Giáo hội Công giáo vinh danh các vị tử đạo của Lào
Lực lượng cộng sản Pathet Lào đã giết 17 linh mục, giáo lý viên và giáo dân trong những năm 1954 đến 1970
December 21, 2016
Đức Thánh cha Phanxicô tán dương “lòng trung thành tuyệt đối với Chúa” của các vị tử đạo người Lào trong buổi kinh Tuyền tin ở Quảng trường Thánh Phêrô, Vatican hôm 11 tháng 12. Ảnh: AFP
Vào năm 1953, quân du kích cộng sản cùng với sự trợ giúp của bộ đội Việt Nam xâm chiếm vùng đông bắc, một phần của vùng trước đây do người Pháp Bảo hộ ở Lào.
Mùa Phục sinh năm đó, du kích quân đã tấn công vào thị trấn của Sam Neua gây ra chết chóc cho thường dân và bắt đầu đàn áp các Kitô hữu.
Linh mục trẻ người Lào, Joseph Thao Tien đã không chọn cách bỏ chạy nhưng muốn ở lại với người dân. “Tôi sẵn sàng dâng hiến cuộc sống tôi cho những anh chị em người Lào của tôi”, lời của vị linh mục được trích lại.
Ngài bị dẫn di trong khi đông đảo người dân tụ tập hai bên đường cầu nguyện. “Đừng buồn, tôi sẽ trở về”, ngài hứa với họ.
Một năm sau, vào ngày 2 tháng 6 năm 1954, Cha Joseph Tien bị bắn chết khi ngài từ chối từ bỏ chức thánh và lời tuyên hứa.
Ở thung lũng xa xôi miền trung Việt Nam, Cha John Baptist Malo thuộc Hội dòng Thừa sai Ngoại quốc Paris bị bắt cùng với bốn người đồng hành.
Ngài chết trên đường đến trại tù vì kiệt sức vào năm 1954.
Hai linh mục trong số 17 linh mục, giáo lý viên và giáo dân được Giáo hội Công giáo công nhận tử vì đạo vào ngày 11 tháng 12 ở Vientiane thủ đô của Lào.
Họ bị giết giữa những năm 1954 và 1970 trong thời gian bài trừ cảm tình với tôn giáo của cộng sản Pathet Lào.
Trong buổi kinh Truyền tin hôm 11 tháng 12 ở Vatican, Đức Giáo hoàng Phanxicô tán dương “lòng trung thành tuyệt đối với Chúa” của các vị tử đạo người Lào.
‘Các chứng nhân anh dũng của Thiên Chúa’
Đức Hồng y Orlando Quevedo của Cotabato, thay mặt Đức Thánh cha chủ tọa việc phong chức thánh nói Giáo hội ở Lào nên lấy ngày 16 tháng 12 hàng năm để làm lễ tưởng niệm các vị tử đạo.
Vị Hồng y nói các vị tử đạo “đã dâng hiến cuộc sống cho Chúa Giêsu … trong việc phụng sự Thiên Chúa và phục vụ anh, chị em”.
“Chúng ta phải tuyên xưng và kể lại tấm gương anh dũng của họ cho các thế hệ”, ngài nói trong bài giảng phúc âm.
Đức Hồng y Quevedo thúc dục người Công giáo vinh danh các vị tử đạo bằng cách sống đức tin như cách họ đã sống với đức tin, yêu mến Thiên Chúa như cách họ đã yêu mến Thiên Chúa.
“Tại sao các ngài quả quyết dâng hiến cuộc sống cho Thiên Chúa? Bởi vì họ yêu mến Thiên Chúa không có giới hạn”, Đức Hồng y nói.
“Trong đức, tin các ngài tuyên hứa phục vụ anh, chị em như là linh mục, là giáo lý viên. Qua đức tin, các ngài chia sẻ nỗi đau với Chúa Giêsu”.
Vị giám chức nói rằng, bởi vì sự dày công phục vụ trong đức tin của các vị tử đạo cho các cộng đồng và làng mạc của Lào, Thiên Chúa ban cho họ cuộc sống đời đời.
Lưu danh trong biên niên sử của Giáo hội
Biên niên sử của Giáo hội ghi tên một vị linh mục giáo phận, năm vị linh mục Hội dòng Thừa sai Ngoại quốc Paris, sáu vị thừa sai của Dòng Truyền giáo Mẹ Maria Vô Nhiễm và năm giáo dân gồm cả một giáo lý viên 19 tuổi và một học viên giáo lý 16 tuổi.
Đức Hồng y Quevedo nói Cha Thao Tien và các giáo lý viên còn trẻ “nhưng cuộc sống anh dũng của họ đúng là tấm gương cho lòng trung thành với Thiên Chúa”.
Giáo lý viên trẻ người Kmhmu, Luc Sy là cha của ba đứa trẻ và người đồng hành với ông là Maisan Pho Inpeng, chết vào năm 1970 trong khi đọc kinh và chăm sóc cho những người bệnh trong làng.
Trong năm 1960, giáo lý viên người Hmong, Thoj Xyooj đi với Cha Mario Borzaga trong một cuộc hành trình tông đồ đến các làng mạc. Cả hai người không bao giờ trở về.
Tháng Tư và tháng Năm năm 1961, Cha Louis Leroy, Michael Coquelet và Vincent L’Henoret bị bắt cóc ở Xieng Khouang và bị giết.
Cha Lucien Galan bắt đầu sứ mạng truyền giáo đầu tiên ở Trung Quốc, giảng đạo một số nơi riêng lẻ ở cao nguyên Boloven vào 1968 với một học viên 16 tuổi tên Khampheuane ở Lào. Họ bị giết trên đường trở về thị trấn trung tâm.
“Tất cả họ là những nhà truyền giáo đáng ca ngợi, họ sẵn sàng cho mọi thử thách, hy sinh. Họ sống trong nghèo khổ và sự dâng hiến của họ không có giới hạn”, lời chứng của một trong các nhà truyền giáo để lại.
“Trong lúc khó khăn của tất cả chúng tôi, ở mức độ nào đó, ước nguyện được chết vì đạo, mong muốn dâng hiến tất cả cuộc sống cho Chúa Giêsu”, tiếp theo lời nhà truyền giáo.
Đức Hồng y Quevedo nói rằng ngay cả khi Lào chỉ là “một cộng đồng rất nhỏ” họ nên ghi nhớ rằng, máu các vị tử đạo là hạt giống của Giáo hội, “chắc chắn chúng ta sẽ thấy hoa trái của những giọt máu ấy”. Hoa trái của những giọt máu ấy là số người Công giáo nở rộ ngày nay trong đức tin.
Hiện có khoảng 60.000 người Công giáo ở Lào trong bốn giáo phận, chiếm khoảng một phần trăm trong dân số sáu triệu dân nước này.
Tin không chỉ là đồng ý mà còn là tín nhiệm, vâng phục Thiên Chúa. Khi tin, ta chấp nhận sự hoán cải tâm hồn, gắn bó cá vị với Con Thiên Chúa, sẵn sàng vâng theo các giáo huấn của Người. Là người tin, bạn hãy đặt mình một cách vô điều kiện dưới uy quyền của Thiên Chúa, dấn thân phụng sự Ngài suốt cuộc đời bạn. Cho dầu phải hy sinh cả mạng sống mình như câu chuyện trên đây. Xin mời Bạn cùng đọc đoạn Tin Mừng dưới đây :
Thứ Bảy 12/8/2017 –Tuần 18 TN
Lời Chúa Mt 7,14-19
Khi ấy, có một người đến gần, quỳ gối trước mặt Chúa Giêsu mà nói rằng: “Lạy Ngài, xin thương xót con trai tôi vì nó mắc chứng kinh phong và rất trầm trọng: nó thường ngã vào lửa và lắm lúc nó ngã xuống nước. Tôi đã đem nó đến cùng môn đệ Ngài, nhưng các ông không thể chữa nó được”. Chúa Giêsu đáp: “Ôi thế hệ cứng lòng tin và hư hỏng! Ta phải ở với các ngươi đến bao giờ? Ta còn phải chịu đựng các ngươi đến bao giờ nữa? Hãy đem nó lại đây cho Ta”. Chúa Giêsu quát mắng quỷ và quỷ liền ra khỏi đứa bé. Và nó được lành ngay trong lúc ấy. Bấy giờ các môn đệ đến hỏi riêng Chúa Giêsu rằng: “Tại sao chúng con không thể trừ quỷ ấy được?” Chúa Giêsu bảo các ông rằng: “Vì các con yếu lòng tin! Thầy bảo thật các con: Nếu các con có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì các con có khiến núi này rằng: ‘Hãy rời khỏi đây mà sang nơi kia’, thì nó liền đi sang, và chẳng có gì các con không làm được”.
Suy niệm :
Chúng ta đang sống trong một xã hội được xây dựng trên lý trí, đến độ tin rằng con người có thể làm được mọi sự mà không cần đến niềm tin, và trong bài tin mừng vừa nghe, chúng ta thấy chính các môn đệ Chúa Giêsu cũng mắc phải cám dỗ ỷ vào sức riêng mình như thế, do đó qua sự thất bại trong việc trừ quỷ câm hôm nay, các ông mới nhận ra sự giới hạn của mình. Trước đây các ông đã từng xua trừ được nhiều quỷ, đó là nhờ quyền năng Thiên Chúa ban cho, thế nhưng giờ đây có lẽ các ông đã quên điều đó, cho rằng tự sức riêng có thể trừ quỉ được mà không nhớ rằng mình chỉ là dụng cụ của Thiên Chúa mà thôi. Bởi đó sau khi để các ông thấy rõ sự bất lực của mình, Chúa đã giải thích cho các ông biết là để thành công, các ông cần có đức tin, vì đức tin có sức mạnh chuyển núi dời non.
Phần chúng ta, để dời những ngọn núi kiêu căng, ích kỷ, dục vọng, đam mê trong lòng, thì cũng cần phải có đức tin. có thể bấy lâu nay chúng ta có cố gắng nhưng chẳng làm những ngọn núi đó nhúc nhích tí nào, thì từ nay ta thử dùng sức mạnh đức tin vào ơn chúa để chuyển dời chúng xem sao, vì Thánh Phaolo đã tâm sự “tôi có thể làm được mọi sự trong Đấng là sức mạnh của tôi”. đó phải là niềm xác tín của mỗi người Kitô hữu chúng ta, vì nếu không có ơn Chúa, thì dù ý chí chúng ta có mãnh liệt đến đâu, chúng ta cũng không thể làm được gì và càng không thể đứng vững được trước sức tấn công của ma quỷ. Nguyện xin Chúa củng cố đức tin của chúng ta để nhận ra bàn tay chúa luôn dẫn dắt chúng ta và luôn sống trong bình an dưới sự chăm sóc của ngài.Amen.
Không biết người đàn ông này đã đem con trai mình đến xin các môn đệ Chúa chữa bao nhiêu lần, nhưng lần nào các ông cũng thất bại. Vậy mà ông không chê bai, thất vọng, hay nản chí. Ngược lại, ông khiêm tốn đến quỳ lạy van xin Chúa cứu con mình: “Thưa Ngài, xin thương xót con trai tôi.” Sức mạnh của lòng tin ở nơi sự khiêm tốn. Chính vì lòng tin khiêm tốn mạnh mẽ đó mà Đức Giê-su đã đáp trả lời cầu xin của ông, cho ông được toại nguyện: “Đức Giê-su quát mắng tên quỷ, quỷ liền xuất, và đứa bé được khỏi ngay từ giờ đó.” Vâng, tin không phải là đòi hỏi. Tin là khiêm tốn chờ đợi tất cả từ tay Chúa, đón lấy tất cả như “hồng ân cho không” của Ngài. Chỉ những lời cầu nguyện khiêm tốn, chẳng dám đòi hỏi, nhưng trông đợi lòng thương xót Chúa, mới là lời cầu nguyện đẹp nhất, được Chúa nhận lời.
Lạy Chúa Giê su,
Lời Chúa gọi chúng con tin tưởng vào Thiên Chúa. Mọi đau khổ, mọi khó khăn, mọi phiền muộn dâng hết cho Ngài. Chỉ cần con tin tưởng thì mọi vết thương nơi tâm hồn sẽ được chữa lành và mọi sự sẽ trở nên tốt đẹp hơn.
Lạy Chúa xin nâng đỡ lòng tin yếu kém của con. Con đã không hiểu tại sao đời sống con cứ mãi bê tha tội lỗi? Tại sao con còn ích kỷ và thiếu bác ái yêu thương? Giờ đây con nhận ra có lẽ tất cả đều xuất phát từ lòng tin quá kém cỏi nơi con. Vì chưa tin Chúa đủ nên con chưa dám đánh đổi mọi sự vì Chúa. Ôi lạy Chúa Giêsu con xin tín thác vào Chúa, xin Chúa thương nâng đỡ lòng tin yếu kém của con.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét