Thứ Ba, 19 tháng 11, 2019

Người đã thấy tôi



Kết quả hình ảnh cho chuyện người nghèo được ơn cứu độ"

Kỳ hè vừa rồi, tôi đi giúp mục vụ tại một giáo xứ miền núi thuộc hạt Hương Khê, Hà tĩnh, Giáo phận Vinh. Một trong những công việc tôi đảm trách là giảng dạy lớp giáo lý tiền hôn nhân (học viên tuổi đời từ 18 đến 25). Số lượng học việc do tôi phụ trách là 135 người.
Thành phần học viên, trình độ, khá chênh lệch nhau, họ là những người nhà quê, ít học, thậm chí có những phần tử không được giáo dục tử tế, nên có vài người trong số đó thuộc thành phần bất hảo trong giáo xứ. Tôi chú ý đến hai chàng thanh niên, ăn mặc, tóc tai khá kỳ quái.
Quần áo thì đầy đủ nhưng nút cài bao giờ cũng thiếu, vì chỉ cài đại diện vài nút phía dưới còn lại để trưng bày da thịt đàn ông của mình; tóc thì một nửa là “rừng già”, còn nửa kia là “đồi trọc”. Đây là hai thanh niên có nhiều “chiến tích” tai tiếng trong vùng.
Nói chung đối với nhiều người, họ là những kẻ chướng tai, gai mắt, nếu không muốn nói là tội đồ. Tôi đến với họ bằng một sự ân cần tôn trọng, gần gủi, cảm thông qua những buổi học. Tôi đến thăm gia đình họ.
Sau cuộc thăm viếng của tôi. Họ rất vui và tự hào, họ đi khoe (nói chuyện) với rất nhiều người: “hôm nay tôi được thầy đến thăm gia đình”. Tôi nhận thấy họ bắt đầu thay đổi. Họ siêng năng đi dự lễ hàng ngày, họ xưng tội, rước lễ, sống dễ thương, gần gủi hơn với nhiều người.
Dĩ nhiên việc sát hạch cuối khóa học của tôi dành cho những học viên này nhẹ nhàng hơn những thành viên khác. Họ cảm thấy rất hạnh phúc, vì họ được trân trọng và quý mến, họ bắt đầu tử tế với cuộc đời, với mọi người.
Từ kinh nghiệm về mẫu chuyện có thật trong khi đi mục vụ này tôi cảm thấy thấm thía hơn về sự đổi đời của ông Da kêu sau khi được gặp Đức Giêsu và được Ngài đến trọ nhà mình.

Thứ ba 19/11/2019 - Tuần 33 TN
Lời Chúa : Lc 19,1 – 10

1 Sau khi vào Giê-ri-khô, Đức Giê-su đi ngang qua thành phố ấy.2 Ở đó có một người tên là Da-kêu; ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có.3 Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giê-su là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn.4 Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giê-su, vì Người sắp đi qua đó.5 Khi Đức Giê-su tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông: “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông! “6 Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người.7 Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ! “8Ông Da-kêu đứng đó thưa với Chúa rằng: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.”9 Đức Giê-su mới nói về ông ta rằng: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham.10 Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.”

Đối với Chúa, tất cả đều là hiện tại, là “HÔM NAY”! Chúa không nhìn quá khứ của một người để phán xử. Cụ thể, với quá khứ của một người bị coi là ngập ngụa trong gian dối, tội lỗi như người thu thuế Giakêu, Chúa không xét đến. Chúa chỉ cần biết đến giây phút hiện tại của cuộc sống người ta mà tìm cách hoán cải và cho họ được đụng chạm đến tình thương ơn cứu độ của Ngài. Giakêu có một qua khứ chẳng tốt đẹp gì, nhưng “HÔM NAY”, giây phút hiện tại này, ông lại có lòng khao khát được gặp Chúa. Biết mình “thấp bé nhẹ cân” sẽ bị chìm ngập trong đám đông, không có cơ hội được gặp Chúa, nên ông đã trèo lên cây sung để được thấy Ngài. Đáp lại, Chúa muốn đến nhà ông ngay “HÔM NAY”, ngay thời điểm hiện tại.

Khi được Chúa viếng thăm, thì tự khắc cuộc đời ông được biến đổi. Chúa không cần bảo ông phải làm điều này hay làm điều kia, nhưng khi được đụng chạm đến lòng thương xót của Chúa thì ông tự biết phải làm gì. Cụ thể, từ trước tới nay ông bám víu vào vật chất thế gian này, thì nay ông để những thứ đó qua một bên ngõ hầu chỉ còn biết cậy dựa vào tình thương của Chúa. Ông nói với Chúa: “Này đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi cưỡng đoạt của ai cái gì, tôi đền gấp bốn.” Ông không chỉ thực hiện theo đúng phép công bằng mà luật Torah đã dạy là đền gấp bốn những gì mình làm thiệt hại cho người khác, mà ông còn sống tình bác ái với người nghèo khi chia phân nửa gia tài của mình cho họ. Nói tóm lại, vừa chia vừa trả như thế, cuối cùng xét ra ông chẳng còn gì; ông chỉ còn lại tình thương ơn cứu độ của Chúa.

Quá khứ của bạn và tôi nhiều khi cũng chẳng ra gì, nếu không muốn nói là ngập ngụa trong đam mê, yếu đuối và tội lỗi. Nhưng ngay ngày “HÔM NAY”, ngay giây phút hiện tại này, Chúa đang đến gõ cửa lòng của mỗi người chúng ta. Chúng ta có vui mừng đón Chúa đến ngôi nhà tâm hồn chúng ta như ông Giakêu hay không? Và khi mở cửa lòng đón Chúa vào, ta có chấp nhận chỉ để duy nhất một mình Chúa ngự trị trong cõi lòng ta, chứ không phải là những thứ khác ở trần gian này? Một khi chấp nhận hoán cải trước cuộc viếng thăm của Chúa, thì lòng ta sẽ không còn vướng bận gì cả và ta có thể sống thong dong, sống đầy tình bác ái, vị tha với những người quanh ta. Và như thế Chúa sẽ nói với ta như nói với ông Giakêu ngày xưa: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này!”

Lạy Chúa Giê su, không phải chỉ một mình Gia-kêu được Chúa biểu lộ mối quan tâm và trao cho cái nhìn trìu mến, đầy khích lệ, cảm thông, mà tất cả, mỗi người chúng con vẫn nằm trong trái tim yêu luôn chờ đợi khắc khoải của Chúa. Lời đề nghị đến trọ nhà của Chúa đã khiến cho Ông Gia-kêu tràn ngập vui mừng và hân hoan đón Chúa. Chắc chắn sự tiếp đón Chúa của Ông đã vô cùng trang trọng và đãi đằng thịnh soạn bởi niềm vui cao dâng và vỡ tràn thành hành vi sám hối. Ngày nay Chúa vẫn mong mỏi được ngụ trong nhà của con và cho dù nhà con, tâm hồn con đầy nhơ nhớp, bất xứng, Chúa cũng không nề hà sẵn sàng vào trọ. Xin cho chúng con cảm nghiệm được ân huệ to lớn này để sẵn sàng dọn lòng đón Chúa với lòng hân hoan vui mừng. Xin cho chúng con có được niềm tin, tình yêu và lòng hoán cải như Gia-kêu, để cuộc đời mỗi người chúng con có một bước ngoặt đổi mới đáp lại tình yêu, lòng xót thương và ơn cứu độ của Chúa. Amen

Không có nhận xét nào: