Thứ Năm, 31 tháng 8, 2017

Sống như thể ngày mai sẽ chết


Kết quả hình ảnh cho Nghĩa trang công giáo

Lời Chúa nhắc nhở

Có một người đàn ông nọ qua đời vì chứng nhồi máu cơ tim. Ông phàn nàn với Chúa rằng :
- Thưa Ngài, Ngài gọi con về, con không chút oán hận. Nhưng tại sao trước lúc gọi, Ngài không thông báo cho con một tiếng để con chuẩn bị tâm lý và cũng là để con bàn giao mọi việc với vợ và các con của con. Ngài đã khiến con trở tay không kịp.
Thiên Chúa trìu mến đáp :
- Ta đã từng viết cho con 3 bức thư, nhắc nhở con ngày về mà !
Người đàn ông kinh ngạc đáp :
- Làm gì có ! Con chưa hề nhận được lá thư nào.
Thiên Chúa đáp :
- Trong bức thư thứ nhất, Ta để con đau lưng. Trong bức thư thứ hai, ta để con tóc bạc đi. Và bức thứ ba, Ta khiến cho răng con rụng dần. Tất cả đều là tín hiệu nhắc nhở con sắp đến thời hạn quay về đấy.
Thế gian không phải là nhà
Thiên đàng vĩnh cửu mới là quê hương.
Ai ai cũng phải tìm về,
Bởi vì “sinh ký, tử qui” rõ ràng.

Đại thi hào Ấn độ, ông Rabindranath Tagor, cung cấp cho chúng ta một cái nhìn lạc quan về ngày đó. Ông bảo rằng con người như một diễn viên được mời dự đại hội trần gian, khi vở kịch kết thúc, bức màn sân khấu khép lại, chúng ta mới sống thật vai trò của mình.
           Trên sân khấu cuộc đời, mỗi người đều có một vai diễn, người làm cha, làm mẹ, làm kỹ sư, bác sĩ, làm giáo viên, công nhân, làm ông chủ hay kẻ nô lệ… tất cả đều phải sống đúng với bổn phận, phải hoàn tất ơn gọi của mình.
          Nói một cách ví von hơn, Thượng Đế giống như người mẹ đang cho con bú, khi mẹ giằng ta ra khỏi bầu vú này, mẹ lại ban cho bầu vú khác. Thiên Chúa lấy đi sự sống ở trần gian là để cho chúng ta sự sống nơi thiên đàng. Vì thế, cái chết là một ngưỡng cửa rất cần thiết để chúng ta bước vào cõi sống, ở đó chúng ta không bao giờ phải chết nữa.
          Chúng ta hãy sống hoàn thiện trong từng ngày, từng phút, từng giây. Chúng ta bước vào thời gian ngay lúc vừa mở mắt chào đời, và ra khỏi đó khi giờ chết đến. Hãy sống với giây phút hiện tai cho đầy đủ.
           Khi suy nghĩ về thời gian, ta thường gặp một cám dỗ chính, đó là thái độ thoái thác. Tất cả chúng ta quen có cái khuynh hướng nhắm tới tương lai hay quay về với quá vãng một cách thái quá. Do đó, ta trở nên những kẻ bạo tợn hoặc nản lòng.
            Một thanh niên đã nói :”Lúc này tôi cứ việc ăn chơi cho đã…sau này sẽ sống nghiêm túc hơn”. Một ông già, với quá khứ rỗng không công nghiệp và đầy tràn tội lỗi, đã kêu lên :”Giờ này thật đã quá muộn ! Tôi đã làm hỏng mất cuộc đời” !

Thực ra, không khi nào quá sớm, cũng không khi nào quá muộn… Giây phút hiện tại là hông ân cần nắm giữ. Đó là giây phút cứu độ. Bí quyết thành công của con người, của ơn Chúa, là can đảm và tin tưởng chấp nhận thời gian trước mắt.

Thời gian hiện tại sẽ đáp ứng nhu cầu thiêng liêng và trần thế của ta cách thích đáng hơn. Nhờ đó, ta đón nhận từng giọt sự sống và tìm cách làm phong phú đời mình. Phương thế hữu hiệu để khỏi làm hư hỏng đời mình, là dù lúc nào, tuổi nào, ta cũng dính kết trọn vẹn vào giây phút hiện tại, như chốt cắm điện dính liền với dòng điện, để phát tỏa ánh sáng và sức mạnh (Charles Lebrun, Vượt qua cõi hồng trần, tr 24).

Hằng ngày, Chúa vẫn gửi cho chúng ta những dòng tin nhắn để ta chuẩn bị tương lai cho một ngày viên mãn. Thái độ của chúng ta là lắng nghe hay thờ ơ lãnh đạm.
Chúa nhắc nhở chúng ta bằng những lời thì thầm, nhẹ nhàng và sâu lắng qua qui luật tự nhiên, qua trật tự trong vũ trụ. Nhìn chiếc lá vàng rơi về cội, nhìn dòng nước xuôi về nguồn, ta hiểu được rằng con người cũng phải trở về với gốc tích của mình. Trông thấy người chết ta phải tự nhủ mình : nay người, mai ta, sẽ đến lượt tôi, tôi sẽ phải rời cõi đời này bất cứ lúc nào.
Tất cả mọi sự vật chung quanh là lời Chúa nhắc nhở ta phải chuẩn bị cho ngày ra đi vĩnh viễn, tuy những dấu hiệu ấy không rõ ràng. Xin mời Bạn cùng đọc đoạn Lời Chúa sau đây

Thứ năm 31/8/2017 - Tuần 21 TN
Tin Mừng theo Thánh Matthêu (Mt 24: 42-51)

42 "Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến.43 Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông đã thức, không để nó khoét vách nhà mình đâu.44 Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.45 "Vậy thì ai là người đầy tớ trung tín và khôn ngoan mà ông chủ đã đặt lên coi sóc gia nhân, để cấp phát lương thực cho họ đúng giờ đúng lúc?46 Phúc cho đầy tớ ấy nếu chủ về mà thấy anh ta đang làm như vậy.47 Thầy bảo thật anh em, ông sẽ đặt anh ta lên coi sóc tất cả tài sản của mình.48 Nhưng nếu tên đầy tớ xấu xa ấy nghĩ bụng: "Còn lâu chủ ta mới về",49 thế rồi hắn bắt đầu đánh đập các đồng bạn, và chè chén với những bọn say sưa,50 chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không chờ, vào giờ hắn không biết,51 và ông sẽ loại hắn ra, bắt chung số phận với những tên giả hình: ở đó, người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng."


Lời Chúa hôm nay cũng nói với chúng ta: “Anh em hãy canh thức vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh sẽ đến.” Và để làm nổi bật hơn về tính bất ngờ của ngày đó, Chúa Giêsu đưa ra hình ảnh của một tên trộm độp nhập vào nhà và lấy đi những gì người ta có vào lúc chủ nhà không ngờ.
Do đó chúng ta cần chọn lựa thái độ sống như thế nào đây? Chúng ta ai cũng biết mình sẽ có ngày phải chết như dường như đa phần là ta sống như thể không có ngày phải chết. Như những đầy tớ suy nghĩ nông cạn trong Tin Mừng, ta nghĩ còn lâu chủ mới về nên mặc sức quậy phá, chè chén say sưa. Cái kết dành cho những đầy tớ nông nổi ấy là bị loại trừ ra khỏi nhà của Chủ và phải chịu hình phạt đau khổ đời đời.

Còn người đầy tớ khôn ngoan là người luôn trong tư thế chuẩn bị. Việc chuẩn bị sẽ không bao giờ thừa cho một chuyến hành hương vĩnh cửu. Và phần thưởng dành cho những người như thế là đượcc tham dự vào bàn tiệc hạnh phúc muôn đời cùng với Chủ.
Lời Chúa hôm nay một lần nữa nhắc nhở cho chúng ta về điểm tới của đời mình để ta có một thái độ chọn lựa khôn ngoan. Xin Chúa ban Thánh Thần của Ngài cho chúng ta để chúng ta được khôn ngoan trong chọn lựa, và ơn sức mạnh cần thiết để đi theo con đường tình thương, công lý và sự thánh thiện của Thiên Chúa.
Lời cảnh báo về ngày chung kết của Chúa cũng là một niềm hy vọng cho những ai đang chuẩn bị bước đi trên con đường công chính của Chúa. Phần thưởng dành cho họ chính là Thiên Chúa, nguồn của mọi sự thật, vẻ đẹp, lòng tốt, tình yêu và sự sống đời đời.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho Lời Ngài xâm chiếm tâm hồn con. Xin cho đời sống của con luôn là những ngày sẵn sàng chờ Chúa đến và Ngài chính là kho báu và niềm vui vĩnh cửu của con. Xin cho con mạnh mẽ trong đức tin, vững vàng trong hy vọng, và quảng đại trong lòng mến để con chỉ còn biết tìm kiếm Ngài và vinh quang của Ngài mà thôi.

Thứ Tư, 30 tháng 8, 2017

Người sống giả hình


Kết quả hình ảnh cho suy niệm tin mừng mt 23, 27-32

Có câu chuyện về chú chuột sống trên đỉnh tháp Phật như thế này: Một ngày nọ, chú chuột hoang chán ngán cảnh phải dầm mưa dãi nắng để kiếm ăn. Nó bỏ đồng ruộng vào một ngôi chùa để sống! Ở đó nó được tự do tự tại, không phải lo từng bữa ăn như trước! Thức ăn chay tịnh nhưng ngày nào cũng có người đơm cúng sẵn sàng! Nó tự cho mình là cao quý lắm, sống trên đỉnh tháp cơ mà! Gặm những pho sách quý, ăn những thứ đồ cúng khiến cho nó lầm tưởng bản thân mình cũng đáng quý lắm, cũng sang trọng và quý tộc lắm!
Cho đến một hôm, một chú mèo mun từ đâu xuất hiện, gầm gừ nhìn chuột kia, chuột ta kiêu ngạo, hếch mặt bảo mèo: anh phải cúi đầu trước ta, vì ta là đại diện của Phật! Con người còn phải quỳ lạy ta nữa là ngươi! Mèo gườm gườm nhìn chuột và nói: Người ta quỳ lạy người vì cái vị trí mà ngươi đứng chứ không phải vì bản thân ngươi! Nói xong, mèo ta vồ lấy chuột cắn xé! 
Câu chuyện muốn nói với chúng ta: Vẻ bề ngoài không làm nên giá trị bên trong và nó cũng không phản ánh giá trị thực của con người! Thế nhưng, đôi khi với vẻ bề ngoài của ai đó đã làm chúng ta choáng ngợp? Dầu biết rằng “ chiếc áo không làm nên thầy tu”! Nhưng cuộc sống kim tiền hiện nay, vẻ bề ngoài vô cùng quan trọng nó có thể xoay chuyển tất cả, khiến cho người ta lẫn lộn giữa thực và hư! 
Chính vì vậy mà nhiều người đã cố tô son trát phấn cho mình hòng đánh lừa người khác. Họ giả mạo sự thanh cao để lừa gạt tiền cho dễ. Họ giả làm việc đạo đức để rửa tiền hay đánh bóng bản thân. Chúa Giê-su đã đả kích thái độ giả hình của những biệt phái. Họ như những mồ mả đẹp bên ngoài nhưng ẩn chứa bên trong là sự ô uế. Họ tỏ vẻ công chính nhưng lòng chất đầy sự tham sân si đến mức độ quên cả công bình, bác ái và trung tín. Xin mời Bạn cùng đọc đoạn Lời Chúa sau đây :

Thứ tư 30.8.2017 - Tuần 21 TN
Lời Chúa: Mt 23, 27-32

(27) "Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Phrisêu giả hình! Các người giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế. (28)Các người cũng vậy, bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong toàn là giả hình và gian ác!
(29)"Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các người xây mồ cho các ngôn sứ và tô mả cho những người công chính. (30)Các người nói: "Nếu như chúng ta sống vào thời của tổ tiên, hẳn chúng ta đã không thông đồng với các ngài mà đổ máu các ngôn sứ". (31) Như vậy, các người tự làm chứng rằng các người đúng là con cháu của những kẻ đã giết các ngôn sứ. (32)Thì các người đổ thêm cho đầy đấu tội của tổ tiên các người đi!

Suy niệm :
Câu chuyện muốn nói với chúng ta: Vẻ bề ngoài không làm nên giá trị bên trong và nó cũng không phản ánh giá trị thực của con người! Thế nhưng, đôi khi với vẻ bề ngoài của ai đó đã làm chúng ta choáng ngợp? Dầu biết rằng “ chiếc áo không làm nên thầy tu”! Nhưng cuộc sống kim tiền hiện nay, vẻ bề ngoài vô cùng quan trọng nó có thể xoay chuyển tất cả, khiến cho người ta lẫn lộn giữa thực và hư! 
Chúng ta cùng xem lại độ giả hình của họ như thế nào :
Trước hết là lời nói của họ không đi đôi với việc họ làm. Họ chỉ ngồi trên tòa mà phán dạy cho người khác nghe nhưng những gì họ dạy thì họ lại không làm. Họ bó những gánh nặng, tức là những lề luật tỉ mỉ lên vai người ta, bắt người ta tuân giữ còn chính họ thì lại không giữ. Ngày Sabát họ cấm người ta làm bất cứ việc gì, nhưng giả sử có con bò nhà họ rớt xuống giếng họ sẽ vội vàng kéo lên. Đó là một hành động lừa bịp người ta.
Không chỉ là giả hình trước mặt người đời, nhóm người Pharisêu này còn giả hình trước mặt Thiên Chúa qua những hành động đạo đức giả của họ. Họ làm việc đạo đức cốt chỉ để khoe mẽ. Bằng việc đeo những cuộn Thánh Kinh trước ngực để tỏ ra là người chăm chỉ đọc Thánh Kinh, mang những tua áo thật dài cốt cho mọi người khâm phục vị thế của họ cộng đồng tôn giáo nhưng thực chất thì lòng dạ chẳng hướng về Thiên Chúa. Các hành động tiếp theo của họ mà Chúa Giêsu liệt kê như : ưa ngồi cỗ nhất, chiếm nghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi nơi công cộng, và thiên hạ gọi là rápbi chứng tỏ họ là những vị có thế giá trong cộng đồng tôn giáo. Nhưng thay vì dùng vị thế ấy để phục vụ Thiên Chúa và tha nhân thì chính họ đã tự tôn mình lên và bắt người ta cung kính phục vụ.
Ước gì đời sống của chúng ta luôn chân thành trước mặt Chúa và tha nhân. Biết sống công bình bác ái hơn là những lễ vật mà không có tấm lòng. Xin cho chúng ta đừng tìm vinh quang cho bản thân bằng những việc đạo đức mà biết tôn vinh Chúa qua các việc đạo đức hằng ngày.


Lạy Chúa Giê-su mến yêu, Chúa là Đấng chân thật. Chúa cũng muốn chúng con sống ngay thẳng, thật thà. Chúa không muốn chúng con sống quanh co giả dối. Nhưng Chúa ơi, thói giả hình, giả tạo vẫn tồn đọng trong lối sống của chúng con. Chúng con chưa ngôn hành như nhất. Chúng con nói thì hay nhưng làm thỉ dở. Chúng con tuyên xưng Chúa trên môi miệng nhưng lại nuôi dưỡng trong lòng những gian ác, điêu ngoa, những tư tưởng dâm ô tội lỗi. Xin Chúa tha thứ cho chúng con. Xin Chúa giúp chúng con biết thống nhất đời sống, thống nhất cái biểu lộ bên ngoài với cái tâm tình bên trong. Xin thêm sức để chúng con có thể canh tân cuộc sống của chính mình theo như lòng Chúa mong ước. 

Thứ Ba, 29 tháng 8, 2017

Bóp méo sự thật


Kết quả hình ảnh cho bóp méo sự thật

Những ngày vừa qua, Dung Tổ Nhi đã trở thành tâm điểm của sự chú ý khi nhiều tờ báo Hồng Kông đưa tin cô đang yêu nữ ca sĩ Hà Vân Thi. Đáp trả giới truyền thông, vừa qua Dung Tổ Nhi đã có một buổi phỏng vấn để làm rõ những tin đồn này.
Dung Tổ Nhi tỏ ý trách móc báo chí đã quá soi mói vào cuộc sống riêng tư của cô: “Tôi luôn xem tất cả các bạn như bạn bè và đã không ngại ngần chia sẻ những suy nghĩ của mình một cách trung thực. Tuy nhiên, tôi không thể hiểu vì sao những câu trả lời đơn giản trước đó lại biến thành tin đồn sai lệch như thế. Sau đó những tin tức này được phát tán rộng rãi dù chưa được sự xác thực, mọi người đang bóp méo nó”.
Dung Tổ Nhi tỏ ý trách móc báo chí đã quá soi mói vào cuộc sống riêng tư của cô: “Tôi luôn xem tất cả các bạn như bạn bè và đã không ngại ngần chia sẻ những suy nghĩ của mình một cách trung thực. Tuy nhiên, tôi không thể hiểu vì sao những câu trả lời đơn giản trước đó lại biến thành tin đồn sai lệch như thế. Sau đó những tin tức này được phát tán rộng rãi dù chưa được sự xác thực, mọi người đang bóp méo nó”.
Cô còn nói thêm: “Hiện tại xung quanh tôi cũng có rất nhiều người là đồng tính. Tôi nghĩ có lẽ đã có một cái gì đó sai lệch trong ADN của họ, nhưng bạn không thể nói những điều này là bất thường. Thật khó để giải thích nó, nhưng tôi thích kết bạn với họ bởi vì họ quan tâm và có những suy nghĩ tích cực về cái đẹp. Tình yêu là tình yêu, chúng luôn tuyệt vời bất kể là trẻ hay già, đàn ông hay phụ nữ”.
Bóp méo sự thật luôn là đề tài khá "hot" hiện nay. Dù bất cứ ở môi trường nào, gia đình, trường học, bệnh viện, cơ quan, xí nghiệp... nó còn len lỏi vào khắp hang cùng ngõ hẻm của mọi lứa tuổi. Ngay cả những nơi như cơ quan đầu sỏ, hoặc tôn giáo...Người ta dễ dàng nói sai sự thật một cách tự nhiên, không áy náy lương tâm, nói cho cùng những người này có lương tâm đâu mà áy náy ! Trong một xã hội mà niềm tin tưởng không kiếm đâu ra ! Vì vậy người ta mới phải dùng đến lời thề, chỉ trời chỉ đất mà thề. Có những lời thề không ảnh hưởng đến ai, nhưng cũng có những lời thề có thể làm mất mạng sống của người khác. Sự thật đã bị bóp méo đến độ không biết đâu là thật, đâu là giả ! Có những người đã đánh đổi mạng sống chỉ vì dám nói lên sự thật. Xin mời Bạn cùng đọc đoạn Tin Mừng sau dây để thấy sự ghê tởm của lòng người.

Thứ ba 29/8/2017 - Lễ Thánh Gioan Tẩy giả bị trảm khuyết
Lời Chúa Mc 6,17-29


17 Hồi ấy, vua Hê-rô-đê đã sai người đi bắt ông Gio-an và xiềng ông trong ngục. Lý do là vì vua đã lấy bà Hê-rô-đi-a, vợ của người anh là Phi-líp-phê, 18 mà ông Gio-an lại bảo : “Ngài không được phép lấy vợ của anh ngài !” 19 Bà Hê-rô-đi-a căm thù ông Gio-an và muốn giết ông, nhưng không được. 20 Thật vậy, vua Hê-rô-đê biết ông Gio-an là người công chính thánh thiện, nên sợ ông, và còn che chở ông. Nghe ông nói, nhà vua rất phân vân, nhưng lại cứ thích nghe. 
21 Một ngày thuận lợi đến : nhân dịp mừng sinh nhật của mình, vua Hê-rô-đê mở tiệc thết đãi bá quan văn võ và các thân hào miền Ga-li-lê. 22 Con gái bà Hê-rô-đi-a vào biểu diễn một điệu vũ, làm cho nhà vua và khách dự tiệc vui thích. Nhà vua nói với cô gái : “Con muốn gì thì cứ xin, ta sẽ ban cho con.” 23 Vua lại còn thề : “Con xin gì, ta cũng cho, dù một nửa nước của ta cũng được.”24 Cô gái đi ra hỏi mẹ : “Con nên xin gì đây ?” Mẹ cô nói : “Đầu Gio-an Tẩy Giả.” 25 Lập tức cô vội trở vào đến bên nhà vua và xin rằng : “Con muốn ngài ban ngay cho con cái đầu ông Gio-an Tẩy Giả, đặt trên mâm.” 26 Nhà vua buồn lắm, nhưng vì đã trót thề, lại thề trước khách dự tiệc, nên không muốn thất hứa với cô. 27 Lập tức, vua sai thị vệ đi và truyền mang đầu ông Gio-an tới. Thị vệ ra đi, chặt đầu ông ở trong ngục, 28 bưng đầu ông trên một cái mâm trao cho cô gái, và cô gái trao cho mẹ. 29 Nghe tin ấy, môn đệ đến lấy thi hài ông và đặt trong một ngôi mộ.

Suy niệm |:
Lý do mà Hêrôđê giết Gioan Tẩy Giả vì ông dám nói lên sự thật, theo đúng chức năng ngôn sứ của mình. Bị trảm quyết, một kết thúc bi đát dành cho một chứng nhân Nước Trời. Cái chết của Gioan có nhiều nét tiên báo về cái chết của Chúa Giêsu, vị ngôn sứ tiêu biểu: Chết do can đảm sống sứ mạng của mình, chết do ác tâm của con người, chết trong sự thương tiếc của các môn đệ. Người tông đồ cũng được mời gọi làm chứng cho Đức Kitô, mà làm chứng là sẳn sàng hy sinh mạng sống vì yêu và vì Tin mừng.

Ngày nay vẫn còn nhan nhản những Hê-rô-đê, Hê-rô-đi-a và Sa-lô-mê. Chỉ vì chút tự ái, vì vài ngàn đồng bạc, vì một chầu nhậu, vì muốn thoái thác trách nhiệm mà người ta dám ra tay hạ sát một mạng người hay một bào thai vô tội! Sự ác của một người khó làm nên chuyện nếu gặp sự phản kháng của nhiều người khác. Thực đáng ngạc nhiên, khi các thực khách của Hê-rô-đê ngày xưa không ai dám lên tiếng can ngăn. Phải chăng nhiều người ngày nay cũng im lặng trước sự ác, để mặc nó hoành hành? Mời bạn kiểm điểm xem bạn có để sự ác tung hoành nơi tâm hồn mình không, hoặc bạn có dám lên tiếng phản kháng một sự ác không? Nên nhớ rằng, trước sự ác, “im lặng tức là đồng lõa”.

Lạy Chúa Giê su,Lạy Chúa, xin cho con vẫn “thích nghe” tiếng lương tâm, cho dù phải “phân vân”, và nhất là phải can đảm làm theo sự hướng dẫn của lương tâm. Xin cho con ý thức những tài năng của con là những nén bạc Chúa giao để cho con sử dụng mà làm việc tốt phụng sự Chúa và phục vụ anh chị em con.

Trong khi xã hội dạy cho con biết phải “khéo léo” chẳng nên làm chuyện thừa, Chúa lại dạy cho con một tấm gương mà nhìn vào con trở nên e ngại, gương của thánh Gioan Tẩy Giả. Con đang bước đi trong lòng một thế giới mà người ta bảo với con: “thật thà thường thua thiệt”. Có lúc ngay bên con, sự thật bị che lấp. Tận đáy lòng, con nghe tiếng Chúa mời gọi. Nhưng lạy Chúa:
– Ông ấy là “xếp” của con mà !
– Chị ấy là ân nhân của con.
– Trách nhiệm của con với gia đình.
– Áp lực xã hội…
Con đấy, luôn tìm một sự bình an tạm bợ. Xin cho con chút can đảm, và khi con bước đi trong sự thật là lúc con nhận được sự bình an của Chúa vì sự thật sẽ giải thoát chúng con.


Thứ Hai, 28 tháng 8, 2017

Sống gian, đừng thề


Kết quả hình ảnh cho thề nguyền


Làm Chuyện Bất Chính 
Lại Thề Thốt Trước Trời Đất Bị Thiên Lôi Đánh Chết

Đất Từ Châu có chàng Triệu-sinh lấy người họ Vu. Vu thị có người em gái thường hay đến nhà Triệu-sinh thăm người chị, không bao lâu lại yêu thầm người anh rễ, và hai người phát sinh ra cảm tình từ đó.

Một hôm người em gái đánh mất chiếc trâm cài tóc bằng ngọc tại nhà Triệu-sinh, nhưng tìm mãi vẫn không thấy. Người em gái này cho rằng người hầu của chị mình đã lấy cắp. Người hầu bị mắc oan, mới đến một miếu kế cận cầu xin Thần-Minh chỉ dẫn. Vị Tiên đến giáng cơ, là Hà-Tiên-Cô. Tiên-Cô viết:
– Chuyện này không thể nói được.
Gia nhân lại khóc lóc cầu thêm:
– Người phàm không biết mới cầu đến Thần-Tiên, chẳng lẽ Thần-tiên lại để người lành mắc oan hay sao? Cúi xin Tiên-Cô từ-bi chỉ giúp.
Tiên-Cô viết:
– Về nhà tìm trên giường của chủ nhà sẽ thấy.
Người hầu đem lời của Tiên-Cô về báo cho bà chủ hay. Vợ Triệu-sinh trở về phòng mình, quả nhiên tìm thấy chiếc trâm cài tóc của người em gái mình để trên đầu giường. Nguời chị đem chiếc trâm trả lại cho em gái và trách người em về tội bất trinh, gian thương với chồng mình. Người em giận và nói:
– Rõ là người nhà của chị lấy cắp mà chị lại còn vu oan và làm nhục danh tiếng của em.
Nói xong bèn khóc òa lên, và lấy tay chỉ lên trời thề rằng:
– Nếu em có làm chuyện ám muội với chồng chị thì sẽ bị Thiên-lôi đánh chết.

Người chị tin vào lời thề của người em gái, và đuổi người hầu đi ra khỏi nhà. Trong đêm hôm đó, Triệu-sinh lại cùng cô em vợ hẹn hò với nhau. Bỗng nhiên mưa to gió lớn, sắm sét đánh vào nhà Triệu-sinh. Vu thị thấy đêm đã khuya mà vẫn chưa thấy người chồng trở về phòng, trong lòng cảm thấy kỳ lạ. Sáng hôm sau thức dậy, Vu thị thấy người chồng và em gái mình đếu bị sét đánh chết, hai xác nằm lõa lồ ở hậu sân, thân mình cháy đen, trông thật thảm thương.

Chỉ Thiên-địa dĩ chứng bỉ hoài, dẫn Thần-minh nhi giám hiệp sự.

Thích nghĩa: Trong tâm suy tính đến chuyện bất chính mà còn chỉ Trời đất chứng giám, đã làm chuyện nhơ uế xấu xa mà lại thề lạy Thần-minh làm chứng.
Chú giải: “Bỉ” là bỉ ổi, đê hèn, “hiệp sự” là việc nhơ nhuốc, xấu xa. Thiên-Địa có chánh-khí, Thần-Minh chánh trực quang minh, lẽ nào lại làm chứng cho những việc nhơ nhuốc xấu xa của người đời?
           Trích Thái-Thượng Cảm-Ứng-Thiên

Câu chuyện trên đây nói lên người có lòng gian mà ngoan cố, không nhận tội lỗi của mình mà còn dám chỉ Trời chỉ đất mà thề thì sẽ bị báo ứng. Chúa Giê su đã dạy chúng ta một bài học về điều này qua đoạn Lời Chúa sau đây. Xin mời Bạn cùng đọc :

Thứ hai 28/8/2017 - Tuần 21 TN
Lời Chúa : Mt 23, 13.15-22

13 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các kinh sư và những người Pha-ri-sêu rằng : “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu đạo đức giả ! Các người khoá cửa Nước Trời không cho thiên hạ vào ! Chính các người không vào, mà những kẻ muốn vào, các người cũng không để họ vào.
15 “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu đạo đức giả ! Các người rảo khắp biển cả đất liền để rủ cho được một người theo đạo ; nhưng khi họ theo rồi, các người lại làm cho họ đáng xuống hoả ngục gấp đôi các người.
16 “Khốn cho các người, những kẻ dẫn đường mù quáng ! Các người bảo : ‘Ai chỉ Đền Thờ mà thề, thì có thề cũng như không ; còn ai chỉ vàng trong Đền Thờ mà thề, thì bị ràng buộc.’ 17 Đồ ngu si mù quáng ! Thế thì vàng hay Đền Thờ là nơi làm cho vàng nên của thánh, cái nào trọng hơn ? 18 Các người còn nói : ‘Ai chỉ bàn thờ mà thề, thì có thề cũng như không ; nhưng ai chỉ lễ vật trên bàn thờ mà thề, thì bị ràng buộc.’ 19 Đồ mù quáng ! Thế thì lễ vật hay bàn thờ là nơi làm cho lễ vật nên của thánh, cái nào trọng hơn ? 20 Vậy ai chỉ bàn thờ mà thề, là chỉ bàn thờ và mọi sự trên bàn thờ mà thề. 21 Và ai chỉ Đền Thờ mà thề, là chỉ Đền Thờ và Đấng ngự ở đó mà thề. 22 Và ai chỉ trời mà thề, là chỉ ngai Thiên Chúa và cả Thiên Chúa ngự trên đó mà thề.”

Trước tiên phải nói rằng, các tội mà biệt phái và kinh sư phạm đều liên quan đến cái nhìn lệch lạc về Luật và Ân sủng, hay nói đúng hơn là sự nhầm tưởng quá nguy hại về Thiên Chúa và về bản thân họ. Họ tưởng họ đã nắm vững Luật, đã thực hành luật cách nghiêm nhặt thì họ có quyền giải thích luật theo ý họ, có quyền chỉ vẽ cho người khác thực hành luật theo hiểu biết của họ. Họ tưởng Ơn Chúa là hoa trái của những nỗ lực bản thân, của những thực hành theo kiểu công thức hóa học. Họ tưởng Chúa là ông chủ giữ kho ơn thánh để rồi chỉ cần đọc vài câu kinh như thần chú thì ắt sẽ Chúa sẽ phải ban ơn.

Hậu quả của cái nhìn lệch lạc trên đây là lối sống giả hình đến quá thô thiển, đáng kinh; là sự mù lòa đáng thương của những người tự cho mình đang sáng mắt. Lối sống giả hình và mù quáng này khiến họ trở thành những người diệt giáo thay vì truyền giáo, những người phá đạo thay vì sống đạo. Họ chẳng khác gì những thùng rỗng kêu to, phát ra những bản nhạc tra tấn lỗ tai và làm đau tim người khác. Như thế, ta hiểu tại sao Chúa Giêsu dành cho các kinh sư và biệt phái những lời chúc dữ khốn cho các người.
 Khốn cho các người, lời này đáng lo và đáng sợ quá. Có khi nào lời ấy được dành cho tôi, cho bạn, cho anh chị hôm nay: khốn cho con !?

Nếu nhìn các kinh sư và pharisêu như những phụ mẫu chi dân về tinh thần, về tôn giáo thì tôi, bạn và anh chị, chúng ta cũng ít nhiều chịu trách nhiệm hướng dẫn tha thân ở nhiều cấp độ khác nhau từ gia đình, giáo xứ, giáo phận, dòng tu, ... Vậy, sự giả hình, sự mù quáng nhuốm mùi biệt phái pharsêu có ít nhiều hiện diện trong cuộc sống của ta không?

Ta có nói rất hay, rất dài, rất kỹ về Chúa và về đạo, nhưng kinh nghiệm về Chúa, kinh nghiệm sống đạo của ta lại chẳng bao nhiêu không? Ta có tận tâm tận lực vẽ bày cho tha nhân phải thế này thế nọ mới được vào Nước Trời, nhưng lối sống của ta và nhất là những biện minh mù quáng cho lối sống thiếu Chúa của ta có khiến anh chị em chao đảo, xa lìa đức tin, xa lìa giáo hội và mất Chúa đời đời chăng? Đặc biệt, khi thi hành sứ vụ của một Tác Viên Tin Mừng, ta miệt mài tìm về cho Chúa những anh chị em mới trong đức tin, nhưng ta lại làm cho họ thất vọng, suy sụp, trốn chạy khi chứng kiến những gì ta đã sống, đã làm cho cộng đoàn tiếp nhận họ chăng?

Lạy Chúa Giê su, con cám ơn Chúa hôm nay đã mở toang được cõi lòng luôn muốn che đậy, đã đưa ra ánh sáng lối sống luôn có mác giả hình của con. Con tin ở quyền năng và lòng xót thương của Chúa. Con biết Chúa luôn yêu thương, luôn đón nhận và luôn muốn cứu vớt con. Con không muốn sống kiếp “thùng rỗng kêu to”, con không muốn nghe Chúa than thở “khốn cho con!”. Xin dẫn con đi vào hành trình chữa lành, hoán cải và phục sinh. Con đã sẵn sàng lên dường, lạy Chúa, đấng cứu độ con. Amen.

Chủ Nhật, 27 tháng 8, 2017

Chấp nhận đau khổ, chết vì yêu



Kết quả hình ảnh cho Tôi là ai ?


Chúa là ai đối với tôi?

Một người tân tòng Công giáo và một người vô thần nói chuyện với nhau.
– Anh đã theo đạo Công giáo rồi sao?
– Vâng, nói đúng và rõ hơn, tôi đã xin theo Đức Kitô.
– Thế thì chắc anh biết rất nhiều về ông ta, vậy anh hãy nói cho tôi biết ông ta sinh ra trong quốc gia nào?
– Rất tiếc là tôi đã có học những chi tiết này trong một khóa giáo lý, nhưng tôi lại quên mất.
– Thế khi chết, ông ta được bao nhiêu tuổi ?
– Tôi không nhớ rõ lắm nên cũng không dám nói.
– Vậy anh có biết ông ta đã thuyết giảng bao nhiêu bài, có bao nhiêu tác phẩm ông ta để lại, nói chung, về cuộc đời sự nghiệp của ông ta?
– Tôi không nhớ hết được.
– Như vậy, anh biết quá ít, quá mơ hồ để có thể quả quyết là anh đã thực sự theo ông Kitô.
– Anh chỉ nói đúng một phần. Tôi rất hổ thẹn vì mình đã biết quá ít về Đức Kitô. Thế nhưng, điều mà tôi biết rất rõ là thế này: ba năm trước, tôi là một tên nghiện rượu, sáng say chiều xỉn, nợ lút đầu lút cổ. Gia đình tôi xuống dốc một cách kinh khủng. Mỗi tối khi trở về nhà, vợ và các con tôi đều tức giận và buồn tủi. Thế mà, bây giờ thì tôi đã dứt khoát bỏ rượu và đã cố gắng trả được hết nợ nần, gia đình tôi đã tìm lại được hạnh phúc, các con tôi ngong ngóng chờ đợi tôi về nhà mỗi tối sau giờ làm ca. Tất cả những điều này, không ai khác hơn, chính Đức Kitô đã làm cho tôi. Và đó là tất cả những gì tôi biết về Ngài.

Chúa Giêsu là ai? Người là ai đối với tôi ? Là Người đã yêu và dám chết vì tôi ??? Tìm tòi và hiểu biết về Chúa thì thật hữu ích với tất cả mọi người Kitô hữu chúng ta. Tuy nhiên, nếu chỉ hiểu biết trên lý thuyết, theo kiến thức thì không có giá trị gì. Điều quan trọng là sống như thế nào! Sự hiểu biết về Chúa, dù chỉ là chút hiểu biết sơ sài, làm ta biến đổi và sống tốt hơn như thế nào mới là điều quan trọng. Xin mời Bạn cùng đọc đoạn Tin Mừng sau đây :

Chúa nhật 27/8/2017 - Tuần 20 TN
Lời Chúa: Mt 16,13-23


13 Khi Đức Giêsu đến vùng kế cận thành Xê-da-rê Phi-lip-phê. Người hỏi các môn đệ rằng: "Người ta nói Con Người là ai?" 14 Các ông thưa: "Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ" 15 Đức Giêsu lại hỏi: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?"16 Ông Simon Phê-rô thưa: "Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống". 17 Đức Giêsu nói với ông: "Này anh Simon con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. 18 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. 19 Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy".20 Rồi Người cấm ngặt các môn đệ không được nói cho ai biết Người là Đấng Ki-tô. 21 Từ lúc đó, Đức Giêsu Ki-tô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống laị. 22 Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: "Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!" 23 Nhưng Đức Giêsu quay lại bảo ông Phê-rô: "Xa tan, lui lại đằng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người".

Suy niệm :
Có lẽ chúng ta quá quen thuộc với hình ảnh của Thập giá. Nơi nào có người Kitô hữu thì nơi đó có Thập giá. Vào thời Chúa Giêsu, Thập giá là một cực hình làm cho con người khiếp sợ, tủi hổ. Hằng ngày, người Do thái chứng kiến cảnh các tội nhân vác những khúc gỗ lớn tuần hành qua các khu phố trước khi đến Núi Sọ; những khúc gỗ sần sùi ấy sẽ được sử dụng để treo chính các tội nhân.

Chúa Giêsu đã loan báo về cái chết của Ngài, đồng thời mời gọi các môn đệ Ngài cũng hãy vác Thập giá của mình để tiến bước theo Ngài. Theo Chúa Giêsu, đó là lời mời gọi cốt yếu của Kitô giáo. Vì sự nghiệp, vì lý tưởng, người ta có thể hy sinh mạng sống của mình. Một người vô tín ngưỡng có thể vì lý tưởng dám hy sinh tất cả cuộc đời của mình; thế nhưng điểm chính yếu của Tin Mừng lại là một con người, đó là Chúa Giêsu Kitô. Ðời sống Kitô giáo chỉ có thể là đời sống, nếu nó được tiếp tục nuôi dưỡng bởi con người Chúa Kitô như là nguồn mạch của sự sống.

Chúng ta ghi dấu Thánh giá trên người chúng ta, chúng ta mang Thánh giá trong người chúng ta, đó không là dấu hiệu của sự chết, nhưng là biểu dương của một sức sống của Ðấng đã chết, đã phục sinh và đang tác động trong chúng ta. Nói như thánh Phaolô: "Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi". Chúa Kitô sống trong chúng ta để tiếp tục và hoàn tất công trình cứu rỗi của Ngài. Chúa Kitô đã vác Thập giá và đã chết một lần, cuộc Tử nạn ấy cần phải đươc tiếp tục qua các Kitô hữu. Cũng chính thánh Phaolô đã nói: "Tôi cần phải bổ khuyết những gì còn thiếu sót trong cuộc tử nạn của Chúa Kitô".

Thập giá đang được vẽ lại dưới muôn nghìn hình thức. Chúa Kitô đang tiếp tục vác Thập giá với những người đang bị giam giữ một cách bất công, những người bị tước đoạt quyền sống, những người bị tra tấn và hành hạ. Chúa Kitô đang tiếp tục cuộc tử nạn của Ngài qua con người chúng ta. Người Kitô hữu chịu gian khó thử thách vì ý thức rằng Chúa Kitô đang sống trong chúng ta.

Tâm tình :
Lạy Chúa Giê su, Xin cho Lời Chúa và sức sống của Chúa nâng đỡ chúng con, để giữa những đau khổ, thử thách của cuộc sống hiện tại, chúng con luôn kiên vững và an vui. và luôn tin tưởng cậy trông nơi Chúa là nguồn cứu độ và là cứu cánh của chúng con. Amen

Thứ Bảy, 26 tháng 8, 2017

Sống giả hình




Kết quả hình ảnh cho thật thà


Lưu Cơ một lần ghé qua chợ ở Hàng Châu, thấy một anh bán hoa quả khéo để dành cam được lâu mà không bị ủng. Vỏ cam lúc nào cũng vàng óng. Giá đắt, nhưng thiên hạ vẫn cứ tranh nhau mà mua. Lưu Cơ cũng mua một quả. Đem về, bóc ra, hơi xông nồng nặc, múi cam như bông nát. Bực mình, ông liền đem ra chợ, hỏi người bán cam:
- “ Anh bán cam cho người ta để làm lễ cúng tế, để đãi khách hay anh chỉ làm cho bóng bảy bên ngoài để đánh lừa người ta? Anh tệ thật! Anh giả dối lắm!”
Anh bán cam cười, nói:
-“ Tôi làm nghề này đã lâu năm để kiếm tiền nuôi thân. Tôi bán, người ta mua, chẳng ai nói gì, chỉ có ông kêu ca! Thiên hạ giả dối nhiều, chẳng phải gì một mình tôi. Ông thật không chịu nghĩ đến nơi! Này ông thử xem: người đeo mảnh ấn khắc con hổ, ngồi trên nệm da hổ, hùng dũng trông ra dáng Quan Võ coi việc binh lính lắm, nhưng không biết có giỏi được như Tôn Tẫn, Ngô Khởi không? Người đội mũ cao, đóng đai dài, đường đường trông ra dáng Quan Văn coi việc cai trị lắm, kỳ thực có giỏi được như Y Doãn, Cao Dao không? Giặc nổi lên không biết dẹp, dân khổ cực không biết cứu, quan lại gian tham không biết trừng trị, luật pháp hỏng nát không biết sửa đổi, ngồi không, ăn lương, không biết xấu hổ. Thế mà lúc ngồi công đường, lại đi xe ngựa, uống rượu ngon, ăn của qúi, oai vệ, hách dịch vô cùng! Ông thấy đó: bề ngoài chẳng như vàng, như ngọc mà bên trong chẳng như bông nát là gì? Ông không chịu xét những hạng người ấy mà đi xét quả cam của tôi!”
Lưu Cơ nghe nói thế, im lặng ra về. (Sưu tầm)

Ngôn hành bất nhất, hữu danh vô thực, đạo đức giả hình, thật-giả trong xã hội hiện nay đang là một vấn nạn khẩn thiết và rất đáng lo ngại cho xã hội và cũng như cuộc sống của giáo hội. Những biểu hiện của những vấn nạn trên là dùng những lời hay ho, hình ảnh đẹp đẽ bên ngoài để che đậy những gì không tốt, không đúng với bản chất nó là.

Cuộc sống hôm nay, người người phải đương đầu với một thách đố và hoang mang rất lớn là “đồ giả”. Nhiều sự vật, với một cái võ bọc thật đẹp đẽ bắt mắt che đậy cái không thật chất bên trong của rất nhiều sự vật: bằng giả, thuốc giả, thức ăn giả, người giả...Đời sống nội tâm cũng thế, tâm hồn trống rỗng, không có chiều sâu, kinh nghiệm sống thiêng liêng hời hợt, người ta thường tìm cách khỏa lấp những yếu kém nội tâm của mình bằng những lối sống giả hình, bằng những lời nói khoác lác phô trương. Thường vì thiếu tự tin và không đủ khẳng định thực chất bên trong, người ta thường có khuynh hướng tạo một lớp võ đạo mạo bên ngoài:“ làm cốt để cho người ta thấy, nới rộng thẻ kinh, may dài tua áo, thích ngồi chỗ nhất ưa bái chào...”

Sống giả hình là tự đánh mất dần nhân cách là mình, và sống vong thân vì không tự tin thể hiện là chính mình, mà chỉ sống gượng và che đậy chính mình và như thế đánh mất niềm tin, sự quý trọng của mọi người dành cho mình. Sống giả hình không chỉ làm ảnh hưởng đến cá nhân, mà còn làm lẫn lộn những giá trị đạo đức, khiến cho thật giả bất phân, làm suy đồi văn hóa xã hội và gây nhiều hậu quả khôn lường khác. Xin mời Bạn cùng đọc đoạn Lời Chúa sau đây :

Thứ bảy 26/8/2017 - Tuần 20 TN
Phúc Âm: Mt 23, 1-12
"Họ nói mà không làm".

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng và các môn đệ rằng: "Các Luật sĩ và các người biệt phái ngồi trên toà Môsê: vậy những gì họ nói với các ngươi, các ngươi hãy làm và tuân giữ, nhưng đừng noi theo hành vi của họ: vì họ nói mà không làm. Họ buộc những bó nặng và chất lên vai người ta, còn chính họ lại không muốn giơ ngón tay lay thử. Mọi công việc họ làm đều có ý cho người ta thấy: vì thế họ nới rộng thẻ kinh, may dài tua áo. Họ muốn được chỗ nhất trong đám tiệc và ghế đầu trong hội đường, ưa được bái chào nơi đường phố và được người ta xưng hô là "Thầy". Phần các ngươi, các ngươi đừng muốn được người ta gọi là Thầy, vì các ngươi chỉ có một Thầy, còn tất cả các ngươi đều là anh em với nhau. Và các ngươi cũng đừng gọi ai dưới đất là cha: vì các ngươi chỉ có một Cha, Người ngự trên trời. Các ngươi cũng đừng bắt người ta gọi là người chỉ đạo: vì các ngươi có một người chỉ đạo, đó là Ðức Kitô. Trong các ngươi ai quyền thế hơn sẽ là người phục vụ các ngươi.
"Hễ ai tự nhắc mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai tự hạ mình xuống, sẽ được nâng lên".

Bài tin Mừng hôm nay ta được nghe những lời phê phán gay gắt của Chúa Giêsu. Ít khi Chúa Giêsu có những lời lẽ nặng nề như vậy. Trước thái độ giả hình của nhóm người Pharisêu này dường như Chúa không chịu nổi nên mới có những lời lẽ nặng nề như vậy.

Ta cùng xem lại độ giả hình của họ như thế nào :
Trước hết là lời nói của họ không đi đôi với việc họ làm. Họ chỉ ngồi trên tòa mà phán dạy cho người khác nghe nhưng những gì họ dạy thì họ lại không làm. Họ bó những gánh nặng, tức là những lề luật tỉ mỉ lên vai người ta, bắt người ta tuân giữ còn chính họ thì lại không giữ. Ngày Sabát họ cấm người ta làm bất cứ việc gì, nhưng giả sử có con bò nhà họ rớt xuống giếng họ sẽ vội vàng kéo lên. Đó là một hành động lừa bịp người ta.

Không chỉ là giả hình trước mặt người đời, nhóm người Pharisêu này còn giả hình trước mặt Thiên Chúa qua những hành động đạo đức giả của họ. Họ làm việc đạo đức cốt chỉ để khoe mẽ. Bằng việc đeo những cuộn Thánh Kinh trước ngực để tỏ ra là người chăm chỉ đọc Thánh Kinh, mang những tua áo thật dài cốt cho mọi người khâm phục vị thế của họ cộng đồng tôn giáo nhưng thực chất thì lòng dạ chẳng hướng về Thiên Chúa. Các hành động tiếp theo của họ mà Chúa Giêsu liệt kê như : ưa ngồi cỗ nhất, chiếm nghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi nơi công cộng, và thiên hạ gọi là rápbi chứng tỏ họ là những vị có thế giá trong cộng đồng tôn giáo. Nhưng thay vì dùng vị thế ấy để phục vụ Thiên Chúa và tha nhân thì chính họ đã tự tôn mình lên và bắt người ta cung kính phục vụ.

Lạy Chúa Giê su, Xin cho chúng con biết sống khiêm tốn và phục vụ mỗi ngày. Biết tìm kiếm những gì thuộc về Thiên Chúa và tôn vinh Ngài bằng chính đời sống chứng tá của chúng con. Xin cho chúng con biết hạ mình như Chúa để nhờ đó chính Chúa đang lớn dần lên trong tâm hồn của chúng con. Và một khi chúng con để cho Chúa lớn mạnh trong tâm hồn thì không điều gì còn cản được bước tiến chúng con đến gần Chúa và kết hợp nên một với Ngài. Amen

Thứ Sáu, 25 tháng 8, 2017

Học yêu


Kết quả hình ảnh cho suy niệm tin mừng mt 22,34-40



LỜI NÓI HƯƠNG BAY, GƯƠNG BÀY LÔI KÉO.

Một hôm một người khách đến thăm một tu viện thuộc dòng Thừa Sai Bác Ái do Mẹ Tê-rê-sa Can-quýt-ta sáng lập. Ông ta nhìn thấy các sơ vừa đem về tu viện một bệnh nhân sắp chết, được tìm thấy đang nằm trên vỉa hè cạnh một lỗ cống xông lên hôi thối. Trên mình người này đầy những chí rận. Ông khách thấy các sơ vui vẻ giúp người này tắm rửa, diệt trừ chí rận với thái độ ân cần đầy cảm thông. Sau đó, ông đến gặp Mẹ Tê-rê-sa và nói: “Thưa mẹ, khi đến đây con vẫn đang có ác cảm và thù ghét đối với hội thánh công giáo. Con nghĩ rằng các linh mục và nữ tu chỉ là bọn người đạo đức giả ! Nhưng giờ đây, con đã loại bỏ tất cả những hiểu lầm và thành kiến lâu nay. Vì tại tu viện này, con đã chứng kiến tình yêu Chúa được diễn tả cụ thể qua hành động và thái độ của các sơ, khi các sơ săn sóc cho người bệnh sắp chết kia. Bây giờ thì con đã xác tín “Thiên Chúa là tình yêu”. Vì nếu không có Thiên Chúa trong tâm hồn, thì chắc các sơ đã không thể đủ nghị lực để quên mình xả thân phục vụ cách vô vụ lợi những người bệnh tật bất hạnh như vậy !”


Thứ sáu 25/8/2017 - Tuần 20 TN
Lời Chúa : Mt 22,34-40

(34) Khi nghe tin Đức Giê-su đã làm cho nhóm Xa-đốc phải câm miệng, thì những người Pha-ri-sêu họp nhau lại. (35) Rồi một người thông luật trong nhóm hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng: (36) “Thưa Thầy, trong sách Luật Mô-sê, điều răn nào là điều răn lớn nhất ?”. (37) Đức Giê-su đáp: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của người hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn đứng đầu. (39) Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. (40) Tất cả Luật Mô-sê và các sách Ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy”.

Suy niệm :
Chúng ta đang sống trong một thế giới thượng vàng hạ cám đã làm lệch đi rất nhiều những giá trị của cuộc sống. Một thế giới xem ra những nghĩa cử yêu thương thật hiếm hoi. Đó chính là một thách đố cho người ky-tô hữu chúng ta. Liệu rằng chúng ta có dám sống triệt để giới răn mến Chúa yêu người giữa một xã hội loại trừ Thiên Chúa và thiếu thốn tình người hay không? Liệu rằng chúng ta có dám chịu thiệt thòi để người khác hưởng thụ trên lòng quảng đại của chúng ta hay không? Liệu rằng chúng ta có dám yêu người khi mà người ta đang chơi xấu, đang lợi dụng, đang làm hại chúng ta? Đây là một thách đố và cũng là đòi hỏi triệt để, vì căn tính của người môn đệ Chúa là “yêu mến tha nhân như chính mình”. Vì tình yêu là lẽ sống, là hơi thở của người ky-tô hữu. Không có tình yêu thì sức sống của người tín hữu đã không còn. Không có lòng quảng đại thì không còn là nhân chứng cho Tin mừng Nước Trời của Chúa. Chúng ta không thể nói yêu Chúa mà trong lòng vẫn còn thù ghét anh em của mình. Chúng ta phải vượt lên trên lòng ích kỷ, sự hẹp hòi của nhân thế để làm chứng cho một tình yêu nhân ái, bao dung và vị tha.

Đây chính là sứ điệp mà Tin Mừng hôm nay muốn loan báo. Chúa mời gọi chúng ta hãy yêu mến Chúa trên hết mọi sự. Đồng thời Ngài cũng đòi buộc chúng ta phải yêu mến tha nhân như chính mình. Chính Thầy Chí Thánh Giêsu đã làm gương cho chúng ta. Chính Ngài khi bị treo trên thập tự giá đã giới thiệu cho nhân thế một tình yêu tinh ròng đến nỗi “dám chết cho người mình yêu”. Ngài đã chọn thập tự giá làm biểu tượng cho tình yêu tự hiến của mình. Với thanh dọc, Chúa chấp nhận cực hình để tôn vinh Chúa Cha. Với thanh ngang, Ngài muốn ôm trọn nhân loại trong tình thương của Chúa. Người ky-tô cũng được mời gọi trở nên đồng hình đồng dạng với Thầy Giêsu khi chúng ta sống tôn vinh Chúa Cha, và yêu mến anh em như chính mình.

Lạy Chúa Giê su, ngày nay Chúa cũng muốn chúng con mở rộng vòng tay đến với hết mọi người. Chúng con chỉ có thể “nối vòng tay lớn” nếu biết gắn bó với Chúa. Ước gì khi nhìn lên cây thánh giá, chúng con thấy mẫu gương một tình thương tột đỉnh của Chúa là hy sinh quên mình chịu chết để cho chúng con được sống. Tình thương của Chúa mời gọi chúng con giang tay cầu nguyện, rồi nắm tay nhau để hợp tác xây dựng một thế giới mới ngày một công bình, yêu thương và an bình thịnh vượng hơn.

Thứ Năm, 24 tháng 8, 2017

Đối tượng duy nhất



Kết quả hình ảnh cho theo Chúa trên đương khổ giá


Đi trọn con đường khổ giá, 2 Giám mục Trung Hoa vừa qua đời
Thứ hai - 21/08/2017 08:50

Cả hai vị giám mục đã bị đày đoạ nhiều năm trong các trại lao động cưỡng bức. Giám mục Lý Kiến Đường (Li Jiantang) dành trọn cuộc đời để khôi phục lai giáo phận Thái nguyên (Taiyuan) và đào tạo các giáo sĩ và tu sĩ. Giám mục Tạ Đình Triết (Xie Tingzhe) là một giám mục chui, chỉ được công nhận bởi Tòa Thánh. Ngài đã chọn một cuộc đời phục vụ tại cùng một nơi mà Ngài từng bị giam cầm tới 20 năm.
Hai giám mục cao tuổi Trung Quốc, một từ Thái Nguyên (Sơn Tây) và một từ Ô Lỗ Mộc Tề (Urumqi) ở Tân Cương, đã qua đời vào ngày 13 và 14 tháng 8 vừa qua. Cả hai đều được công nhận bởi Tòa Thánh. Cả hai đã bị bắt đi cưỡng bức lao động nhiều năm lúc còn trẻ.
Vị giám mục 'chui' Paul Tạ Đình Triết của Ô Lỗ Mộc Tề (Tân Cương) đã qua đời ngày 14 tháng 8 ở tuổi 86. Ngài chỉ được chính phủ Trung Quốc công nhận như là một linh mục thường.

Đức giám mục Tạ Đình Triết lớn lên ở Lan Châu, tỉnh Cam Túc (Gansu.) Ngài gia nhập tiểu chủng viện Lan Châu vào năm 1945. Trong cuối thập niên 1950, khi còn là chủng sinh, ngài bị bắt giam vì từ chối tham gia hiệp hội Công Giáo yêu nước cuả nhà Nước. Từ 1961 đến 1989, Ngài bị giam giữ tại một trang trại lao động ở Ô Lỗ Mộc Tề, thuộc khu tự trị Tân Cương - Duy Ngô Nhĩ Tộc (Xinjiang Uygur Autonomous Region)
     Sau khi được thả vào năm 1980, ngài được thụ phong linh mục cùng năm. Ngài đã chọn ở lại để phục vụ những người Công Giáo ở Tân Cương, một nơi mà ngài đã bị giam giữ suốt một thời thanh niên dài 20 năm.

Năm 1991, ngài được bí mật tấn phong làm giám mục Ô Lỗ Mộc Tề. Cho đến nay, chính phủ Trung Quốc chỉ công nhận ngài là một linh mục. Năm 1994, trong một chuyến đi ra nước ngoài, ngài bí mật gặp gỡ Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.
        Ngài là một người sử dụng Internet rất năng nổ, và sử dụng blog để truyền bá phúc âm. Đôi khi, ngài hát những bài thánh ca bằng Latin với các nhóm trẻ trong những cuộc trò chuyện trên mạng.
Giáo phận Ô Lỗ Mộc Tề chỉ có khoảng 9.000 giáo dân, đa số người dân trong khu vực là Hồi giáo.

(Vũ Văn An, vietcatholic 14.08.2017/ AsiaNews 14/08/2017)

Có những người theo Chúa cách âm thầm kín đáo giống như ông Giuse Arimathê là thành viên trong Thượng Hội Đồng. Có người theo Chúa trong tột cùng của khổ đau và tuyệt vọng như anh trộm lành chịu án tử hình trên thập giá. Có người theo Chúa trong can đảm giống như biết bao người tội lỗi công khai nhưng sám hối và bất chấp tiếng cười chê của dư luận để tiến đến xin ơn tha thứ và ơn chữa lành của Chúa.

Có những người theo Chúa cách nhẹ nhàng giản dị. Họ tiếp bước với Chúa trên các nẻo đường, trong các làng mạc thành thị, trên các ngọn đồi, họ nghe Chúa nói, nhìn Chúa chữa lành bao người, và họ kín múc niềm vui từ nơi Chúa và nơi những người được chữa lành. Họ ngợi khen Chúa bằng tiếng ca khen mộc mạc của ngôn ngữ đời thường và bình dân, của cuộc sống đơn giản của họ.

Có bao nhiêu con người thì có bấy nhiêu con đường đến với Chúa, có bấy nhiêu cung cách để dâng tấm lòng lên Chúa. Bởi vì chính Chúa Giêsu chủ động chạm đến tâm hồn mỗi người, chủ động đợi chờ và sẵn sàng thương xót, thương mến và tiếp đón. Tim đèn leo lét Người không nỡ tắt đi, một tâm hồn tan nát dày vò Người chẳng hề khinh chê. Vâng, này đời con, bất chấp tốt xấu thế nào, con cũng can đảm dâng lên Chúa. Xin Chúa thương đoái nhận và chúc lành cho từng cảnh đời của chúng con.

Thứ năm 24/8/2017 - Kính Thánh Batolomeo Tông đồ
Lời Chúa: Ga 1, 45-51
“Đây thật là người Israel, nơi ông không có gì gian dối “.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Philipphê gặp Nathanael và nói với ông: “Đấng đã được Môsê ghi trong Luật và các tiên tri nói đến, chúng tôi đã gặp rồi: đó là Giêsu con ông Giuse, người thành Nadarét”. Nathanael đáp: “Bởi Nadarét nào có cái chi hay?” Philipphê nói: “Hãy đến mà xem”.
Chúa Giêsu thấy Nathanael đi tới Mình, thì nói về ông: “Đây thật là người Israel, nơi ông không có gì gian dối”. Nathanael đáp: “Sao Ngài biết tôi?” Chúa Giêsu trả lời rằng: “Trước khi Philipphê gọi ngươi, lúc ngươi còn ở dưới cây vả, thì Ta đã thấy ngươi”. Nathanael thưa lại rằng: “Lạy Thầy, Thầy là Con Thiên Chúa, là Vua Israel”. Chúa Giêsu trả lời: “Vì Ta đã nói với ngươi rằng: Ta đã thấy ngươi dưới cây vả, nên ngươi tin, ngươi sẽ thấy việc cao trọng hơn thế nữa”. Và Người nói với ông: “Thật, Ta nói thật với các ngươi, các ngươi sẽ thấy trời mở ra, và các Thiên Thần Chúa lên xuống trên Con Người”.


Như vậy Đức Giêsu sẽ là sự gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người, gặp gỡ giữa trời và đất. Từ khi Ông bà Nguyên tổ phạm tội, các tầng trời đã đóng lại, con người bị trầm luân bởi sự chết, khi Đức Giêsu vâng lời Chúa Cha thực hiện Công trình Cứu chuộc, các tầng trời sẽ mở ra, Ngài đưa Thiên Chúa xuống với con người và đưa con người lên với Thiên Chúa.
Có lẽ các môn đệ khác được Chúa Giêsu gọi theo Ngài một cách bình thường, Ngài chỉ cần nói: Hãy theo Ta, các ông liền bỏ mọi sự mà theo.
Nhưng riêng Nathanael thì khác, đây là trường hợp thú vị, vì ông là con người chân thật, nơi ông không có gì gian dối, mặc dù ông quá thành kiến về nơi xuất thân của Đức Giêsu, tức Nadarét. Chính vì thế Đức Giêsu không gọi ông như cách Ngài gọi các môn đệ khác, nhưng Ngài đã khuất phục ông từng bước một. Sau khi đã tin hoàn toàn vào Ngài, ông sẵn sàng chết để bảo vệ niềm tin của mình và ông cũng được phúc tử đạo.

Lạy Chúa, hôm nay Chúa cũng thấy mỗi người chúng con rồi, và Chúa biết rõ mỗi người chúng con, với những ước mơ, những thực trạng trong cuộc sống, những yếu đuối và những phẩm giá cao quý mà Chúa đã ban cho chúng con. Xin giúp chúng con vững một niềm tin vào Chúa, dám hy sinh, quên mình để yêu thương và sống thánh thiện như Lời Chúa dạy bảo, một cách cụ thể như quan tâm tới anh chị em của chúng con thật sâu sát, chân thành, hầu đưa anh chị em chúng con về với Chúa, để chúng con cùng được nghe Chúa nói: Tôi đã thấy anh rồi. Và chúng con cùng tuyên xưng: "Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Vũ Trụ này !" (Ga 1,49) Amen,

Thứ Tư, 23 tháng 8, 2017

Dành trọn cuộc đời cho một tình yêu


‘Mẹ Têrêsa’ của Pakistan, Sơ Ruth Pfau qua đời thumbnail


‘Mẹ Têrêsa’ của Pakistan, Sơ Ruth Pfau qua đời
Với các nỗ lực của Sơ, Pakistan là một trong các nước châu Á đầu tiên kiểm soát được bệnh phong cùi


‘Mẹ Têrêsa’ của Pakistan, Sơ Ruth Pfau, một bác sĩ đã dâng hiến cả đời mình để chữa trị cho các bệnh nhân phong cùi, qua đời hôm 10-8 sau thời gian dài lâm bệnh. Sơ hưởng thọ 87 tuổi.
         Người đặt nền móng cho Chương trình Kiểm soát Bệnh Phong cùi Quốc gia, Sơ Pfau qua đời tại bệnh viện Aga Khan ở thủ đô Karachi, sau hai tuần ở đây, vì bệnh liên quan đến tuổi già.
Sơ là người Đức và là thành viên của dòng tu Con gái của Đức Mẹ Maria. Sơ Pfau thành lập Trung tâm chữa trị bệnh Phong cùi tên Marie Adelaide (MALC) ở Karachi và ở một số tỉnh sau khi đến Pakistan vào năm 1960, lúc 29 tuổi.
          Với các nỗ lực của Sơ, năm 1996 tổ chức Sức Khỏe Thế giới (WHO) tuyên bố Pakistan là một trong các nước châu Á đầu tiên kiểm soát được bệnh phong cùi. Sơ được trao tặng phần thưởng quốc gia cao nhất trong lãnh vực dân sự của Pakistan là ‘Hilal-e-Pakistan’ và ‘Hilal-e-Imtiaz’.
         Sự tôn kính và chia buồn bày tỏ tràn ngập trên mạng xã hội sau khi sự ra đi của Sơ chính thức công bố.
       “Cầu cho linh hồn Sơ được yên nghỉ và những người khác sẽ nối tiếp công việc của Sơ”, Arif Alvi, nhà lập pháp đối lập viết trên Twitter.
       Bác sĩ Ruth Pfau là một người Pakistan can trường. Sơ đại diện cho đỉnh cao của sự đồng cảm và cống hiến. Cầu Chúa đón nhận linh hồn Sơ”, Mosharraf Zaidi, một nhà báo kỳ cựu cũng viết trên Twitter.
Mervyn F. Lobo, giám đốc điều hành của MALC bày tỏ nỗi buồn sâu sắc.
Lễ tang Sơ sẽ được tổ chức tại nhà thờ Thánh Patrick ở Karachi vào 19-8.
Ghi nhận công lao của Sơ Ruth Pfau cho Pakistan, thủ tướng Shahid Khaqan Abbasi tuyên bố quốc tang dành cho Sơ.
Câu chuyện trên đây nói lên tinh thần và trái tim của một nữ tu đã nghe theo tiếng gọi của Chúa và cống hiến cuộc đời cho sứ mạng  mà Chúa đã kêu gọi là :"Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, 20 dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế." Xin mời Bạn cùng đọc đoạn Tin Mừng sau :


Thứ tư 23/8/2017 - Tuần 20 TN
Tin Mừng: Mt 28,16-20


16 Mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Đức Giê-su đã truyền cho các ông đến. 17 Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. 18 Đức Giê-su đến gần, nói với các ông: "Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. 19 Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, 20 dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế."


Dụ ngôn Chúa Giêsu dùng để trình bày giáo lý của Ngài cho dân chúng được các nhà chú giải xếp thành hai loại: tỷ dụ và dụ ngôn. Loại tỷ dụ là thể văn mà toàn bộ những chi tiết đều mang ý nghĩa nòng cốt, còn các chi tiết phụ chỉ làm cho câu truyện thêm thú vị và khiến người đọc quan tâm chú ý đến ý chính mà thôi.
Câu chuyện về những người thợ vào làm vườn nho của chủ là một dụ ngôn. Chủ đề chính của dụ ngôn là mối liên hệ của con người với Thiên Chúa trên bình diện ân sủng.
Trong lúc các Rabbi Do thái thường tính toán phần thưởng Thiên Chúa ban cho mọi việc lành, thì cách tính toán sòng phẳng theo công bình giao hoán này hoàn toàn bị dụ ngôn làm đảo lộn, vì nếu chúng ta tính với Chúa, Ngài sẽ tính với chúng ta, và chắc chắn số tội của chúng ta sẽ nhiều hơn công phúc và chúng ta sẽ là kẻ thiệt thòi.
Chúa Giêsu đã dùng dụ ngôn để cảnh cáo người Do thái không nên so đo, phân bì với người tội lỗi hay người ngoại giáo được ơn Chúa trở lại và thừa hưởng Nước Trời, bởi vì Nước Trời là phần thưởng nhưng không do lòng quảng đại của Chúa, chứ không do lòng đạo đức hay công nghiệp của con người. Câu trả lời của Chúa Giêsu cho những kẻ phàn nàn kêu trách nêu bật lòng quảng đại của Thiên Chúa: "Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thỏa thuận với tôi một quan sao; cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn, tôi không có quyền được tùy ý sử dụng của cải tôi sao?". Thiên Chúa đối xử tốt với mọi người, Ngài ban ơn cho mọi người chỉ vì lòng thương của Ngài mà thôi. Còn con người thì dễ bị cám dỗ, ghen tỵ, hẹp hòi, muốn giới hạn hành động yêu thương của Thiên Chúa.

Chúng ta hãy xét xem mình đã có thái độ nào đối với người khác, nhất là khi thấy họ được sự lành? Xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi tính ghen tỵ và cho chúng ta sống quảng đại với mọi người.

Lạy Chúa Giêsu, Ngài là Đấng nhân hậu và xót thương vô cùng. Lòng nhân hậu và xót thương ấy được thể hiện nơi những người tưởng chừng như không còn một cơ hội sống nào. Xin cho chúng con cảm nhận được tình thương và lòng nhân hậu ấy qua từng biến cố của cuộc đời chúng con. Để chúng con không bao giờ thất vọng, nản chí vì những yếu đuối, lỗi lầm và bất xứng của mình. Nhưng không vì thế mà để chúng con quên đi sự ăn năn, hối lỗi và quyết tâm làm mới lại cuộc đời.

Xin Chúa cho chúng con cũng biết cộng tác vào công việc làm vườn nho của Chúa bằng chính khả năng và hoàn cảnh sống của mỗi người chúng con. Để khi chiều về chúng con cũng sẽ được lãnh phần thưởng là vinh phúc Nước Trời mà Chúa sẽ trao cho những nỗ lực vất vả của chúng con. Amen

Thứ Ba, 22 tháng 8, 2017

Mẹ hằng che chở

Phép Lạ Giáo Dân Bình An Và Tượng Đức Mẹ Nguyên Vẹn Sau Lốc Xoáy Ở Mỹ

Phép Lạ: Giáo Dân Bình An Và Tượng Đức Mẹ Nguyên Vẹn Sau Lốc Xoáy Ở Mỹ

Thứ sáu - 05/05/2017 22:41

Giáo dân của giáo xứ Thánh Gioan tại bang Texas, Mỹ cho biết chỉ có thể là phép lạ che chở của Thiên Chúa và Mẹ Maria mới giúp mọi người bình an vô sự khi lốc xoáy quét thẳng vào nhà thờ ngày 29.4.2017. Thời điểm ấy, có khoảng 45 tín hữu đang có mặt tại nhà thờ.

Cơn lốc quét thẳng vào nhà thờ, làm cho sảnh chính sụp hoàn toàn, nhưng nhiệm màu là không có tín hữu nào bị thương và tượng Đức Mẹ hoàn toàn nguyên vẹn!

Đức Maria còn làm nhiều phép lạ ở khắp mọi nơi. Mục đích là để kêu gọi các con ái của Mẹ ăn năn thống hối, lần hạt Mân côi và tôn sùng trái tim vẹn sạch của Mẹ giữa một thế hệ gian tà sa đọa, Mẹ đã được Thiên Chúa ban tràn đầy ân phước, qua đó những ai thành tâm chạy đến với Mẹ đều được bình an và nhiều ơn lành hồn xác, vì xưa Mẹ đã đi thăm và giúp đỡ Bà chị họ thế nào thì ngày nay Mẹ vẫn giúp đỡ chúng ta như thế. Xin mời Bạn cùng đọc đoạn Tin Mừng sau đây :

Thứ ba 22/8/2017 - Lễ Đức Maria Trinh nữ vương
Lời Chúa Lc, 1,26-38

“Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét,gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a. Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.”Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. Sứ thần liền nói: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su.Ngườisẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người.Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.” Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.”

Lời mời gọi nào của Thiên Chúa cũng gây xáo trộn những dự định và tính toán riêng tư.
Nếu Maria đã khấn sống khiết tịnh, thì nay Thiên Chúa lại muốn cô làm mẹ và sinh con.
Nếu Maria đã muốn sống bậc hôn nhân một cách bình thường với ông Giuse, thì nay Thiên Chúa lại muốn cô có một người con, không phải với Giuse, và tương quan giữa cô với Giuse hẳn phải thay đổi. Maria không hiểu hết con đường mình sắp đi. Có biết bao trắc trở, khó khăn, mờ tối. Nhưng cô tin vào Thiên Chúa đang mời gọi. Cô buông mình để tay Chúa dẫn đưa, vì xác tín rằng chẳng có gì Ngài không làm được. Maria đã xin vâng trong niềm tin yêu phó thác.
Tiếng xin vâng này mở đầu cho một chuỗi xin vâng làm nên cuộc đời người nữ tỳ của Chúa. Lắm khi chúng ta thấy Ðức Maria quá cao xa vì tràn đầy những ơn chúng ta không hề có.
Chúng ta quên rằng Mẹ cũng là một tín hữu bước những bước gập ghềnh qua sa mạc cuộc đời.
Nói tiếng xin vâng khi mọi sự dường như sụp đổ, chuyện đó cần đến lòng tin.
"Phúc cho em là kẻ đã tin..." (Lc 1,45).

Tiếng xin vâng khó khăn nhất của Mẹ Maria là tiếng xin vâng dưới chân thập giá. Những lời thiên thần nói ngày xưa có còn đáng tin không? Chỉ khi Ðức Giêsu Phục Sinh hiện ra với Mẹ tất cả những tiếng xin vâng trong đời mới bừng sáng trọn vẹn và rực rỡ ý nghĩa.
Chúng ta có dám liều xin vâng như Mẹ không?

Lạy Ba Ngôi Thiên Chúa, chúng con đã ngắm nhìn lại biến cố truyền tin mang Con Chúa đến cho nhân loại, trong đó nổi bật gương mẫu đức tin sống động của Mẹ Maria, Mẹ đã không ngần ngại thưa “Xin Vâng”. Dẫu Mẹ chưa hiểu trọn vẹn thiên ý, nhưng Mẹ vẫn tín thác vào Lời Chúa dạy. Xin cho chúng con học được bài học tin kính, mến yêu và phó thác này để chúng con sống, thi hành và biết làm đẹp lòng Chúa trong mọi sự. Amen.

Thứ Hai, 21 tháng 8, 2017

Chọn lối sống nào ?


Kết quả hình ảnh cho mê tiền bạc


LỜI NHẮN NHỦ CÁC BẠN TRẺ CỦA MỘT BÁC SĨ TÀI DANH :

Bác sĩ RICHARD TEO KENG SIANG, 40 tuổi. Một triệu phú ngành giải phẫu thẩm mỹ ở đảo quốc Sin-ga-pore. Đột nhiên phát hiện mình đã bị ung thư phổi giai đoạn cuối khi anh đang ở đỉnh cao tiền tài và danh vọng. Richard Teo qua đời ngày 18/10/2012. Những chia sẻ của anh khi được đưa lên facebook đã gây một xúc động rất lớn cho các bạn trẻ và được nhiều lời bình luận đồng ý.

- “Chào tất cả các em. Tôi tên là Richard và là một bác sĩ. Từ lúc trẻ, tôi là sản phẩm đặc trưng của xã hội ngày nay. Hồi nhỏ, tôi lớn lên trong một gia đình sống dưới mức trung bình. Tôi được mọi người dạy rằng: thành công và giàu có đồng nghĩa với hạnh phúc. Với suy nghĩ này, tôi quyết tâm ganh đua học tập ngay từ nhỏ và đã đạt được thành công và có được mọi thứ như lòng mong ước. Nhưng thật trái ngược, chỉ khi sắp chết thì tôi mới nhận biết mình nên sống ra sao. Tôi biết điều này nghe có vẻ phi thực tế, nhưng lại là sự thật mà chính tôi đang trải qua: Sự thành công, xe cộ, nhà cửa, những thứ mà tôi nghĩ sẽ đem lại hạnh phúc cho mình. Nhưng thực ra chúng đã không mang lại niềm vui, mà nếu được chọn lựa lại, tôi sẽ chọn một lối sống khác tốt đẹp hơn.”

- Đây không chỉ là lối sống thực dụng của Richard Teo, mà còn của mọi người chúng ta. Chúng ta đã quá lo toan lao vào cuộc cạnh tranh tìm kiếm tiền tài danh lợi, mà quên đi giá trị cao cả hơn là hạnh phúc vĩnh hằng đời sau. Chúng ta đã đầu tư quá nhiều công sức vào những thứ mau qua và chỉ có giá trị tương đối, mà bỏ qua cơ hội để tích lũy cho mình một gia tài thiêng liêng có giá trị lâu bền đời sau.
Xin mời Bạn cùng đọc đoạn Lời Chúa sau đây :

Thứ hai 21/8/2017 - Tuần 20 TN
Lời Chúa : Mt 19,16-22

Và kìa có một người đến thưa Đức Giêsu rằng : “ Thưa Thầy, tôi phải làm điều gì tốt để được hưởng sự sống đời đời ?” Đức Giêsu đáp : “ Sao anh hỏi tôi về điều tốt ? Chỉ có một Đấng tốt lành mà thôi. Nếu anh muốn vào cõi sống, thì hãy giữ các điều răn.” Người ấy hỏi : “Điều răn nào?” Đức Giêsu đáp: “ Ngươi không được giết người. Ngươi không ngoại tình. Ngươi không được trộm cắp. Ngươi không được làm chứng gian. Ngươi phải thờ cha kính mẹ”, và “ ngươi phải yêu đồng loại như yêu chính mình.” Người thanh niên ấy nói: “ Tất cả những điều đó, tôi đã giữ, tôi còn thiếu điều gì nữa ?” Đức Giêsu đáp : “ Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi. Nghe lời đó. người thanh niên buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.


Suy niệm :
Trong xã hội, nhất là trong xã hội hiện tại. giá trị con người được đánh giá qua địa vị, danh vọng. Nói đúng hơn, lương bỗng ai cao, người đó có giá trị. Họ trở thành đại gia và được mọi người kính nể. Người thanh niên mà thánh sử Matthêu nói đến hôm nay cũng thuộc hạng người “đại gia” này. Anh ta có nhiều của cải và thành đạt trong cuộc sống đời này. 
Đã đến lúc Chúa Giêsu muốn anh ta cắt bỏ mọi dây tơ vướng lòng. Hơn nữa, có thể khi anh bán của cải là phần dư thừa và không cần thiết cho đời sống mai hậu, anh sẽ giúp một số người nghèo thoát cảnh bần cùng đói khổ; như thế anh góp phần xây dựng sự bình đẳng , lấp đầy hố ngăn cách giữa người giàu và nghèo trong xã hội. Công việc của anh khiến cho nhiều thế giới này thêm vui tươi, con người xích lại gần nhau hơn, vũ trụ nở hoa tình đại đồng ấm áp.  Với Thiên Chúa anh có một khoảng cách. Anh chỉ đi đến đó và không muốn tiến xa hơn, không muốn nên hoàn thiện khi phải từ bỏ của cải mà anh đang bám víu, mà anh xem như là cứu cánh đời mình. Giờ đây của cải là “ cái anh có”, anh đang biến nó thành “ cái là” của anh. Anh sẵn sàng khước từ lời mời cộng tác của Thiên Chúa, chỉ vì anh đã là nộ lệ cho của cải đời này.

Câu chuyện đang diễn tiến tốt đẹp, nội dung đang có chiều hướng tốt đẹp, hẳn chúng ta không thể ngờ kết luận lại là một cuộc thất bại, ngã gục trước sức mạnh của đồng tiền, của cải thế gian này. Buồn và tiếc thay cho anh, nhưng chúng ta cũng cần khóc thương cho số phận mỗi người. mỗi người chúng ta ai cũng có những cục đá ngăn cản hành trình tiến về quê trời, ai cũng mang thân phận yếu đuối khi bị cột trói bằng những sợi chỉ vô hình: sợi chỉ danh vọng, tiền bạc, đam mê xác thịt. Chúng ta đã đặt lầm bậc thang giá trị : đặt Thiên Chúa dưới những đam mê vô bổ và độc hại đó. Thiên Chúa dựng nên mọi sự để chúng ta cai trị và làm bá chủ chúng, nhưng chúng ta lại tự nguyện làm nô lệ cho những ảo ảnh, phù phiếm.


Lạy Chúa Giêsu, nhiều bạn trẻ đã không ngần ngại chọn những cầu thủ bóng đá, những tài tử điện ảnh làm thần tượng cho đời mình.
Hôm nay Chúa cũng muốn biết chúng con chọn ai, và chúng con thật sự đắn đo trước khi chọn Chúa.
Bởi chúng con biết rằng chọn Chúa là lội ngược dòng, theo Chúa là bước vào con đường hẹp : con đường nghèo khó và khiêm nhu, con đường từ bỏ và phục vụ.
Hôm nay, chúng con chọn Chúa không phải vì Chúa giàu có, tài năng hay nổi tiếng, nhưng vì Chúa là Thiên Chúa làm người. Chẳng ai đáng chúng con yêu mến bằng Chúa. Chẳng ai hoàn hảo như Chúa.
Ước gì chúng con can đảm chọn Chúa nhiều lần trong ngày, qua những chọn lựa nhỏ bé, để Chúa chiếm lấy toàn bộ cuộc sống chúng con, và để chúng con thông hiệp vào toàn bộ cuộc sống của Chúa. Amen.