Thánh Phanxicô Assisi là mẫu gương của sự từ bỏ tuyệt đối này. Mặc dầu được sinh trưởng trong một gia đình giàu có, Phanxicô đã từ bỏ gia đình, từ bỏ cuộc sống sung túc, để hoàn toàn theo Chúa bằng một cuộc sống nghèo khó thật sư, vì nhận ra chính Thiên Chúa toàn năng đã trở nên nghèo khó nơi Đức Giêsu xuống thế làm người. Cuộc sống của Phanxicô đã thu hút một số anh em và họ cùng sống theo tinh thần khó nghèo do chính Ngài chủ xướng. Giống như Phanxicô, họ cũng từ bỏ mọi sự, sống cuộc sống hành khất, để tâm hồn hoàn toàn thuộc về Chúa... Thấy Phanxicô sống như vậy, gia đình hết sức tức giận, tìm mọi cách để bắt Phanxicô về lại nhà. Nhưng mọi cố gắng đều vô ích. Thời đó, và thật sự thời nay cũng vậy thôi, nghề ăn xin bị xã hội khinh dễ, nên gia đình của Phanxicô càng tức giận vì bị mất thể diện với xóm làng. Cuối cùng, ông bố của Phanxicô đến xin gặp Đức Giám Mục. Và trước mặt Đức Cha, ông bố xin phép được từ đứa con bất tuân này. Từ đây không còn xem Phanxicô là con nữa. Phanxicô liền cởi ngay áo chiếc choàng đang mặc trao lại cho bố và nói: từ nay con được tự do hơn vì bố không nhận con nữa. Con chỉ còn một Cha trên trời thôi...
Hằng ngày Phanxicô đi ăn xin từng nhà này qua nhà khác. Gia đình có ý muốn làm xấu hổ Ngài nên sai đầy tớ mang đồ ăn thừa đổ lên đầu Phanxicô mỗi khi Ngài đến xin ăn. Lần đầu, vì không để ý, nên Ngài bị bẩn hết. Nhưng hôm sau, Ngài đưa một Thầy đi cùng và khi bị đổ thức ăn dư thừa như trước, Thầy dòng kia liền nói: hỡi Phanxicô, ngươi đã bỏ mọi sự mà theo Chúa thì Chúa sẽ cho ngươi được gấp 100 ở đời này cùng với sự khinh bỉ, ghen ghét và ngày sau được hưởng hạnh phúc trên trời. Phanxicô muốn mình được lời Chúa nhắc nhở về hạnh phúc vĩnh cửu, để có thể chịu đựng được mọi sự sỉ nhục đắng cay. Cứ thế mãi, từ từ người đầy tớ đổ thức ăn cảm thấy thương Phanxicô và cảm phục Ngài. Và cũng từ đó, mọi người trong thành Assisi đều kính trọng Phanxicô, vì đức tính hy sinh, khiêm nhường và nhẫn nại chịu đựng của Ngài.
Đức tính từ bỏ của Phanxicô thật đáng cho chúng ta học tập và bắt chước. Cho đi tất cả vì Chúa, chúng ta sẽ gặp được chính Chúa, là nguồn hạnh phúc bất diệt. Xin mời Bạn cùng đọc đoạn Lời Chúa sau đây
Thứ tư 08/11/2017 - Tuần 31 TN
Lời Chúa : Lc 14, 25 – 33
(25) Có rất đông người cùng đi đường với Ðức Giêsu. Người quay lại bảo họ: (26) "Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. (27) Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được".
(28) Quả thế, ai trong anh em muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có đủ để hoàn thành không? (29) Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi mà không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chê cười mà bảo: (30) "Anh ta đã khởi công xây, mà chẳng có sức làm cho xong việc". (31) Hoặc có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng? (32) Nếu không đủ sức, thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải sai sứ đi cầu hoà. (33) Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được".
Cuộc sống luôn đặt con người trước những chọn lựa, mà chọn lựa nào cũng đòi hỏi phải dấn thân và từ bỏ! Từ bỏ thường làm ta sợ hãi và luyến tiếc, từ bỏ nào cũng cảm thấy mất mát và nhiều khi bị tổn thương. Sự cắt tỉa nào mà lại không gây đau đớn và xót xa ? Có những điều bắt buộc phải cắt bỏ kịp thời để cứu lấy mạng sống như; bệnh nhân có khối u ác tính, nếu không cắt bỏ kịp thời thì nguy cơ mạng sống sẽ bị đe dọa khi nó đã di căn. Cũng như cuộc sống có những thói quen xấu cần phải loại trừ như: thói quen nghiện rượu, nghiện cờ bạc, nghiện thuốc lá,... Cũng có những điều tốt cần phải bỏ để chọn lựa một điều tốt hơn như: chọn nghề, chọn trường học, chọn chỗ làm, chọn bậc sống. (x.Manna). Mỗi khi từ bỏ vì yêu thương sẽ không bao giờ cảm thấy thiệt thòi, mất mát. Từ bỏ vì yêu thương sẽ làm ta cảm thấy nhẹ nhàng hơn, dễ chịu hơn, hạnh phúc hơn. Từ bỏ đã trở thành quy luật để sống và giúp ta lớn lên.
Người Kitô hữu, là người biết sống từ bỏ là đi vào con đường hẹp như Đức Giêsu. Người đã từ bỏ trời cao để xuống đất thấp. Người đã từ bỏ địa vị làm Thiên Chúa để xuống thế làm người. Sự từ bỏ được thấy rõ qua việc Chúa tự nguyện sống nghèo khổ, tự nguyện gánh lấy tội lỗi của loài người, và tự nguyện chết thay cho con người. Cao trọng nhất là Người đã từ bỏ ý riêng để hoàn toàn vâng phục thánh ý Thiên Chúa Cha. Trung tâm điểm của đời sống người Kitô hữu là Chúa Giêsu. Mọi giá trị trở nên tương đối trước Đấng Tuyệt Đối là Chúa Giêsu. Tiền bạc, của cải là một giá trị. Cha mẹ, vợ con, gia đình là những giá trị khác. Mạng sống là một giá trị trổi vượt hơn cả. Nhưng tất cả những giá trị đó phải được hy sinh khi cần, để ta chọn Chúa Giêsu là “Giá Trị Tuyệt Đối” của mọi giá trị. Các thánh tử đạo đã chọn lựa như thế. Dĩ nhiên, ta luôn yêu tất cả, nhưng phải yêu những điều đó trong Chúa và dưới Chúa, để khi phải chọn lựa một trong hai, ta luôn luôn chọn Chúa. Ước gì ta biết vui mừng và hạnh phúc khi chọn được “viên ngọc quý” là Đức Giêsu, dám bán tất cả, từ bỏ tất cả để thấy mình giàu có. Và ước gì ta từ bỏ mình mỗi ngày, và nhờ ơn Chúa, ta được tự do và bình an thanh thản trong suốt cuộc đời. (trích từ R. Veritas)
Lạy Chúa Giêsu trước khi con biết và yêu mến Ngài thì Ngài đã yêu con từ trước.
Con cảm thấy thật khó trong hy sinh, từ bỏ, vác thập giá và hiến mạng sống con cho Chúa; nhưng Chúa đã nêu gương từ bỏ, hy sinh, vác thập giá và hiến mạng sống vì con.
Chúa ơi, con thấy mình thật yếu đuối trong bước đường theo Chúa.
Xin Chúa nên thần lực và sức mạnh của con.
Vì Chúa là đá tảng con có thể vững tâm dựa vào khi gặp nguy nan thử thách.
Xin ban cho con lòng mến yêu và ơn trung tín,
Để con có thể theo Chúa đến tận cùng đến dưới chân thập tự.
Và như Chúa, con dám can đảm hy sinh cả mạng sống vì Ngài. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét