Thứ Tư, 24 tháng 4, 2019

Tôi đã không nhận ra Chúa


Kết quả hình ảnh cho 2 môn đệ trên đường Emmau



Câu chuyện hai môn đệ trên đường Emaus cũng là câu chuyện cuộc đời của mỗi người, mỗi gia đình trong chúng ta. Có nhiều lúc chúng ta rất phấn khởi theo Chúa, chúng ta có nhiều toan tính dự định cho tương lai của gia đình, nhưng những toan tính đó lại không đạt được như mong đợi; những khi gặp thất bại, nhiều người đã muốn buông xuôi, để mình rơi vào chán nản, chôn vùi cuộc sống vào rượu chè bài bạc, đề đóm. Hãy nhớ đến câu chuyện hôm nay để tin rằng, Chúa Giêsu không bao giờ bỏ rơi chúng ta, Ngài không muốn thấy chúng ta sống trong buồn chán thất vọng, Ngài vẫn ở bên an ủi nâng đỡ chúng ta qua Lời Kinh Thánh, chỉ có điều, chúng ta có lắng nghe sự giải thích của Ngài hay không.
Cũng vậy, có nhiều lúc cuộc sống gia đình chơi vơi, gặp nhiều thử thách, có người oán trách kêu lên: Chúa ở đâu rồi? Những lúc như thế, hãy noi gương hai môn đệ Emaus, nài ép Chúa vào gia đình mình, mời Chúa hiện diện trong các giờ kinh gia đình. Hãy để Chúa hiện diện và cùng ăn bữa tối với gia đình, nhất là hãy siêng năng tham dự tiệc bẻ bánh là Thánh lễ mỗi ngày, Chúa sẽ cho chúng ta nhận ra sự hiện diện an ủi của Chúa. Tiệc Thánh Thể sẽ trở nên sức mạnh để chúng ta chỗi dậy và bước đi, vượt qua sợ hãi, chán nản và khó khăn. Có Chúa hiện diện, nài ép Chúa vào nhà, vào gia đình ta sẽ tìm lại được niềm vui và hạnh phúc.

Lạy Chúa, Chúa đón gặp con trong từng bước đi của đời sống thực tế, nhưng nhiều khi con lại tìm Chúa ở cõi xa xăm, mơ hồ. Xin giúp con biết sử dụng mọi thứ Chúa gởi đến, dù khó hay dễ, đáng buồn hay đáng vui, may hay rủi, họa hay phúc, sướng hay khổ... để phong phú hóa cuộc sống con cho Chúa, để con biết tôn thờ và chúc tụng Chúa trong mọi điều, và như một phương tiện hữu hiệu nhằm dẫn đưa con đến sự kết hợp với Chúa mỗi ngày sâu đậm hơn. Amen.

Thứ tư 24/4/2019 - Tuần bát nhật PS
Lời Chúa : Lc 24, 13-35

Chiều ngày phục sinh, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Emmau, cách Giêrusalem chừng mười một cây số. Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra. Ðang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Ðức Giêsu tiến lại gần và cùng đi với họ. Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người. Người hỏi họ: “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?” Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu. Một trong hai người tên là Clêôpát trả lời: “Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giêrusalem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay.” Ðức Giêsu hỏi: “Chuyện gì vậy?” Họ thưa: “Chuyện ông Giêsu Nadarét. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá. Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Ðấng sẽ cứu chuộc Israel. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi. Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn còn sống. Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói; còn chính Người thì họ không thấy.”Bấy giờ Ðức Giêsu nói với hai ông rằng: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! Nào Ðấng Kitô chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao? Rồi bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh. Khi gần tới làng họ muốn đến, Ðức Giêsu làm như còn phải đi xa hơn nữa. Họ nài ép Người rằng: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn.” Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ. Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất. Họ mới bảo nhau: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giêrusalem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. Những người này bảo hai ông: “Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Simon.” Còn hai ông thì thuật lại những việc đã xảy ra dọc đường, và mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.

Dưới dáng dấp một người khách lạ, Chúa Giêsu phục sinh đến với hai môn đệ Emmau. Ngài đến đúng lúc, đúng lúc họ đang bỏ cuộc, quay quắt và ray rứt vì chuyện đã qua. Ngài đi cùng với họ, đi gần bên họ, khiêm tốn trở thành một người bạn đồng hành. Ngài gợi chuyện, hay đúng hơn, Ngài muốn tham dự vào câu chuyện dở dang của họ. Chúa Giêsu không nản lòng trước câu trả lời lạnh nhạt: “Chắc chỉ có ông mới không biết chuyện vừa xảy ra...” Ngài không cắt đứt cuộc đối thoại: “Chuyện gì vậy?” Ngài giả vờ không biết để họ nói cho vơi nỗi buồn. Chúa Giêsu kiên nhẫn lắng nghe lời họ tâm sự. “Trước đây, chúng tôi hy vọng rằng...” Như thế niềm hy vọng này chỉ còn là chuyện quá khứ. Cả niềm tin cũng trở nên chai lì, họ đâu có tin vào lời của các bà ra thăm mộ. 

Khi lắng nghe, Chúa Giêsu nhận ra cái gút của vấn đề, những câu hỏi mà họ không tìm ra lời giải đáp. Tại sao một người của Chúa, người mà họ tin là Ðức Kitô lại bị đóng đinh như một kẻ bị Thiên Chúa chúc dữ? Chúa Giêsu vén mở ý nghĩa của mầu nhiệm đau khổ. Ðau khổ là nhịp cầu mà Ðức Kitô phải vượt qua để sang bờ bên kia là vinh quang bất diệt. Ðau khổ không phải là chuyện xui xẻo, rủi ro, nhưng nó có chỗ đứng trong chương trình cứu độ. Lời của Chúa Giêsu là Tin Mừng ngọt ngào, khiến nỗi đau của họ dịu đi, lòng họ như ấm lại. Họ cố nài ép Ngài ở lại dùng bữa chiều. Và chính lúc Ngài cầm bánh bẻ ra trao cho họ thì họ nhận ra vị khách lạ chính là Thầy Giêsu. 

Kinh nghiệm của hai môn đệ Emmau cũng là của chúng ta. Lúc ta tưởng Ngài vắng mặt, thì Ngài lại đang ở gần bên. Lúc ta nhận ra Ngài ở gần bên, thì Ngài lại biến mất rồi. Nhưng chính lúc Ngài biến mất, ta lại cảm nghiệm sâu hơn sự hiện diện của Ngài. Ngài đến lúc ta không ngờ. Ngài đi mà ta không giữ lại được. Ngài ở lại với ta cả khi ta không thấy Ngài nữa. 

Ðấng Phục Sinh vẫn đến với ta hôm nay qua một người bạn hay một người lạ ta gặp tình cờ. Qua họ, Ngài thổi vào lòng ta niềm hy vọng tin yêu. Ngài vẫn đến với ta qua từng thánh lễ. Ngài đích thân giảng Tin Mừng và bẻ bánh trao cho ta. Sống như Chúa phục sinh là tập đến với tha nhân, tập đồng hành, tập gợi ý, tập lắng nghe, tập soi sáng... Hôm nay vẫn có nhiều người bạn đang lê gót về Emmau. 


Xin ở lại với con, lạy Chúa, vì con cần có Chúa hiện diện để con khỏi quên Chúa. Chúa thấy con dễ bỏ Chúa biết chừng nào. Xin ở lại với con, lạy Chúa, vì con yếu đuối, con cần Chúa đỡ nâng để con khỏi ngã quỵ. Không có Chúa, con đâu còn nồng nhiệt hăng say. Xin ở lại với con, lạy Chúa, vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn, cuộc đời qua đi, vĩnh cửu gần đến. Con cần được thêm sức mạnh để khỏi ngừng lại dọc đường. Xin ở lại với con, lạy Chúa, vì con cần Chúa trong đêm tối cuộc đời. Con không dám xin những ơn siêu phàm, chỉ xin ơn được Ngài hiện diện. Xin ở lại với con vì con chỉ tìm Chúa, yêu Chúa và không đòi phần thưởng nào khác ngoài việc được yêu Chúa hơn.(Cha Piô) 

Không có nhận xét nào: