“Tôi chẳng thấy Thiên Chúa đâu cả!” Là người đầu tiên trở về từ vụ trụ, Gagarin đã phát biểu như thế. Trái lại, nhà vật lý Ampère khẳng định “con người chỉ vĩ đại khi cầu nguyện”. Còn nhà sinh vật học Luis Pasteur thì vừa di chuyển bằng tàu hỏa vừa lần hạt Mân Côi. Chân lý chỉ thực sự được mạc khải cho những ai khiêm tốn tìm kiếm, còn ai kiếm tìm với thành kiến có sẵn thì sẽ chẳng bao giờ gặp.
Những người cùng quê Nadarét tiếp xúc Đức Giê-su với thành kiến có sẵn. Chứng kiến những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người cũng như những phép lạ người làm, họ đặt câu hỏi: bởi đâu ông ta được như thế? Thực ra, họ tự hào là mình biết về nguồn gốc Đức Giê-su nên thắc mắc trên chỉ xuất phát từ sự tò mò với thành kiến có sẵn (tôi biết ông ta là ai rồi). Nếu họ thắc mắc một cách chân thành và khiêm tốn tìm kiếm thì chắc họ sẽ biết nguyên do bởi đâu.
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta cũng hay tiếp xúc người khác với thành kiến có sẵn. Chúng ta nghe đồn người này thế này, người kia thế nọ; chúng ta dựa vào một vài sự kiện trước đó để dán mác cho cả một con người. Chúng ta quên rằng mỗi một con người là một mầu nhiệm với nhiều biến đổi phức tạp và sâu sắc cần được khám phá không ngừng. Xin mời Bạn cùng đọc đoạn Lời Chúa sau đây
Thứ sáu 04/8/2017 - Tuần 17 TN
Thánh Gioan Maria Vianney
Lời Chúa : Mt 13,54-58
54 Ngày ấy, Đức Giê-su về quê, giảng dạy dân chúng trong hội đường của họ, khiến họ sửng sốt và nói : “Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế ? 55 Ông không phải là con bác thợ sao ? Mẹ của ông không phải là bà Ma-ri-a ; anh em của ông không phải là các ông Gia-cô-bê, Giô-xếp, Si-môn và Giu-đa sao ? 56 Và chị em của ông không phải đều là bà con lối xóm với chúng ta sao ? Vậy bởi đâu ông ta được như thế ?” 57 Và họ vấp ngã vì Người. Nhưng Đức Giê-su bảo họ : “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình và trong gia đình mình mà thôi.” 58 Người không làm nhiều phép lạ tại đó, vì họ không tin.
Sự quen thuộc dễ phát sinh thái độ khinh thường. Có người còn nghĩ rằng cho dù nó không gây ra thái độ đó, thì nó cũng lấy đi sự thán phục. Trong bài Tin Mừng, ta gặp trường hợp ngược lại: có những người đồng hương với Chúa Giê-su thán phục sự khôn ngoan trong lời Ngài giảng, điều kỳ diệu qua phép lạ Ngài làm, nhưng không chấp nhận sứ điệp triều đại Cứu thế của Ngài (x. Lc 4,18-22) chỉ vì họ quá quen thuộc với lý lịch và gia thế của Ngài. Họ đánh giá Ngài qua dòng tộc, liên hệ gia đình, chứ không dựa trên chính bản thân Ngài. Coi thường bản thân người rao giảng, nên họ đã không nhận ra sứ điệp của người ấy. Họ đánh mất cơ hội nhận được ơn cứu độ từ người đồng hương quen thuộc của mình.“Gần chùa gọi bụt bằng anh” có thể là thái độ của bạn, ngay cả trong việc thánh thiêng nhất là thờ phượng Thiên Chúa. Cười dỡn, nói chuyện ồn ào, chưa cung kính đủ khi ở trong nhà thờ, không sốt sắng dọn mình và cám ơn mỗi khi rước vị khách cao quý nhất của vũ trụ là Chúa Giê-su Thánh Thể... là vài thí dụ tiêu biểu cho thái độ bất xứng của tạo vật dành cho Đấng Tạo Hóa của mình.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết cất đi những thành kiến cũ kỹ khi tiếp xúc với nhau và khiêm tốn tìm hiểu nhau với ánh mắt thiện cảm hầu có thể khám phá ra những sự thật tốt đẹp nơi tha nhân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét