Gặp Chúa Trong Cuộc Đời
Một trong những trại tù binh lớn nhất mà người Nhật thiết lập cuối thế chiến thứ hai là trại tù bên bờ sông Quế (Kwei river) thuộc tỉnh Kanchanaburi của Thái Lan. Nơi đây đã có tới 12 ngàn tù binh bị chết vì bệnh tật và bị đối xử tàn bạo trong khi họ phải xây dựng một tuyến đường xe lửa.
Đám tù nhân bị cưỡng bức lao động dưới cơn nóng có khi lên tới 490C. Ðầu trần, chân đất họ vác từng thúng đất đá trên vai, để xây dựng cho xong toàn bộ tuyến đường sắt đã được chỉ định. Ðúng là cảnh màn trời chiếu đất theo nghĩa đen, vì họ nằm ngủ trên đất không chăn chiếu. Nhưng kẻ thù số một không phải là cai tù hoặc bọn lính gác, cũng không phải là cuộc sống gian khổ, mà là chính bản thân họ. Theo lời kể lại của tác giả Ngô Văn Ðông (Ernest Gordon) trong cuốn "Ngang qua thung lũng sông Quế" thì vì quá sợ, đám tù binh nói trên mắc chứng hoang tưởng. Họ cư xử với nhau theo luật rừng, lại còn trộm cắp của nhau, ngờ vực và chỉ điểm lẫn nhau. Họ trở nên trò cười đối với bọn lính gác. Bởi lẽ trước kia họ là binh hùng tướng mạnh mà nay trở nên hèn nhát và phá hoại nhau!
Thế rồi một điều xem ra không thể xảy ra đã xảy ra. Số là có hai người trong đám tù nhân đứng ra tổ chức cho các bạn tù thành những nhóm học hỏi Kinh Thánh. Ðiều lạ lùng là đám tù nhân qua đó khám phá ra Chúa Giêsu hiện đang sống động giữa họ. Người hiểu rõ hoàn cảnh của họ. Chính Người cùng chung số phận với họ để cứu họ khỏi cảnh lầm than. Người đã từng chịu đói khát, từng bị phản bội, từng nếm những lằn roi quất trên lưng và cuối cùng bị người ta giết chết. Chính vì Người luôn kết hợp với Cha trong kế hoạch cứu nhân độ thế nên Thiên Chúa đã siêu tôn và đặt Người làm Chúa của mọi người và mọi sự. Thế là tất cả những điều liên quan tới Chúa Giêsu, về con người của Người, về những gì Người nói, những việc Người làm đều tràn đầy ý nghĩa và trở nên sống động đối với chính họ. Ðám tù nhân không còn cho rằng họ là nạn nhân của một tấn bi kịch độc ác nữa. Họ không còn chỉ điểm, không còn phá hoại lẫn nhau nữa. Họ biểu lộ việc hoán cải tự thâm sâu như thấy rõ qua những lời cầu nguyện tự phát. Họ bắt đầu cầu nguyện cho nhau nhiều hơn là cho chính mình. Họ chỉ ước mong để đỡ bị gò bó hầu tự do chia sẻ cho nhau nhiều hơn trong cuộc sống. Dần dà, cả trại được biến đổi đến nỗi không chỉ đám lính Nhật canh gác phải lấy làm lạ mà chính các tù binh cũng hết sức ngạc nhiên!
Một đêm nọ, sau cuộc họp với nhóm học hỏi Kinh Thánh, tác giả Ngô Văn Ðông khập khiễng bước về căn trại của ông. Ðang lúc lần mò trong bóng đêm, ông bỗng nghe có tiếng người ca hát. Ông nhận thấy có người đang dùng một mảnh gỗ gõ vào một chiếc lon thiếc để giữ nhịp. Tiếng mảnh gỗ gõ vào lon thiếc cùng với tiếng hát khiến cho bóng đêm tự nhiên trở nên có sự sống. Ðiều khác biệt giữa tiếng hát vui tươi lúc đó và cái lặng thinh chết chóc của những tháng trước đó giống hệt điều khác biệt giữa sự sống và sự chết, giữa một đám người chia rẽ phá hoại nhau và một lớp người có Chúa Giêsu Phục Sinh linh hoạt ở giữa họ.
Thứ tư 15/4/2020 - Tuần bát nhật Phục sinh
Lời Chúa : Lc 24, 13-35
Cùng ngày thứ nhất trong tuần, có hai môn đệ đi đến một làng tên là Emmaus, cách Giêrusalem độ sáu mươi dặm. Dọc đường, các ông nói với nhau về những việc vừa xảy ra. Đang khi họ nói truyện và trao đổi ý kiến với nhau, thì chính Chúa Giêsu tiến lại cùng đi với họ, nhưng mắt họ bị che phủ nên không nhận ra Người. Người hỏi: “Các ông có truyện gì vừa đi vừa trao đổi với nhau mà buồn bã vậy?” Một người tên là Clêophas trả lời: “Có lẽ ông là khách hành hương duy nhất ở Giêrusalem mà không hay biết những sự việc vừa xảy ra trong thành mấy ngày nay”. Chúa hỏi: “Việc gì thế?” Các ông thưa: “Sự việc liên can đến ông Giêsu quê thành Nadarét. Người là một vị tiên tri có quyền lực trong hành động và ngôn ngữ, trước mặt Thiên Chúa và toàn thể dân chúng. Thế mà các trưởng tế và thủ lãnh của chúng ta đã bắt nộp Người để xử tử và đóng đinh Người vào thập giá. Phần chúng tôi, chúng tôi vẫn hy vọng Người sẽ cứu Israel. Các việc ấy đã xảy ra nay đã đến ngày thứ ba rồi. Nhưng mấy phụ nữ trong nhóm chúng tôi, quả thật, đã làm chúng tôi lo sợ. Họ đến mồ từ tảng sáng. Và không thấy xác Người, họ trở về nói đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng: Người đang sống. Vài người trong chúng tôi cũng ra thăm mồ và thấy mọi sự đều đúng như lời các phụ nữ đã nói; còn Người thì họ không gặp”.Bấy giờ Người bảo họ: “Ôi kẻ khờ dại chậm tin các điều tiên tri đã nói! Chớ thì Đấng Kitô chẳng phải chịu đau khổ như vậy rồi mới được vinh quang sao?” Đoạn Người bắt đầu từ Môsê đến tất cả các tiên tri, giải thích cho hai ông tất cả các lời Kinh Thánh chỉ về Người. Khi gần đến làng hai ông định tới, Người giả vờ muốn đi xa hơn nữa. Nhưng hai môn đệ nài ép Người rằng: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã về chiều, và ngày sắp tàn”. Người liền vào với các ông. Đang khi cùng các ông ngồi bàn, Người cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông. Mắt họ sáng ra và nhận ra Người. Đoạn Người biến mất. Họ bảo nhau: “Phải chăng lòng chúng ta đã chẳng sốt sắng lên trong ta, khi Người đi đường đàm đạo và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta đó ư?” Ngay lúc ấy họ chỗi dậy trở về Giêrusalem, và gặp mười một tông đồ và các bạn khác đang tụ họp. Họ bảo hai ông: “Thật Chúa đã sống lại, và đã hiện ra với Simon”. Hai ông cũng thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào.
Đã có một ngày xa xưa kia, con người chia tay Thiên Chúa và lao mình vào chốn bụi gai chết chóc của cuộc đời. Từ ngày ấy trở đi, nhân loại cứ lầm lũi bước đi trong tăm tối của tội lụy,khổ đau và buồn phiền. Kể từ ngày ấy, nhân loại bị phân mảnh, mạnh ai người ấy sống và kết cục là người ta chia rẽ, phân tranh với nhau và trở nên lạc lõng, bơ vơ, mỗi người mỗi ngả ở giữa cuộc đời này!
Trình thuật Hai Môn Đệ Trên Đường Emmau hôm nay phản ánh cách cụ thể tình trạng đó của nhân loại. Có Chúa Phục Sinh hiện diện, nhưng hai môn đệ coi Ngài như người khách lạ. Và rồi các ông cứ lầm lũi đi trong bóng tối, đồng thời các ông tranh cãi nảy lửa với nhau, bất đồng với nhau, chẳng ai chịu ai!
Nhưng hôm nay là ngày Chúa đã làm ra, ngày mà Chúa quyết ý qui tụ con cái Chúa tản mác khắp bốn phương trời về một mối! Ngài quyết định đồng bàn với hai môn đệ, nghĩa là Ngài quy tụ họ thành một gia đình trong mầu nhiệm hiệp nhất của bí tích tình yêu.
Chúa Phục Sinh vẫn đang có mặt ở giữa cuộc đời của bạn và của tôi. Nhưng biết đâu đấy, chúng ta vẫn coi Ngài là một vị khách lạ và vì vậy tâm hồn ta vẫn lạc lõng, bơ vơ, chán nản và thất vọng ở giữa cuộc đời này!
Như vậy bài học đầu tiên ta nhận được ở đây, phải thật cẩn thận để nhận ra Ngài trong cuộc đời, đừng phản ứng vội vàng và hấp tấp trước mỗi sự kiện, mỗi biến cố xảy đến, đừng sống như người không có niềm tin. Phải thật cẩn thận, rất cẩn thận để nhận ra Ngài.
Lạy Chúa Giê su, xin cho chúng con được gặp Chúa phục sinh, nhất là khi chúng con buồn phiền thất vọng, và biết đem Chúa phục sinh đến cho những người khủng hoảng, thất vọng mất niềm tin vào Chúa phục sinh, cách riêng qua Thánh Kinh và Thánh Thể để chúng con luôn sống trong niềm tin và hi vọng vào Chúa phục sinh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét