Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2019

Đi tìm Người đã sống lại


Kết quả hình ảnh cho pixabay

TÌM CHÚA

AM. Trần Bình An

Trong một con hẻm gần ngã ba Ông Tạ (Quận Tân Bình, SG), căn nhà khá khang trang đã ít nhiều thay đổi công năng, để làm phòng chăm sóc dã chiến cho người nhiễm HIV, Chị Maria Nguyễn Thị Vinh, thuộc giáo xứ Nam Thái, địa phận Saigon, vừa bước vào tuổi 60, mà nhiều người hay gọi là “Vinh Sida,” vẫn chưa thôi trăn trở về những người đang đối mặt với căn bệnh bị xã hội xa lánh. 

Chị tâm sự rằng, khi người ta gọi mình như vậy nghĩa là mình đã thành công, vì có thể hòa nhập với người nhiễm HIV và giữa chúng tôi không có khoảng cách, dù tôi không hề nhiễm HIV. Tại các bệnh viện khi chúng tôi thăm, tắm rửa và gội đầu cho người đó, nhiều người xầm xì: “Cùng bọn với nhau, nên chăm sóc nhau thôi.” Điều đó không làm chúng tôi buồn, vì niềm vui của người bệnh là hạnh phúc của chúng tôi. 

Năm 1998, khi dự tĩnh tâm tại dòng Chúa Cứu Thế, linh mục hướng dẫn mời gọi chúng tôi giúp đỡ bệnh nhân AIDS. Tôi biết về AIDS rất mù mờ, nhưng vì tò mò đã đăng ký tham dự một khóa học chăm sóc người có HIV cùng hơn 300 người khác. Nhưng khi nhập cuộc chỉ còn khoảng chục người và chúng tôi lập nhóm Tiếng Vọng để đi tìm người nhiễm HIV, chăm sóc, tắm rửa, ủi an, giúp thuê nhà, liên hệ với một số bác sĩ khám chữa bệnh và trung tâm cai nghiện, giúp chữa trị để sớm hòa nhập với cộng đồng. Cho đến nay, những người của Tiếng Vọng ngày ấy, giờ chỉ còn mình tôi. Tôi may mắn được một số linh mục và bác sĩ hỗ trợ, nên có một cơ sở chăm sóc người có HIV, chủ yếu là giai đoạn cuối. Tôi cũng quy tụ được hơn 10 thành viên mới vào Nhóm Tiếng Vọng ngày nay, gồm một số anh chị em HIV. Sau khi được chữa trị, thuyên giảm bệnh tật, tình nguyện ở lại giúp những người nặng hơn. Buổi sáng, chúng tôi chăm sóc các bệnh nhân ở cơ sở. Chiều và tối chúng tôi đến với các bệnh nhân không di chuyển được, để chăm sóc, tắm rửa và vệ sinh vết thương cho họ. Mọi thành viên trong nhóm đều làm việc thiện nguyện vì chúng tôi không có nguồn thu…(theo Bích Thuỷ, Người phụ nữ tắm rửa, gội đầu cho bệnh nhân AIDS, Tuoitre) 

Gần 20 năm, chị Vinh vẫn đang còn mải miết đi tìm Đức Kitô bị bỏ rơi, qua hình hài những người nhiễm HIV. Chính nhờ Tình Yêu Chúa thôi thúc chị luôn mãi tìm kiếm, đem về chăm sóc, phục vụ. Hôm nay, hai bà Maria Mađalêna và bà Maria khác cùng ra huyệt mộ tìm Chúa. Họ đã không phải thất vọng, mà hân hoan, hạnh phúc, vinh dự tìm thấy Chúa Phục Sinh. 


Suy niệm :
Mừng vui lên, sao không thể không vui, bởi vì đêm nay Chúa Kitô ra khỏi ngục vinh thắng, đêm mà xiềng xích sự chết do Tội tổ tông gây ra bị bẻ gãy. Sự chết đó đã khiến cho bao người thất vọng, làm tiêu tán hết mọi nỗ lực của con người. Nay Con Thiên Chúa, vì yêu thương đã vâng phục, với cái giá phải trả là chết trên thập giá, để hòa giải tội nhân với Chúa, mang lại sự sống cho con người.

Lễ nghi Canh Thức long trọng đêm nay làm cho chúng ta sống lại biến cố Chúa Phục Sinh, một biến cố có tính cách quyết định và luôn thời sự, Mầu Nhiệm trung tâm của đức tin Kitô giáo. Đêm nay, vô số những cây nến phục sinh được đốt lên trong các nhà thờ tượng trưng ánh sáng Chúa Kitô đã và còn đang sáng soi nhân loại, ánh sáng không bao giờ lụi đi, ánh sang chiến thắng bóng tối của tội lỗi và sự dữ...(x. Exsultet). Còn hạnh phúc và hy vọng nào lớn lao hơn, khi Con Thiên Chúa sống lại, để tất cả những ai tin vào Người cũng sẽ được sống lại vinh quang. Vì thế, Giáo hội trần thế đêm nay với niềm vui khôn tả đều đồng thanh công bố Tin Mừng Phục Sinh cho toàn thế giới : "Mừng vui lên", mừng vui lên hỡi muôn lớp cơ binh thiền thần...Cùng vui lên hỡi các nhiệm mầu thánh này...Và vui lên, toàn trái đất...Cùng vui lên, ôi Mẹ Hội Thánh...(x. Exsultet) vì Chúa đã sống lại.

Chúa Giêsu thành Nagiarét, Ðấng chịu đóng đinh, đã sống lại từ trong cõi chết sau ba ngày bị mai táng trong mồ, đúng như lời Kinh Thánh. Lời loan báo của "hai người đứng gần các bà, y phục sáng chói" (Lc 24,4) làm "các bà kinh hãi cắm mặt xuống đất" (Lc 24,5). Thấy vậy, hai người lên tiếng : "Tại sao các bà tìm người sống nơi những kẻ chết ? Người không còn ở đây. Người đã sống lại"(Lc 24, 5-6). Vâng Người đã sống lại rồi.

Chúng ta cứ thử tưởng tượng xem tâm tình của mấy phụ nữ "vừa tảng sáng, đi ra mồ mang theo những thuốc thơm đã dọn sẵn" (Lc 24,1), hết sức bàng hoàng khi thấy : "Hòn đá đã lăn ra khỏi mồ ?" (Lc 24,2). Nhờ lời của hai người lạ kia, các bà nhớ lại lời Người đã nói : "Con Người phải bị nộp vào tay những kẻ tội lỗi, bị đóng đinh vào thập giá và ngày thứ ba sẽ sống lại" (Lc 24,7).

Vâng, Chúa Kitô đã sống lại sáng láng bước ra khỏi mồ, sau khi tiêu diệt sự chết, bẻ gãy mọi ràng buộc của ngôi mộ. Chính vì thế mà các Thiên Thần từ trời cao đã tuyên bố : "Người không còn ở đây. Người đã sống lại" (Lc 24, 6). Con Thiên Chúa không còn ở trong mộ, bởi vì Người không thể nào là người tù của sự chết (x. Cv 2, 24) và ngôi mộ không thể nào giữ lại "Ðấng hằng sống" (Kh 1,8), Ðấng là chính nguồn mạch của sự sống đã kết thúc cuộc hành trình nơi ngôi mộ như mọi người, nhưng Người đã chiến thắng sự chết, sống lại ra khỏi mồ. Người đã mở lòng đất và mở ra thật rộng để hướng về Trời, đưa chúng ta ra khỏi mồ tăm tối, dẫn chúng ta từ đất về trời với Chúa Cha.

Mừng vui lên, sao không thể không vui, bởi vì đêm nay Chúa Kitô ra khỏi ngục vinh thắng, đêm mà xiềng xích sự chết do Tội tổ tông gây ra bị bẻ gãy. Sự chết đó đã khiến cho bao người thất vọng, làm tiêu tán hết mọi nỗ lực của con người. Nay Con Thiên Chúa, vì yêu thương đã vâng phục, với cái giá phải trả là chết trên thập giá, để hòa giải tội nhân với Chúa, mang lại sự sống cho con người. Từ nay con người phải chết sẽ được sống, ơn làm con cái Chúa được phục hồi, sự chết sẽ không còn cơ hội để khống chế và tiêu tan những cố gắng của con người nữa. Nhờ bí tích Rửa Tội, chúng ta được kết hiệp với Chúa Kitô, sự Phục Sinh của Người trở thành sự phục sinh của chúng ta, như lời tiên tri Ezechiel đã loan báo: "Ðây, Ta mở ra các mồ mả của các người; Ta phục sinh các người từ các mồ mả, hỡi dân ta ơi, và ta sẽ dẫn các người trở lại xứ sở của Israel" (Ed 37,12). Những lời tiên tri trên có một giá trị đặc biệt trong ngày Chúa phục sinh, bởi vì hôm nay được nên trọn lời hứa của Ðấng Tạo Hóa.

Ngày hôm nay, trong thời đại chúng ta đây, thời đại bị ghi dấu bởi sự lo âu và không chắc chắn, thời đại khủng hoảng, mất niềm tin vào nhau, chúng ta được sống biến cố Phục Sinh, một biến cố đã thay đổi dung mạo cuộc đời chúng ta, đổi thay cả lịch sử nhân lọai. Tất cả những ai đang bị áp bức bởi những mối dây ràng buộc của đau khổ, của sự chết, đang chờ đợi niềm hy vọng từ Chúa Kitô Phục Sinh, cả đôi khi họ chờ đợi một cách vô ý thức.

Cùng với Giáo Hội, những lời của bài ca Exsultet, "Hãy vui lên, hỡi ca đoàn các thiên thần, hãy hát lên... hỡi trái đất, hãy nhảy mừng". Biến cố Phục Sinh của Chúa bao trùm toàn thể vũ trụ, và liên kết đất trời chung lại với nhau. Một lần nữa, với những lời của bài ca "Hãy vui lên", chúng ta có thể cao rao : "Chúa Kitô... Ðấng từ cõi chết sống lại và chiếu toả ánh sáng bình an của Người trên toàn thể nhân loại, Ðấng là Con Thiên Chúa, là Ðấng hằng sống và hằng trị mãi mãi muôn đời". Amen.

Không có nhận xét nào: