Năm 1943, cô Chi-a-ra Lu-bích (Chiara Lubich) đã khởi xướng phong trào Focolare với lý tưởng "Hiệp nhất tất cả mọi thành phần của Nhiệm Thể Chúa Kitô."
Chiara Lubich lúc ấy là một cô gái trẻ, vừa tròn 18 tuổi. Tuy nhiên, cô đã có một đời sống nội tâm sâu xa, yêu thích sống gần Thiên Chúa. Một lần nọ, mẹ cô sai cô đi mua sữa cho em, Cô vui vẻ làm công việc với tinh thần vui tươi, hăng hái. Trên đường đi, cô cảm thấy dường như đã tìm được ơn gọi của mình là hoạt động bác ái giữa những người cùng khổ. Lúc đó, cô đang điều khiển một nhóm Công giáo Tiến hành. Sau chuyến đi dự khoá hội thảo tại Lô-rét-tô (Loretto) Chiara Lubich đã quyết tâm theo Chúa bằng cách sống ba lời khuyên Phúc Âm: Khiết tịnh, Khó nghèo và Tuân phục.
Thế chiến thứ hai bùng nổ, Chiara Lubich vẫn còn ở lại Tren-tô để phục vụ các nạn nhân chiến tranh. Tình yêu của cô đối với tha nhân đã quyến rũ nhiều thiếu nữ khác cùng sống lý tưởng Bác ái Hiệp nhất, thấy Chúa trong tha nhân, nhất là trong những người bị đời bỏ rơi và xua đuổi...Và nếp sống ấy đã vượt ra khỏi ranh giới thành phố Tren-tô.
Vào một ngày nọ, giữa năm 1948, một thanh niên 20 tuổi, chuyên viên điện, đến sửa điện tại nhà các cô. Nghe các cô nói về Thiên Chúa và về kinh nghiệm sống, anh thích thú và muốn nghe mãi. Lúc xong việc, thay vì nhận tiền công, anh ta lại xin được trở thành một thành viên của Focolare, vì nghe thấy một tiếng thiêng liêng gọi anh sống đời sống đó. Rồi một kỹ sư nữa cũng đến xin gia nhập. Thế là "Tổ Nam" được thành hình. Trụ sở đầu tiên của tổ là một chỗ nuôi gà vịt được sửa lại. Ngày kia, có một linh mục đến gặp hai anh. Thấy hai anh sống trong chuồng gà, ngài chê là điên. Các anh trả lời: "Chúng con điên vì Tình yêu Thiên Chúa. Thiên Chúa cũng điên."
Ngày nay, phong trào đã bành trướng khắp thế giới. Năm 1977, chị Chiara Lubich được giải thưởng quốc tế Tắm-pồ-tần (Templeton) về tôn giáo trao tặng tại Luân đôn. Chị thường nói: "Chúng tôi lên tiếng để la lớn cho thế giới một lời: Thiên Chúa."
Trong cuộc đời, chẳng có luật nào là hoàn hảo, chẳng qua chỉ là luật bảo vệ cho cái tôi đầy ích kỷ, tham lam, không muốn ai hơn mình, và cái tôi bao giờ cũng phải nổi, phải lợi lộc cho bản thân, cho gia đình cao trên mọi người. Vì thế những gì cản trở con đường thăng tiến bản thân thì họ phải dẹp, nhân danh điều tốt để đè bẹp những gì có lợi cho người khác. Xin mời Bạn cùng đọc đoạn Lời Chúa sau đây :
Thứ hai 30/10/2017 - Tuần 30 TN
Lời Chúa : Lc 13, 10-17
Ngày sa bát kia, Đức Giêsu giảng dạy trong một Hội Đường. Ở đó, có một phụ nữ bị quỷ làm cho tàn tật đã mười tám năm. Lưng bà còng hẳn xuống và bà không thể nào đứng thẳng lên được. Trông thấy bà, Đức Giêsu gọi lại và bảo: “Này bà, bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền!” Rồi Người đặt tay trên bà, tức khắc bà đứng thẳng lên được và tôn vinh Thiên Chúa.
Ông trưởng hội đường tức tối vì Đức Giêsu đã chữa bệnh vào ngày sa-bát. Ông lên tiếng nói với đám đông rằng: “Đã có sáu ngày phải làm việc, thì đến mà xin chữa bệnh những ngày đó, đừng có đến vào ngày sa-bát !” Chúa đáp: “Những kẻ đạo đức kia! Thế ngày sa-bát, ai trong các ngươi lại không cởi dây, dắt bò lừa rời máng cỏ đi uống nước? Còn bà này, là con cháu ông Áp-ra-ham, bị Xa tan trói buộc đã mười tám năm nay, thì chẳng lẽ lại không được cởi xiềng xích đó trong ngày sa-bát sao? Nghe Người nói thế, tất cả những kẻ chống đối Người lấy làm xấu hổ, còn toàn thể đám đông thì vui mừng vì mọi việc hiển hách Người đã thực hiện.
Suy niệm :
Hôm nay Chúa Giêsu phải dừng chân ở một hội đường người Do Thái vì là ngày Sabbat. Tại hội đường người ta thường tập trung đông đủ và đó là môi trường thích hợp cho việc loan báo Tin mừng.
Trong các sách Tin mừng, ta thường thấy có những cuộc xung đột giữa lòng thương xót của Thiên Chúa với luật lệ của con người. Con người muốn dùng luật lệ của mình để hạn chế lòng nhân từ của Thiên Chúa, họ muốn quy định: Chúa không được chữa bệnh trong ngày này mà chỉ được chữa trong ngày kia.
Cụ thể hôm nay Chúa Giêsu đã chữa cho người đàn bà bị còng lưng 18 năm. Việc làm này của Chúa Giêsu đã bị ông Trưởng hội đường tức giận.Chúa Giêsu gọi ông Trưởng hội đường và những người có suy nghĩ giống ông là NHỮNG KẺ GIẢ HÌNH.
Giả hình vì :
Thứ nhất, nhân danh ý thức hệ:
Người ta nhân danh ngày sa-bát để tỏ ý không muốn Chúa Giê-su chữa bệnh cho người đàn bà: "Đã có sáu ngày để làm việc, thì đến mà xin chữa bệnh những ngày đó, đừng có đến vào ngày sa-bát!
Đức quốc xã nhân danh “dân tộc ưu tuyển” nên đã giết hàng triệu người Do Thái.
Xã hội nhân danh hạnh phúc nên đã cho phép phá thai, tiêu diệt hàng triệu trẻ em vô tội.
Chúng ta vịn lý nầy lẽ kia để không giúp đỡ một ai đó thì chúng ta đã cư xử thiếu tình thương.
Thứ hai, nhân danh tình thương:
Ai nhân danh tình thương thì sẽ luôn làm điều tốt và hữu ích.
Tình thương chỉ trong sáng khi tình thương bắt nguồn từ Thiên Chúa, nghĩa là khi chúng ta thật tình yêu mến Chúa, chúng ta mới nghĩ đúng và làm tốt.
Lạy Chúa Giê-su, ông trưởng hội đường nhân danh ngày sa-bát để ngăn Chúa Giê-su chữa bệnh, nước Đức nhân danh chủ nghĩa “dân tộc ưu tuyển” để rồi gây quá nhiều tai họa làm khổ con người. Xin Chúa giúp chúng con hiểu tình thương và sống tình thương, vì chỉ có tình thương mới đem lại hạnh phúc cho con người. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét