Thứ Tư, 24 tháng 2, 2016

Thích ngồi ghế cao


Cái ghế… lắm chuyện(!)


...Việc chọn ghế thể hiện gu, cũng có khi thuyết minh phần nào tính cách mỗi người... Với nhiều người, ghế đơn thuần chỉ là vật dụng để ngồi. Nhưng với nhiều người khác, nó lại là chỗ thể hiện đẳng cấp. Ghế của nhân viên nhỏ thôi, không tay vịn, chắc vì "đội quân lìu tìu" này phải thay đổi xoành xoạch vị trí làm việc, nên cấu tạo như thế để hất văng ra ngoài cho nó dễ. Ghế lãnh đạo càng to càng chắc chắn, có tay vịn như ngai, oai phong quyền uy. Thế mới có chuyện một bác sếp về hưu rồi nhưng yêu cái ghế của mình quá bèn đem khoá xích khoá chân ghế lại, không cho người kế tục sử dụng.
           Cái ghế thuần tuý để ngồi mà lạ sao lắm người mê thế. Thực ra nhu cầu, khát vọng của con người là vô hạn. Điều đáng nói là mỗi người đã thực sự ngồi đúng chỗ của mình hay chưa. Chứ ngồi không đúng ghế phiền toái lắm. Người nhỏ mà ngồi ghế to thì lọt thỏm; người to quá mà ngồi ghế nhỏ thì bất tiện vô cùng.

          Lại có những người ưa ngồi nhầm ghế. Ở trên máy bay, nhiều chuyến vắng khách, có người thấy chỗ đẹp là ngồi đại vào, đến khi nhân viên kiểm tra mới lộ ra là cố tình ngồi sai ghế; ở rạp hát cũng vậy, số ghế trên vé một đằng mà nhiều người cứ giả vờ ngồi một nẻo; ở trường học có cả những trường hợp ngồi nhầm lớp nữa...
         Hồi công tác trong miền Tây Nam bộ, tôi thấu hiểu thêm nhiều lẽ. Trong sinh hoạt, bác nào thích "hoành tráng" đôi khi cũng mệt. Có bác đi đâu cũng ngồi lên bàn đầu; vô nhậu ở vườn cứ thích được giới thiệu là lãnh đạo, thế là hứng trọn hàng chục ly rượu mời; trong khi có bác sếp mới lấy bằng lái xe nên thích ngồi ôm vôlăng thành ra phải ngồi ở mâm tài xế vì nhà chủ cứ ngỡ "cán bộ đường lối". Thôi thì oai phong giảm nhưng lại thoát rượu. Mừng hú vía. Chiếc ghế nhỏ bé mà lắm chuyện ghê...!
        Ở Huế, dịch vụ đắt hàng nhất, thu hút đông du khách nội địa nhất có lẽ là dịch vụ mặc áo bào, ngồi ngai vàng của vua để chụp ảnh. Chứ tour đi cày, cuốc đất trồng rau vùng ngoại ô thì chỉ thu hút các ông tây bà đầm muốn thử làm nông dân. Xứ ta, ai cũng muốn được một lần làm vua xem sao. Niềm mơ đó có trong nhiều gia đình, họ thửa những chiếc ghế ngồi trông hao hao như cái ngai của vua, thậm chí dát vàng phô bày sự giàu có.
         Bà tôi mất đã lâu. Tôi còn nhớ câu chuyện bà kể về một vị vua bỏ ngai vàng, tháo mũ, cởi áo xuất gia thanh nhàn cõi Phật. Đời nhẹ như mây qua đỉnh núi. Trong khi tôi lại hay nằm mơ thấy chiếc "ghế-ngai" cỏn con ngày thơ ấu. Vẫn biết chỉ là mơ mà vẫn cứ mơ... Lạ thế!/.
CT Trần Nhật Minh/VOV


 Lời kể của tác giả Trần Nhật Minh trên đây đã nói lên tính chất của đa số người VN, thích ngồi chỗ cao, chỗ nhất trong bữa tiệc, thích được ca tụng tung hô, thích hơn người khác trong nhiều lãnh vực, vì muốn "ôm" cái ghế chức vụ , vì muốn được tán đương nên đã mua bằng cấp với bất cứ giá nào, luồn lách sao cho có chức vị để có "cửa"mà thăng tiến...Nhưng ghế cao có bền mãi không ? Đối vời người tin theo Đức Giê su thì quyền bình chức vụ không tự có nơi con người,mà được Thiên Chúa ban cho mới có để phục vụ chứ không phải để được hưởng thụ và bắt người khác phục vụ mình. Xin mời Bạn cùng đọc đoạn Tin Mừng sau :


Phúc Âm: Mt 20:17-28.Thứ tư 24/02/2016 Tuần II Mừa chay
17 Lúc sắp lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đưa Nhóm Mười Hai đi riêng với mình, và dọc đường, Người nói với các ông:
18 "Này chúng ta lên Giê-ru-sa-lem, và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án xử tử Người,
19 sẽ nộp Người cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh vào thập giá và, ngày thứ ba, Người sẽ trỗi dậy."
20 Bấy giờ bà mẹ của các con ông Dê-bê-đê đến gặp Đức Giê-su, có các con bà đi theo; bà bái lạy và kêu xin Người một điều.
21 Người hỏi bà: "Bà muốn gì? " Bà thưa: "Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy."
22 Đức Giê-su bảo: "Các người không biết các người xin gì! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không? " Họ đáp: "Thưa uống nổi."
23 Đức Giê-su bảo: "Chén của Thầy, các người sẽ uống; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được."
24 Nghe vậy, mười môn đệ kia tức tối với hai anh em đó.
25 Nhưng Đức Giê-su gọi các ông lại và nói: "Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân.
26 Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em.
27 Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em.
28 Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người."


Tâm tình : Lạy Chúa Giê su, lòng ham muốn quyền hành, chức tước, và địa vị, xâm nhập khắp nơi; ngay cả trong hàng ngũ lãnh đạo tôn giáo và trong gia đình. Sống giữa những cạm bẫy ham hố chức vụ hay địa vị đó, Chúa muốn con phải tránh xa kiểu trần tục, điều này đòi hỏi con phải cảnh giác luôn luôn, phải nỗ lực kiên trì hằng ngày để tránh khỏi những gọi mời xem ra rất ngọt ngào đầy lợi lộc trước mắt. Chúa muốn người lãnh đạo tôn giáo phải khác với kẻ lãnh đạo thế gian, là lấy phục vụ làm đầu, là phải hy sinh chịu đựng gian khổ để đưa con người đến với Chúa là Đấng duy nhất chân thật, chứ không phải để đạt được những lợi lộc vật chất chóng qua. Lạy Chúa, xin cho con can đảm từ khước những cám dỗ tìm kiếm của cải, danh vọng, chức quyền, bằng cấp giả... để đi theo con đường Chúa đã đi qua là đi con đương hẹp, con đường hy sinh phục vụ cho đến hơi thở cuối cùng cho dù phải "uống chén đắng" như Chúa đã sống. Amen

Không có nhận xét nào: