Chuyện kể rằng: có một Hạt Muối Bé chạy đến nói với Hạt Muối To: “Em đến chia tay chị nè, em sắp được hòa trong đại dương”. Hạt Muối To trố mắt: “Em dại quá, sao lại để đánh mất mình như thế. Em muốn thì em cứ làm, chị không điên!“. Hạt Muối To thu mình co quắp lại, nhất định không để biển hòa tan. Nó ngạo nghễ lên bờ, sống trong vuông muối và nhìn chúng bạn bé tí ti đầy khinh khỉnh. Vào mùa thu hoạch, diêm dân gạt nó ra ngoài, xếp vào loại phế phẩm, còn những hạt muối tinh trắng kia được đội lên đầu, hay bê bên lưng rồi đóng vào bao sạch đẹp...
Lần đầu tiên, Hạt Muối To thấy mình bị xúc phạm! Sau một thời gian lăn lóc hết xó chợ này đến xó chợ khác, cuối cùng người ta cho nó vào nồi cám heo. Lúc này, nó trộm nghĩ: Phải hóa thân phục vụ cho lũ heo dơ bẩn này ư? Rồi, lòng kiêu hãnh không cho phép nó “tế thân” cho lũ heo hạ tiện. Nó thu mình co cứng hơn mặc cho nước sôi trăm độ cũng không lấy được nó. Nhưng khi rửa máng heo, người ta phát hiện nó, và chẳng cần nghĩ suy, họ ném nó ra đường lộ. Người người qua lại đạp lên nó. Trời đổ mưa, Hạt Muối Bé - bây giờ là hạt mưa - gặp lại nó - Hạt Muối To mừng rỡ, ngạc nhiên: “Ôi chị Muối To của em, sao chị lại nằm trơ trốc một mình ở chốn này!”. Muối To sụt sùi kể: “Số kiếp của chị khổ lắm, tủi nhục lắm... huhu... còn em sống thế nào?”. “Tuyệt lắm chị ơi! - Muối Bé hí hửng - khi em hòa tan trong nước biển, em được bay lên trời, thỏa thích ngắm Trái đất trên cao, đẹp lắm. Sau đó, em thành mưa tưới mát cho Trái đất thêm xanh tươi. Chưa hết, em còn đi chu du nhiều nơi trên Trái đất trước khi về biển, chuẩn bị một hành trình tuyệt vời khác... Thôi em chào chị, em phải đi để sớm về với cội nguồn”. Nhìn Hạt Muối Bé hòa mình với dòng chảy, xa dần... bỗng dưng Hạt Muối To thèm khát cuộc sống như Muối Bé, muốn hòa tan, hòa mình... Nhưng... chao ôi, quá muộn rồi? Nó đã trở thành sỏi đá, mãi sống trong cô đơn, mãi bị người ta chà đạp!
Thưa anh chị em, Câu chuyện đón nhận và chối từ luân chuyển theo quy luật tự nhiên của hai Hạt Muối gợi cho chúng ta hiểu phần nào ý nghĩa của bài Tin mừng với dụ ngôn Tiệc Cưới mà chúng ta vừa lắng nghe. Để diễn tả hình ảnh Nước Trời, Chúa Giêsu đã kể dụ ngôn Tiệc Cưới với hình ảnh ông Vua tổ chức Tiệc Cưới cho Hoàng tử. Đây là một bữa tiệc đầy vinh dự. Khách được mời chắc hẳn là những ông hoàng, bà chúa, hay ít ra là những người giàu, những người có địa vị cao trong xã hội. Tuy nhiên, những người khách quý này đã tỏ ra khinh thường và hung dữ đối với các sứ giả nhà Vua sai đến mời mình. Không những họ từ chối lời mời mà còn nhục mạ và sát hại những người được nhà Vua phái đến. Qua dụ ngôn Tiệc cưới, Chúa Giêsu tỏ rõ cho người Do Thái biết rằng: họ chính là dân tộc được Thiên Chúa chọn làm dân riêng, là khách mời đặc biệt của bữa tiệc Nước Trời. Nhưng khi các Ngôn sứ và chính Chúa Giêsu đến loan báo ngày mở tiệc và mời gọi họ thì họ lại khước từ. Đó là một sự thật đầy chua xót mà Chúa Giêsu muốn nêu lên: Lời mời của Thiên Chúa bị dân Ngài từ chối. Đó là điều đã xảy ra trong dòng lịch sử dân Israel. Những người được mời lại không đến dự. Họ coi thường niềm vui và hạnh phúc mà Thiên Chúa đã chuẩn bị sẵn sàng cho mình. Chính vì thế, nhiều Ngôn sứ đã phải chịu đối xử tàn tệ vì đã dám quấy rầy họ theo lời mời gọi của TC. Cũng như Hạt Muối To, khi từ chối trở về với biển cả, đã trở nên cô đơn trong kiếp sỏi đá lạnh lẽo, thì dân Do thái sau khi chối từ lời mời gọi dự tiệc, thì bữa tiệc không còn dành riêng cho họ nữa mà được mở rộng cho tất cả mọi người, không loại trừ ai. Vì vậy, Tiệc Cưới mang tính phổ quát của ơn cứu độ. Ai cũng có thể trở thành khách quý sum vầy vui vẻ trong bữa tiệc Nước Trời nếu nhận ra tình thương Thiên Chúa dành cho mình mà đáp lời tham dự như Hạt Muối Nhỏ có được niềm vui khi chấp nhận hòa tan cùng biển cả. Tuy nhiên, không phải chỉ dân Do Thái ngày xưa mới thờ ơ, lãnh đạm, từ chối dự Tiệc Cưới Nước Trời, mà chính con người ngày nay cũng coi thường lời mời dự tiệc của Thiên Chúa trong niềm vui và hạnh phúc Nước Trời vĩnh cửu. Coi thường - bởi vì họ có nhiều mối bận tâm khác, mang lại lợi ích trước mắt, nhanh chóng hơn, nhưng cũng mau tàn hơn. Đó là những bận tâm về tiền bạc, danh vọng và quyền lực; đó là bận tâm về những bữa tiệc tự nhiên hơn là quan tâm đến bữa tiệc siêu nhiên. Vì mải mê với những mối lo toan tầm thường, mà họ đã “thả mồi bắt bóng” trước lời mời gọi yêu thương của Thiên Chúa, họ sẳn sàng chạy đến các tiệc vui để nhậu nhẹt ở nơi xa, nhưng lại thờ ơ, lãnh đạm và có khi chối từ tham dự bữa tiệc thịnh soạn ở ngay bên cạnh mà chính Chúa Giêsu đã yêu thương dọn sẵn để chờ mình.
Xin mời Bạn cùng đọc đoạn Tin Mừng sau đây :
Chúa Nhật 15/10/2017 - Tuần 28 TN
Tin Mừng Mt 22, 1-14
Khi ấy, Chúa Giêsu lại phán cùng các đầu mục tư tế và kỳ lão trong dân những dụ ngôn này rằng: “Nước trời giống như vua kia làm tiệc cưới cho hoàng tử. Vua sai đầy tớ đi gọi những người đã được mời dự tiệc cưới, nhưng họ không chịu đến. Vua lại sai các đầy tớ khác mà rằng: “Hãy nói cùng những người đã được mời rằng: Này ta đã dọn tiệc sẵn rồi, đã hạ bò và súc vật béo tốt rồi, mọi sự đã sẵn sàng: xin mời các ông đến dự tiệc cưới”. Những người ấy đã không đếm xỉa gì và bỏ đi: người thì đi thăm trại, người thì đi buôn bán; những người khác thì bắt đầy tớ vua mà nhục mạ và giết đi. Khi vua nghe biết, liền nổi cơn thịnh nộ, sai binh lính đi tru diệt bọn sát nhân đó, và thiêu huỷ thành phố của chúng. Bấy giờ vua nói với các đầy tớ rằng: “Tiệc cưới đã dọn sẵn sàng, nhưng những kẻ đã được mời không đáng dự. Vậy các ngươi hãy ra các ngả đường, gặp bất cứ ai, thì mời vào dự tiệc cưới”. Các đầy tớ liền đi ra đường, gặp ai bất luận tốt xấu, đều quy tụ lại và phòng cưới chật ních khách dự tiệc. Đoạn vua đi vào quan sát những người dự tiệc, và thấy ở đó một người không mặc y phục lễ cưới. Vua liền nói với người ấy rằng: “Này bạn, sao bạn vào đây mà lại không mặc y phục lễ cưới?” Người ấy lặng thinh. Bấy giờ vua truyền cho các đầy tớ rằng: “Trói tay chân nó lại, ném nó vào nơi tối tăm, ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng! Vì những kẻ được gọi thì nhiều, còn những kẻ được chọn thì ít”.
Đức Giêsu kể lại câu chuyện này, có lẽ một ít ngày trước cuộc khổ nạn của Người… trong tuần lễ cuối cùng của Người. Cái chết của Người đã được các thủ lãnh ở Giêrusalem quyết định trong bóng tối. Nhưng, chúng ta biết rõ không chỉ liên quan đến những người đồng thời của Đức Giêsu. Chính tôi… chính thế giới hiện nay…đang từ chối lời mời của Thiên Chúa. Sự mô tả tâm trạng sâu kín của những khách được mời ấy có tính thời sự nóng bỏng. Đức Giêsu mô tả hai hạng người: 1. những người “thờ ơ” với một sự lãnh đạm hầu như tự nhiên không có vẻ gì quan tâm đến việc mình được mời, và một cách rất đơn giản họ để cho công việc của họ cuốn họ đi… 2. và đến những người.”phản bác” họ từ chối lời mời một cách có ý thức và tham gia dùng bạo lực giết hại các đầy tớ.
Như thế Đức Giêsu mô tả cho chúng ta tình trạng của thế giới hiện đại một cách chính xác. Chỉ cần đưa ra một vài ví dụ xác đáng của ngày hôm nay dưới những từ ngữ của ngày xưa… “Làm thế nào mà các ông muốn tôi đi lễ? Tôi chỉ có một ngày Chúa nhật để chơi bóng đá và quần vợt. Đó là ngày mà tôi sẽ di du lịch. Đó lâu ngày mà tôi sửa chữa máy móc trong nhà. Tôi đã nhảy đầm cả buổi tối thứ bảy, làm thế nào mà các ông muốn tôi đi lễ ngày Chúa nhật… Và rồi, tôi còn có bài tập phải làm và các kỳ thi phải ôn thi…”. Thế đấy chúng ta đều bị xã hội tiêu thụ và chủ nghĩa duy vật ở xung quanh khống chế. Và chúng ta đều có nguy cơ cho Thiên Chúa đứng ở chỗ cuối. Biết bao âm thanh khác lấp mất những ‘lời’ kêu gọi của Người. “Hãy đến dự tiệc cưới của Ta?”. Và chúng ta không hề nghe thấy!
Tâm tình :
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết con, xin cho con biết Chúa. Xin cho con chỉ khao khát một mình Chúa, quên đi chính bản thân, yêu mến Chúa và làm mọi sự vì Chúa. Xin cho con biết tự hạ, biết tán dương Chúa và chỉ nghĩ đến Chúa. Ước gì con biết hãm mình và sống trong Chúa. Ước gì con biết nhận từ Chúa tất cả những gì xảy đến cho con và biết chọn theo chân Chúa luôn.
Xin đừng để điều gì quyến rũ con, ngoài Chúa.
Xin Chúa hãy nhìn con, để con yêu mến Chúa.
Xin Chúa hãy gọi con, để con được thấy Chúa.
Và để con hưởng nhan Chúa đời đời. Amen (Thánh Augustinô).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét