp ủy, chính quyền, Hội đồng nhân dân. Ở khu dân cư, nhiều giáo dân tích cực tham gia các vị trí như trưởng thôn, tổ trưởng dân phố, Ban công tác Mặt trận, Ban Thanh tra nhân dân, các tổ chức đoàn thể quần chúng như Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Người cao tuổi. Ngày càng có nhiều cán bộ, đảng viên là người Công giáo được tín nhiệm giữ các cương vị lãnh đạo của các cơ quan nhà nước, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội ở địa phương như: tham gia UBMTTQ các cấp, là đại biểu HĐND các cấp… và dù ở cương vị nào, người Công giáo đều có ý thức, trách nhiệm cao với công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong các dịp bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, nhiều linh mục đã điều chỉnh giờ lễ để tạo điều kiện cho tín đồ tham gia bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đầy đủ, đạt kết quả tốt. Các vị linh mục, tu sĩ và giáo dân tích cực tham gia tìm hiều, góp ý vào một số dự thảo luật trong quá trình xin ý kiến đóng góp của người dân.

Công tác từ thiện bác ái luôn là điểm sáng trong phong trào thi đua yêu nước của đồng bào Công giáo, thu hút được đông đảo cá nhân, tập thể tham gia, chăm sóc, giúp đỡ gia đình khó khăn, trẻ em khuyết tật, mồ côi, cơ nhỡ, những vùng thiên tai bão lũ. Có thể kế đến như: Tu hội Nữ tử Bác ái Vinh Sơn, Tp. Hồ Chí Minh hằng năm cấp học bổng cho khoảng 2.000 sinh viên; hỗ trợ thường xuyên cho gần 1.000 bệnh nhân nghèo qua hoạt động nồ súp – bữa ăn tình thương; Trường tình thương Ánh Linh (Quận 7, Tp. Hồ Chí Minh) đã cưu mang 250 cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được học miễn phí từ lớp 1 đến lớp 9; ở Khánh Hòa có nhà tình thương Đại An thuộc giáo xứ Phú Phong do các nữ tu đảm nhiệm nuôi dạy 40 cháu mồ côi cơ nhỡ không nơi nương tựa; ở Hà Tĩnh, bà con giáo dân đã đóng góp xây dựng được 195 nhà tình nghĩa, trao tặng sổ tiết kiệm cho các gia đình chính sách; một số địa phương như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng đã thành lập nhiều nhóm hoạt động xã hội chuyên thu nhặt vỏ chai, sắt vụn, bao bì …

Thứ năm 28/11/2019 - Tuần 34 TN
Lời Chúa: Lc 21, 20-28

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Khi các con thấy Giêrusalem bị các đạo binh bao vây, các con hãy biết rằng đã gần đến lúc thành ấy bị tàn phá. Bấy giờ những ai ở trong đất Giuđa, hãy chạy trốn lên núi, những ai ở trong thành, hãy rời xa, và những ai ở vùng quê, chớ có vào thành; vì những ngày ấy là những ngày báo oán, để ứng nghiệm mọi lời đã ghi chép. “Khốn cho những đàn bà đang mang thai và nuôi con thơ trong những ngày ấy: vì chưng sẽ có sự khốn cực cả thể trong xứ và cơn thịnh nộ trút xuống dân này. Chúng sẽ ngã gục dưới lưỡi gươm, sẽ phải bắt đi làm tôi trong các dân, và Giêrusalem sẽ bị các dân ngoại chà đạp, cho đến thời kỳ dành cho dân ngoại chấm dứt. “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao; dưới đất, các dân tộc buồn sầu lo lắng, vì biển gầm sóng vỗ. Người ta sợ hãi kinh hồn, chờ đợi những gì sẽ xảy đến trong vũ trụ, vì các tầng trời sẽ rung chuyển. Lúc đó, người ta sẽ thấy trên đám mây, Con Người hiện đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả. Khi những điều đó bắt đầu xảy đến, các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến”.

Hôm nay, thánh Luca trình thuật việc Đức Giêsu tiên báo trước thành thánh Giêrusalem sẽ bị tàn phá nặng nề. Sự kiện bị phá hủy của đền thờ chính là hình ảnh tiên trưng cho ngày cánh chung của chúng ta. Khi ngày đó đến, hẳn sẽ có nhiều người vui mừng, nhưng cũng không thiếu người đau khổ và thất vọng. Ngày đó sẽ trở nên đáng sợ cho những ai không nhận ra dấu chỉ để sám hối, canh tân. Nhưng cũng ngày đó, nhiều người sẽ vui mừng và hãnh diện vì đã chuẩn bị sẵn sàng bằng việc tỉnh thức và cầu nguyện không ngừng.

Như vậy, hạnh phúc hay đau khổ là do sự lựa chọn của chúng ta ngay trong giây phút hiện tại. Chỉ có sự chuẩn bị trong tỉnh thức thì mới tránh được đau khổ mà thôi. Bởi vì ngày đó không hẹn trước, nó đến với ta bất thình lình, chỉ có những dấu chỉ đi trước báo hiệu. Tuy nhiên, nếu nhạy bén với các dấu chỉ thời đại thì mới nhận ra những điềm báo trước đó, nếu không, chúng ta sẽ chịu những đau khổ, thiệt thòi như những phụ nữ đang mang thai và người đàn bà đang cho con bú. Nếu nằm trong hoàn cảnh này thì hẳn ngày tận thế xảy đến sẽ là ngày u ám cho cuộc đời của chúng ta vì sẽ phải lãnh nhận một bản án khắc nghiệt cho mình vì sự cứng đầu, cố chấp trong tội, và ngoan cố không sám hối để được ơn tha thứ.

Sứ điệp Lời Chúa mời gọi chúng ta hãy chuẩn bị tâm hồn xứng đáng bằng việc trung thành tuân giữ Lời Chúa và ra sức thi hành trong lòng mến. Cần nhận ra các dấu chỉ thời đại để hiểu được thánh ý của Chúa. Phải chuẩn bị cho hành trình tiến về với Chúa qua cái chết bằng những hành trang như: bác ái, từ bi, nhân hậu, hiền hòa, bao dung, vị tha. Được như thế, thì cái chết đến với chúng ta là một niềm vui chứ không phải là hình phạt và đau khổ…


Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con được luôn yêu mến Chúa trên hết mọi sự. Biết chuẩn bị cho cuộc sống vĩnh cửu của mình bằng những việc thiện, để ngày Chúa đến với chúng con được trở nên niềm vui mừng. Amen.

Thứ Tư, 27 tháng 11, 2019

Kiên trì mới giữ được mạng sống

Kết quả hình ảnh cho suy niệm tin mừng Lc 21,12-19

Tỷ phú Singapore khuyên giới trẻ: Điều quan trọng là phải có đức tin
Theo tạp chí Forbes, Philip Ng và anh trai của ông có khối tài sản trị giá 12,1 tỷ đô la khi họ sở hữu Tổ chức Viễn Đông và là nhà phát triển bất động sản lớn nhất Singapore.
       “Những gì tôi đã khám phá ra là tất cả chúng ta đều đau khổ”, ông Philip nói trong một video được đăng tải năm ngoái bởi Matthew Yao trên Instagram. “Tất cả chúng ta đều thiếu vắng một điều gì đó, đối với tôi, tôi phát hiện ra rằng điều tôi đã thiếu vắng là [đức tin vào] Chúa Jesus”.Trong cuộc trò chuyện với Yao, một doanh nhân trẻ coi tỷ phú Philip là cố vấn, ông Philip đã kể với Yao về những điều ông mong muốn khi ở độ tuổi của anh.
      “Tôi luôn tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn, mục đích sống tốt hơn, bản thân tốt hơn và mọi thứ cũng tốt hơn. Tôi chỉ luôn nhìn vào những điều sai trái, nhưng tôi nhận ra không có chuyện bản thân mình tốt hơn hay những điều tốt đẹp hơn nếu không có Chúa Jesus”, ông Philip nói.Ông tiếp tục chia sẻ: “Có lẽ chúng ta phải nhìn sâu hơn. Tôi trân trọng đức tin của tôi hơn bất cứ điều gì. Vì vậy, tôi cũng mong mọi người có được sự bình yên và niềm vui đó. Nó chắc chắn vượt xa rất nhiều của cải và vật chất mà bạn có thể có trong cuộc đời này”.

Thứ tư 27/11/2019 - Tuần 34 TN
Lời Chúa : Lc 21,12 – 19

12 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : "Người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp anh em cho các hội đường và bỏ tù, điệu anh em đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy. 13 Đó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy. 14 Vậy anh em hãy ghi lòng tạc dạ điều này, là anh em đừng lo nghĩ phải bào chữa cách nào. 15 Vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan, khiến tất cả địch thủ của anh em không tài nào chống chọi hay cãi lại được. 16 Anh em sẽ bị chính cha mẹ, anh chị em, bà con và bạn hữu bắt nộp. Họ sẽ giết một số người trong anh em. 17 Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. 18 Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu. 19 Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình."

Trước khi đền thờ và thành Giêrusalem bị tàn phá, thì các tín hữu thời đó đã bị bách hại. Cũng vậy, trước khi đến ngày cánh chung, mặc dù chúng ta không biết rõ ngày nào, thì Hội Thánh ở trần gian cũng bị đau khổ, thử thách và bách hại. Vì thế, đoạn Tin Mừng hôm nay Thánh Sử Luca đưa ra một giáo lý về sự đau khổ và bách hại có liên quan đến ngày cánh chung: “nhưng trước khi những tất cả sự ấy xảy ra...” Chúa Kitô đã qua khổ nạn mà tới vinh quang, thì nhiệm thể của người là Hội Thánh cũng phải qua thử thách mới phát triển và hoàn thành, như Tertulien nói: “ máu tử đạo sinh ra người có đạo”. Chúa Giêsu cũng báo trước cho các môn đệ. “ Người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp cho các hội đường và nhà tù và điệu đến trước mặt vua Chúa quan quyền vì danh Thầy”. Như vậy, những đau khổ, thử thách, bách hại, là những cơ hội để các môn đệ của Chúa Giêsu làm chứng cho Người, đó là chức năng thuần túy của nhóm 12, họ làm chứng cho người giữa những bách hại, làm chứng Người đã sống lại và Người là Thiên Chúa. Việc làm chứng đồng nghĩa với việc “tử đạo” cho các thế hệ về sau. Bị bách hại là số phận thường tình của người tông đồ, và chỉ có thế, Nước Trời mới đến được trần gian này. Nhưng giữa cơn bách hại người tông đồ vẫn cảm thấy được an ủi vui sướng, hạnh phúc và hãnh diện, vì được tỏ lòng yêu mến Chúa Giêsu, và được có cơ hội để là chứng cho Chúa Giêsu bằng những lời lẽ hùng hồn, bằng những cực hình đau khổ, và cả cái chết Chúa Giêsu còn nói: “vì danh Thầy anh em sẽ bị mọi người ghen ghét”, như vậy, cuộc bách hại có thể xãy ra ở mọi nơi mọi lúc, vì thế gian từ chối sứ điệp của Tin Mừng Chúa Kitô, cuộc bách hại còn xãy ra trong bầu khí thân thương là gia đình, đó là trường hợp người thân cản trở, chống đối nhau trong việc đón nhận và sống Tin Mừng Chúa Kitô. Vì thế, người tông đồ khó tránh được sự bách hại và rất dễ sa ngã, nên cần phải kiên trì, can đảm, giữ vững tinh thần và đức tin, trung thành với Chúa đến cùng, với lòng tin tưởng phó thác vào quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa,

Lạy Chúa Giêsu, Đấng cứu chuộc chúng con bằng con đường thập giá, xin giúp chúng con biết noi gương Chúa, sẳn sàng đi con đường Chúa đã đi để đền đáp tình yêu Chúa, làm chứng cho Chúa trước mặt mọi người, để con được xứng đáng làm môn đệ Chúa và hưởng hạnh phúc với Chúa trong vương quốc của Ngài.

Thứ Ba, 26 tháng 11, 2019

Vỡ tan


Kết quả hình ảnh cho suy niệm tin mừng Lc 21,5-11


Làng Bờ Kênh có một cây đa rất to, nhánh của nó vươn rộng phủ cả một gốc đường. Nó là niềm tự hào đối với bà con cô bác khu vực này. Những chiếc rễ cái và rễ con bám chật và trồi lên mặt đất là thành những chiếc ghế ngồi thật thú vị. Nhiều người đến ngồi trò chuyện, vui chơi và ngay cả tiệc tùng dưới bóng mát che chở của nó….Nó hiện diện ở đó từ rất lâu, lâu lắm rồi và không ai nhớ rõ từ bao giờ, và có lẽ vì nó quá to lớn và xum xê nên chẳng mấy ai nghĩ tới việc một ngày nào đó nó sẽ rời mãnh đất mà nó bám trọ quá lâu để chết đi. Thế rồi một hôm cơn mưa thế kỷ ập đến, cây đa đã không còn…

Thứ ba 25/11/2019 - Tuần 33 TN
Lời Chúa : Lc 21, 5 – 11

(5) Nhân có mấy người nói về Ðền Thờ được trang hoàng bằng những viên đá đẹp và những đồ dâng cúng, Ðức Giêsu bảo: (6) "Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào". (7) Họ hỏi Người: "Thưa Thầy, vậy bao giờ các sự việc đó sẽ xảy ra, và khi sắp xảy ra, thì có điềm gì báo trước?".(8) Ðức Giêsu đáp: "Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt, vì sẽ có nhiều người mạo danh Thầy đến nói rằng: "Chính ta đây", và: "Thời kỳ đã đến gần"; anh em chớ có theo họ. (9) Khi anh em nghe có chiến tranh, loạn lạc, thì đừng sợ hãi. Vì những việc đó phải xảy ra trước, nhưng chưa phải là chung cục ngay đâu". (10) Rồi Người nói tiếp: "Dân này sẽ nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ. (11) Sẽ có những trận động đất lớn, và nhiều nơi sẽ có ôn dịch và đói kém; sẽ có những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ lớn lao từ trời xuất hiện.

Sống trong những ngày cuối cùng của năm phụng vụ, Giáo hội nhắc nhớ chúng ta về ngày chung cục bằng những bài đọc nói đến sự tận cùng của thế giới - Không phải để làm cho chúng ta lo âu, nhưng là để chúng ta ý thức sự chóng qua của vũ trụ vật chất mà biết xây dựng cho mình một đền thờ tâm linh vững chắc trường tồn trong Đức Ki-tô Giê-su. Mặt khác, đoạn Tin mừng cũng nhắc nhớ chúng ta về ngày chung cục của đời mình. Thế giới qua đi! Cuộc đời của chúng ta cũng sẽ qua đi! Sự khôn ngoan mách bảo chúng ta phải biết tìm cho mình những giá trị vĩnh cửu hơn là bám vào đời sống tạm bợ này; phải biết dùng những phương tiện chóng hư nát để tích lũy những giá trị, của cải không bao giờ hư nát là sự sống hạnh phúc bất diệt đời sau. 

Hơn bao giờ hết, chúng ta đang chứng kiến về sự rữa nát của thế giới, của con người: Cuộc chạy đua vào nhà Trắng đã khiến đông đảo quần chúng thế giới lo lắng không ít; những tranh chấp ở Biển đông cũng đe dọa bùng phát một cuộc chiến đáng sợ; các tai ương lụt lội, đói kém; ngày càng xuất hiện nhiều những căn bệnh lạ… đã gây nên những căng thẳng và hoang mang cho con người. Ý thức được bổn phận của mình, người Ki-tô hữu phải là chứng nhân sống động của Đức Ki-tô trong cuộc sống xây dựng một thế giới ngày càng tốt đẹp hơn trong những nghĩa cử yêu thương hằng ngày, trong những bổn phận và trách nhiệm cùng chung tay cộng tác xây dựng Giáo hội và xã hội ngày càng phát triển tốt đẹp và thăng tiến con người trong phẩm giá của mình, trong những ước vọng và hành động đóng góp xây dựng hòa bình và công lý….

Lạy Chúa, rồi ra sẽ còn lại gì trong cuộc sống hôm nay, nếu mỗi ngày chúng con chỉ nhìn thấy những đau thương do chính con người tạo nên, và nhìn thấy thiên nhiên mỗi ngày như đang chống lại con người, gây nên biết bao tai họa, thảm cảnh.
Chỉ nơi Chúa, Chúng con mới tìm thấy thông điệp của mọi biến cố xảy đến trong cuộc đời, trong những thảm họa bi thương, tìm được câu giải đáp thật trọn vẹn mà Chúa muốn nói với chúng con.Xin hãy dạy chúng con biết sống thật có ý nghĩa, sống trong yêu thương, trong bình an với anh chị em mình, biết xây dựng một thế giới hạnh phúc, tràn đầy tình thương giữa con người với nhau, và chỉ tìm kiếm Chúa, môt mình Chúa mà thôi. Có như thế, chúng con mới có thể chuẩn bị cho một ngày huy hoàng trong tương lai, ở nơi đó, Thiên Chúa là tất cả, là bến bờ của hạnh phúc, bình an, là tất cả yêu thương chúng con được nhận lãnh.

Thứ Hai, 25 tháng 11, 2019

Gương anh dũng




Kết quả hình ảnh cho suy niệm tin mừng Ga 17,11b-19

Tử đạo ngày nay

Trong thánh lễ ban sáng ngày thứ ba 12-04, tại Nguyện đường Nhà trọ Thánh Marta, Đức Giáo hoàng nhắc lại về bậc tử đạo Kitô đầu tiên, thánh Stêphanô, và nói rằng, ‘ngày nay, vẫn còn quá nhiều Kitô hữu bị bách hại, bị giết vì đức tin vào Chúa Kitô.“Có những bách hại đẫm máu, như bị thú dữ xé xác giữa chốn hí trường hay bị nổ tung vì một quả bom vào cuối thánh lễ, và còn có những bách hại ‘bọc nhung’ khoác lớp vỏ lễ nghĩa hạn chế người ta, tước đi công việc người ta khi áp dụng những luật chống lại Thiên Chúa Đấng Tạo Hóa.
Câu chuyện tử đạo của thánh Stêphanô trong sách Tông đồ Công vụ ngày hôm nay, cũng dẫn đưa chúng ta thấy thực tế bách hại đã và đang là một phần trong lịch sử đức tin Kitô trong suốt hai ngàn năm. Bách hại, cha dám nói rằng, bách hại là của ăn nuôi sống Giáo hội. Chính Chúa Giêsu cũng nói thế.
Du khách đến Roma, thích thăm hí trường Colosseum, nơi ghi dấu những vị tử đạo bị sư tử xé xác. Nhưng, không chỉ có thế. Mà còn nhiều người bình thường ngay thời nay.Sự tử đạo của thánh Stêphanô đã làm bùng lên một làn sóng bách hại Kitô tàn bạo ở Jerusalem, cũng gần giống với nạn bách hại với những ai không được tự do tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu trong thời nay.
      Nhưng, có một dạng bách hại khác, mà ít người nói đến, một dạng bách hại ngụy trang dưới lốt vỏ văn hóa, hiện đại hóa, tiến bộ giả mạo. Đây là dạng bách hại mà trớ trêu thay, cha gọi là phép tắc.Đó là khi một người bị bách hại vì muốn bày tỏ các giá trị của Tin mừng. Đây là bách hại chống lại Thiên Chúa Đấng Tạo Hóa hiện thể trong con cái Ngài.
    Mỗi này, các cường quyền ban hành những luật buộc người ta phải theo những đường lối nhất định,và các quốc gia không theo các ý hướng này, hay không muốn là một phần trong các pháp chế này, thì bị cáo buộc là xâm phạm phép tắc. Đây là dạng bách hại tước đoạt tự do của con người, và có thể là một sự chối bỏ lương tâm.

Đây là sự bách hại của thế giới muốn tước đi tự do trong khi Chúa cho chúng ta tự do để làm chứng cho Chúa Cha, Đấng tạo thành chúng ta và Chúa Kitô cứu độ chúng ta.
Sự bách hại này là do tay những cường quyền thế giới này.
Nhưng trước sự bội giáo lớn này, đời sống các Kitô hữu vẫn tiến tới bất chấp sự bách hại.
Cha ước ao anh chị em đừng rơi vào tinh thần thế gian, cha sẽ luôn ở gần với anh chị em. Cha sẽ ở với anh chị em.”

Thứ hai 25/11/2019
Các Thánh tử đạo VN
Lời Chúa : Ga 17,11b-19

Khi còn ở với họ, con đã gìn giữ họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con. Con đã canh giữ, và không một ai trong họ phải hư mất, trừ đứa con hư hỏng, để ứng nghiệm lời Kinh Thánh. Bây giờ, con đến cùng Cha, và con nói những điều này lúc còn ở thế gian, để họ được hưởng trọn vẹn niềm vui của con. Con đã truyền lại cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian. Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian. Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến.

Có một điều rất quan trọng ở đây là, Chúa Giê-su chưa bao giờ cầu xin Chúa Cha đưa các môn đệ ra khỏi thế gian, vì chính Chúa Cha yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một là Chúa Giê-su đến để cứu thế gian; Chúa Giê-su cũng vì yêu thế gian mà Người đã nhập thể đi vào thế gian; và giờ đây Chúa cũng sai các môn đệ dấn thân vào thế gian để đem ơn cứu độ cho thế gian, như Người đã nói: “Như Cha đã sai Con thì Con cũng sai họ vào trong thế gian”.vậy, Chúa Giê-su sai các môn đệ vào trong thế gian để tiếp bước hành trình cứu độ, chứ không phải tách các môn đệ ra khỏi thế gian. Và vì phải hòa nhập vào thế gian với bao hiểm nguy rình rập cùng những cạm bẫy làm sai lạc nên Chúa Giê-su đã cầu xin Chúa Cha giữ gìn và thánh hóa các môn đệ.
       Là những môn đệ bước theo Chúa Giê-su, người Ki-tô hữu vẫn “đầu đội trời chân đạp đất”, nghĩa là Ki-tô hữu tuy đã được thánh hiến cho Thiên Chúa qua bí tích Rửa Tội thì vẫn đang sống trong thế giới này và phải đương đầu với mọi thách đố của thời đại.
    Ki-tô hữu sống trong thế gian là để cùng với Chúa Giê-su cứu độ thế gian, mang trên mình vai trò và trách nhiệm thánh hóa thế gian, chứ không phải sống dửng dưng với thế gian và vô can với thế gian. Chúa Giê-su xin Chúa Cha giữ gìn và thánh hóa các môn đệ, nghĩa là Người xin Cha cho các môn đệ sống giữa thế gian, nhưng không thuộc về thế gian; môn đệ phải được thánh hóa trong sự thật và được gìn giữ khỏi ác thần.

Ki-tô hữu đồng hành với thế gian nhưng không bị đồng hóa, thánh hóa thế gian nhưng không để bị tiêm nhiễm những hành vi xấu của thế gian, rao giảng Sự Thật chứ không thỏa hiệp, bảo vệ những tiêu chuẩn luân lý chứ không nhân danh thời đại để hòa hoãn và giảm thiểu chuẩn mực sống theo ý Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con là những người đang sống giữa thế giới hôm nay, một thế giới như mất niềm tin vào Thiên Chúa và sẵn sàng thỏa hiệp với sự suy đồi luân lý Ki-tô giáo. Xin Chúa gìn giữ và thánh hóa chúng con là những môn đệ của Chúa, để chúng con không dửng dưng và thỏa hiệp với sự xuống cấp đạo đức của thế giới, nhưng can đảm dấn thân để làm cho Tin Mừng Chúa được loan báo khắp nơi. Amen.

Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2019

Yêu : Cho hết không còn gì


Kết quả hình ảnh cho suy niệm tin mừng Lc 23,35-43"

ANH KHÔNG CÒN GÌ ĐỂ CHO EM HƠN THẾ NỮA:

Gần đây, các thợ lặn đã tìm được một con tàu đã bị đắm ở ngoài khơi biển Bắc Ái nhĩ lan cách đây 400 năm. Trong số các báu vật tìm được trên con tàu này, có một chiếc nhẫn cưới của một người đàn ông. Sau khi được lau chùi sạch sẽ, trên mặt nhẫn hiện ra một hàng chữ kèm theo hình một bàn tay đang cầm một quả tim đưa ra. Người ta đọc được câu ấy như sau: “Anh không còn gì để cho em hơn thế này nữa”. Trong tất cả những báu vật tìm thấy trên con tàu, không vật nào khiến cho các tay thợ lặn cảm động bằng chiếc nhẫn với hàng chữ khắc ghi trên đó.

Chúa nhật 24/11/2019 
Lễ Chúa Ki Tô, vua vũ trụ
Lời Chúa : Lc 23,35-43

(35) Dân chúng đứng nhìn, còn các thủ lãnh thì buông lời chế nhạo: “Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn”. (36) Lính tráng cũng chế giễu Người. Chúng lại gần, đưa giấm cho Người uống, (37) và nói: “Nếu ông là Vua dân Do thái, thì cứu lấy mình đi! (38) Phía trên đầu Người có bản án viết: “Đây là Vua người Do thái”. (39) Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người: “Ông không phải là Đấng Ki-tô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!”. (40) Nhưng tên kia mắng nó: “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà có Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! (41) Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!”. (42) Rồi anh ta thưa với Đức Giê-su: “Ông Giê-su ơi! Khi vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” (43) Và Người nói với anh ta: “Tôi bảo thật anh: Hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên Thiên đàng”.

Trong câu chuyện chiếc nhẫn tình yêu: hình chạm và dòng chữ: “Anh không còn gì để cho em hơn nữa” rất phù hợp với ý nghĩa của Thánh lễ Chúa Giê-su Vua hôm nay. Bởi vì trên thập giá, Đức Giê-su đã cho chúng ta mọi sự Người có là tình yêu và mạng sống của Người. Người đã chứng tỏ tình yêu tột cùng với chúng ta khi nói với các môn đệ: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình” (Ga 15,13).
Lời Chúa hôm nay cho thấy Đức Giê-su trên thánh giá như một ông Vua ngự trên ngai vàng. Hầu hết những kẻ hiện diện do đã quen hình ảnh một ông vua trần tục nên không nhận ra Đức Giê-su là ông Vua Mê-si-am nên có thái độ khác nhau: Dân chúng đứng nhìn, còn các thủ lãnh thì buông lời chế nhạo… Lính tráng cũng chế giễu Người. Hai tên gian phi thì một kẻ nhục mạ Người, còn kẻ tin Chúa thì bênh vực và cầu xin Người thương xót nên đã trở thành người đầu tiên nhận được ơn cứu độ của Người.

Nếu chúng con chỉ nhìn Chúa vác thập giá và tuyên xưng Chúa là Vua thì chưa đủ.
Nếu chúng con chỉ ca ngợi Chúa trong thánh lễ hôm nay mà thôi thì cũng chưa đủ.
Chúng con còn phải yêu mến và sống chết cho Chúa, phải chu toàn bổn phận làm cho Vương quốc của Chúa mau trị đến.
Xin cho chúng con biết luôn quên mình và chấp nhận vác thập giá là những bệnh tật, những con người trái tính trái nết sống chung quanh, là những tai nạn rủi ro chúng con gặp phải trong cuộc sống… mà bước theo chân Chúa. Nhờ đó, hy vọng chúng con sẽ trở nên những môn đệ trung tín và khôn ngoan của Chúa, sẽ được Chúa nói trong giờ chết: “Ta bảo thật, hôm nay, con sẽ được ở với Ta trên Thiên đàng”.

Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2019

Sự sống sau khi chết


Kết quả hình ảnh cho suy niệm tin mừng Lc 20,27-40"

Thứ bẩy 23/11/2019 - Tuần 33 TN
Lời Chúa : Lc 20, 27-40

Khi ấy, có mấy người thuộc phái Sađốc, là những người chối không tin có sự sống lại, đến gần Chúa Giêsu hỏi Người rằng: "Thưa Thầy, Môsê đã viết cho chúng tôi: nếu ai có một người anh cưới vợ, rồi chết đi mà không có con, thì người em phải cưới người vợ đó để anh mình có kẻ nối dòng. Vậy có bảy anh em: người thứ nhất cưới vợ, rồi chết mà không có con. Người kế tiếp cưới vợ goá đó, rồi cũng chết không con. Người thứ ba cũng cưới người vợ goá đó. Và tất cả bảy người đều cưới như vậy và đều chết mà không để lại người con nào. Sau cùng người thiếu phụ đó cũng chết. Vậy đến ngày sống lại, người đàn bà đó sẽ là vợ ai trong các người ấy, vì tất cả bảy người đều lấy người ấy làm vợ?" Chúa Giêsu trả lời rằng: "Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, song những ai sẽ xét đáng được dự phần đời sau và được sống lại từ cõi chết, thì sẽ không cưới vợ lấy chồng; họ sẽ không thể chết nữa, vì họ giống như thiên thần, họ là con cái Thiên Chúa: vì họ là con cái của sự sống lại. Về vấn đề kẻ chết sống lại, thì Môsê trong đoạn nói về Bụi gai, khi ông gọi Chúa là Thiên Chúa Abraham, Thiên Chúa Isaac, và Thiên Chúa Giacóp. Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống, vì mọi người đều sống cho Chúa".Bấy giờ có mấy luật sĩ lên tiếng thưa Người rằng: "Lạy thầy, Thầy dậy đúng lắm". Và họ không dám hỏi Người điều gì nữa.

Cuộc đời con người có vẻ như chấm dứt bằng cái chết.
Một triết gia Ðức bảo con người sinh ra để chết.
Cái chết là số phận của mỗi người, nhưng nói chung ai cũng muốn sống.
Kitô giáo cho rằng con người sinh ra là để sống mãi.
Cái chết chỉ là cánh cửa mở vào cõi vĩnh hằng.
Một số tôn giáo tin rằng đời người có nhiều kiếp.
Kitô giáo chỉ nhận có một cuộc đời ta đang sống.
Chính cuộc đời duy nhất này định đoạt số phận vĩnh cửu của ta.
Không có một cơ hội thứ hai để làm lại.
Chính vì thế phải sống hết mình cho đời này để đáng hưởng hạnh phúc đời sau.
Ðời sau mãi mãi là một mầu nhiệm.
Chẳng ai chụp hình được thiên đàng hay hỏa ngục.
Người đã khuất cũng không trở lại để kể ta nghe.
Bởi thế, nhiều người không tin có đời sau.
Cả những tín hữu cũng bị cuốn hút bởi vật chất, và sống như thể chỉ có đời này.
Ðời sau là chuyện ở đâu đó, hoàn toàn xa lạ.
Người thuộc phái Xađốc tin rằng sau cái chết linh hồn con người vất vưởng như cái bóng nơi âm phủ.
Âm phủ là nơi tối tăm, buồn chán, thiếu sự sống.
Người Pharisêu lạc quan hơn, cho rằng đời sau là sự kéo dài của đời này.
Người ta sống như trước, nhưng tràn trề hạnh phúc.
Ðức Giêsu vén mở cho ta phần nào bức màn đời sau.
Ðời sau khác hẳn đời này.
Người ta không cưới vợ lấy chồng, không cần con nối dõi, nhưng sống như các thiên thần nghĩa là chỉ lo phụng sự và ca ngợi Thiên Chúa.
Ðời sau là nơi không còn bóng dáng của thần chết.
Người ta thoát khỏi quy luật thông thường của lẽ tử sinh.
Toàn bộ con người được sống lại: cả hồn lẫn xác.
Thân xác tuy đã tan thành tro bụi theo thời gian, nhưng sẽ được biến đổi một cách kỳ diệu để chung hưởng hạnh phúc với linh hồn.
Trong tháng cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời, chúng ta nghĩ đến cái chết và đời sau.
Cái chết dạy tôi biết cách sống.
Ðời sau kéo tôi ra khỏi những hạnh phúc giả tạo, và những nỗi khổ đau do mê lầm.
Tôi đang đi về đời sau để gặp Ðấng mà tôi đã tin yêu suốt đời.
Tất cả cuộc hành trình đều phải hướng về nguồn cội.
Chúng ta đã được dựng nên cho Thiên Chúa, và chúng ta còn khắc khoải mãi cho đến khi gặp được Ngài.


Tâm tình :
Lạy Chúa Giê su khi ra thăm nghĩa địa, khi vào viếng phòng hài cốt, con hiểu rằng mình phải có lòng tin lớn lao mới dám nghĩ một ngày nào đó những thân xác hư hoại này sẽ sống lại.
Con người trở về bụi tro, nhưng bụi tro sẽ trở lại làm người, vì con người sinh ra là để bất tử như Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, trần gian này quá đẹp khiến con mải mê, quên mình là lữ khách; thiên đàng lại xa xôi, chẳng có chỗ trong con. Con loay hoay vun vén cho đời sống cá nhân, như thể con sẽ sống mãi trên mặt đất. Xin khơi dậy nơi con niềm khát khao những điều cao cả. Xin đừng để con mãn nguyện với những cái tầm thường. Ước gì Chúa cho con nếm chút vị ngọt ngào của trời cao, khi con quên mình để sống cho anh em trên mặt đất. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.


Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2019

Máu vẫn rơi...


Suy niệm Tin Mừng Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên Năm chẵn

Tại nước Ái Nhĩ Lan, sự dằng co xung đột giữa công giáo và tin lành đã trở thành một thứ thánh chiến! Bom đạn vẫn không ngưng, cuộc chiến tai ác, tàn khốc mỉa mai giữa những người đã có mang danh trên thế giới là những môn đệ sùng mộ Đạo của Chúa Kitô?

Thảm kịch những người kitô hữu bị cầm tù bách hại lại đang tái diễn ra hôm nay tại Nam Mỹ. Qua truyền thanh, truyền hình thế giới tân tiến được chứng kiến cảnh tượng giết chóc nầy mỗi buổi chiều trong phòng ăn của họ qua các thiên phóng sự thật chi tiết và chính xác! Máu đang chảy tại Nam và Trung Mỹ vì nơi đây giáo hội công giáo địa địa phương đang làm sự cải tổ từ trong lòng giáo hội, cải tổ khỏi những bất công đàn áp , bóc lột những người nghèo, những người lảnh đạo giáo hội địa phương nầy đã đứng về phía những người nghèo khổ và bị bốc lột, đòi lại nhân phẩm và quyền lợi cho những người con cái của Chúa đang bị chính các người đồng hương và đồng đạo của mình đóng đinh trong cuộc đời nghèo đói thiếu nhân phẩm của con người. Nhưng thương thay, cuộc tranh đấu nầy bị chính quyền và những người kitô hữu giàu có khác phản đối và ngăn cấm! Thế là máu lại đổ, những thân xác của những con người con Chúa lại bị súng đạn của chính quyền công giáo và những ông trùm a-phiến giáng xuống thê thảm! Cả thế giới đều nhìn thấy những cảnh giết chóc dã man nầy! Nhưng thế giới đã trở thành thui chột và đui mù! Thế giới làm ngơ trước sự bất công và đàn áp dã man! Nhiều vị gíam mục, linh mục, tu sĩ, nữ tu đã bị thảm sát! Theo thống kê cho biết, trong khoảng 1968 và 1979 có trên 1,500 người giáo dân phải cầm tù, bị hành hạ hoặc thủ tiêu tại các nước Puebla, tại Paragay và Bolivia..

Bên cạnh sự cầm tù, giết chóc sát hại những vị lãnh đạo phong trào tranh đấu cho những người bị bóc lột khai thác, chính quyền địa phương còn dùng đến những chiến thuật theo dõi đường đi nước bước của các vị lãnh đạo phong trào, đặc biệt các hội dòng có cơ sở truyền giáo hoạt đông trong vùng chẳng hạn như dòng Tên, Dòng Đaminh, Dòng Dâng Hiến! Các chính quyền địa phương đã xử dụng đến những dụng cụ tinh tế của cơ quan tình báo CIA của Hoa Kỳ để biết những tin tức chính xác về các hoạt động tôn giáo xã hội trong vùng. Ngoài ra, các chính quyền địa phương còn dùng những phương thế gian xảo, như gài người vào các tổ chức của các nhóm hoạt động để gây ảnh hưởng xấu, hoặc để tung ra những báo cáo láo, những loại thư rơi nhằm làm bẩn tên tuổi, bôi nhọ các nhân vật sáng gía để làm nhục cho giáo hội!

Ngoài ra, chính quyền địa phương còn cho người gài khí giới đạn dược vào nhà các linh mục tu sĩ để rồi lấy cớ vu oan hoặc bắt giam họ vì tội tàng trử khí giới bất hợp pháp! Những mưu mô trên và muôn vàn chiến thuật dơ bẩn khác do chính quyền địa phương và các chúa trùm A-phiến bày ra để triệt hạ những người tranh đấu cho nhân phẩm và quyền lợi của người dân nghèo


Thứ sáu 22/11/2019 - Tuần 33 TN
Lễ Thánh Cêcilia, trinh nữ tử đạo
Lời Chúa : Lc 19, 45-48

Khi ấy, Chúa Giêsu vào đền thờ, Người liền xua đuổi các người buôn bán tại đó và phán bảo họ rằng: “Có lời chép rằng: Nhà Ta là nhà cầu nguyện, các ngươi đã biến thành sào huyệt trộm cướp”. Và hằng ngày Người giảng dạy trong Đền thờ. Các thượng tế, luật sĩ và kỳ lão trong dân tìm cách hại Người, nhưng họ không biết phải làm cách nào, vì dân chúng hết thảy đều chăm chú nghe Người.

Lý do chính Chúa Giêsu tức giận vì họ đã lợi dụng tôn giáo để bắt chẹt dân nghèo, nên Ngài vào Đền Thờ, bắt đầu đuổi những kẻ đang buôn bán và nói với họ: “Đã có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ là Nhà Cầu Nguyện, thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp. Chúa Giêsu đã gọi những kẻ lợi dụng tôn giáo để bắt chẹt dân nghèo đó là quân trộm cướp, kẻ cướp hợp pháp, cướp công khai.
       Ngày nay, với một xã hội đã bị tục hoá, ta thấy chung quanh thánh đường ở các giáo xứ đã mọc lên rất nhiều hàng quán nằm ngoài khuôn viên các thánh đường. Nó cũng gây nên nhiều sự phức tạp, ồn ào, cản trở giao thông nhưng dù sao nó cũng nằm ngoài một ranh giới nhất định
      Mua bán những lễ vật để đem vào dâng trong đền thờ không phải là thờ phượng đích thực. Nghĩ rằng dâng lễ vật tức là thờ phượng Chúa thì càng sai hơn nữa. Bởi đó Chúa Giêsu đã đánh đuổi những người mua bán lễ vật. Thờ phượng đích thực là lắng nghe và thực hành Lời Chúa.
      Đền Thờ được nói tới đây không chỉ thuần túy là Đền Thờ tại Giêrusalem, nhưng được mở rộng tới tất cả Đền Thờ tại các nơi trên thế giới, tới cả Đền Thờ của gia đình và của mỗi cá nhân, vì như lời Thánh Phaolô, “thân xác anh em là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần”
      Như vậy chính thân xác của ta là Đền thờ Chúa Thánh Thần, ta hãy quý trọng thân xác mình vì nó đã được thánh hiến cho Thiên Chúa khi ta chịu Phép Rửa tội, ngay từ giờ phút đó ta đã thuộc về Thiên Chúa, Ngài đã dùng chính cái chết của Đức Giêsu để kéo ta ra khỏi sự chết, khỏi vòng nô lệ tội lỗi. Vậy ta phải làm gì với đối với Đền thờ này? Ta hãy nghe Thánh Phaolô khuyên bảo: “Anh em hãy tránh xa tội gian dâm. Mọi tội người ta phạm đều ở ngoài thân xác mình, còn kẻ gian dâm thì phạm đến chính thân xác mình.” (1 Cr 6, 18).

Lạy Chúa Giê su, có biết bao người đang bị bách hại vì Chúa, xin cho họ luôn biết tín thác hoàn toàn vào trong bàn tay yêu thương và quan phòng của Chúa và biết biến cuộc đời của họ nên những viên đá sống động xây dựng nên ngôi đền thờ thiêng liêng, nơi gặp gỡ Chúa. Lạy Chúa, trong ngày nhà giáo Việt Nam, xin Chúa ban cho những nhà giáo dục ơn khôn ngoan và sự đạo đức ngõ hầu họ có thể đào tạo nên những thế hệ học trò giỏi tri thức và sáng lương tâm. Amen.