Thứ Hai, 4 tháng 7, 2016

Cầu cứu đúng người


597
Aleteia, Unione Cristiani Cattolici Razionali, 06.02.2015
Với bức hình này, cô gái đã là biểu tượng cho cuộc chiến tranh tương tàn ở Việt Nam. Cô làm cho lương tâm chúng ta nhức nhối. Bây giờ cô là đại sứ cho hòa bình.

Ngày 8 tháng 6-1972, một phi công của quân đội Miền Nam tưởng lầm một nhóm người chạy loạn ở Trảng Bàng, Tây Ninh là nhóm kẻ thù nên đã dội bom xuống. Những quả bom chứa chất napalm, một chất kích hỏa cực mạnh, thiêu sống người bị ném.

Bức hình đen trắng này được giải Pulitzer và được chọn là “hình của năm” trong cuộc tranh giải World Press Photo của Năm 1972. Bức hình trở thành biểu tượng cho những chuyện khủng khiếp của cuộc chiến ở Việt Nam, của sự tàn ác của tất cả mọi chiến tranh tác hại trên trẻ em và thường dân.

Phan Thị Kim Phúc là em bé trần truồng vừa chạy vừa khóc trong hình, áo quần đã bị cháy hết. Lúc đó, em cùng gia đình tham dự một buổi lễ ở chùa.

Gần đây nhân dịp kỷ niệm năm thứ 40 lần ngày dội bom, cô kể lại sau khi bị dội bom, cô ngã xuống đất và được nhiếp ảnh gia Nick Ut mang đến bệnh viện săn sóc. Cô ở bệnh viện 14 tháng, chịu phẫu thuật 17 lần để ghép da. “Ngày hôm đó tôi muốn chết cùng với gia đình, thật khó cho tôi để phải mang tất cả nỗi hận thù, nỗi giận dữ này,” cô nhớ lại.



Một quỹ quốc tế
Dù phải mang những cái sẹo sâu hoắm trong da, cô theo học ngành y, khi còn học năm thứ hai ở Đại học Sài Gòn, cô bắt gặp được quyển Tân Ước trong thư viện trường đại học. Cô đi theo Chúa Giêsu Kitô và nhận ra Chúa có một dự án cho đời của cô. Năm 1997, cùng với chồng, cô thành lập Quỹ Quốc tế Kim ở Mỹ trong mục đích cung cấp thiết bị y khoa và trợ giúp về mặt tâm lý cho các trẻ em nạn nhân chiến tranh. Dần dần chương trình này được lan rộng và nhiều trung tâm khác đã được thành lập.
Trở lại và sức mạnh của tha thứChính nhờ việc trở lại Kitô giáo đã cho cô có sức mạnh để tha thứ. Bây giờ Kim Phúc đã 50 tuổi, cô sống cùng chồng, cũng người Việt Nam, và hai con trai Thomas và Stephen ở Toronto, Canada. Cô dành trọn đời mình để cổ động cho hòa bình, cung cấp thiết bị y khoa và hỗ trợ về mặt tâm lý cho các trẻ em nạn nhân chiến tranh ở các nước khác nhau như: Ouganda, Timor phương Đông, Rumania, Tadjikistan, Kenya, Ghana và Afghanistan. “Tha thứ đã giúp tôi thoát ra được hận thù, cô viết trong quyển tiểu sử của mình ‘Cô gái trong bức hình’ (The Girl in the Picture). Tôi còn rất nhiều sẹo trong cơ thể và vẫn còn những cơn đau rất nhiều gần như mỗi ngày, nhưng tâm hồn tôi đã được thanh tẩy. Bom napalm cực mạnh nhưng đức tin, tha thứ và tình yêu còn cực kỳ mạnh hơn. Chúng ta sẽ không bao giờ còn chiến tranh nếu mọi người học để sống với tình yêu đích thực, với hy vọng và với lòng tha thứ.” Nếu “cô gái trong bức hình” làm được thì chúng ta cũng tự hỏi: “Tôi không làm được như vậy sao?”
Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch

Trong cuộc sống có biết bao người có trái tim bao la cứu vớt những người cùng khổ. Câu chuyện trên đây cho ta thấy, nếu nhiếp ảnh gia Nick Ut không cứu cô bé tên Phúc thì liệu có được một cô Phúc gây quỹ quốc tế và làm bao việc thiện cứu giúp người khác ? Đó là tinh thần tha thứ và quảng đại mà cô Phúc đã tìm được nhờ niềm tin vào Chúa Giê su mà cô đã học được nơi Ngài. Xin mời Bạn cùng đọc tiếp Lời Chúa sau đây :

Thứ hai 04/7/2016 Tuần 14 TN
Phúc Âm: Mt 9:18-26.

18 Người còn đang nói với họ như thế, thì bỗng một vị thủ lãnh đến gần bái lạy Người và nói: "Con gái tôi vừa mới chết. Nhưng xin Ngài đến đặt tay lên cháu, là nó sẽ sống."
19 Đức Giê-su đứng dậy đi theo ông ấy, và các môn đệ cũng đi với Người.
20 Bỗng một người đàn bà bị băng huyết đã mười hai năm tiến đến phía sau Người và sờ vào tua áo của Người,
21 vì bà nghĩ bụng: "Tôi chỉ cần sờ được vào áo của Người thôi là sẽ được cứu!"
22 Đức Giê-su quay lại thấy bà thì nói: "Này con, cứ yên tâm, lòng tin của con đã cứu chữa con." Và ngay từ giờ ấy, bà được cứu chữa.
23 Đức Giê-su đến nhà viên thủ lãnh; thấy phường kèn và đám đông xôn xao, Người nói:
24 "Lui ra! Con bé có chết đâu, nó ngủ đấy!" Nhưng họ chế nhạo Người.
25 Khi đám đông bị đuổi ra rồi, thì Người đi vào, cầm lấy tay con bé, nó liền trỗi dậy.
26 Và tin ấy đồn ra khắp cả vùng.


Suy niệm :
Có chứng kiến, cảm nghiệm nỗi mất mát, đau buồn của người thân qua đời mới hiểu được giá trị của niềm tin vào sự Ohucj sinh của Chúa Giê su. Lúc ấy chỉ có niềm hy vọng vào sự sống lại của thân xác mới giúp chúng ta vượt qua được nỗi đau của sự chia ly.
Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đặc biệt quan tâm và chữa lành hai bệnh nhân "không sạch." Một người đàn bà bị băng huyết đã 12 năm, nhưng với một niềm tin vững mạnh tới và sờ vào tua áo của Chúa Giêsu. Ngài đã chữa lành bệnh tật cho bà. Một em bé đã chết, nhưng nhờ lòng tin của người cha, đã được Chúa Giêsu cho sống lại.


Tâm tình :
Lạy Chúa Giê su, nhiều khi trong cuộc đời con đã bị ma quỷ thống trị mà con không biết mà lại con cho đó là vị cứu tinh. Đó là mỗi khi khi con tin thày bói, tin vào cầu cơ, tin vào sự mách bảo người này giỏi người kia hay... mà không chạy đến kêu cầu Chúa. Lạy Chúa xin thức tỉnh lương tâm con, xin cho con dám trao cho Chúa cuộc đời con bằng niềm tin vững mạnh như của bà bị băng huyết, hay của vị thủ lãnh có đứa con mới chết để được Chúa cứu con như Chúa đã cứu họ. Amen

Không có nhận xét nào: