Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2016

Dùng quyền để hạch hỏi

Chuyện kể rằng vua Israel là Acab muốn mua vườn nho của một người  tên là Nabốt, bởi vì nó gần hoàng cung. Đề nghị của nhà vua xem ra hợp pháp và quảng đại nữa, nhưng bên Israel gia tài ruộng đất được coi hầu như bất khả xâm phạm. Thật thế  sách Lêvi có dậy rằng: “Đất thì không được bán đứt, vì đất là của Ta, còn các ngươi chỉ là ngoại kiều, là khách trọ nhà Ta” (Lv 25,23). Đất là thánh thiêng, vì là một ơn của Chúa, phải được giữ gìn và duy trì, như dấu chỉ phúc lành của Thiên Chúa truyền từ đời này sang đời nọ và bảo đảm cho phẩm giá của mọi người. Như thế chúng ta hiểu tại sao ông Nabốt lại từ chối nhà vua: “Xin Giavê đừng để tôi nhượng gia sản của tổ tiên tôi cho ngài! "(1 V 21,3).
Vua Acab phản ứng lại lời từ chối đó với sự cay đắng và giận dữ. Nhà vua cảm thấy bị xúc phạm, ông là vua, là người quyền thế, bị giảm thiểu trong quyền bính tối thượng của mình và bị tước đoạt trong khả thể thoả mãn ước muốn chiếm hữu của ông. Khi thấy ông buồn phiền như vậy, vợ ông là Giêsabel, một hoàng hậu ngoại giáo đã gia tăng các tôn thờ ngẫu tượng  và sát hại các ngôn sứ của Chúa (x. 1 V 18,4), bà không xấu, bà ác độc, bà quyết định can thiệp. Các lời bà nói với nhà vua rất là ý nghĩa. Anh chị em hãy cảm nhận cái gian ác đàng sau người phụ nữ này: “Vua cai trị Ít-ra-en hay thật! Mời vua dậy mà ăn cho lòng phấn khởi lên! Thiếp sẽ tặng vua vườn nho của Na-bốt người Gít-rơ-en.” 1 V 21,7). Bà nêu bật uy tín và quyền lực của nhà vua, mà theo cái nhìn của bà, nó bị đem ra thảo luận bởi lời khước từ của ông Nabốt. Một quyền bính mà hoàng hậu coi như tuyệt đối và vì thế mọi ước muốn của vua đều là một mệnh lệnh. 

Câu chuyện trên đây nói lên người có quyền dùng quyền cai trị, áp đặt lên người khác thì không bao giờ có sự đối thoại, hiểu nhau được. Bài Tin Mừng hôm nay các trưởng tế và luật sĩ cũng dùng quyền, dựa vào quyền để hỏi Chúa... và kết cục họ chẳng được Chúa cho biết sự thật. Xin mời Bạn cùng đọc :


Tin Mừng Thứ bẩy 28/5/2016

Mc 11, 27-33


Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ lại đến Giêrusalem. Và trong khi Chúa Giêsu đi lại trong đền thờ, thì những trưởng tế, luật sĩ và kỳ lão đến hỏi Người: "Ông lấy quyền nào mà làm sự đó? Và ai đã ban quyền cho ông để làm như vậy?" Chúa Giêsu đáp: "Tôi sẽ hỏi các ông một câu thôi, hãy trả lời cho Tôi thì Tôi sẽ bảo cho các ông hay Tôi lấy quyền nào mà làm việc đó: Phép rửa của Gioan bởi trời hay bởi người ta? Hãy trả lời Tôi đi". Họ liền bàn riêng với nhau rằng: "Nếu chúng ta trả lời 'Bởi trời', ông ấy sẽ nói: 'Vậy sao các ông không tin Người?' Nhưng nếu chúng ta nói 'Bởi người ta', chúng ta sợ dân chúng, vì mọi người đều coi Gioan thật là một tiên tri. Vậy họ thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Chúng tôi không biết". Và Chúa Giêsu bảo họ: "Vậy thì tôi cũng không nói cho các ông biết bởi quyền phép nào Tôi làm sự đó".
Suy niệm :
Những nhà lãnh đạo Do thái thời bấy giờ. Nếu không dám đối diện với sự thật và nâng đỡ nhau trong chân lý, thì ắt sẽ lãnh nhận hậu quả là rơi vào trong tình trạng tuyệt vọng và đáng xấu hổ, lầm lũi ra về.  Các trưởng tế, luật sĩ và kỳ lão có thể nói là những bậc khôn ngoan thông thái. Tìm hiểu rất kỹ, rất sâu về Lời Chúa, về giáo huấn của các tiền nhân. Nhưng họ tìm sự khôn ngoan để làm gì? Có phải để tuyên xưng, ca ngợi và chúc tụng Thiên Chúa không? Trong bài Phúc âm này đã trả lời rất rõ, không phải để ca tụng nhưng để chất vấn Thiên Chúa, để bắt bẻ Thiên Chúa và để tìm cách tiêu diệt Ngài.
      Có được sự khôn ngoan, đó là điều ai cũng mong muốn, nhưng sử dụng sự khôn ngoan vào mục đích gì đó mới là điều đáng để chúng ta quan tâm.

Tâm tình :
Lạy Chúa Giê su, trong xã hội hôm nay vẫn còn đó những người sống giả hình, man trá, tránh né hoặc trốn chạy sự thật. Khi không chấp nhận chân lý, thì họ chỉ còn sống trên sự tàn ác, độc địa, giã tâm khi bóp méo sự thật, bẻ cong ngòi bút để dồn anh chị em chúng con vào chân tường.xin ban cho con sự khôn ngoan của Chúa, để con tuyên xưng, ca ngợi, chúc tụng Danh Chúa, và để chúng con dùng sự khôn ngoan Chúa ban để phục vụ cho anh chị em mình. Amen


Không có nhận xét nào: