Thứ Tư, 23 tháng 8, 2017

Dành trọn cuộc đời cho một tình yêu


‘Mẹ Têrêsa’ của Pakistan, Sơ Ruth Pfau qua đời thumbnail


‘Mẹ Têrêsa’ của Pakistan, Sơ Ruth Pfau qua đời
Với các nỗ lực của Sơ, Pakistan là một trong các nước châu Á đầu tiên kiểm soát được bệnh phong cùi


‘Mẹ Têrêsa’ của Pakistan, Sơ Ruth Pfau, một bác sĩ đã dâng hiến cả đời mình để chữa trị cho các bệnh nhân phong cùi, qua đời hôm 10-8 sau thời gian dài lâm bệnh. Sơ hưởng thọ 87 tuổi.
         Người đặt nền móng cho Chương trình Kiểm soát Bệnh Phong cùi Quốc gia, Sơ Pfau qua đời tại bệnh viện Aga Khan ở thủ đô Karachi, sau hai tuần ở đây, vì bệnh liên quan đến tuổi già.
Sơ là người Đức và là thành viên của dòng tu Con gái của Đức Mẹ Maria. Sơ Pfau thành lập Trung tâm chữa trị bệnh Phong cùi tên Marie Adelaide (MALC) ở Karachi và ở một số tỉnh sau khi đến Pakistan vào năm 1960, lúc 29 tuổi.
          Với các nỗ lực của Sơ, năm 1996 tổ chức Sức Khỏe Thế giới (WHO) tuyên bố Pakistan là một trong các nước châu Á đầu tiên kiểm soát được bệnh phong cùi. Sơ được trao tặng phần thưởng quốc gia cao nhất trong lãnh vực dân sự của Pakistan là ‘Hilal-e-Pakistan’ và ‘Hilal-e-Imtiaz’.
         Sự tôn kính và chia buồn bày tỏ tràn ngập trên mạng xã hội sau khi sự ra đi của Sơ chính thức công bố.
       “Cầu cho linh hồn Sơ được yên nghỉ và những người khác sẽ nối tiếp công việc của Sơ”, Arif Alvi, nhà lập pháp đối lập viết trên Twitter.
       Bác sĩ Ruth Pfau là một người Pakistan can trường. Sơ đại diện cho đỉnh cao của sự đồng cảm và cống hiến. Cầu Chúa đón nhận linh hồn Sơ”, Mosharraf Zaidi, một nhà báo kỳ cựu cũng viết trên Twitter.
Mervyn F. Lobo, giám đốc điều hành của MALC bày tỏ nỗi buồn sâu sắc.
Lễ tang Sơ sẽ được tổ chức tại nhà thờ Thánh Patrick ở Karachi vào 19-8.
Ghi nhận công lao của Sơ Ruth Pfau cho Pakistan, thủ tướng Shahid Khaqan Abbasi tuyên bố quốc tang dành cho Sơ.
Câu chuyện trên đây nói lên tinh thần và trái tim của một nữ tu đã nghe theo tiếng gọi của Chúa và cống hiến cuộc đời cho sứ mạng  mà Chúa đã kêu gọi là :"Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, 20 dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế." Xin mời Bạn cùng đọc đoạn Tin Mừng sau :


Thứ tư 23/8/2017 - Tuần 20 TN
Tin Mừng: Mt 28,16-20


16 Mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Đức Giê-su đã truyền cho các ông đến. 17 Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. 18 Đức Giê-su đến gần, nói với các ông: "Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. 19 Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, 20 dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế."


Dụ ngôn Chúa Giêsu dùng để trình bày giáo lý của Ngài cho dân chúng được các nhà chú giải xếp thành hai loại: tỷ dụ và dụ ngôn. Loại tỷ dụ là thể văn mà toàn bộ những chi tiết đều mang ý nghĩa nòng cốt, còn các chi tiết phụ chỉ làm cho câu truyện thêm thú vị và khiến người đọc quan tâm chú ý đến ý chính mà thôi.
Câu chuyện về những người thợ vào làm vườn nho của chủ là một dụ ngôn. Chủ đề chính của dụ ngôn là mối liên hệ của con người với Thiên Chúa trên bình diện ân sủng.
Trong lúc các Rabbi Do thái thường tính toán phần thưởng Thiên Chúa ban cho mọi việc lành, thì cách tính toán sòng phẳng theo công bình giao hoán này hoàn toàn bị dụ ngôn làm đảo lộn, vì nếu chúng ta tính với Chúa, Ngài sẽ tính với chúng ta, và chắc chắn số tội của chúng ta sẽ nhiều hơn công phúc và chúng ta sẽ là kẻ thiệt thòi.
Chúa Giêsu đã dùng dụ ngôn để cảnh cáo người Do thái không nên so đo, phân bì với người tội lỗi hay người ngoại giáo được ơn Chúa trở lại và thừa hưởng Nước Trời, bởi vì Nước Trời là phần thưởng nhưng không do lòng quảng đại của Chúa, chứ không do lòng đạo đức hay công nghiệp của con người. Câu trả lời của Chúa Giêsu cho những kẻ phàn nàn kêu trách nêu bật lòng quảng đại của Thiên Chúa: "Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thỏa thuận với tôi một quan sao; cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn, tôi không có quyền được tùy ý sử dụng của cải tôi sao?". Thiên Chúa đối xử tốt với mọi người, Ngài ban ơn cho mọi người chỉ vì lòng thương của Ngài mà thôi. Còn con người thì dễ bị cám dỗ, ghen tỵ, hẹp hòi, muốn giới hạn hành động yêu thương của Thiên Chúa.

Chúng ta hãy xét xem mình đã có thái độ nào đối với người khác, nhất là khi thấy họ được sự lành? Xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi tính ghen tỵ và cho chúng ta sống quảng đại với mọi người.

Lạy Chúa Giêsu, Ngài là Đấng nhân hậu và xót thương vô cùng. Lòng nhân hậu và xót thương ấy được thể hiện nơi những người tưởng chừng như không còn một cơ hội sống nào. Xin cho chúng con cảm nhận được tình thương và lòng nhân hậu ấy qua từng biến cố của cuộc đời chúng con. Để chúng con không bao giờ thất vọng, nản chí vì những yếu đuối, lỗi lầm và bất xứng của mình. Nhưng không vì thế mà để chúng con quên đi sự ăn năn, hối lỗi và quyết tâm làm mới lại cuộc đời.

Xin Chúa cho chúng con cũng biết cộng tác vào công việc làm vườn nho của Chúa bằng chính khả năng và hoàn cảnh sống của mỗi người chúng con. Để khi chiều về chúng con cũng sẽ được lãnh phần thưởng là vinh phúc Nước Trời mà Chúa sẽ trao cho những nỗ lực vất vả của chúng con. Amen

Không có nhận xét nào: