Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2019

Máu đào đã đổ...


Kết quả hình ảnh cho suy niệm tin mừng chúa nhật 33 thường niên c"

Xin mua được một linh hồn.
Thế kỷ 19, khi cơn cấm đạo nổi mạnh trên tỉnh Thanh hoá, một hôm, người ta dẫn đến trước mặt quan án một thiếu niên 17 tuổi – tên là MỚI – Thấy mặt mũi khôi ngô tuấn tú, quan động lòng thương.

- MỚI - quan nói – con cứ đạp thánh giá đi, rồi ta sẽ ban thưởng một nén bạc.
- Bẩm quan lớn, một nén bạc chưa là gì.
- Được, ta sẽ ban một nén vàng. Con hãy đạp Thánh giá đi.
- Ồ, bẩm quan lớn, một nén vàng cũng vẫn còn ít quá.
- Sao ? quan sửng sốt, quát : Thế còn chưa đủ ư ? Vậy mày muốn bao nhiêu ?
- Bẩm, nếu quan lớn muốn tôi đạp Thánh giá, thì xin quan lớn hãy cho tôi cái gì có thể mua được một linh hồn khác đã...
Và người thiếu niên bình tĩnh bước vào pháp trường với dáng vẻ anh dũng tươi cười. 

Chúa nhật 17/11/2019
Kính trọng thể các Thánh tử đạo Việt Nam
Lời Chúa :  Lc 9,23-26
Khi ấy, Đức Giê-su nói với mọi người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì? Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần.

Đây là lời mời gọi của Đức Giêsu, ai muốn theo thì theo, một lời mời gọi hoàn toàn tự nguyện. Thánh Augustinô viết rất hay về điều này, ông nói: “Chúa dựng nên con không cần có con, nhưng Chúa không thể cứu chuộc con nếu không không có sự cộng tác của con”. Vâng Thiên Chúa không bao giờ ép buộc con người, mặc dù Ngài dựng nên họ, Ngài luôn tôn trọng tự do con người, vì Ngài là Người Cha nhân lành chứ không phải là bạo chúa. Tình yêu luôn đòi hỏi phải có sự tự do ưng thuận chứ không thể ép buộc miễn cưỡng.
       Trong cuộc đời có nhiều thứ mà ta phải từ bỏ, phải buông bỏ: Từ bỏ đời sống tiện nghi vật chất, từ bỏ tiền bạc, phú quý, từ bỏ danh vọng, chức vị, từ bỏ cái ghế quyền lực đang ngồi, từ bỏ cả cha mẹ, vợ con, gia đình, …. nói chung nhiều thứ phải từ bỏ lắm.
        Nhưng từ bỏ chính mình, là cái từ bỏ quyết liệt nhất, nó là sự từ bỏ tận cùng.
Các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã từ bỏ tất cả những thứ mà ta đã nêu, ngay cả từ bỏ mạng sống mình và thay vào đó là cái chết.
     Các cuộc chiến khác, cho dù có khốc liệt đến đâu, nó vẫn không là gì so với cuộc chiến nội tâm này, vì nó xảy ra ở bên ngoài, còn cuộc chiến nội tâm nó xảy ra trong chính con người của ta.
     Nếu có ai đó từng hối hận về việc mình đã làm, từng day dứt, từng khóc về những gì mình đã làm, họ sẽ hiểu cuộc chiến nội tâm là gì. Những giọt nước mắt ăn năn, những sự dằn vặt day dứt, nó cho biết ta đã thua trong cuộc chiến đó. Nhưng nó lại là tia hy vọng, là bước tiến dài trên con đường nhân đức. Nếu ai chưa bao giờ khóc vì lỗi lầm của mình, coi chừng ta chưa thể trưởng thành vì ta chưa nhận ra con người thực của mình, một con người đầy yếu đuối.
       Đức Giêsu đòi hỏi ai muốn theo Ngài, thì việc đầu tiên phải làm, đó là Từ bỏ chính mình. Đó là từ bỏ “con người xấu” đang ở trong mình. Sự từ bỏ đó không dễ chút nào, ta hãy nhìn vào gương thánh Phaolô để có một nhận thức về nó. Đó sẽ là sự từ bỏ khốc liệt và đầy kịch tính.
      Các thánh Tử Đạo VN mà ta mừng kính hôm nay đã từ bỏ chính mình hoàn toàn theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng và vác thập giá mình theo Đức Giêsu. Đó là những tấm gương cho mỗi người chúng ta, họ cũng là những con người bình thường như chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm lòng tin cho chúng con để chúng con can đảm, hăng say phục vụ vì chính khi chết đi là khi vui sống muôn đời. Xin lảm cho chúng con trở nên những chứng nhân kiên trì, những chứng nhân bất khuất không chịu đầu hàng trước những bách hại, trước những đòn vọt, trước trăm ngàn sự thử thách. Amen.

Đọc thêm :
Hôm nay toàn thể Giáo hội Công giáo Việt Nam long trọng mừng kính các Thánh Tử đạo tại Việt nam, một ngày lễ đem lại niềm vui và một hào khí thúc đẩy người tín hữu Việt Nam theo gương các Thánh mà làm chứng cho Chúa trong cuộc sống hằng ngày.

Theo sử liệu, hạt giống đức tin đã được gieo rắc trên quê hương đất nước chúng ta với sự hiện diện của một thừa sai là giáo sĩ Inikhu vào năm 1533. Công cuộc truyền giáo mới ở trong giai đoạn khởi đầu mà đã bị thử thách nặng nề với cái chết vì đạo của chân phước Anrê Phú yên vào năm 1544. Từ đây Giáo hội Việt Nam phải trải qua nhiều thời kỳ chịu bách hại, có lúc đẫm máu, qua các thời đại các vua nhà Nguyễn là Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức, đặc biệt với nhóm Văn Thân.Nhà cầm quyền thời đó đã dùng mọi hình phạt dã man để khủng bố tinh thần các thánh Tử đạo Việt Nam, nhưng các Ngài đã anh dũng chịu đựng vì Chúa. Không có hình phạt nào có thể tách rời các Ngài ra khỏi tình yêu của Chúa. Chúng ta hãy xem một số hình phạt man rợ và bất công đó :

- Bá đao : bị lý hình dùng dao cắt xẻo từng miếng thịt trên thân thể cho đủ 100 miếng. Cách chết này có một vị.
- Lăng trì : chặt chân chặt tay trước khi bị chém đầu. Cách chết này có 4 vị.
- Thiêu sinh : bị thiêu sống. Chết cách này có 6 vị.
- Xử trảm : bị chém đầu. Chết cách này có 75 vị.
- Xử giảo : bị tròng dây vào cổ và bị lý hình kéo hai đầu dây cho đến chết. Cách chết này có 22 vị.
- Chết rũ tù : bị tra tấn, hành hạ đủ cách đủ kiểu, rồi bị bỏ đói cho tới khi kiệt sức và chết gục trong tù. Chết cách này có 9 vị.
     Cũng nên biết qua về kế họach PHÂN SÁP của vua Tự Đức, một kế họach hết sức thâm độc!
Nhưng cũng để cho chúng ta biết rằng trong mọi biến cố lúc nào cũng có bàn tay quan phòng của Chúa, sự khôn ngoan của lòai người chỉ là sự điên rồ trước mặt Thiên Chúa.
Kế họach Phân Sáp được Vua Tự Đức cho thi hành vào năm 1851 và 1856.

Do sự thi hành kế họach Phân Sáp này mà gần 400.000 giáo dân phải bị đi phân sáp, trong đó có từ 50.000 đến 60.000 giáo dân phải chết nơi phân sáp, 100 làng công giáo bị tàn phá bình địa, 2000 họ đạo bị tịch thu tài sản ruộng đất, 15 Linh mục Việt nam và 10 giáo sĩ ngọai quốc bị giết, 80 Dòng Mến Thánh Giá bị phá tan, 2000 nữ tu Mến Thánh giá phải tan tác, 100 nữ tu Mến Thánh giá chết vì Đạo.
Kế họach phân sáp gồm bốn mặt :
- Mặt thứ nhất, không cho người công giáo ở trong làng công giáo của mình, nhưng phải đến ở trong các làng bên lương.
- Mặt thứ hai, mỗi người công giáo phải bị năm người lương canh giữ cẩn mật.
- Mặt thứ ba, các làng công giáo bị phá hủy, của cải ruộng đất của người công giáo bị tịch thu và giao vào tay những người bên lương, những người này sử dụng và nộp thuế lại cho Nhà Nước.
- Mặt thứ bốn, không cho người đàn ông công giáo ở một nơi với người đàn bà công giáo, không cho vợ chồng công giáo ở với nhau, mỗi người phải đi ở một nơi xa nhau, con cái của người công giáo thì phải để cho gia đình người lương nuôi.
      Đây là một kế họach rất sâu độc, nhằm tiêu diệt Giáo hội Việt Nam tận gốc rễ. Nhưng bàn tay Chúa dẫn đưa lạ lùng : các triều đại nhà Nguyễn không còn nữa, mà Giáo hội Việt Nam, hiện nay, vẫn còn lớn mạnh và phát triển không ngừng (Theo Internet).

Có nhiều lý do dẫn đến cảnh bách hại : vì ghen tương đố kỵ, hiểu lầm hay do những nguyên nhân chính trị. Trong vòng 300 năm, Hội thánh Việt Nam đã dâng cho Chúa một số chứng nhân anh dũng, đã nhận lấy cái chết để làm chứng và tỏ lòng trung thành với Chúa Kitô. Con số thực sự của các tử đạo tại Việt Nam cũng không có được thống kê chính xác, chỉ biết rằng con số này rất đông, từ 100.000 đến 130.000 người. Các tử đạo tại Việt Nam cũng rất đa dạng, gồm đủ mọi thành phần trong dân Chúa và ngành nghề xã hội : các Giám mục, Linh mục, Linh mục thừa sai Pháp và Tây Ban Nha, bên cạnh các Linh mục là chủng sinh, thầy giảng và giáo dân, có những cụ già và thanh niên, thiếu niên, binh lính, thầy thuốc, quan chức....
        Giáo hội Việt Nam tuy còn non nớt, còn đang trên đà truyền giáo, nhưng ngày 19.06.1988 Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tôn phong lên bậc hiển thánh 117 chứng nhân anh dũng và đưa vào niên lịch chung để mừng kính trong toàn thể Giáo hội vào ngày 24 tháng 11 hằng năm, cũng là ngày kỷ niệm thành lập hàng giáo phẩm tại Việt Nam vào năm 1960.
     Theo nghĩa này thì Đức Kitô chính là một vị tử đạo đích thực. Và chỉ duy có Ngài mới xứng đáng danh hiệu đáng kính này. Trong cuộc sống của Ngài tại trần thế và nhất là trong cái chết đẫm máu của Ngài trên thập giá, Ngài đã làm chứng hùng hồn về lòng trung thành của Ngài đối với sứ mạng Cha Ngài giao phó. Ngài không những đã biết trước cái chết mà Ngài còn tự ý chấp nhận như một tác động tôn kính hoàn hảo nhất mà Ngài đã thực hiện để tôn kính Cha Ngài. Và khi Ngài bị kết án, Ngài đã tuyên bố :”Ta đến trong trần gian này để làm chứng cho sự thật”.

Như thế chúng ta đủ hiểu cuộc sống Ngài tại thế và cái chết của Ngài chính là những tác động mang ý nghĩa tử đạo : đó là hiến mạng sống để trung thành làm chứng cho sứ mạng Cha Ngài trao phó và làm chứng cho sự thật.

Không có nhận xét nào: