Chủ Nhật, 19 tháng 11, 2017

Chết vì niềm tin


Hình ảnh có liên quan



Nhìn lại lịch sử Giáo Hội Việt Nam, khi đạo Chúa mới được truyền vào Việt Nam, lập tức bị các vua chúa phong kiến bắt bớ. Cuộc bắt bớ kéo dài khoảng 300 năm. Đủ mọi hình thức để tiêu diệt đạo. Nào là cấm cách bắt bớ. Nào là đe dọa
 bạc đãi. Nào là xua đuổi ra khỏi những vùng trù phú phồn vinh. Nào là phân sáp, tức là tách ly cha mẹ, anh chị em trong một gia đình bắt đi sống riêng rẽ trong các gia đình ngoại đạo. Nào là lấy thép nung đỏ khắc chữ “tả đạo” trên má người có đạo. Và nhất là lên án tử hình những người có đạo. Người tín hữu trung thành với đức tin phải trốn chạy chết trên rừng thiêng nước độc. Nếu bị bắt có thể bị chết trong tù. Nếu không cũng bị xử án tử hình. Có Đấng bị chém đầu. Có Đấng bị trói chân tay vào chân ngựa. Bốn con ngựa kéo về bốn góc xé nát xác vị tử đạo. Có Đấng bị kết án cho voi dày. Thê thảm nhất có lẽ là án bá đao. Cứ sau một hồi chiêng trống, đao phủ xẻo một miếng thịt cho đến khi chết.
Dù các vua chúa đã dùng đủ mọi cách tiêu diệt nhóm người bé nhỏ yếu ớt trong 300 năm. Trong 3 thế kỷ đó có khoảng 100 ngàn người chịu chết vì đạo. Nhưng số người tin Chúa ngày càng gia tăng. Từ một nhóm nhỏ người bị bắt bớ, nay số tín hữu tại Việt Nam đã hơn 6 triệu người. Hạt giống đức tin gieo trồng vào quê hương Việt Nam đã bị vùi sâu, đã bị mục nát, và nay đã trổ sinh một mùa gặt phong phú. Một lần nữa chúng ta lại xác tín lời Chúa dạy: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác”.
Nhìn lại lịch sử, ta càng thêm tin tưởng vào Lời Chúa. Nếu đang gặp khó khă trong đời sống đạo, ta hãy an tâm. Như Đức Giêsu đã chịu gian nan khốn khó, phải chịu bắt bớ, nhục mạ, phải chịu chết tủi hổ trên Thánh giá, các môn đệ con cái Chúa không thể đi con đường nào khác ngoài con đường Thánh giá. Như các bậc tiền nhân xưa đã chịu vất vả khổ cực để xây dựng một Giáo Hội vững mạnh như ngày nay, ta tin tưởng những gian nan khốn khó của ta rồi cũng sẽ trôi qua. Nếu ta biết chịu đựng những đau đớn, khó khăn, vất vả vì Chúa. Nếu ta vẫn trung thành với Chúa, với đức tin qua mọi gian nan thử thách, chắc chắn Chúa sẽ ban cho ta một mùa gặt bọi thu, kết quả phong phú ngoài sức tưởng tượng của ta.

Qua những sự kiện lịch ấy chúng ta đi tới kết luật: Thân phận người Kitô hữu là thân phận bị bách hại. Sự bách hại có mặt ở mọi nơi và trong mọi lúc, khi thì khắc nghiệt và toàn phần như đã xảy ra trong dĩ vãng. Khi thì từ từ và từng phần như đang xảy ra tại nhiều nơi trên thế giới. Khi thì như mơn trớn vuốt ve bằng tiền tài danh vọng và lạc thú như tại những nước tư bản. Nhưng tất cả đều dẫn tới một mẫu số chung là làm cho đời sống đức tin suy yếu và con số những người bước theo Chúa mỗi ngày một vơi giảm.

Con người càng tiến bộ thì phương cách bắt bớ càng tinh vi, có thể chúng ta không bị bắt bớ vì lý do tôn giáo nhưng người ta sẽ chụp mũ và bắt bớ chúng ta ở một tội trạng nào khác, nhưng theo tôi nghĩ sự bắt bớ quan trọng nhất đang diễn ra ngay tại cõi lòng chúng ta, vì ai trong chúng ta cũng cảm thấy một sự giằng co giữa sự thiện và sự ác, giữa sự tốt và sự xấu. Nhiều khi sự ác đã lấn át và cất cao tiếng cười ngạo nghễ. Có chiến thắng trong cuộc chiến nội tâm tuy âm thầm nhưng mãnh liệt này, chúng ta mới hy vọng chiến thắng được thế gian vì tu thân tề gia trị quốc bình thiên hạ.
Thân xác các thánh Tử đạo Việt Nam tuy đã chết nhưng tinh thần tử đạo của các ngài vẫn sống mãi. Hãy bước theo dấu chân của các Ngài. Thực vậy, mặc dù chúng ta không được diễm phúc tử đạo, nhưng cũng hãy dùng đời sống đạo đức và thánh thiện, bác ái và yêu thương để làm chứng cho Chúa ở mọi nơi và trong mọi lúc. Mỗi hy sinh chúng ta chịu sẽ là một giọt máu tử đạo chúng ta đổ ra từng giây từng phút để làm chứng cho Chúa. Xin mời Bạn cùng đọc đoạn Lời Chúa sau đây :

Chúa nhật 19/11/2017 - Tuần 33 TN
Kính trọng thể các Thánh tử đạo Việt Nam
Lời Chúa : Lc 9,23-26

Khi ấy, Đức Giê-su nói với mọi người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì? Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần.

Bài Tin Mừng tuần này cũng thật phù hợp với ngày lễ kính trọng thể các thánh Tử đạo Việt Nam hôm nay. Hơn ai hết, các thánh Tử đạo là những người đã bền tâm đến cùng. Dù đối diện với trăm ngàn thử thách, dù sống trong cơn giông tố ngặt nghèo, dù phải chịu muôn nghìn khổ nhục, các ngài vẫn giữ vững đức tin của mình. Dù trong hoàn cảnh bị đối xử phân biệt, sống trong sự nghi kỵ, trốn tránh, nhiều khi phải chịu những điều oan ức, bất công, nhưng các ngài vẫn nêu cao chứng tá của mình. Đó là đời sống yêu thương. Thậm chí “yêu thương” trở thành tên gọi của đạo trong thời kỳ Kitô giáo tại Việt Nam vẫn còn rất non trẻ. Thực vậy, thấy đời sống của các tín hữu, lương dân đã gọi đạo mới này là “đạo yêu thương”.
Chắc hẳn các thánh Tử đạo Việt Nam được xếp vào số những người được tuyển chọn và sẽ sống lại vào ngày quang lâm để hưởng sự sống đời đời trong Thiên Chúa.
Mà, không chỉ các thánh Tử đạo mà thôi; nhưng còn bao nhiêu chứng nhân khác đã cách này cách khác làm chứng cho đức tin hay đã trung thành đến cùng với đức tin mà họ đã lãnh nhận qua bí tích Rửa tội. 
 Sự bắt bớ, hay nói đúng hơn, sự đối kháng này không phải chỉ xảy ra bên ngoài trên bình diện xã hội, như chúng ta đã thấy, mà còn xảy ra bên trong, trên bình diện nội tâm. Thực vậy, chúng ta luôn cảm thấy một sự giằng co giữa sự thiện và sự ác, để rồi như thánh Phaolô đã diễn tả: Sự thiện tôi muốn thì tôi lại không làm, còn điều ác tôi ghét thì tôi lại làm. Bởi đó, hãy trung thành với Chúa trong những bắt bớ bên trong bằng cách thực hiện điều thiện điều tốt, nhờ đó chúng ta sẽ trung thành với Chúa trong những bắt bớ bên ngoài. Vì ai bền đỗ đến cùng, thì sẽ được cứu thoát.

Lạy các thánh tử đạo Việt Nam, các ngài đã dám sống đến cùng ơn gọi Kitô hữu trong một hoàn cảnh khó khăn nguy hiểm. Sự hy sinh của các ngài cho thấy tình yêu mạnh hơn sự chết và chết là cửa mở vào cõi sống bất diệt. Dù mang phận người yếu đuối, nhưng nhờ ơn Chúa đỡ nâng, các ngài đã chiến thắng khải hoàn.
Xin cầu cho chúng con là con cháu các ngài biết can trường sống đức tin của bậc cha anh trong một thế giới vắng bóng Thiên Chúa, biết nhiệt thành làm chứng về tình yêu bằng một đời hiến thân phục vụ. Ước gì ngọn lửa đức tin mà các ngài đã thắp lên bằng cuộc sống và cái chết, được bừng tỏa trên Tổ Quốc Việt Nam. Ước gì máu thắm của các ngài thấm vào mảnh đất quê hương để công cuộc truyền giáo sinh nhiều hoa trái. Amen.

Không có nhận xét nào: