Thứ Ba, 9 tháng 2, 2016

Đền đáp ân tình



Một câu chuyện đáng suy ngẫm
-Yến…Yến… mẹ thấy người ta nói hôm nay có điểm hả?
- Yến đâu rồi, được bao nhiêu điểm?
Tiếng mẹ từ sân vọng vào làm tôi sực tỉnh bởi một mớ những suy nghĩ hỗn độn trong đầu. Tôi bước ra sân, thấy tôi, nụ cười của mẹ chợt tắt:
- Sao thẫn thờ thế này con? Được bao nhiêu điểm?
-23,5 mẹ ạ.
- Thấp thế à?
Mẹ ngồi xuống hiên, cởi chiếc khăn đội đầu ướt đẫm mồ hôi, tay cầm nón quạt phe phẩy, đôi mắt nhìn xa xăm. Tôi đứng lặng người nhìn mẹ.
- Y Thái Nguyên liệu đỗ không?
- Con không biết nữa.
* * *
Bắt đầu chuỗi những tháng ngày nặng nề. Là những bữa ăn bắt lặng lẽ bắt đầu sau tiếng “Con mời mẹ” và kết thúc bằng tiếng lạch cạch rửa bát sau nhà. Là tiếng thở dài, trở mình trằn trọc giữa đêm đầy lo toan. Là những câu chuyện không đầu không đuôi:
- Cái Minh nhà chú Lân được 20 điểm.
- Vâng. Nó cũng nói với con như vầy!
- Năm nay nhà mình được mùa, nhiều thóc quá!
Mấy ngày sau, mẹ hay cười nói hơn, mẹ hay kể về những đứa điểm thấp trong làng, bữa ăn không còn nặng nề như xưa bởi những câu chuyện vui mà mẹ nghe được ngoài chợ. Mẹ kể về tôi ngày nhỏ với những trò nghịch ngợm , ương bướng… Tôi hiểu. Mẹ đang muốn làm tôi vui. Tôi nhìn thấy điều đó trong đôi mắt nâu thâm quầng và những nỗi buồn vương vấn, nặng trĩu.
Nửa tháng trời mẹ nghỉ chợ, mẹ làm tất cả những việc trong nhà: từ nấu cơm, cho đàn gà ăn cám đến việc đồng áng, dọn dẹp… Còn tôi thì lặng đi như một cái xác không hồn. Tôi hiểu. Mẹ đang rất buồn, và có lẽ mẹ cần thời gian để lấy lại tinh thần.
Thất vọng, buồn, lo lắng. Tôi làm bạn với những đêm dài ngồi bó gối. Chìm đắm trong nỗi buồn, tôi nghĩ về những lần mẹ đưa tôi đi thi Học sinh giỏi, nghĩ về ánh mắt sáng lên như muốn reo vui của mẹ ngày tôi đỗ Thủ khoa vào cấp 3, nghĩ về khuôn mặt vừa giận dữ vừa tủm tỉm cười của mẹ khi biết tôi giấu giếm đi thi Học sinh giỏi và được giải Nhì tỉnh môn Văn… Tất cả suy nghĩ ấy cứ ùa về trong tôi. Bao năm qua, lần đầu tiên tôi thấy giọt nước mắt vội vàng đầy che giấu của mẹ. Tôi cứ ngỡ, học tập tốt là cách giúp mẹ quên đi bao nhọc nhằn. Ấy mà đến hôm nay, tôi đã làm mẹ khóc. Tôi sợ hãi khi nghĩ đến đôi mắt ấy, đôi mắt đỏ hoe thất vọng vì tôi. Tôi sợ hãi khi nghĩ về khuôn mặt ấy, khuôn mặt chất chứa bao nỗi niềm lo toan vì tôi. Giá như hôm ấy thi Toán tôi cẩn thận hơn. Giá như chiều ấy thi Hóa tôi không lao đầu vào những câu quá khó… Nhưng không, cuộc đời không cho ai thêm điều gì khi hối hận, chỉ có thắng – thua, và hiển nhiên tôi đã là kẻ thất bại. Những suy nghĩ ấy cứ luẩn quẩn trong tôi. Cảm giác đầy tội lỗi.
Đêm nay như bao đêm khác. Lại tiếng dế mèn, tiếng ếch nhái vọng vào từ đồng xa. Lại ánh trăng sáng hiền hòa. Tất cả đã chìm vào giấc ngủ. Chỉ còn tôi, lặng lẽ … Mai là 1/8 – ngày đầu tiên nộp hồ sơ rồi. Đến lúc tôi phải đối mặt với sự thật. Bỗng nhiên tiếng bước chân tiến gần …
- Mẹ … sao mẹ lên đây? Mẹ không ngủ à?
Mẹ lặng lẽ ngồi xuống giường, nhìn tôi. Ánh trăng chiếu rọi qua khung cửa sổ, mập mờ khuôn mặt trái xoan.
- Mẹ … sao mẹ không ngủ?
- Mẹ biết con đang buồn. Ngã ở đâu thì đứng lên ở đó. Gian nan thử lòng, Yến ạ!
Tôi òa khóc, 18 năm, lần đầu tiên tôi khóc nhiều như vậy. Khóc cho những tháng ngày đèn sách, khóc cho những thất bại ngày hôm qua, khóc cho những nhọc nhằn của mẹ… khóc và khóc trong lòng mẹ. Nước mắt trào ra như sông, như suối tìm về cội. Tôi sà vào lòng mẹ, mẹ ôm tôi, và vỗ vai tôi như ôm ấp hình hài bé nhỏ ngày nào. Mẹ dỗ dành tôi như con nít bé thơ “Nín ngay, mẹ thương nào, không sao hết!”. Từng ấy tháng ngày tôi sống trong thất bại. Đêm là khoảng thời gian khủng khiếp nhất, là “nhà giam” của nỗi lòng, tôi dằn vặt mình trong vô vọng.
Hôm nay mẹ đã đến với tôi, mẹ mang “ánh sáng” đến bóng đêm và quan trọng hơn cả, mẹ đã dậy tôi một bài học quý giá: ĐỨNG LÊN SAU THẤT BẠI. Là con gái mẹ Hà, đừng ngại chi khó!
* * *
Mẹ đã vực dậy niềm tin, khát vọng trong tôi, tâm lí của tôi cũng dần ổn định. Chiều ấy, đang hì hục nấu cơm trong bếp, tiếng bác bưu tá í ới ngoài cổng báo tin vui. Tôi đỗ Học viện Y Dược Học cổ truyền Việt Nam. Mẹ tôi đang làm ngoài ruộng tất tả chạy về. Mẹ cười. Khuôn mặt mẹ còn lấm tấm mồ hôi. Tôi biết mẹ không vui và niềm vui của tôi cũng không trọn vẹn…
- Con muốn làm lại mẹ ạ!
Mẹ nhìn tôi, vẻ mặt đầy suy nghĩ, lo lắng. Mẹ không cười, không nói như khi nãy.
- Con muốn thi lại. Con muốn làm bác sĩ chuyên khoa tim mạch, sau này con chữa bệnh cho mẹ.
Tôi lặng lẽ vào nhà cất giấy báo nhập học. Sau lưng, mẹ đang vội lau nước mắt, mừng mừng, lo lo.
- Có khó khăn thì mới là cuộc đời – mẹ động viên.
Rồi cũng qua những ngày hè cắm trại ở thị trấn, tôi đi bán hàng và thu được vài trăm nghìn tiền lãi. Cầm những chiếc thẻ điện thoại trên tay tôi thấy cổ họng mình nghẹn lại. Năm nay tôi sẽ ôn thi trực tuyến. Tôi gửi gắm niềm tin vào Moon.vn . Chiều hôm ấy có một con bé nọ, hí ha hí hửng: “ Đây là thầy dậy Hóa mẹ ơi, thầy tên Lê Phạm Thành, thầy dậy hay lắm mẹ … Còn thầy mặc áo đỏ đeo kính là thầy Hùng dậy Toán, thầy sinh cùng tháng với con đó. A, đây rồi, thầy Nam dậy Sinh mẹ ơi. Còn đây là chị Tâm, cái chị bữa trước gọi điện thoại nói con được phiếu giảm giá 50% ý mẹ…”

Ngày qua ngày, mẹ đồng hành cùng tôi. Mẹ gieo hi vọng, vun xới niềm tin, để tôi sống lạc quan thực hiện ước mơ của mình. Hơn hết thảy, mẹ dậy tôi: MẠNH MẼ VƯỢT QUA KHÓ KHĂN!

Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình không thuộc diện khá giả. 18 năm tôi hiểu được giá trị của bát cơm, manh áo, đồng tiền trong những chuyến hàng nặng trĩu của mẹ, chiếc xe thồ cũ kĩ của bố. Tôi hiểu được nỗi vất vả, nhọc nhằn cơ cực của người nông dân, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời… Là những buổi sáng tờ mờ hơi sương kéo xe đi gặt. Là những cơn đau buốt đến tê tái sau ngày dài cấy lúa. Cái mặn mòi đồng ruộng đã gieo vào trái tim tôi một ước mơ – Bác sĩ!
Lớn lên, tôi sống chậm hơn. Tôi nhận ra là khóe mắt mẹ đã hằn vết chân chim, da mẹ rám nắng và có vài nếp nhăn nơi vầng trán cao của mẹ. Bàn tay mẹ chai đi vì nắng mưa, sương gió. Ngày nào cũng vậy, mẹ thức khuya xếp hàng và bốn giờ sáng hôm sau lại lọ mọ chở xe hàng nặng trĩu đi bán. Đến giờ, khi ngồi đây viết ra những dòng tâm sự này, tim tôi vẫn thắt lại khi nghĩ về mẹ bên những sọt hàng, nơi khắp phố, nẻo chợ xa…

Cứ như thế, tháng năm trôi đi, quả cau, quả chuối, lá trầu … mẹ nuôi tôi khôn lớn. Chưa một lần mẹ dậy tôi phải tiết kiệm, chưa một lần mẹ nhắc tôi lễ phép, chưa một lần mẹ dặn dò việc học hành, cũng chưa một lần mẹ dậy tôi cách ứng nhân xử thế. Nhưng mẹ đã âm thầm dậy cho tôi tất cả bằng những trải nghiệm mà chính tôi rút ra. Mẹ dậy tôi: GIÁ TRỊ CỦA CUỘC SỐNG!
Đã có người bạn hỏi tôi “Nhóm nhạc hâm mộ nhất?", cũng có người hỏi tôi “Thích ca sĩ nào nhất?"… Câu trả lời của tôi luôn luôn là “Mẹ tao!". Mặc cho lũ bạn cười hả hê, rả rích. Năm nào cũng vậy 20/11, cả nước hướng về ngày lễ kỉ niệm, tôn vinh các thầy cô giáo, và tôi luôn là người đại diện cho học sinh trong trường lên nói lời tri ân. Và mùa khai giảng nào tôi cũng đại diện cho các bạn học sinh trong xóm lên cảm ơn các bác trong hội khuyến học. Nhưng chưa một lần tôi đủ mạnh mẽ để nói “Con Yêu Mẹ” cũng chưa một lần tôi đủ mạnh dạn thì thầm vào tai mẹ “Con Cảm Ơn Mẹ”… Bởi với tôi câu nói ấy đơn giản những thiêng liêng lắm.
Nhưng có một điều tôi luôn chắc chắn … Mùa thu năm sau, tôi sẽ ôm lấy mẹ reo hò “Mẹ ơi con đỗ Y Hà Nội rồi!”… Đôi khi, động lực chỉ đơn giản là một nụ cười. Và với tôi- nụ cười của mẹ - vô giá!
- The end-


Câu chuyện trên đây nói về tình mẹ bao la như trời bể, hằng dõi theo con trong tất cả những biến cố của cuộc đời, Mẹ dạy dỗ bằng chính gương sáng của Mẹ và đó là tất cả niềm hy vọng, là bóng mát che chắn suốt cuộc đời của người con. Đó cũng là điều Chúa Giê su đã truyền dậy cho các môn đệ là Hãy thảo kính Cha mẹ. Xin mời Bạn cùng đọc đoạn Tin Mừng sau :


Phúc Âm: Mc 7,1-2. 5-13a Thứ ba 09/02/2016 
Mồng 2 tết nguyên đán- Nhớ ơn Ông Bà tổ tiên

"Hãy thảo kính cha mẹ".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, những người biệt phái và mấy luật sĩ từ Giêrusalem tụ tập lại bên Chúa Giêsu, và họ thấy vài môn đệ Người dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch, nghĩa là không rửa trước.
Vậy những người biệt phái và luật sĩ hỏi Người: "Sao môn đệ ông không giữ tập tục của tiền nhân mà lại dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch?"
Người đáp: "Hỡi bọn giả hình, Isaia thật đã nói tiên tri rất chí lý về các ngươi, như lời chép rằng: "Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta. Chúng sùng kính Ta cách giả dối, bởi vì chúng dạy những giáo lý và những luật lệ loài người". Vì các ngươi bỏ qua các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục loài người: rửa bình, rửa chén và làm nhiều điều như vậy".
Và Người bảo: "Các ngươi đã khéo bỏ giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục của các ngươi. Thật vậy, Môsê đã nói: "Hãy thảo kính cha mẹ", và "ai rủa cha mẹ, người đó phải chết". Còn các ngươi thì lại bảo: "Nếu ai nói với cha mẹ mình rằng: Những của tôi có thể giúp cha mẹ được, nay tôi muốn nó trở thành Corban (nghĩa là của dâng cúng)", rồi các ngươi không để cho kẻ ấy giúp gì cho cha mẹ nữa. Như thế các ngươi hủy bỏ lời Chúa bằng những tập tục truyền lại cho nhau".

Tâm tình : Lạy Chúa Giê su, có biết bao người con đã bỏ rơi cha mẹ không thương tiếc nại vì nhiều lý do này nọ, có người còn hận Đấng sinh thành đã sinh ra minh, có những người còn ghét bỏ, khinh thường cha mẹ, xấu hổ với bạn bè vì cha mẹ nghèo, kém hiểu biết. Lạy Chúa xin cho những người con biết thương yêu cha mẹ mình, biết kính trên nhường dưới, biết đền đấp công ơn sinh thành và sống tốt trở thành người con hiếu thảo như Chúa đã truyền dạy. Amen

Không có nhận xét nào: