Thứ Ba, 2 tháng 4, 2019

Được cứu do tình thương của Chúa


Kết quả hình ảnh cho suy niệm tin mừng thứ ba tuần 4 mùa chay


Nữ bác sĩ Marie Peeters 

“Trong một cuộc họp, người ta nhờ tôi lo cho ông Pierre, một người đàn ông bị khuyết tật ngoài 50 tuổi. Ông bị điếc và bị thiễu năng trí tuệ khá nặng. Khi tôi gặp ông thì ông khá lo lắng. Tôi lo cho ông theo sức tôi, một cách nào đó như tôi đang làm bổn phận của mình.

Chiều thứ bảy hôm đó có nghi thức hòa giải. Pierre đứng dậy để đi xưng tội. Tôi nhìn anh và không hiểu làm sao anh có thể xưng tội… Pierre ngồi xuống, bắt đầu hét to vài câu bình thường như các câu hàng ngày của anh. Linh mục có vẻ hơi khó chịu. Một vài giây phút thinh lặng và cầu nguyện. Rồi linh mục ban phép giải tội cho anh.

Tôi sẽ không bao giờ quên cảnh này. Pierre nhảy dựng lên, anh ôm linh mục, anh hôn dây các phép của linh mục. Tôi chứng kiến cuộc gặp gỡ của hai người, hai người đứng trước mặt Chúa, cả ba chứng kiến lòng dịu dàng và lòng thương xót của Chúa”.

Linh mục François Potez 

“Cách đây vài năm, người ta xin tôi tháp tùng anh Philippe, anh sắp chết vì bệnh sida. Từ vài tháng nay, biết bệnh mình đã trở nặng, anh sống khép kín, anh hoàn toàn tuyệt vọng. Anh không nói một chữ, ngay cả với mẹ anh, người ở bên cạnh anh mỗi ngày. Tôi chỉ nói với anh: “Cha đến đây là giúp con được được chết như một người, chứ không muốn con đắm sâu trong lo lắng của mình”. – “Con rất muốn, nhưng bây giờ con phải làm gì?” – “Con nói điều mà chưa bao giờ con nói với ai”.

Như thử nút chai rượu được bật ra. Một giải thoát. Dù cho buổi chiều đầu tiên hôm đó, anh gần như không nói một chữ. Anh phó mình cho Lòng Thương Xót và tôi ban phép giải tội cho anh. Nhưng sau đó, trong vòng 15 ngày, ngày nào anh cũng nói: “Còn thêm chuyện này, còn thêm chuyện này…” Và mỗi ngày tôi đều ban phép giải của Chúa cho anh.

Anh chết như một vị thánh”.

Thứ ba 02/4/2019 - Tuần 4 MC
Lời Chúa : Ga 5:1-16 

Nhân dịp lễ của người Do Thái, Ðức Giêsu lên Giêrusalem. Tại Giêrusalem, gần Cửa Chiên, có một hồ nước, tiếng Hipri gọi là Bếtdatha. Hồ này có năm hành lang. Nhiều người đau ốm, đui mù, què quặt, bất toại nằm la liệt ở đó. Ở đó, có một người đau ốm đã ba mươi tám năm. Ðức Giêsu thấy anh ta nằm đấy và biết anh sống trong tình trạng đó đã lâu, thì nói: “Anh có muốn trở nên lành mạnh không?” Bệnh nhân đáp: “Thưa Ngài, tôi không có người đem tôi xuống hồ, khi nước khuấy lên. Lúc tôi tới đó, thì đã có người khác xuống trước mất rồi!” Ðức Giêsu bảo: “Anh hãy trỗi dậy, vác chõng và đi!” Người ấy lập tức trở nên lành mạnh, vác chõng và bước đi. Hôm đó lại là ngày sabát. Người Do Thái mới nói với kẻ được lành mạnh: “Hôm nay là ngày sabát, anh không được phép vác chõng!” Nhưng anh đáp: “Chính người đã làm tôi được lành mạnh đã nói với tôi: ‘Anh hãy vác chõng và đi!’” Họ hỏi anh: “Ai là người đã bảo anh: ‘Vác chõng và đi?’” Nhưng người đã được lành mạnh không biết là ai. Quả thế, Ðức Giêsu đã lánh đi, vì có đám đông ở đấy. Sau đó, Ðức Giêsu gặp người ấy trong Ðền Thờ và nói: “Này, anh đã trở nên lành mạnh. Ðừng phạm tội nữa, kẻo lại phải khốn hơn trước!” Anh ta đi nói với người Do Thái: Ðức Giêsu là người đã làm anh được lành mạnh. Do đó, người Do Thái chống đối Ðức Giêsu, vì Người hay chữa bệnh ngày sabát.

Giữa bao người ốm đau tàn tật đó, dường như Đức Giêsu chỉ thấy một mình anh.
Ngài biết anh mắc bệnh đã lâu, nằm trên chõng một thời gian dài. Ba mươi tám năm, thời gian bằng một nửa đời người. Chính Đức Giêsu là người đến với anh và mở lời bằng một câu hỏi:“Anh có muốn trở nên lành mạnh không?” (c. 6).
Câu hỏi có vẻ thừa này thật ra lại chạm đến nỗi khát khao sâu thẳm của anh. Nó đụng đến chờ đợi mòn mỏi của anh từ nhiều năm qua. Anh bất toại không trả lời câu hỏi của Đức Giêsu, người với anh vẫn còn xa lạ. Nhưng anh lại muốn trải lòng cho người lạ này thấy cái ngõ cụt của mình, những lý do khiến mình phải nằm ở đây lâu đến vậy. “Tôi không có người đem tôi xuống hồ, khi nước động”: đó là lý do thứ nhất.
Tôi không có được sự trợ giúp từ phía bạn bè thân thuộc.
Tôi cô đơn, trơ trọi một mình.
Giá mà tôi có ai đó giúp tôi lúc cơ may đến…
“Lúc tôi tới đó, thì người khác đã xuống trước tôi rồi”: đó là lý do thứ hai.
Khi phải lê đi bằng chính sức của mình, thì tôi bao giờ cũng là người đến sau. Tôi đã cố gắng nhiều lần, nhưng luôn phải cam chịu thất bại. Bây giờ tôi còn dám tin vào mình nữa không? Anh bất toại mong có một người bạn đem anh xuống nước đầu tiên. Anh mơ thấy ngày trồi lên từ hồ nước, ướt sũng, nhưng đi lại bình thường. Anh chẳng tin rằng ngày ấy là hôm nay. Người bạn anh mong đang ở gần, kéo anh ra khỏi nỗi cô đơn. Anh sẽ được khỏi bệnh mà người vẫn khô ráo...

Trong Mùa Chay này, chúng ta hãy lấy thời gian để xem xét hay kiểm tra mối quan hệ giữa của chúng ta với Thiên Chúa được phản ảnh trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Hãy xét mình coi, có lĩnh vực nào trong cuộc sống của chúng ta cần sự chữa lành? "Lạy Chúa, chúng tôi muốn được chữa lành tâm hồn đang bại liệt của chúng con.”


Lạy Cha, thế giới hôm nay cũng như hôm qua vẫn có những người bơ vơ lạc hướng vì không tìm được một người để tin; vẫn có những người đã chết từ lâu mà vẫn tưởng mình đang sống; vẫn có những người bị ám ảnh bởi thần ô uế, ô uế của bạc tiền, của tình dục, của tiếng tăm; vẫn có những người mang đủ thứ bệnh hoạn, bệnh hoạn trong lối nhìn, lối nghĩ, lối sống; vẫn có những người bị sống bên lề xã hội,dù không phải là người phong...
Xin Chúa cho chúng con nhìn thấy họ và biết chạnh lòng thương như Con Cha.
Nhưng trước hết, xin cho chúng con nhìn thấy chính bản thân chúng con.


Không có nhận xét nào: