Một lần kia trong dịp sinh hoạt học trò, một giáo lý viên đặt câu hỏi: “Khi yêu nhau người ta cần gì nhất?”một số ít học trò cho rằng: Cần thông cảm, cần có tài chánh ổn định, cần những món quà kỷ niệm, cần những lá thư tỏ tình…. Nhưng phần lớn đồng ý với câu trả lời: “Khi yêu nhau người ta cần nhau”. Vâng, đó là một sự cảm nhận đúng đắn nhất của các tình nhân. Khi họ yêu nhau, những thứ thư từ, quà cáp, tiền bạc, lời nói… chỉ là những thứ phụ thuộc, điều họ cần chính là con người của nhau, cần hiến dâng hoàn toàn cho nhau, cần được kết hợp với nhau tuy hai mà một…, và đó cũng là chất thể của Bí Tích Hôn Nhân. Hơn ai hết, Chúa Giêsu là Vua Tình Yêu, Người quá thấu hiểu sự thiếu thốn của con người là đối tượng yêu của Người. Những lời nói, hành động của Người để lại thật quý, nhưng có gì quý hơn và con người cần hơn? Có gì minh chứng tình yêu hơn là sự trao ban chính thân mình Người cho con người?
Xin mời Bạn cùng đọc Lời Chúa sau đây :
Thứ năm Tuần Thánh 09/4/2020
Thánh lễ Tiệc ly
Lời Chúa : Ga 13,1-15
Trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng.Ma quỷ đã gieo vào lòng Giu-đa, con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt, ý định nộp Đức Giê-su. Đức Giê-su biết rằng: Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về cùng Thiên Chúa, nên trong một bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giê-su đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau. Vậy, Người đến chỗ ông Si-môn Phê-rô, ông liền thưa với Người: “Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân cho con sao? ” Đức Giê-su trả lời: “Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu.” Ông Phê-rô lại thưa: “Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu! ” Đức Giê-su đáp: “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy.” Ông Si-môn Phê-rô liền thưa: “Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa.” Đức Giê-su bảo ông: “Ai đã tắm rồi, thì không cần phải rửa nữa; toàn thân người ấy đã sạch. Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu! ” Thật vậy, Người biết ai sẽ nộp Người, nên mới nói: “Không phải tất cả anh em đều sạch.”Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giê-su mặc áo vào, về chỗ và nói: “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? Anh em gọi Thầy là “Thầy”, là “Chúa”, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.
“Yêu đến cùng”, diễn tả tính chung thủy của tình yêu. Chúa Giêsu yêu cho đến chết, cho đến giây phút cuối cùng của cuộc đời trần thế, đến mức không thể nào yêu thương hơn được nữa. Ngài đã hiến mình làm của ăn cho con người và đã chịu chết cho con người. “Yêu đến cùng”, còn diễn tả tính thăng hoa. Ngài thăng hoa trên tất cả những gì con người có thể nghĩ ra để bày tỏ tình yêu. Ngài yêu đến nỗi quên rằng mình là Chúa, là Thầy, không quản ngại cúi xuống rửa chân cho các tông đồ, và rửa chân cho họ theo cung cách như một người đầy tớ quỳ xuống rửa chân cho chủ. Hôm nay, Chúa Giêsu cũng muốn rửa chân cho mỗi người. Ngài rửa chân cho con người bằng chính Lòng Chúa Thương Xót, được tỏ bày ra bằng sự tôn trọng con người, bằng việc trao ban cả mạng sống của Ngài để con người cảm nhận được Lòng Chúa Thương Xót là hạnh phúc cứu độ của con người. Qua hành động Rửa Chân, Chúa Giêsu đã làm gương trước và mời gọi con người cũng yêu thương và khiêm nhu phục vụ nhau theo mẫu thức “yêu như Thầy đã yêu”, “làm như Thầy đã làm”. Khi “cử hành việc rửa chân”, Ngài “rửa chân” để người khác được lớn lên, được sống xứng nhân phẩm, xứng địa vị là con cái Thiên Chúa; và tiên quyết, chắc hẳn Ngài đã “thứ tha”. “Thứ tha” là sức mạnh để Kitô hữu hôm nay “cử hành” được lệnh truyền của Thầy Chí Thánh Giêsu.
Tâm tình :
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, Giữa nói và làm đôi khi có một khoảng cách không vượt qua được. Chúng con nói rằng mình yêu mến Chúa thì dễ, nhưng khi con thể hiện cụ thể tình yêu đó thì quả thật là khó. Nở một nụ cười tha thứ cho một người vừa xúc phạm đến mình, cúi lượm cọng rác người bạn vừa ném bừa bãi trong lớp học, hay giúp người bị ghẻ lở đầy mình kia đi tắm, hoặc săn sóc cho một bệnh nhân khó tính. Tất cả đều là những thách thức với tình yêu và lòng đạo đức đích thực của người đồ đệ Chúa Giêsu.Xin cho chúng con biết sống trao ban cách không so đo tính toán, để chúng con nên giống Chúa là Đấng đã trao ban đến tận cùng vì nhân loại, và qua cách sống yêu thương chân thành vì Chúa, mọi người nhận ra chúng con là môn đệ của Ngài. Amen
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét