Ngày 20 tháng 2 năm 1967 là một ngày trời u ám, tuyết rơi và gió lạnh. Các học sinh của trường đang chơi trong giờ ăn trưa. Jimmy Thompson, một giám thị các học sinh lớp 7, đang quan sát các em khi chúng chơi đùa. Thình lình một học sinh lớp 4 đi ra khỏi ngôi nhà thờ gỗ và cho ông biết là các học sinh đang chơi giỡn bên trong nhà thờ. Thompson mở cửa nhà thờ và nhìn vào bên trong, ông thấy lửa cháy lan khắp phía sau cung thánh của nhà thờ. Thompson vội vàng chạy đến trường học và kéo chuông báo cháy và chạy đến nhà xứ báo cho cha xứ biết.
Nhà thờ thánh Philip Neri được xây dựng vào năm 1929, hoàn toàn bằng gỗ. Do đó ngọn lửa đã dễ dàng lan tràn khắp nhà thờ. Khi cha Weinmann, 77 tuổi, cha sở của giáo xứ, nghe tiếng la hét thông báo nhà thờ đang bị cháy, đã chạy vội ra khỏi nhà xứ và băng mình xông vào lửa để cứu lấy Mình Thánh Chúa trong Nhà Tạm. Còn sơ McLaughlin, vội vàng gọi điện cho sở cứu hỏa và khi được biết là còn một số ít trẻ em đang ở trong nhà thờ, sơ đã không chút do dự, chạy vào nhà thờ qua cửa hông để vào cứu các em. Thật ra trong nhà thờ không có học sinh nào cả, nhưng sơ McLaughlin gặp thấy cha Weinmann và cố gắng giúp cha thoát ra ngoài nhà thờ. Họ cố đi ra bằng cửa chính, nhưng vì khói dày đặc nên cả hai người không nhìn thấy rõ và tưởng cửa vào phòng giải tội là cửa chính. Lính cứu hỏa đã tìm thấy hai người gần đó. Sơ McLaughlin qua đời vì ngạt khói, ngay chiều thứ hai hôm ấy, khi chỉ vừa mừng sinh nhật lần thứ 26 được 2 ngày. Còn cha Weinmann, đã mang Mình Thánh Chúa ra khỏi Nhà Tạm, cũng qua đời hai ngày sau đó.
Sự hy sinh của cha Weinmann và sơ McLaughlin đã để lại một dấu vết không thể xóa nhà trong ký ức của các học sinh và giáo dân của giáo xứ tại thành phố Rochester này và cũng là một mẫu gương hy sinh sống động mãi. Dù họ đã hy sinh cách đây nửa thế kỷ, nhưng ấn tượng của các học sinh và giáo dân về họ vẫn cho thấy một bản chất bình thường của sự vĩ đại, điều đã làm cho vị Tôi tớ Chúa Fulton Sheen gọi họ là “các vị tử đạo”. Thompson, người đã khám phá đám cháy hôm ấy, chia sẻ: “Khi bạn gặp điều gì đó tàn phá trong cuộc sống của bạn như ngày 20 tháng 2 năm đó, và khi nó liên quan đến tôn giáo của bạn, đến trường của bạn và nhà thờ của bạn mà bạn thật sự yêu quý, bạn không bao giờ có thể quên những điều này.”
Lòng mến Chúa và yêu thương người luôn là động lực để những ai theo Chúa cố gắng kiện toàn. Đó cũng là luật của Chúa muốn chúng ta thi hành, luật đem lại sự sống chứ không phải dùng luật để ức hiếp nhau. Xin mời Bạn cùng đọc đoạn Lời Chúa sau đây:
Thứ sáu 03/11/2017 - Lễ Thánh Martin de Porest
Lời Chúa : Lc 14,1-6
1 Một ngày sa-bát kia, Đức Giê-su đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu để dùng bữa: họ cố dò xét Người.2 Và kìa trước mặt Đức Giê-su, có một người mắc bệnh phù thũng.3 Người lên tiếng nói với các nhà thông luật và những người Pha-ri-sêu: "Có được phép chữa bệnh ngày sa-bát hay không? "4 Nhưng họ làm thinh. Người đỡ lấy bệnh nhân, chữa khỏi và cho về.5 Rồi Người nói với họ: "Ai trong các ông có đứa con trai hoặc có con bò sa xuống giếng, lại không kéo nó lên ngay, dù là ngày sa-bát? "6 Và họ không thể đáp lại những lời đó.
Có câu chuyện vui rằng: Ngày đó, trong một đám tang Do Thái, khi hạ huyệt, người ta phát hiện người được đem chôn vẫn còn thở và kêu cứu, nhưng vị Rabbi chủ sự lễ nghi an táng đã tuyên bố rằng: “Theo nghi thức thì người này đã được tuyên bố là chết vì thế cần phải được chôn cất, và được ghi vào sổ tử của Đền Thờ”. Thế rồi người ta đem chôn, dù nạn nhân kêu cứu…
Giống như câu chuyện trên, Rabbi kia sẵn sàng đem chôn một người còn sống “vì… luật”. Họ sẵn sàng ném đá chết một người lượm củi nấu ăn, hoặc không dám đi đường cấm dù cấp bách liên quan đến sự sống cần cấp cứu. Họ coi việc giữ những điều lặt vặt hoặc mạng một con vật hơn là mạng sống của một con người, sẵn sàng kéo một con lừa lên khỏi giếng nhưng lại không chấp nhận kéo một thân phận người ra khỏi đau khổ bệnh tật và Satan trói buộc.
Khi ban bố lề luật, Thiên Chúa muốn sự yêu mến và tự nguyện, nhưng dần già, được giải thích quá tỉ mỉ đến cả những chi tiết nhỏ nhặt. Để rồi, các tiến sĩ - kinh sư - biệt phái thì sinh ra vụ luật và dùng luật làm thứ bình phong che chắn và làm lợi cho họ, còn dân chúng thì cảm thấy nặng nề, để rồi thay vì yêu mến và tự nguyện, họ chỉ giữ vì buộc phải giữ và luật trở thành gánh nặng đè trên vai họ.
Lạy Chúa Giêsu, mọi điều luật chỉ có giá trị cứu độ khi được tuân giữ với lòng yêu mến Chúa và tha nhân, xin cho chúng con luôn biết đến với Chúa với tâm tình cảm mến tri ân và đến với anh chị em với tấm lòng yêu thương. Đó mới là tinh thần của điều răn mới mà Chúa muốn nơi mọi người chúng con. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét