Thứ Ba, 30 tháng 4, 2019

Phải chấp nhận sự thay đổi


Kết quả hình ảnh cho suy niệm tin mừng Ga 3,7b-15


Một buổi sớm mai, khi tiếng gà lanh lảnh khắp thôn làng, ánh bình minh đã ló rạng nơi chân trời đông, bác nông dân xách đôi quang gánh ra, tiến lại phía góc gian nhà kho và xốc hai thúng thóc giống để vào quang gánh.
       Bác ta làm gì thế nhỉ? – những hạt lúa xôn xao!
Có lẽ bác ấy sẽ đem chúng ta đi trưng bày ở quầy nông phẩm – một hạt thóc lên tiếng.
Chẳng phải chúng ta là những hạt thóc đẹp nhất đó sao, bộ áo của chúng ta vàng óng, thân hình chúng ta chắc mẩy thật là đẹp – hạt thóc khác tiếp lời.
Đúng vậy, qua một đợt lựa chọn, hong phơi, rê, sàng, sẩy khi lúa mới về, thì chỉ hôm qua thôi, chúng ta lại được sàng lọc một lần nữa, chúng ta quả là những hạt thóc đẹp nhất - hạt thứ ba góp ý.
Được mọi người ngắm nhìn, ca ngợi, chúng ta mới thật hạnh phúc làm sao! Hạt thứ tư thêm vào.
       Thế là các hạt thóc râm ran trò chuyện bay bổng, không hề để ý đến bác nông đưa chúng qua một chặng đường dài và dừng lại trên một thửa ruộng đã được cày xới…
      Ôi! Điều gì thế này? Các hạt thóc đồng loạt la lên trong khi chúng rơi xuống mặt đất sình lầy qua bàn tay của bác nông dân. Thật đau đớn, bộ áo vàng óng của chúng giờ đây nhuốm đầy sình đen. Hạt thóc nức nở khóc thương cho thân phận mình. Trong lòng đất, chúng thấy mình từ từ thối rữa. Ôi, thế là hết những mộng ước vàng son!...
      Ít ngày sau, mọi người đi ngang qua thửa ruộng đều trầm trồ: Ồ lúa đã nhú mầm xanh, thật là đẹp! Rồi ngày tháng qua đi, với sự chăm bẵm của bác nông dân, những cây mạ non đã thành những cây lúa đương thì con gái xanh óng mượt. Không còn nằm ru rú trong một góc kho tối tăm, chúng uống no thỏa làn nước mát ngọt dưới chân, đùa giỡn rì rào cùng chị gió và ngắm nhìn bầu trời lồng lộng rộng lớn bên trên, tự do và tự tại lớn lên thật nhanh, hứa hẹn một ngày mùa sẽ bội thu. Bây giờ hạt thóc mới hiểu hết được ý nghĩa của sự tái sinh trong cuộc sống mới và nó thật hạnh phúc vì biết rằng mình sẽ mang hạnh phúc ấm no cho con người.

Thứ ba 30/4/2019-Tuần 2 PS
Lời Chúa : Ga 3, 7 – 15

Khi ấy, Đức Giê-su nói: Các ông cần phải được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên. 8 Gió muốn thổi đâu thì thổi ; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy."9 Ông Ni-cô-đê-mô hỏi Người : "Làm sao những chuyện ấy có thể xảy ra được ?" 10 Đức Giê-su đáp : "Ông là bậc thầy trong dân Ít-ra-en, mà lại không biết những chuyện ấy ! 11 Thật, tôi bảo thật ông : chúng tôi nói những điều chúng tôi biết, chúng tôi làm chứng về những điều chúng tôi đã thấy, nhưng các ông không nhận lời chứng của chúng tôi. 12 Nếu tôi nói với các ông về những chuyện dưới đất mà các ông còn không tin, thì giả như tôi nói với các ông về những chuyện trên trời, làm sao các ông tin được ?" 13 Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống. 14 Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, 15 để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.

Như Nê-cô-đê-mô, chúng ta rất ngại phải từ bỏ những gì đã làm nên cách sống và nếp nghĩ của mình. Chúng ta cho rằng làm sao có thể thực hiện được (tái sinh). Như một bậc thầy Biệt phái, Ni-cô-đê-mô có cả một bề dày về cách suy nghĩ và cách sống của ông ta của các bậc lãnh đạo trong dân, và ông khó chấp nhận được sự thay đổi. Chúng ta cũng thường đóng khung con người, môi trường, hoàn cảnh theo quan điểm và cách sống của chúng ta và khó chấp nhận được sự khác biệt. Chúng ta phóng một tầm nhìn và loại ra tất cả những gì không thuộc tầm nhìn ấy. Do đó, chúng ta dễ dàng kết án những gì không hợp với mình. Vì thế, chúng ta rất cần được Thần khí biến đổi trở nên con người mới. Để nhờ Thánh Thần, chúng ta được trở nên con người tự do tự tại, không còn những tâm lý đóng khung, nhỏ nhen, ghen tị, oán ghét, giận dữ, thù hận, chấp nhất… vốn làm trói buộc tâm linh, sự sống khô cằn và rắc gieo đau khổ. Nhờ Thánh Thần, và sống theo Thánh Thần, cuộc sống trở nên muôn phần phong phú, yêu thương, hiệp nhất trong đa dạng, luôn sẵn sàng đáp ứng những nhu cầu cấp bách của cuộc sống.

“Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.” (c. 14-15). Chúa chúng ta đã được giương cao trên thập giá và Ngài đã phục sinh, chúng ta hãy xin người tái sinh chúng ta trong cuộc sống mới, sự sống làm con Thiên Chúa, sự sống hạnh phúc muôn đời. Xin tình yêu và hồng phúc của Chúa phục sinh ở cùng chúng ta, để cũng như Người, chúng ta chấp nhận vác thánh giá mỗi ngày, chấp nhận đóng đinh chết đi cho những thói hư tật xấu hầu cũng được sống lại với Người trong sự sống mới.

Lạy Chúa Giêsu Phục sinh!
Con thờ lạy Chúa bị giương cao trên Thập giá!
Xin trao ban Thần Khí của Người cho chúng con;
Xin thổi luồng Thánh Khí sự sống vào hồn chúng con;
Để chúng con được tái sinh trong cuộc sống mới;
Một cuộc sống phong phú ngập tràn yêu thương,
Một cuộc sống can đảm và không còn sợ hãi trong việc thực thi thánh ý của Thiên Chúa, 
Một cuộc sống thoát khỏi những nhỏ nhen tầm thường và vươn hướng lòng lên cao;
Trên đó Chúa đang đón đợi chúng con vào hưởng hạnh phúc bất diệt cùng người. Amen.

Thứ Hai, 29 tháng 4, 2019

Được ơn biến đổi


Kết quả hình ảnh cho câu chuyện  được Chúa biến đổi


Tại Johor Bahru, Malaysia – buổi trưa của một ngày cuối năm 2008, không gian dường như lắng đọng sau khi phái đoàn truyền giáo của chúng tôi nghe em kể về cuộc đời mình. Đó cũng là lần đầu tiên trong đời tôi nghe câu chuyện một người nghiện ma túy được Chúa biến đổi cách lạ lùng. Từ đó đến nay gần tám năm dõi mắt theo cuộc đời em, tôi không ngớt tạ ơn Chúa Trời về em – một người nghiện đã được Chúa cứu, dám dấn thân theo sự kêu gọi của Chúa để sống và mang sự cứu rỗi của Chúa cho nhiều người. 
Từ một người với quá khứ 16 năm nghiện ngập, 20 năm lang thang ngoài xã hội, 14 lần ra vào các trại giam khác nhau, Nam Quốc Trung hiện nay là một trong những lãnh đạo của Mục Vụ Phục Hồi tại Việt Nam, chuyên giúp đỡ những người nghiện thoát khỏi ma túy

...Đầu năm 2006, tôi được trả về sau 20 tháng bị bắt giam. Đó cũng là lần cai nghiện thứ 14. Đã quá kinh khiếp ma túy, tôi tìm đủ mọi cách để quên nó đi, để không còn phải sử dụng nó hàng ngày nữa. Tôi đã lao mình vào những trò chơi và những chất kích thích như rượu chè, cờ bạc, gái điếm, đánh nhau, rồi trộm cắp, cướp giật… Tôi đã làm mọi trò tôi có thể nghĩ ra được, cốt chỉ để không sử dụng ma túy nữa. Mỗi ngày uống đến ba lít rượu, thần kinh trở nên điên loạn, tôi không còn cư xử như một con người bình thường nữa. Tận sâu thẳm trong tâm hồn, tôi không mong muốn sống đau đớn, khốn khổ trong tội lỗi như vậy nữa. Trong lòng tôi luôn có những tiếng gào thét thật lớn rằng: “Có ai đó không? Xin cứu tôi với! Tôi không muốn sống như thế này nữa!” Tiếng kêu van đó từ sâu thẳm linh hồn tôi lớn lắm, bởi tôi cảm biết được sự khốn khổ của chính bản thân mình.

Một ngày kia, trong lúc đang đi lang thang trên đường phố, tôi gặp Đoàn Trung Tín – một người bạn trước kia thường xuyên sử dụng ma túy cùng tôi. Nhưng hôm ấy, gương mặt anh có một sự ngời sáng mà tôi chưa từng thấy trước đây. Anh đã nói với tôi về tình yêu của Chúa Giê- xu, một tình yêu đã giải cứu anh khỏi ma túy và biến đổi cuộc đời anh. Tôi không hiểu điều gì xảy ra, nhưng ngay giây phút ấy, tôi cảm nhận có một sự khác lạ rất lớn trong anh và tôi thực sự bị bắt phục. Tôi đã mở lòng mình và thầm tin nhận Chúa Giê-xu là Đấng đã thay đổi cuộc đời của anh. Đó là ngày 25 tháng 11 năm 2006.

Thứ hai 29/4/2019_Tuần 2 PS
Lời Chúa : Ga 3,1-8

Khi ấy, trong nhóm biệt phái, có người tên là Nicôđêmô, một đầu mục của người Do-thái. Ông đến thăm Chúa Giêsu ban đêm và thưa rằng: "Lạy Thầy, chúng tôi nhận biết Thầy là một vị tôn sư Thiên Chúa uỷ phái đến. Vì không ai làm được những dấu lạ Thầy làm, nếu Thiên Chúa không ở cùng người đó". Chúa Giêsu đáp: "Thật, Tôi bảo thật cho ông biết, nếu không tái sinh bởi trời, thì chẳng ai được thấy Nước Chúa". Nicôđêmô thưa Chúa rằng: "Một người đã già, làm sao có thể tái sinh? Không lẽ người ấy lại vào lòng mẹ mà sinh ra lần nữa sao?" Chúa Giêsu đáp: "Thật, Tôi bảo thật cho ông biết, nếu không tái sinh bởi nước và Thánh Thần, thì không ai được vào nước Thiên Chúa. Sự gì sinh bởi huyết nhục, thì là huyết nhục; và sự gì sinh bởi Thần Linh, thì là thần linh. Ông đừng ngạc nhiên vì nghe Tôi nói rằng: Các ngươi phải tái sinh bởi trời. Gió muốn thổi đâu thì thổi, ông nghe tiếng gió, nhưng chẳng biết gió từ đâu đến và đi đâu: mọi kẻ sinh bởi Thần Linh cũng vậy".


Lời Chúa hôm nay nói về sự sinh ra bởi Thần khí, sinh ra từ trên. Trong đêm tối, ông Nicôđêmô, một vị chức sắc của Thượng Hội Đồng, đến gặp Đức Giêsu, người mà ông kính trọng gọi là Rabbi. Ông tin Thầy Giêsu đến từ Thiên Chúa, và vì Thầy có Thiên Chúa ở cùng nên Thầy mới làm được nhiều dấu lạ. Có vẻ ông định hỏi Thầy về việc làm sao vào được Nước Thiên Chúa. Đức Giêsu cho biết phải được sinh ra từ trên (anôthen). Trong tiếng Hy lạp, anôthen còn có nghĩa là lại, lần nữa.Có lẽ vì thế mà Nicôđêmô tưởng là Đức Giêsu nói đến việc sinh lại. Chính vì thế ông nêu lên thắc mắc: “Một người đã già rồi, làm sao người ấy có thể được sinh lại lần nữa.” Dĩ nhiên chúng ta không cần phải vào lòng mẹ lần thứ hai. Nhưng Kitô hữu thực sự phải là người đã được sinh ra bởi Thần Khí. Tương tự như gió ở chung quanh ta. Chúng ta chỉ có thể thấy những hậu quả của gió, nhưng không thấy được gió. Người được sinh bởi Thần Khí cũng vậy. Chúng ta cũng không rõ cách thức Thần Khí hoạt động nơi người ấy, nhưng chúng ta nhìn thấy sự biến đổi sâu xa nơi cuộc đời mỗi người. 

Mùa Phục sinh là thời gian của sự sống. Chúng ta đã được sinh lại từ khi lãnh nhận Phép Rửa. Hãy để cho sự sống đó được làm mới lại và được lớn lên từng ngày. Hãy để Thần Khí của Đấng Phục sinh nâng chúng ta lên cao, để chúng ta thực sự là những người được sinh ra từ trên. 


Lạy Chúa Giêsu phục sinh, xin ban cho con sự sống của Chúa, sự sống làm đời con mãi mãi xanh tươi.
Xin ban cho con bình an của Chúa, bình an làm con vững tâm giữa sóng gió cuộc đời.
Xin ban cho con niềm vui của Chúa, niềm vui làm khuôn mặt con luôn tươi tắn.
Xin ban cho con hy vọng của Chúa, hy vọng làm con lại hăng hái lên đường.
Xin ban cho con Thánh Thần của Chúa, Thánh Thần mỗi ngày làm mới lại đời con.

Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2019

Tin vào Đấng đã Phục sinh



Kết quả hình ảnh cho Suy niệm tin mừng Ga 20,19-31


Có một câu chuyện kỳ thú có thật đăng trong một tuần báo như sau. Một chiếc máy bay trong một phi vụ bị rớt xuống biển Thái bình dương. Phi hành đoàn có 8 người đều sống sót, trong đó có phi công phó tên là Jim, một người ngoại đạo. Họ đói khát và lênh đênh trên mặt biển 21 ngày trên một chiếc xuồng cao xu. Nguồn sức mạnh duy nhất giúp họ sống sót là cầu nguyện bằng một đoạn Tin mừng trong cuốn Kinh thánh bỏ túi, và những lời cầu nguyện cá nhân.

Ngày thứ sáu sau vụ rớt máy bay, tất cả mọi người trong nhóm đều cảm thấy rất yếu đuối. Họ cần thức ăn và uống một cách khẩn trương. Sau buổi cầu nguyện tối hôm đó, họ bắn một trái châu lên trời với ước vọng là gây chú ý cho bất cứ một chiếc tàu nào di chuyển trong vùng. Nhưng trái sáng bị hư, rớt ngay xuống bên cạnh chiếc xuồng. Một sự kiện lạ lùng xảy ra là ánh sáng của trái châu trên mặt nước đã thu hút một đàn cá tụ lại. Đàn cá bơi lội hỗn loạn và mấy con nhảy lên chiếc xuồng. Hôm đó, mọi người có được một bữa ăn đầu tiên trong một tuần lễ.

Trưa ngày hôm sau, họ gần như chết khát nên cùng nhau cầu nguyện xin nước uống. Một việc lạ lùng nữa xảy ra. Buổi chiều hôm đó một cơn mưa lớn đổ xuống. Ông Jim, viên phi công phụ, bắt đầu có một niềm tin vào Thiên Chúa. Ngày thứ 10 một việc đặc biệt xảy ra. Sau buổi cầu nguyện, họ tự thú và chia sẻ với nhau những tội lỗi, những lầm lỗi trong cuộc đời một cách khiêm nhường, và trong một niềm thành tâm với Chúa, mà họ tin thật có Chúa hiện diện.

Ngày thứ 13 có một sự kinh ngạc lại xảy đến. Trong lúc họ đang khát nước một trận mưa to ào tới nhưng lại cách họ khoảng 100 thước tây. Lúc đó đến phiên ông Jim dẫn cầu nguyện, và họ cùng cầu nguyện cho cơn mưa chuyển hướng đến họ. Trước sự kinh ngạc của mọi người trong nhóm, gió không chuyển hướng, nhưng cột mưa từ từ tiến về phía họ. Thế là họ thoát chết khát.

Ngày thứ 21, họ nhìn thấy đất liền từ phía chân trời. Ông Jim, người mới có niềm tin, tình nguyện chèo xuồng. 7 tiếng rưỡi sau đó, họ đặt chân lên bờ. Sau khi vào bờ, cả nhóm đã quì xuống, cảm tạ đội ơn Thiên Chúa đã che chở và gìn giữ họ sống sót trong vụ rớt máy bay trên biển.

Sau đó, ông Jim đã chia sẻ kinh nghiệm về hành trình kinh hoàng 21 ngày lênh đênh trên biển Thái bình dương. Ông cho biết, sau khi đã hoàn toàn bình phục, ông thú nhận và cầu xin không phải trải qua khúc biển rộng và sâu như thế nữa. Ông còn cho biết, cho dù đã kiệt sức trong vòng 3 tuần vì đói, khát và sức nóng, nhưng qua đức tin mạnh mẽ vào Thiên Chúa, họ đã hoàn thành một chiến công, có ảnh hưởng và biến đổi cuộc sống của họ. Ông Jim sau đó đã đi khắp nơi, chia sẻ với mọi người về hành trình đức tin mới của mình, từ một người không có đức tin trở thành một người có đức tin vững chắc và mãnh liệt vào Chúa. Chúng ta có thể tìm thấy những điểm tương đồng rỏ rệt giữa ông Jim trong câu chuyện trên đây và tông đồ Tô ma trong Tin mừng hôm nay. Chúng ta thấy, lúc đầu hai người là những người nghi ngờ, sau đó đã biến đổi có một niềm tin mãnh liệt vào Chúa, và cuối cùng, đặc biệt hơn, hai người đã trở thành hai nhà truyền giáo cho Chúa Giê-su Ki-tô Phục sinh. Ông Jim đã mang đức tin vào Thiên Chúa mới nhận được đi khắp nơi chia sẻ với mọi người, Tô ma đã đem đức tin rao truyền tới tận Ấn độ, và công việc truyền giáo của hai người vẫn tiếp tục có hoa trái tới ngày nay. Một điều quan trọng đáng cho chúng ta chú ý là cả hai, ông Jim và thánh Tôma đã trải qua một hành trình đức tin, từ một người nghi ngờ, trở thành vững tin, và trở thành những nhà truyền giáo sẵn lòng và hăng hái chia sẻ đức tin với mọi người.

Ông bà anh chị em thân mến. Đây cũng là một bài học quan trọng cho tất cả chúng ta. Tất cả chúng ta từ những người không có đức tin, đã trở thành những Ki-tô hữu, nhưng nếu chúng ta thành tâm tự suy xét, có bao nhiêu người đã đi tới một bước nửa, trở thành tông đồ của Chúa cho người khác? Trở thành những chứng nhân rao giảng Tin mừng của Chúa Ki-tô Phục Sinh? Chúng ta phải ý thức rằng chắc chắn Chúa không có ý định là muốn chúng ta giữ ơn sủng đức tin cho chúng ta. Thiên Chúa muốn chúng ta chia sẻ đức tin, chia sẻ Tin mừng với người khác, như những người bị rớt máy bay và sống sót trên chiếc xuồng cao xu đã chia sẻ với ông Jim, hay như các tông đồ khác chia sẻ đức tin vào Chúa Ki-tô Phục Sinh đã hiện ra, khi Tô ma có mặt. Nếu các tông đồ không chia sẽ, làm chứng và khẳng định Chúa đã sống lại và hiện ra với các ông, có thể Tô-ma đã mất niềm tin và bỏ Chúa.

Chúa nhật 28/4/2019 - Tuần 2 PS
Lời chúa : Ga 20,19-31

(19) Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!” (20) Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. (21) Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”. (22) Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. (23) Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha. Anh em cầm giữ tội ai, thì người ấy bị cầm giữ”. (24) Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến. (25) Các môn đệ khác nói với ông: “chúng tôi đã được thấy Chúa!” Ông Tô-ma đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người. Nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin”. (26) Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em”. (27) Rồi Người bảo Ông Tô-ma: “Đặt ngón tay vào đây và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”. (28) Ông Tô-ma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” (29) Đức Giêsu bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!” (30) Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ. Nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. (31) Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ Danh Người.

Hôm nay, Giáo Hội một lần nữa xác minh Đức Giêsu chịu đau khổ và Đấng Phục Sinh vẫn là Thiên Chúa yêu thương, Thiên Chúa cứu độ, đối với tất cả những ai tin tưởng, đi con đường Chúa hướng dẫn…. Hôm nay đây, lòng thương xót của Đấng Phục Sinh đang phủ lấp cuộc đời, ban ơn bình an cho mỗi người như khi xưa đã từng ban cho các tông đồ. Tình yêu thương của Thiên Chúa vẫn là nhu cầu để giúp chúng ta nghe, hiểu, tâm phục khẩu phục như Tôma, vì có được tình yêu của Chúa, ông không dám xỏ ngón tay vào lỗ đinh, thọc bàn tay vào cạnh sườn Đấng Phục Sinh….

Nếu chỉ nói suông, nói lý thuyết, Đức Giêsu không phải đối diện với đau khổ, không vác thập giá, không sống lại, hẳn các tông đồ là những người đầu tiên sẽ gạt bỏ Thầy Giêsu, và lời chào chúc bình an cũng không có ý nghĩa gì ! Nhờ tin vào Đức Kitô tử nạn và Phục Sinh, tình yêu của Đấng Phục Sinh biến đổi được mọi tâm hồn nên xứng đáng hơn. Bài đọc 1 hôm nay cho thấy Giáo hội thuở ban đầu ấy thật đẹp, mỗi người tín hữu đều biết chia sẻ vật chất, tinh thần làm của chung, mỗi người luôn biết hiệp nhất cầu nguyện, cùng nhau cử hành nghi thức bẻ bánh, thật là hạnh phúc.Trong một xã hội văn minh, người ta chủ trương thời đại này chẳng tin ai cả, có tin là nên tin vào chính mình. Đức Kitô khi phục sinh vẫn mang thương tích của cuộc khổ nạn, Chúa Phục Sinh vẫn cho xem dấu tích yêu thương trọng đại để soi chiếu cho mỗi người.


Lạy Thiên Chúa, xin biến trái tim sắt đá của chúng con thành trái tim mềm mại chứa máu-yêu-thương và máu-thương-xót, xin giúp chúng con biết duy trì và bảo vệ đức tin đến hơi thở cuối cùng. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh TửGiêsu, Đấng Cứu Độ giàu Lòng Thương Xót của chúng con. Amen.

Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2019

Gặp Chúa Phục sinh


Kết quả hình ảnh cho từ chiecs áo bác sĩ đến chiếc áo lễ



Từ sự đau khổ trong các hành lang bệnh viện đến chiêm niệm trước bàn thờ và ở giữa dân chúng, đó là hành trình đưa cha Alberto Debbi, một bác sĩ trở thành linh mục.

Đối với cha Alberto Debbi, ơn gọi linh mục là đáp lại hoàn toàn tiếng Chúa, Đấng mời gọi cha ra khơi, vượt qua những giới hạn của một gia đình, một bệnh viện và một xứ sở nơi cha sinh ra.

Ngày 15/12 vừa qua (2018) là một ngày tràn đầy niềm vui đối với cộng đoàn giáo phận Reggio Emilia-Guastalla, vì từ hôm nay, giáo phận sẽ có thêm một tân linh mục phục vụ đoàn chiên của Chúa. Vào lúc 6 giờ chiều hôm đó, tại nhà thờ chính tòa Đức Maria Hồn xác lên trời, Đức cha Massimo Camisasca của giáo phận đã đặt tay truyền chức linh mục cho thầy phó tế Alberto Debbi. Ơn gọi linh mục là một quà tặng quý giá Thiên Chúa ban cho Giáo hội và mỗi ơn gọi đều là độc đáo và duy nhất. Đối với tân linh mục Alberto Debbi thì điều này càng rõ ràng hơn. Ơn gọi của cha là một hành trình thật đặc biệt. Ở tuổi 42, với bằng cấp bác sĩ, một tương lai tươi sáng đã và đang mở rộng cánh cửa với cha, một mái gia đình êm ấm đang chờ đợi cha, nhưng cha đã quyết định để tất cả sang một bên và long trọng tuyên thệ trở thành linh mục của Chúa Kitô để phục vụ tha nhân hơn nữa.

Có một Tình yêu lớn hơn mời gọi tôi

Alberto Debbi sinh ngày 12/03/1976, là con thứ tư trong gia đình có 6 người con của ông bà Enzo Debbi và Anna Rompianesi. Ngay từ thời niên thiếu, Alberto đã muốn sử dụng những ơn Chúa ban cho mình để giúp đỡ phục vụ tha nhân. Năm Alberto 18 tuổi, ông Enzo, cha của anh đã qua đời sau một cơn bệnh nặng. Chính biến cố này đã giúp Alberto xác định cụ thể ước muốn dành cuộc đời mình cho tha nhân; Alberto đã chọn giúp đỡ cho những người đang bị đau đớn vì bệnh tật. Anh bắt đầu theo học y khoa tại bệnh viện đại học đa khoa Modena. Sau khi tốt nghiệp vào năm 2001, Alberto đã đăng ký học bác sĩ nội trú và năm 2005, anh trở thành bác sĩ chuyên về các bệnh đường hô hấp, ở Modena.

Với tấm bằng bác sĩ, Alberto làm việc sáu tháng tại phòng thuốc của bệnh viện ở Scandiano, rồi 8 tháng tại phòng cấp cứu của Castelnovo Monti, và cuối cùng anh đến khoa phổi ở Sassuolo (Modena), nơi anh làm việc gần bảy năm. Trong thời gian này, Alberto muốn lập gia đình và anh chuẩn bị kết hôn. Nhưng vào thời điểm quyết định đó, anh đã can đảm, thành thật thú nhận rằng, từ khía cạnh con người, chọn lựa này không làm cho anh hoàn toàn hạnh phúc. Thật là may mắn cho Alberto vì người bạn gái của anh hiểu được suy tư của anh và giúp anh nhận ra muốn điều tốt cho người khác thật sự là gì. Cô đã đồng ý chấp nhận để Alberto thực hành một thời gian phân định; và cuối cùng là vào năm 2011, họ đã quyết định hủy hôn ước. Cha Alberto chia sẻ: “Nó có vẻ như là mâu thuẫn, nhưng “bước căn bản chính là, qua tình yêu của vị hôn thê của tôi, nhận ra rằng có một Tình yêu lớn hơn mà tôi được mời gọi đến với Tình yêu đó.”

Chúng ta càng trở nên nhỏ bé, thì Chúa càng có thể hành động khi sử dụng chúng ta

Vì vậy, vào năm 2012, Alberto đã tham dự năm dự bị của chủng viện trong khi vẫn tiếp tục làm việc tại bệnh viện. Cuối cùng, đến tháng 09/2013, anh đã nghỉ việc tại bệnh viện và theo học triết học và thần học. Đối với Alberto, đang là một bác sĩ chuyên khoa, việc trở lại ngồi trên các băng ghế lớp học để học triết học và thần học không phải là một cuộc dạo chơi. Trong những năm chủng sinh, thầy Alberto đã hoạt động mục vụ cách thực tế như: chuyến viếng thăm những người bệnh và các gia đình tại Nhà Đức Mẹ Uliveto ở Montericco, đồng hành với các thiếu nữ là nạn nhân của tệ nạn khai thác tình dục, trợ giúp ơn gọi cùng với tổ chức “Giếng nước Giacóp", những phiên trực tại Trung tâm Bác ái Đức Trinh nữ của Ghiara ở Reggio. Trong hai năm cuối cùng, thầy Alberto đã sống một định hướng mạnh mẽ trong lĩnh vực bác ái và hoạt động với người trẻ. Ngày 27/05/2017, thầy Alberto được lãnh nhận chức phó tế.

Trước ngày chịu chức linh mục, cha Alberto chia sẻ: “Tôi đặc biệt muốn là một người hy vọng. Một hy vọng không kết thúc với bệnh tật và cái chết… Tôi tin rằng linh mục ở giữa dân và vì dân, dấn thân để đưa con người đến gần với Thiên Chúa và giúp họ tìm được cánh đồng cỏ sự sống thật sự. Nếu trong ngày lãnh nhận chức phó tế tôi đã cảm thấy hơn bất cứ điều gì khác, là đặt cuộc sống của mình theo ý của Chúa bằng cách đáp lại tình yêu của Người, thì hôm nay tôi thực sự nhận thấy ân sủng của Người quá tràn đầy. Đó là tất cả ân sủng, và chúng ta càng trở nên nhỏ bé, thì Chúa càng có thể hành động khi sử dụng chúng ta”.

Thứ bảy 27/4/2019 - Tuần bát nhật PS
Lời Chúa : Mc 16, 9-15

Sau khi sống lại vào lúc tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần, Đức Giêsu hiện ra trước tiên với bà Maria Mácđala, là kẻ đã được Người trừ cho khỏi bảy quỷ. Bà đi báo tin cho những kẻ đã từng sống với Người mà nay đang buồn bã khóc lóc. Nghe bà nói Người đang sống và bà đã thấy Người, các ông vẫn không tin. Sau đó, Người tỏ mình ra dưới một hình dạng khác cho hai người trong nhóm các ông, khi họ đang trên đường đi về quê. Họ trở về báo tin cho các ông khác, nhưng các ông ấy cũng không tin hai người này. Sau cùng, Người tỏ mình ra cho chính Nhóm Mười Một đang khi các ông dùng bữa. Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy. Người nói với các ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo.”


Xem ra tin Thầy Giêsu phục sinh không phải là chuyện dễ, ngay cả đối với các môn đệ, dù họ đã được nghe Thầy báo trước nhiều lần khi còn sống bên Thầy, dù có những người trong nhóm làm chứng mình đã thấy Thầy sống lại. Ở lại trong nỗi thất vọng, buồn phiền thì dễ hơn sống lạc quan vui tươi. Các môn đệ không ra khỏi được nỗi đau do cái chết của Thầy. Có những nỗi đau làm con người khép kín và khoanh tay bất động. Nhưng Đức Giêsu phục sinh vẫn không bỏ rơi các học trò cứng cỏi của mình. Ngài kiên trì chinh phục họ bằng cách đến với họ và dùng bữa. Ngài đưa họ ra khỏi thế giới nhỏ bé của họ và giao cho họ một sứ mạng lớn lao. “Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (c. 15). 

Tin Đức Giêsu phục sinh cũng không dễ đối với chúng ta hôm nay. Nếu thực sự tin vào sự phục sinh ở đời sau, chắc chúng ta sẽ sống khác. Thanh thoát hơn, nhẹ nhàng hơn, quảng đại hơn, vui tươi hơn... Nhiều khi chúng ta vẫn loan báo Tin Mừng với vẻ mặt buồn bã, vẫn nói về đời sau mà lòng còn quá nặng với vinh hoa đời này. Chỉ mong chúng ta được thực sự phục sinh như Thầy Giêsu, để làm tròn sứ mạng Thầy trao phó.


Lạy Chúa phục sinh, vì Chúa đã phục sinh nên con thấy mình chẳng còn gì phải sợ. 
Vì Chúa đã phục sinh nên con được tự do bay cao, không bị nỗi sợ hãi của phận người chi phối, sợ thất bại, sợ khổ đau, sợ nhục nhã và cái chết lúc tuổi đời dang dở. 
Vì Chúa đã phục sinh nên con hiểu cái liều của người kitô hữu là cái liều chín chắn và có cơ sở. Cái liều của những nữ tu phục vụ ở trại phong.  Cái liều của cha Kolbê chết thay cho người khác. Cái liều của bậc cha ông đã hiến mình vì Đạo. Sự Phục Sinh của Chúa là một lời mời gọi mang một sức thu hút mãnh liệt khiến con đổi cái nhìn về cuộc đời: nhìn tất cả từ trên cao để nhận ra giá trị thực sự của từng thụ tạo.  Sự Phục Sinh của Chúa giúp con dám sống tận tình hơn với Chúa và với mọi người. Và con hiểu mình chẳng mất gì, nhưng lại được tất cả.



Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2019

Thấy Chúa trong cuộc đời mình

a


Tôi làm Luật sư gần 12 năm và 10 năm trong số đó tôi làm Phó Biện lý Quận Cam ở California. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ trở thành một linh mục! Nhưng Chúa đã biết cả trước khi tôi chào đời và đã cho tôi được làm linh mục. Tôi đã phải trải nghiệm cuộc sống, hẹn hò, và làm việc trước khi sẵn sàng để nghe và đáp trả lời mời gọi của Người.
Sự quan phòng của Chúa đã làm việc trong ơn gọi của tôi trước khi tôi sinh ra. Khi ông nội tôi được mười hai tuổi, có một chuyện xảy ra đã làm thay đổi tất cả. Bà cố nội của tôi bệnh rất nặng và các bác sĩ đã không có hy vọng. Một ngày kia, khi ông cố nội của tôi đang đi bộ về nhà sau khi thăm bà trong bệnh viện, ông đi ngang qua Nhà thờ Công giáo Thánh Giuse. Mặc dù không phải là người Công giáo, nhưng vì tuyệt vọng, ông bước tới trước tượng của Thánh Giuse, ông quỳ xuống và bắt đầu cầu nguyện. Ông đã xin Thánh Giuse giúp vợ ông được bình phục. Ông hứa rằng nếu bà hồi phục, cả gia đình sẽ chuyển sang đạo Công giáo.
Đêm đó, ông bà cố nội tôi đã có cùng một giấc mơ. Họ đã mơ thấy một người đàn ông trông giống như Thánh Giuse đi vào phòng bệnh viện của bà, lấy đi ở phần bụng bà – bộ phận bị đau – và thay thế vào một cái mới. Buổi sáng hôm sau, bà đã được chữa khỏi hoàn toàn và các bác sĩ đã không thể tin được. Ông bà cố nội tôi chia sẻ giấc mơ họ đã có tối hôm trước và biết rằng qua Thánh Giuse bà cố nội tôi đã được chữa khỏi một cách kỳ diệu. Một thời gian ngắn sau đó, ông bà cố nội và ông nội của tôi đã chịu phép rửa tội theo đức tin Công giáo. Nếu không có phép lạ này, bây giờ gia đình tôi và tôi có thể không phải là người Công giáo!

Lớn lên, bà nội tôi là người sùng đạo nhất trong gia đình. Mặc dù bà chỉ theo đạo Công giáo khi bà kết hôn với ông nội tôi, nhưng chính bà lại là người duy trì việc thực hành đức tin sống động trong gia đình. Tôi đã gần bà khi lớn lên và bà đã dạy tôi làm Dấu Thánh Giá và những kinh cầu nguyện căn bản của Giáo hội như kinh Lạy Cha, kinh Kính Mừng, kinh Sáng Danh và kinh Ăn năn tội. Bà đã dạy tôi cách xưng tội và lãnh nhận Bí tích Thánh Thể. Bà nội tôi đã góp phần trong sự hình thành đức tin của tôi.

Mẹ tôi cũng đã theo đạo khi kết hôn với cha tôi. Lớn lên, chúng tôi là những người Công giáo “lãnh đạm”. Chúng tôi đã đến dự Thánh lễ Chúa nhật và nhận tất cả các bí tích căn bản – chủ yếu bởi vì sự khăng khăng của bà nội tôi. Trong gia đình tôi, tôi chưa bao giờ nghe có ai nói về một ơn gọi có thể có như chức linh mục hay đời sống tu sĩ. Thay vào đó lại nhấn mạnh về trình độ học vấn cao, có việc làm tốt với mức lương cao và có địa vị nữa.

Trong khi học Đại học, tôi không còn đi dự Lễ nữa. Những điều thế gian như vui chơi và đạt điểm tốt đã trở thành sự quan tâm của tôi; đức tin không phải là một ưu tiên. Điều này tiếp tục tiếp diễn khi tôi đang ở trường luật và cả khi tôi làm luật sư. Trong quá trình lược lại, tôi quyết định đi học tại trường luật. Tôi đã tốt nghiệp Cử nhân Quản trị Kinh doanh về Tài chính nhưng không hứng thú làm việc trong lĩnh vực này. Vì vậy bước tiếp theo hợp lý là để có được một MBA hoặc là đi học luật. Thế rồi tôi quyết định học về luật pháp vì tôi nghĩ rằng nó sẽ cho tôi nhiều lựa chọn hơn.

Công việc đầu tiên của tôi khi ra trường luật là luật sư biện lý công chúng ở Bakersfield. Đó là một kinh nghiệm tốt nhưng tôi biết tôi không muốn sống ở Bakersfield trong suốt quãng đời còn lại. Vì vậy, tôi đã nộp đơn lên Văn phòng Luật sư Công cộng và Văn phòng Luật sư Quận tại Quận Cam, nơi tôi đã lớn lên. Văn phòng của D.A. đã cho tôi một cuộc phỏng vấn và sau đó là một đề nghị tuyển dụng, và tôi đã chấp nhận. Năm 1997, chuyển về Quận Cam và bắt đầu sự nghiệp của tôi với tư cách là công tố viên; Tôi vẫn chưa thực hành đức tin của mình. Tôi mua một căn nhà, một chiếc xe BMW và đã hẹn hò. Tôi đang tìm kiếm một người ưng ý để kết hôn và bắt đầu một gia đình. Nhưng Chúa đã có những kế hoạch khác.
Mãi cho đến khoảng năm 2001 tôi mới bắt đầu trở lại đi dự Thánh lễ thường xuyên. Lý do là vì tôi đang hẹn hò với một phụ nữ Công giáo tốt bụng, cô ta muốn tôi đi lễ với cô vào Chúa nhật và tôi đã làm như vậy. Đây là khởi đầu của cuộc hành trình trở về với Chúa. Tôi đã biết rất ít là cuối cùng nó sẽ dẫn tôi đến đâu.

Chúng tôi đã hẹn hò trong vài tháng nhưng mọi thứ đã không kết quả và chúng tôi chia tay. Nhưng tôi vẫn tiếp tục đi dự Thánh lễ mỗi Chủ nhật. Tôi tiếp tục hẹn hò với hy vọng gặp được “người duy nhất.” Trong khi đó, Chúa đã sử dụng những người xung quanh tôi để hướng tôi đến với chính Người và cho ơn gọi đích thực của tôi. Chỉ sau đó tôi mới hiểu được ai thực sự là “người duy nhất” đối với tôi. Vào đầu năm 2005, tôi gặp một người phụ nữ ở trong giáo xứ và chúng tôi bắt đầu hò hẹn. Cô cũng là một người Công giáo tốt và cô giới thiệu tôi với chuỗi Mân côi, tham dự Thánh lễ hàng ngày và Chầu Thánh Thể. Cô khuyến khích tôi trở thành một Thừa tác viên Thánh Thể và sau đó là đọc sách Thánh. Tôi đã phát triển trong đức tin và thật sự thực hành nó.

Đồng thời, lúc đó tôi cũng đang trải qua một số khó khăn trong công việc. Điều này khiến tôi bắt đầu suy nghĩ về sự lựa chọn khác. Tôi nghĩ về việc tìm một việc làm khác hoặc thậm chí thay đổi nghề nghiệp, và tôi bắt đầu tìm kiếm… Tôi nhận ra rằng thực sự tôi không thích làm công tố viên hoặc luật sư vì bất cứ lý do nào. Tôi bắt đầu suy nghĩ để tìm ra những gì tôi thực sự muốn làm với cuộc đời của mình. Tôi muốn làm điều gì đó mà tôi thích và đam mê, nhưng không có gì là đúng cả.

Trong tuyệt vọng tôi quay sang cầu nguyện (như ông cố nội tôi). Với đức tin mới tìm thấy, tôi đã đến gần Chúa và hỏi Chúa cho tôi biết điều tôi phải làm là gì? Lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi không có lựa chọn dự phòng nào; quá trình lược lại đã dẫn tôi đến ngõ cụt.

Ngay sau khi cầu nguyện, mọi thứ bắt đầu thay đổi. Người phụ nữ Công giáo mà tôi hẹn hò đã bất ngờ hỏi tôi một cách bâng quơ là có khi nào tôi nghĩ đến việc trở thành một phó tế vĩnh viễn không? Tôi nói với cô ấy rằng tôi chưa bao giờ thực sự nghĩ tới việc trở thành một phó tế. Thậm chí tôi không biết phải làm gì để trở thành một phó tế, nhưng có lẽ nó đòi hỏi phải trở lại trường để học thêm, và tại thời điểm đó trong cuộc đời, tôi không hề muốn trở lại trường học. Nhưng hạt giống đã được gieo!....

...Tôi đã rất phấn khởi và sợ hãi cùng một lúc. Có một cái gì đó mới lạ, một điều mà tôi chưa bao giờ nghĩ đến trước đó. Nhưng sự cam kết và thay đổi trong đời sống thì rất lớn. Từ bỏ nghề luật là một chuyện, còn một điều khác nữa để từ bỏ, đó là khả năng không bao giờ có vợ và gia đình. Tôi luôn nghĩ rằng mình sẽ tìm được đúng người, kết hôn và có gia đình. Độc thân không phải là điều dự tính của phương trình! Nhưng còn về chức phó tế thì sao? Nó cho phép tôi được kết hôn, có gia đình và trở thành phó tế cùng một lúc. Nhưng chức phó tế vĩnh viễn thì không bao giờ nghĩ tới. Tôi sẽ dâng cuộc sống của tôi cho Chúa hoàn toàn như là một linh mục hoặc lập gia đình; không có lựa chọn nào khác!
Tôi tiếp tục cầu nguyện và nhận ra ý Chúa cho tôi. Một ngày kia đang quỳ sau khi rước lễ và nhìn lên thánh giá, tôi có thể nghe thấy Chúa Giêsu đang nói trong tâm trí và trái tim tôi, Người kêu tôi bỏ tất cả mọi thứ và theo Người. Một phần của tôi muốn nói “Vâng, Chúa Giêsu, con sẽ từ bỏ tất cả mọi thứ để theo Chúa. Nhưng một phần khác vẫn chưa sẵn sàng, vì vậy tôi cầu nguyện: “Chúa Giêsu ơi, nếu Chúa muốn con theo Chúa, thì Chúa phải giúp con bỏ mọi thứ vì con không thể làm điều đó một mình được. Nếu Chúa muốn, Chúa phải làm cho nó xảy ra.”

Sáng hôm sau tôi thức dậy với bài hát này trong đầu: Everything I Own by Bread. Tôi đã lên trang mạng, in lời bài hát và đọc chúng. Bài hát này nói về một người mất cha và mong muốn cha mình vẫn còn sống. Nhưng đối với tôi, lời bài hát là cách Chúa nói với tôi rằng tôi có thể từ bỏ tất cả mọi thứ cho Người, nếu tôi không làm bây giờ thì cơ hội sẽ không còn và có thể tôi sẽ hối tiếc về điều đó
Trong thời gian biện phân, tôi đã gặp một người phụ nữ khác. Tôi đã nói với cô ấy ngay lập tức rằng tôi đang có ý định làm linh mục, để cho cô ấy biết trước. Cô là người Công giáo, đầy tài năng và hấp dẫn. Trên thực tế, tôi nghĩ cô ấy có tất cả những phẩm chất mà tôi mong muốn ở một người vợ. Cô ấy cũng phát triển tình cảm với tôi. Tôi không hiểu tại sao cô ấy đã bước vào cuộc đời tôi vào thời điểm này. Nếu tôi gặp cô ấy sáu tháng trước, tôi có thể đã nhìn thấy phần đời còn lại của tôi với cô ấy. Nhưng bây giờ không phải là thời điểm tốt. Qua cầu nguyện, tuy nhiên, tôi cảm nhận được Chúa cho tôi một sự lựa chọn có ý thức. Đây là người phụ nữ mà tôi có thể lập gia đình, hoặc tôi có thể chọn Người. Nếu tôi chọn cô ấy, Chúa cũng sẽ chúc phúc cho cuộc hôn nhân của tôi, nhưng Người đã gọi tôi chọn Người. Với ân sủng của Thiên Chúa, tôi đã có thể chọn Người. Chúa cho tôi cơ hội này để tôi đưa ra một quyết định có ý thức bởi vì Người không muốn sau này tôi suy nghĩ: “Chuyện gì xảy ra nếu tôi gặp đúng người?” Chúa muốn tôi chắc chắn về ơn gọi của mình.

Vào mùa hè năm 2006, tôi đã yêu cầu và nhận được một năm nghỉ việc để thử ơn gọi mới của tôi bằng cách vào chủng viện. Các đồng nghiệp của tôi rất ngạc nhiên. Nhiều người nghĩ rằng tôi đã đang trải qua một “giai đoạn” và rằng tôi sẽ trở lại trong vòng chưa đầy một năm.

Gia đình tôi cũng rất ngạc nhiên. Bố tôi, đang sống ở Denver, đã bay tới Quận Cam vào ngày hôm sau để nói chuyện với tôi và xem tôi có đang gặp phải bất kỳ vấn đề gì không. Ông cùng với nhiều người khác trong gia đình, nghĩ rằng tôi đã mắc phải sai lầm lớn; họ không thể hiểu được tại sao tôi lại biện phân về chức linh mục và nghĩ rằng tôi đã vứt đi cuộc đời của mình.

Việc chuyển đổi từ một luật sư sang chủng sinh không phải là dễ dàng. Tôi đã bán nhà, bán xe và bỏ hầu hết tài sản của mình. Từ bỏ những điều này không phải là khó khăn. Điều khó nhất là bỏ mấy con chó của tôi. Tôi có bốn con chó và tôi phải tìm nhà cho nó. Thật là đau lòng, nhưng Chúa đã ban cho tôi ân sủng để cho nó đến những gia đình tốt. Những người chủ mới đã rất tốt, họ email và cập nhật hình ảnh cho tôi và tôi có thể đến thăm bất cứ lúc nào.

Vào năm 2006, tôi tham gia vào dòng ‘the Oblates of the Virgin Mary’ như là một dự sĩ tại chủng viện của họ ở Boston và bắt đầu học triết học. Đó là một trải nghiệm mới và đầy thách thức đối với tôi. Tôi đã là một luật sư với nhà riêng và xe của mình, tôi có thể đến và đi lúc nào tôi muốn. Bây giờ tôi phải sống với một cộng đoàn tôn giáo nhỏ và phải làm hầu hết mọi thứ cùng với năm chủng sinh khác: ăn, cầu nguyện, học tập, dọn dẹp, giải trí, vv… Thật khó! Nhưng với sự trợ giúp của Chúa, tôi đã ở được một năm. Vào cuối năm tôi đã nhận ra rằng cuộc sống tôn giáo hoặc ít nhất là dòng ‘the Oblates of the Virgin Mary’ có lẽ không phải cho tôi. Tôi trở lại Quận Cam không biết mình sẽ làm gì tiếp theo. Nhưng có một điều chắc chắn – tôi không muốn là một D.A. nữa. Tôi nộp đơn từ chức, trả lại huy hiệu và I.D. Tôi thấy bình an với quyết định này.

Nhưng bây giờ làm gì? Tôi tìm kiếm lời khuyên của một người hướng dẫn tâm linh mới, một Norbertine. Ông đề nghị tôi thử Giáo phận Orange trước khi từ bỏ ý định làm linh mục và trở lại “thế giới thực tại.” Vì vậy tôi đã gia nhập Giáo phận Orange và được cử đi học thần học tại Chủng viện Thánh Patrick ở Menlo Park, California . Ngay lập tức tôi nhận thấy một sự khác biệt lớn từ cuộc sống tôn giáo ở Boston. Có nhiều chủng sinh hơn và tôi có nhiều quyền tự do hơn để lựa và chọn, làm thế nào và với ai khi dùng thời gian rảnh của mình. Càng ngày tôi càng cảm thấy tôi đã tìm được ơn gọi của mình. Vào cuối năm đầu tiên của thần học, Đức Giám Mục Orange đã cho tôi một sự lựa chọn: ở lại St. Patrick học hoặc đi đến Trường cao đẳng Bắc Mỹ ở Rome. Tôi đã chọn Rome.

Rome cũng là một thách thức vì là một quốc gia khác, với một nền văn hoá và ngôn ngữ khác biệt, xa với sự quen thuộc và thoải mái ở nhà. Nhưng đó cũng là một kinh nghiệm tuyệt vời cho phép tôi hoà đồng với nhiều chủng sinh và linh mục có năng khiếu từ khắp nơi trên nước Mỹ (và thế giới nói chung). Tôi cũng có cơ hội trải nghiệm những kỳ quan của Rome và các vùng khác nhau của Châu Âu. Điều quan trọng nhất là khi tôi tiếp tục học tập và đào tạo, nó trở nên rõ ràng và rõ ràng hơn rằng linh mục là ơn gọi của tôi.

Vào ngày 10 tháng 7 năm 2010, nhờ ân sủng của Thiên Chúa, tôi được làm thầy phó tế chuyển tiếp của Giáo phận Orange. Nhiều gia đình, bạn bè đã có mặt và tôi đã thuyết giảng Thánh lễ đầu tiên của tôi như một Thầy phó tế vào Chúa nhật Lễ Hiện Xuống. Cuối tuần đó thật đầy ân sủng! Thật khó để tin rằng bốn năm trước đó, tôi đã là một luật sư cố gắng bỏ mọi thứ và theo Chúa Kitô. Gia đình, bạn bè của tôi đã hãnh diện về tôi. Mùa hè tiếp theo, vào ngày 11 tháng 6 năm 2011, tôi được Thụ phong Linh mục. Tôi đã trở lại Rome để hoàn tất chương trình Licentiate in Sacred Theology trước khi trở về nhà trong năm 2012. Nhiệm vụ đầu tiên của tôi là tại nhà thờ Our Lady of Mount Carmel ở Newport Beach, và năm đầu tiên làm linh mục phó xứ là một phần thưởng và kinh nghiệm cho tôi.

Tôi không chắc chính xác kế hoạch của Chúa dành cho tôi như thế nào. Nhưng dù sao, tôi biết rằng nó tốt hơn bất cứ kế hoạch nào tôi có thể làm cho bản thân mình. Tôi đã giao phó ơn gọi của mình cho Mẹ Maria, tin tưởng vào sự chăm sóc của Mẹ và cố gắng để nên giống Mẹ. Biết rằng sẽ có những thử thách phía trước và tôi cố gắng chấp nhận làm theo ý Chúa mỗi ngày. Tôi giữ những lời sau đây của Mẹ Têrêxa gần với tôi để nhắc nhở tôi tin tưởng Chúa mọi lúc:

“Hoàn toàn đầu phục cho Chúa phải đi từ những chi tiết nhỏ đến những chi tiết lớn, chẳng có gì ngoài một từ duy nhất: ‘Vâng! Con chấp nhận những gì Chúa cho, và con cho những gì Chúa muốn.’ Và đây chính là cách đơn giản để chúng ta nên thánh. Không nên tạo ra khó khăn trong tâm trí mình. Để thánh thiện không có nghĩa là làm những điều phi thường, hiểu những điều lớn lao, nhưng đơn giản là chấp nhận, bởi vì tôi đã dâng mình cho Chúa, tôi thuộc về Người – tôi phó thác tất cả!”

Linh mục Quân hiện là Cha phó – Giáo xứ Chánh toà Chúa Kitô ở Garden Grove. Ngài cũng đang là Vị Đại diện Giám mục của Hiệp nhất Kitô giáo và Đối thoại Liên tôn thuộc Giáo phận Orange.


Thứ sáu 26/4/2019 - Tuần bát nhật PS
Lời Chúa :  Ga 21, 1-14


Khi ấy, lúc các môn đệ đang ở bờ biển Tibêria, Chúa Giêsu lại hiện đến. Công việc đã xảy ra như sau: Simon Phêrô, Tôma cũng gọi là Ðiđymô, Nathanael quê tại Cana xứ Galilêa, các con ông Giêbêđê, và hai môn đệ nữa đang ở với nhau. Simon Phêrô bảo: "Tôi đi đánh cá đây". Các ông kia nói rằng: "Chúng tôi cùng đi với ông". Mọi người ra đi xuống thuyền. Nhưng đêm ấy các ông không bắt được con cá nào. Lúc rạng đông, Chúa Giêsu hiện đến trên bờ biển, nhưng các môn đệ không biết là Chúa Giêsu. Người liền hỏi: "Này các con, có gì ăn không?" Họ đồng thanh đáp: "Thưa không". Chúa Giêsu bảo: "Hãy thả lưới bên hữu thuyền thì sẽ được". Các ông liền thả lưới và hầu không kéo nổi lưới lên, vì đầy cá. Người môn đệ Chúa Giêsu yêu, liền nói với Phêrô: "Chính Chúa đó". Simon Phêrô nghe nói là Chúa, liền khoác áo vào, vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. Các môn đệ khác chèo thuyền vào và kéo lưới đầy cá theo, vì không còn xa đất bao nhiêu, chỉ độ hai trăm thước tay.
     Khi các ông lên bờ, thấy có sẵn lửa than, trên để cá và bánh. Chúa Giêsu bảo: "Các con hãy mang cá mới bắt được lại đây". Simon Phêrô xuống thuyền kéo lưới lên bờ. Lưới đầy toàn cá lớn; tất cả được một trăm năm mươi ba con. Dầu cá nhiều đến thế, nhưng lưới không rách. Chúa Giêsu bảo rằng: "Các con hãy lại ăn". Không ai trong đám ngồi ăn dám hỏi: "Ông là ai?" Vì mọi người đã biết là Chúa. Chúa Giêsu lại gần, lấy bánh trao cho các môn đệ; Người cũng cho cá như thế. Ðây là lần thứ ba, Chúa Giêsu đã hiện ra với môn đệ khi Người từ cõi chết sống lại.

Chúa Giêsu hiện ra với các tông đồ sau khi phục sinh, để cho các ông tin rằng Ngài đã sống lại thật. Chúa muốn các tông đồ tin vào Ngài, vì Ngài đang sống giữa các tông đồ và đồng hành với các ông.
Ngài đến giữa các tông đồ đang khi các ông đánh bắt cá. Ngài hiện diện với các ông trong một khung cảnh của cuộc sống thường ngày. Chúa Giêsu phục sinh đang có mặt trong từng phút, từng giây của cuộc sống của các tông đồ. Và chính nhờ sự hiện diện của Chúa đem lại cho các ông nhiều điều thú vị, bất ngờ, cụ thể qua mẻ lưới đầy cá. Qủa thật, được gặp gỡ Chúa Giêsu phục sinh, các tông đồ có niềm vui trọn vẹn trong cuộc sống làm tông đồ cho Chúa.

Hôm nay, mỗi người Kitô hữu cũng tin vào sự hiện diện của Chúa ở giữa, ở trong, ở cùng mỗi người chúng ta và cuộc sống của chúng ta. Với mẻ cá lớn các tông đồ đánh bắt được là nhờ Chúa Giêsu chỉ bảo. Người tín hữu nếu biết vâng lời Chúa, biết thực thi Lời Chúa dạy, sẽ mang lại nhiều kết quả tốt đẹp, ngoài sức tưởng tượng. Việc Chúa Giêsu cầm bánh và cá trao cho các tông đồ, nhắc người tín hữu rằng : Ngài hiện diện trong Bí tích Thánh Thể, để ở giữa Hội Thánh và nuôi sống linh hồn chúng ta. Chúa Giêsu gọi các tông đồ : “Các con hãy lại ăn”, cho chúng ta thấy Ngài luôn ân cần, chăm sóc và yêu thương mỗi người tín hữu chúng ta. Khi đã nhận được tình yêu ân cần của Chúa, mỗi người chúng ta cũng có bổn phận giúp đỡ và chia sẻ cho những anh chị em đang thiếu thốn ở xung quanh chúng ta. Như thế sống mầu nhiệm Phục sinh đòi hỏi chúng ta phải biết sống liên đới với tha nhân, và tích cực xây dựng sự an bình trong công lý và tình huynh đệ.


Tâm tình : 
Lạy Chúa Giê su, xin cho chúng con xác tín vào sự hiện diện của Chúa Giêsu phục sinh, chúng con càng thêm tin tưởng, yêu mến và phó thác cả con người và cuộc sống chúng con cho tình yêu của Chúa. Amen.


Thứ Năm, 25 tháng 4, 2019

Nhận ra Chúa trong đời thường



Kết quả hình ảnh cho Thấy ma


Tương truyền một năm nọ, Bá Nha phụng chỉ vua Tấn đi sứ qua nước Sở. Trên đường trở về đến sông Hán, gặp đêm trung thu trăng thanh gió mát, ông lệnh cho quân lính dừng thuyền uống rượu thưởng nguyệt. Cao hứng mang đàn ra gảy nhưng bản đàn chưa dứt đã bị đứt dây. Nào ngờ nơi núi cao sông dài này dường như có người biết nghe đàn, lại cũng ngờ thích khách, Bá Nha truyền quân lên bờ đi tìm thì vừa hay có tiếng chàng trai nói vọng xuống, rằng mình là một tiều phu, thấy khúc đàn hay quá nên dừng chân nghe. Bá Nha có ý nghi hoặc sao một người đốn củi lại biết nghe đàn, nhưng khi chàng trai đối đáp trôi chảy, thậm chí biết rõ bản đàn Bá Nha vừa gảy thì ông không còn mảy may ngờ vực nữa, bèn mời xuống thuyền đàm đạo. Trên thuyền, Bá Nha gảy khúc nhạc Cao sơn Lưu thủy, người tiều phu rung cảm sâu sắc, cao đàm khoát luận, khiến Bá Nha khâm phục hết mực.

Chàng trai trẻ đó chính là Tử Kỳ (Chung Tử Kỳ), một danh sĩ ẩn dật, đốn củi bến sông để được sớm tối phụng dưỡng mẹ cha già yếu. Được người tri âm, thấu cảm ngón đàn cũng là tấm chân tình của mình, Bá Nha có ý mời Tử Kỳ rời non cao rừng thẳm về kinh cùng mình để sớm hôm đàm đạo và vui hưởng vinh hoa phú quý. Nhưng Tử Kỳ thoái thác vì việc hiếu. Quan sự không thể chần chừ, Bá Nha đành phải xuôi thuyền về kinh, không quên hẹn Tử Kỳ tại chốn này một ngày nọ ông sẽ trở lại đón cả gia quyến Tử Kỳ về với mình.

Mùa thu năm sau Bá Nha trở lại bến sông xưa, nhưng không còn gặp được Tử Kỳ vì Tử Kỳ đã mất trong một cơn bạo bệnh. Tương truyền, trước khi chết Tử Kỳ còn trăng trối phải chôn chàng nơi bến sông Hán Dương, cạnh núi Mã Yên, để giữ lời hẹn với Bá Nha. Bá Nha tìm đến mộ Tử Kỳ, bày đồ tế lễ, sầu thảm khóc gảy một bản nhạc ai điếu. Đàn xong, ông đập đàn vào đá, thề trọn đời không đàn nữa vì biết mình từ nay vĩnh viễn không còn bạn tri âm.

Thứ năm 25/4/2019-Tuần bát nhật PS
Lời Chúa : Lc 24, 35-48

Hai môn đệ từ Emmau trở về, thuật lại cho Nhóm Mười Một và các bạn hữu những việc đã xảy ra dọc đường và mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh. Các ông còn đang nói, thì chính Ðức Giêsu đứng giữa các ông và bảo: “Bình an cho anh em!” Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma. Nhưng Người nói: “Sao anh em lại hoảng hốt? Sao còn ngờ vực trong lòng? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?” Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem. Vì mừng quá, các ông vẫn chưa tin và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: “Ở đây anh em có gì ăn không?” Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông. Rồi Người bảo: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Môsê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm.”Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh và bảo: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Ðấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại, và phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân của những điều này”.

Sợ ma không phải chỉ là chuyện của trẻ con. Cả người lớn như các tông đồ cũng sợ ma. Có lần Ðức Giêsu đi trên mặt nước mà đến với họ, nhưng họ kinh hoàng tưởng Thầy là ma. Khi Ðức Giêsu phục sinh hiện ra với các môn đệ, họ cũng hoảng hốt tưởng là thấy ma. Ðấng sống lại đã kiên nhẫn làm hết cách để đưa các môn đệ ra khỏi nỗi ám ảnh kinh khủng. Ngài mời họ xem và đụng đến tay chân Ngài để thấy Ngài là người bằng xương bằng thịt. Ngài còn ăn một miếng cá nướng để cho họ thấy Ngài không phải là một bóng ma. Khi các môn đệ yếu đức tin, họ coi Ðức Giêsu phục sinh chỉ là bóng ma. Nhưng khi đức tin của họ được củng cố, họ mới thấy Ngài có thực. Lắm khi chúng ta vẫn tưởng Chúa là bóng ma đe dọa, vì Chúa đến gặp ta một cách quá bất ngờ, giữa lúc con thuyền đời ta chòng chành vì gió ngược, hay lúc căn nhà lòng ta khép kín vì nỗi buồn đau. Chúa vẫn đến lúc ta tưởng Ngài không thể đến. Ngài mời gọi ta làm chứng nhân cho Ngài.

Kitô hữu là chứng nhân của niềm hy vọng.
Ðức Giêsu bị đóng đinh đã sống lại ra khỏi mồ. Bạo lực, bất công, dối trá, hận thù bị thảm bại. Quyền lực của bóng tối chỉ là tạm thời. Chiến thắng cuối cùng thuộc về Tình Yêu và Ánh Sáng. Bởi thế người Kitô hữu vẫn hy vọng không ngơi ngay giữa lúc sự dữ có vẻ thắng thế.

Kitô hữu là chứng nhân của sự sống.
Thế giới hôm nay bị mê hoặc bởi sự chết. Những cuộc chiến tranh, xung đột, ám sát, bạo động. Những loại ma tuý khiến người ta chết không ra người. Những vụ phá thai quá dễ dàng nơi các cô gái trẻ. Những vụ tự tử chỉ vì những lý do không đâu. Kitô hữu phải làm cho sự sống có mặt, và hấp dẫn gấp ngàn lần sự chết. Họ phải là nguồn sống dồi dào, sống đơn sơ, thanh bạch, nhưng hạnh phúc.

Kitô hữu là chứng nhân của niềm vui.
Bao trẻ thơ buồn vì thiếu thầy cô, thiếu trường học. Bao bệnh nhân ở xa thành phố, cần đến thầy thuốc. Bao người nghèo khổ sống trong nỗi muộn phiền. Nếu chúng ta thực sự có niềm vui của Chúa, nếu chúng ta đã ra khỏi nỗi âu lo về mình, chắc chúng ta sẽ ra đi công bố Tin Mừng Phục Sinh, bằng việc đem lại nụ cười cho những người bất hạnh. Chuyện Ðức Giêsu phục sinh là chuyện khó tin. Nhưng nếu chúng ta sống quên mình phục vụ thì người ta có thể gặp được Ðấng đang sống.

Lạy Chúa Giê su,
Giữa một thế giới chạy theo tiện nghi, hưởng thụ, xin cho con biết bằng lòng với cuộc sống đơn sơ. 
Giữa một thế giới còn nhiều người đói nghèo, xin cho con đừng thu tích của cải.
Giữa một thế giới mà sự sống bị chà đạp, xin cho con biết quý trọng phẩm giá từng người.
Giữa một thế giới không tìm thấy hướng sống, xin cho con biết xây lại niềm tin.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con cảm được cơn đói đang giày vò bao người, xin cho con nghe được lời mời của Chúa: “Các con hãy cho họ ăn đi.” 
Ước gì chúng con dám trao tất cả những gì chúng con có cho Chúa, để Chúa trao tất cả những gì Chúa có cho chúng con và cho cả nhân loại.

Thứ Tư, 24 tháng 4, 2019

Tôi đã không nhận ra Chúa


Kết quả hình ảnh cho 2 môn đệ trên đường Emmau



Câu chuyện hai môn đệ trên đường Emaus cũng là câu chuyện cuộc đời của mỗi người, mỗi gia đình trong chúng ta. Có nhiều lúc chúng ta rất phấn khởi theo Chúa, chúng ta có nhiều toan tính dự định cho tương lai của gia đình, nhưng những toan tính đó lại không đạt được như mong đợi; những khi gặp thất bại, nhiều người đã muốn buông xuôi, để mình rơi vào chán nản, chôn vùi cuộc sống vào rượu chè bài bạc, đề đóm. Hãy nhớ đến câu chuyện hôm nay để tin rằng, Chúa Giêsu không bao giờ bỏ rơi chúng ta, Ngài không muốn thấy chúng ta sống trong buồn chán thất vọng, Ngài vẫn ở bên an ủi nâng đỡ chúng ta qua Lời Kinh Thánh, chỉ có điều, chúng ta có lắng nghe sự giải thích của Ngài hay không.
Cũng vậy, có nhiều lúc cuộc sống gia đình chơi vơi, gặp nhiều thử thách, có người oán trách kêu lên: Chúa ở đâu rồi? Những lúc như thế, hãy noi gương hai môn đệ Emaus, nài ép Chúa vào gia đình mình, mời Chúa hiện diện trong các giờ kinh gia đình. Hãy để Chúa hiện diện và cùng ăn bữa tối với gia đình, nhất là hãy siêng năng tham dự tiệc bẻ bánh là Thánh lễ mỗi ngày, Chúa sẽ cho chúng ta nhận ra sự hiện diện an ủi của Chúa. Tiệc Thánh Thể sẽ trở nên sức mạnh để chúng ta chỗi dậy và bước đi, vượt qua sợ hãi, chán nản và khó khăn. Có Chúa hiện diện, nài ép Chúa vào nhà, vào gia đình ta sẽ tìm lại được niềm vui và hạnh phúc.

Lạy Chúa, Chúa đón gặp con trong từng bước đi của đời sống thực tế, nhưng nhiều khi con lại tìm Chúa ở cõi xa xăm, mơ hồ. Xin giúp con biết sử dụng mọi thứ Chúa gởi đến, dù khó hay dễ, đáng buồn hay đáng vui, may hay rủi, họa hay phúc, sướng hay khổ... để phong phú hóa cuộc sống con cho Chúa, để con biết tôn thờ và chúc tụng Chúa trong mọi điều, và như một phương tiện hữu hiệu nhằm dẫn đưa con đến sự kết hợp với Chúa mỗi ngày sâu đậm hơn. Amen.

Thứ tư 24/4/2019 - Tuần bát nhật PS
Lời Chúa : Lc 24, 13-35

Chiều ngày phục sinh, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Emmau, cách Giêrusalem chừng mười một cây số. Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra. Ðang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Ðức Giêsu tiến lại gần và cùng đi với họ. Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người. Người hỏi họ: “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?” Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu. Một trong hai người tên là Clêôpát trả lời: “Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giêrusalem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay.” Ðức Giêsu hỏi: “Chuyện gì vậy?” Họ thưa: “Chuyện ông Giêsu Nadarét. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá. Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Ðấng sẽ cứu chuộc Israel. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi. Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn còn sống. Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói; còn chính Người thì họ không thấy.”Bấy giờ Ðức Giêsu nói với hai ông rằng: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! Nào Ðấng Kitô chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao? Rồi bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh. Khi gần tới làng họ muốn đến, Ðức Giêsu làm như còn phải đi xa hơn nữa. Họ nài ép Người rằng: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn.” Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ. Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất. Họ mới bảo nhau: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giêrusalem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. Những người này bảo hai ông: “Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Simon.” Còn hai ông thì thuật lại những việc đã xảy ra dọc đường, và mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.

Dưới dáng dấp một người khách lạ, Chúa Giêsu phục sinh đến với hai môn đệ Emmau. Ngài đến đúng lúc, đúng lúc họ đang bỏ cuộc, quay quắt và ray rứt vì chuyện đã qua. Ngài đi cùng với họ, đi gần bên họ, khiêm tốn trở thành một người bạn đồng hành. Ngài gợi chuyện, hay đúng hơn, Ngài muốn tham dự vào câu chuyện dở dang của họ. Chúa Giêsu không nản lòng trước câu trả lời lạnh nhạt: “Chắc chỉ có ông mới không biết chuyện vừa xảy ra...” Ngài không cắt đứt cuộc đối thoại: “Chuyện gì vậy?” Ngài giả vờ không biết để họ nói cho vơi nỗi buồn. Chúa Giêsu kiên nhẫn lắng nghe lời họ tâm sự. “Trước đây, chúng tôi hy vọng rằng...” Như thế niềm hy vọng này chỉ còn là chuyện quá khứ. Cả niềm tin cũng trở nên chai lì, họ đâu có tin vào lời của các bà ra thăm mộ. 

Khi lắng nghe, Chúa Giêsu nhận ra cái gút của vấn đề, những câu hỏi mà họ không tìm ra lời giải đáp. Tại sao một người của Chúa, người mà họ tin là Ðức Kitô lại bị đóng đinh như một kẻ bị Thiên Chúa chúc dữ? Chúa Giêsu vén mở ý nghĩa của mầu nhiệm đau khổ. Ðau khổ là nhịp cầu mà Ðức Kitô phải vượt qua để sang bờ bên kia là vinh quang bất diệt. Ðau khổ không phải là chuyện xui xẻo, rủi ro, nhưng nó có chỗ đứng trong chương trình cứu độ. Lời của Chúa Giêsu là Tin Mừng ngọt ngào, khiến nỗi đau của họ dịu đi, lòng họ như ấm lại. Họ cố nài ép Ngài ở lại dùng bữa chiều. Và chính lúc Ngài cầm bánh bẻ ra trao cho họ thì họ nhận ra vị khách lạ chính là Thầy Giêsu. 

Kinh nghiệm của hai môn đệ Emmau cũng là của chúng ta. Lúc ta tưởng Ngài vắng mặt, thì Ngài lại đang ở gần bên. Lúc ta nhận ra Ngài ở gần bên, thì Ngài lại biến mất rồi. Nhưng chính lúc Ngài biến mất, ta lại cảm nghiệm sâu hơn sự hiện diện của Ngài. Ngài đến lúc ta không ngờ. Ngài đi mà ta không giữ lại được. Ngài ở lại với ta cả khi ta không thấy Ngài nữa. 

Ðấng Phục Sinh vẫn đến với ta hôm nay qua một người bạn hay một người lạ ta gặp tình cờ. Qua họ, Ngài thổi vào lòng ta niềm hy vọng tin yêu. Ngài vẫn đến với ta qua từng thánh lễ. Ngài đích thân giảng Tin Mừng và bẻ bánh trao cho ta. Sống như Chúa phục sinh là tập đến với tha nhân, tập đồng hành, tập gợi ý, tập lắng nghe, tập soi sáng... Hôm nay vẫn có nhiều người bạn đang lê gót về Emmau. 


Xin ở lại với con, lạy Chúa, vì con cần có Chúa hiện diện để con khỏi quên Chúa. Chúa thấy con dễ bỏ Chúa biết chừng nào. Xin ở lại với con, lạy Chúa, vì con yếu đuối, con cần Chúa đỡ nâng để con khỏi ngã quỵ. Không có Chúa, con đâu còn nồng nhiệt hăng say. Xin ở lại với con, lạy Chúa, vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn, cuộc đời qua đi, vĩnh cửu gần đến. Con cần được thêm sức mạnh để khỏi ngừng lại dọc đường. Xin ở lại với con, lạy Chúa, vì con cần Chúa trong đêm tối cuộc đời. Con không dám xin những ơn siêu phàm, chỉ xin ơn được Ngài hiện diện. Xin ở lại với con vì con chỉ tìm Chúa, yêu Chúa và không đòi phần thưởng nào khác ngoài việc được yêu Chúa hơn.(Cha Piô) 

Thứ Ba, 23 tháng 4, 2019

Năng quyền Phục Sinh


Kết quả hình ảnh cho Chúa phục sinh


Người anh trai dù không muốn, nhưng trước sự khẩn khoản của em gái, đã cùng gia đình đi nhận giải thưởng với em. Cậu ta đứng xem bức tranh của em gái với tâm trạng đầy biến động. Thoạt đầu, cậu vô cùng ngạc nhiên và xúc động vì chẳng bao giờ nghĩ người trong bức tranh kia chính là cậu ta. Từ ngạc nhiên, người anh cảm thấy ngỡ ngàng vì người trong tranh kì diệu quá, đẹp hơn cả sức tưởng tượng của mình. nhìn bức tranh, người anh hãnh diện vì có được một cô em gái vừa tài năng lại vừa có tâm hồn bao la. Nhưng cũng chính vao lúc ấy, góc khuất trong tâm hồn khiến người anh cũng vô cùng xấu hổ. cậu đã có những lúc cư xử không đúng với cô em gái nhỏ. cậu lại giận mình vì chẳng có một chút năng khiếu gì. bao nhiêu những cảm giác xáo trộn trong lòng khiến người anh vừa ngất ngây lại vừa choáng váng. đứng trước bức tranh của cô em gái, đứng trước phần tốt đẹp của mình, cái chưa toàn vẹn trong tâm hồn của người anh như bị thôi miên, thẫn thờ và im lặng. đến cuối truyện, người anh muốn khóc và không thể thốt ra những suy nghĩ trong đầu:" không phải con đâu. đấy là tâm hồn và lòng nhân hậu của em con đấy." người anh đã nhận ra những điều không phải của mình. anh thừa nhận anh không được đẹp như người trong tranh. và điều quan trọng hơn, anh đã nhận ra lòng nhân hậu của cô em gái. trước đó là sự ghen tị, xa lánh; giờ đây anh đã nhận ra được vẻ đẹp tâm hồn của em. nhân vật người anh đã vượt lên chính mình, thấy sự kém cỏi trong nhân cách của mình và thừa nhận sự nhân hậu, tốt đẹp của người em. đó là một điều thật giản dị và cao thượng.


Thứ ba 23/4/2019 - Tuần bát nhật PS
Lời Chúa : Ga 20, 11-18


Khi ấy, bà Maria Mácđala đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ, thì thấy hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Đức Giêsu, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân. Thiên thần hỏi bà: “Này bà, sao bà khóc?” Bà thưa: “Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu!” Nói xong, bà quay lại và thấy Đức Giêsu đứng đó, nhưng bà không biết là Đức Giêsu. Đức Giêsu nói với bà: “Này bà, sao bà khóc? Bà tìm ai?” Bà Maria tưởng là người làm vườn, liền nói: “Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về.” Đức Giêsu gọi bà: “Maria!” Bà quay lại và nói bằng tiếng Hípri: “Rápbuni!” (nghĩa là “Lạy Thầy”). Đức Giêsu bảo: “Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: “Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em.”. Bà Maria Mácđala đi báo cho các môn đệ: “Tôi đã thấy Chúa”, và bà kể lại những điều Người đã nói với bà.


Đức Giêsu phục sinh đến gặp bà dưới dạng một người làm vườn. Thậm chí bà nghi ngờ ông này có dính dáng đến chuyện mất xác Thầy. “Maria”: Đức Giêsu gọi tên bà với một cung giọng quen thuộc. Bây giờ bà mới nhận ra Thầy và reo lên: “Rabbouni!” Có những lời của Đức Giêsu được thực hiện. “Ai tìm thì sẽ thấy”, “Ai khóc lóc sẽ được vui cười”. Maria đi tìm xác Thầy, nhưng bà đã gặp được một điều quý hơn nhiều, đó là chính Thầy đang sống. Maria đã khóc lóc, nhưng niềm vui bà gặp được lớn hơn nhiều. Chẳng có giọt nước mắt nào là vô ích trước mặt Thiên Chúa.

Hãy nếm niềm vui bất ngờ của Maria. Bà được Chúa sai đến với các môn đệ, cũng là anh em của Ngài. Bà gói ghém kinh nghiệm bà mới trải qua trong một câu đơn giản: “Tôi đã thấy Chúa!” và Chúa đã nói với tôi (c. 18). Chúng ta không thể nào làm chứng cho Chúa Giêsu nếu không có kinh nghiệm này. Thấy Chúa và nghe được Chúa nói: đó là ước mơ của chúng ta trong cầu nguyện. Nhưng đừng quên Maria đã yêu cách nồng nhiệt và can đảm và đã đau khổ tìm kiếm Thầy Giêsu.


Lạy Chúa Giêsu phục sinh xin ban cho con sự sống của Chúa, sự sống làm đời con mãi mãi xanh tươi.
Xin ban cho con bình an của Chúa, bình an làm con vững tâm giữa sóng gió cuộc đời.
Xin ban cho con niềm vui của Chúa, niềm vui làm khuôn mặt con luôn tươi tắn.
Xin ban cho con hy vọng của Chúa, hy vọng làm con lại hăng hái lên đường.
Xin ban cho con Thánh Thần của Chúa, Thánh Thần mỗi ngày làm mới lại đời con.

Thứ Hai, 22 tháng 4, 2019

Tình yêu...bất diệt



Kết quả hình ảnh cho Chúa hiện ra



Có hai người, đều bị bệnh rất nặng, nằm trong cùng một phòng ở bệnh viện.
Một người được phép ngồi trên giường mỗi buổi chiều một giờ để cho chất lỏng trong phổi chảy ra. Giường của anh ở bên cạnh cái cửa sổ duy nhất của căn phòng.
Còn người kia phải nằm bẹp trên giường liên tục. Hai người nói chuyện với nhau hàng giờ không ngừng.
Họ nói về vợ con và gia đình, nhà cửa, công ăn việc làm, chuyện đi nghĩa vụ quân sự, rồi nay đang được nghỉ phép…Mỗi buổi chiều, khi người ở giường sát cửa sổ có thể ngồi dậy, anh mải mê mô tả cho người bạn cùng phòng tất cả những gì anh thấy được bên ngoài khung cửa sổ.
Người ở giường kia bắt đầu sống những khoảng thời gian một giờ đồng hồ, khi đó thế giới của anh được mở rộng và trở nên sôi nổi nhờ tất cả các sinh hoạt và màu sắc của thế giới bên ngoài.
Khung cửa sổ nhìn ra một công viên có một cái hồ thật xinh.
Bầy vịt và đàn thiên nga chơi đùa trên mặt nước, trong khi mấy đứa bé thả cho các con thuyền giấy trôi đi. Các đôi tình nhân trẻ bước đi tay trong tay giữa các đóa hoa muôn màu muôn sắc và có thể thấy xa xa những đường nét của thành phố in lên chân trời.
Trong khi người ngồi bên cửa sổ mô tả tất cả các chi tiết tuyệt vời đó, người ở phía bên kia nhắm mắt lại và tưởng tượng ra tất cả quanh cảnh mỹ miều đó.
Một buổi chiều ấm áp nọ, người ngồi bên khung cửa mô tả một cuộc diễu hành đang đi qua.
Cho dù người kia không nghe được dàn nhạc, anh vẫn có thể thấy qua con mắt trí tuệ trong khi người ngồi bên cửa sổ phác vẽ ra bằng những lời mô tả.
Từng ngày, từng tuần và từng tháng cứ thế trôi qua…
Vào một buổi sáng, cô y tá trực ban ngày đến để đưa nước cho họ tắm, chỉ còn thấy thân thể bất động của người ở bên cửa sổ, anh đã chết bình an trong khi ngủ.
Cô rất buồn, cô gọi các nhân viên bệnh viện đến đưa thi hài đi.
Ngay khi thuận tiện, người kia xin được chuyển đến bên cạnh cửa sổ. Cô y tá vui vẻ chuyển anh đến, và sau khi chắc chắn là anh đã thoải mái, cô rời phòng.
Chầm chậm, khó nhọc, anh tì trên một cùi chỏ để đưa mắt nhìn lần đầu tiên ra thế giới thực bên ngoài.
Anh cố gắng quay người chầm chậm để nhìn ra bên ngoài cửa sổ bên cạnh giường. 
Và anh chỉ đối diện với một bức tường trơ trụi…
Người ấy mới hỏi cô y tá là điều gì đã thúc ép người bạn quá cố, khiến anh ấy mô tả những điều tuyệt vời đến như thế ở bên ngoài cửa sổ… bị chắn bởi bức tường.
Cô y tá trả lời rằng anh ấy bị mù, nên thậm chí chẳng thấy được bức tường.
Cô bảo, “Có thể anh ta muốn khích lệ anh đó thôi `”.
Có thứ hạnh phúc kỳ diệu khi làm cho người khác hạnh phúc, mặc dù hoàn cảnh của ta thế nào.
Nỗi đau buồn được chia sẻ là đã bớt được nửa phiền sầu, nhưng hạnh phúc khi được sẻ chia, lại tăng gấp đôi.
Nếu bạn muốn cảm thấy mình giàu có, bạn chỉ việc đếm tất cả những thứ bạn đang có mà không thể mua bằng tiền bạc.
‘Ngày hôm nay là một quà tặng, chính vì thế nó được gọi là “Hiện tại” Quà tặng (The Present).
Phần kết:
Không ai biết xuất xứ của bức thư này, và tôi cũng chẳng muốn nói rằng bức thư sẽ đưa lại may mắn cho ai chuyển nó đi!
Dù sao, tôi biết rằng bạn cũng muốn chia sẻ bức thư này cho những ai bạn muốn họ được trải nghiệm niềm hoan lạc như bạn, phải không?
Thế thì bạn chỉ việc chuyển thư đi cho tất cả những ai bạn ước muốn họ được điều may lành. 
Cầu chúc bạn những điều tốt đẹp nhất…

Thứ hai 22/4/2019 - Tuần bát nhật PS
Lời Chúa : Mt 28, 8-15

Khi ấy, các bà vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho môn đệ Đức Giêsu hay. Bỗng Đức Giêsu đón gặp các bà và nói: “Chào chị em!” Các bà tiến lại gần Người, ôm lấy chân, và bái lạy Người. Bấy giờ, Đức Giêsu nói với các bà: “Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Galilê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó.” Các bà đang đi, thì có mấy người trong đội lính canh mồ vào thành báo cho các thượng tế biết mọi việc đã xảy ra. Các thượng tế liền họp với các kỳ mục; sau khi bàn bạc, họ cho lính một số tiền lớn, và bảo: “Các anh hãy nói như thế này: Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác. Nếu sự việc này đến tai quan tổng trấn, chính chúng tôi sẽ dàn xếp với quan và lo cho các anh được vô sự.” Lính đã nhận tiền và làm theo lời họ dạy. Câu chuyện này được phổ biến giữa người Do thái cho đến ngày nay.


Đức Giêsu phục sinh đã hiện ra cho các phụ nữ trước tiên. Nhìn thấy ngôi mộ trống chưa đủ, còn cần gặp chính Đấng phục sinh. Khi trở về gặp các môn đệ, các bà sẽ là những người làm chứng tuyệt vời. Không chỉ là ngôi mộ trống với lời chứng của thiên thần, mà còn là lời chứng của chính họ, của người đã chứng kiến tận mắt và đụng chạm. Đức Giêsu phục sinh dám nhờ các phụ nữ làm chứng, dám nhờ các phụ nữ đi loan Tin Mừng cho các môn đệ của mình, dù thời của Ngài người ta không tin lời chứng của phụ nữ. Chúng ta không quên những đóng góp của các phụ nữ cho Giáo Hội từ thời đầu. Mong vai trò ấy vẫn được đề cao và tôn trọng. 


Lạy Chúa Giêsu phục sinh lúc chúng con tìm kiếm Ngài trong nước mắt, xin hãy gọi tên chúng con như Chúa đã gọi tên chị Maria đứng khóc lóc bên mộ.
Lúc chúng con chán nản và bỏ cuộc, xin hãy đi với chúng con trên dặm đường dài như Chúa đã đi với hai môn đệ Emmau.
Lúc chúng con đóng cửa vì sợ hãi, xin hãy đến và đứng giữa chúng con như Chúa đã đến đem bình an cho các môn đệ.
Lúc chúng con cố chấp và xa cách anh em, xin hãy kiên nhẫn và khoan dung với chúng con như Chúa đã không bỏ rơi ông Tôma cứng cỏi.
Lúc chúng con vất vả suốt đêm mà không được gì, xin hãy dọn bữa sáng cho chúng con ăn, như Chúa đã nướng bánh và cá cho bảy môn đệ.
Lạy Chúa Giêsu phục sinh, xin tỏ mình ra cho chúng con thấy Ngài mỗi ngày, để chúng con tin là Ngài đang sống, đang đến, và đang ở thật gần bên chúng con. Amen.